Tuesday, June 25, 2013

Thay đổi cơ chế đánh giá cán bộ nhà nước!

Tinh giản biên chế: Thay đổi cơ chế đánh giá cán bộ
TP - “Cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới”, là biện pháp mới nhất trong đề án tinh giản biên chế cán bộ công chức đang được Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ hoàn thiện trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Nếu được thông qua, đề án này sẽ được triển khai trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2014.
Tại hội nghị cho ý kiến về dự thảo tờ trình và dự thảo đề án sáng qua 24/6, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản cho hay, phạm vi điều chỉnh của đề án không dừng lại ở các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng và tổ chức chính trị xã hội như trước đây mà mở rộng đến công chức cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Lý do bởi lượng công chức cấp xã và viên chức đơn vị sự nghiệp công lập mấy năm qua tăng quá nhanh, nhất là từ sau năm 2003, thời điểm sau khi phân cấp cho HĐND được quyền ấn định số lượng biên chế ở địa phương.
Theo thống kê, trong số 7 triệu người ăn lương ngân sách, hiện có đến 2,2 triệu người là viên chức sự nghiệp và công chức xã phường. Đây là con số quá lớn so với gần 500.000 công chức hành chính hiện nay.
Luật Cán bộ công chức quy định cán bộ 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ nhưng đến nay chưa thấy ai bị xử lý vì quy định này.
“ Cơ chế đánh giá cán bộ hiện nay dễ dẫn đến tình trạng cấp trên có khi sợ cấp dưới. Người làm việc hiệu quả, có chính kiến lại dễ bị mất lòng. Còn người không làm gì, ngồi yên có khi lại được nhiều phiếu. Kết quả cuối năm đánh giá thường ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng tốt cả nên khó xác định và đưa được những người năng lực yếu kém ra khỏi bộ máy”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng đề án tinh giản biên chế Trần Anh Tuấn nói.
Vì vậy theo ông Tuấn, thay vì cấp dưới bỏ phiếu đánh giá cấp trên, trong đề án này sẽ thay đổi cách đánh giá cán bộ theo hướng cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới, tức người giao việc đánh giá hiệu quả công việc của người được giao.
Mặc dù vậy, ông Tuấn kết luận việc tinh giản biên chế không nên hiểu cơ học là giảm số biên chế mà mục tiêu cao nhất là nâng chất lượng công chức viên chức đi liền với việc cơ cấu lại đội ngũ này, đặt người đúng việc.
Theo ông Tuấn, những năm qua, mỗi lần đưa ra mục tiêu cụ thể là giảm số biên chế thì thực tế tổng biên chế vẫn cứ tăng. Lần này không đặt mục tiêu cụ thể là giảm bao nhiêu mà tinh thần là “Tinh giản để cơ cấu lại và cơ cấu lại để tinh giản. Đây là hai việc phải được thực hiện đồng bộ nhằm đạt được yêu cầu thực sự hiệu quả trong hoạt động của bộ máy Nhà nước”- ông Tuấn khẳng định.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Nội vụ cho biết tuần tới, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức tập huấn phương pháp xác định vị trí việc làm cho các bộ ngành và địa phương. Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng phải xác định vị trí việc làm trước, trên cơ sở đó mới có căn cứ xác định được số lượng biên chế tương ứng.
Bộ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai ngay để sớm chấm dứt tình trạng tăng biên chế không hợp lý và tăng không đúng chỗ, nơi rất thừa chỗ lại rất thiếu như hiện nay.
Ngân Hà- Hà Nhân

No comments:

Post a Comment