Monday, June 24, 2013

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giúp nhà đầu tư phá rừng hợp pháp và làm giàu từ rừng!???

Cập nhật lúc 14:18, 21/06/2013

Thủy điện nhỏ giúp nhà đầu tư phá rừng hợp pháp

(ĐVO) -  “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không lớn, nếu không muốn nói là nhỏ, lợi về kinh tế không nhiều, môi trường lại bị xâm hại, nhưng tại sao chủ đầu tư vẫn quyết làm và các cơ quan quản lý vẫn tạo điều kiện? Vậy thì chắc chắn phải có người được lợi”, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhìn nhận.


Mới đây, trong báo cáo của mình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) - là cơ quan có tiếng nói gần như quyết định để UNESCO xét công nhận danh hiệu Di sản thế giới, đã có đánh đề xuất: “Không công nhận khu vực đề cử của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới”, trong đó có lý do liên quan tới hai dự án nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Liên quan tới hai dự án thủy điện này, chúng tôi có trao đổi với GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam).
 
PV - Đơn vị tư vấn của UNESCO đã từ chối đề xuất VQG Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới, trong đó có lý do vì 2 dự án xây nhà máy thủy điện tại đây. Thưa ông, điều này có nghĩa là nếu làm nhà máy thủy điện thì dứt khoát sự suy giảm rừng và đa dạng sinh học sẽ xảy ra trầm trọng, tương tự  như chúng ta đã thấy ở thủy điện Sông Đà và các nhà máy thủy điện khắp miền Trung, Tây Nguyên? Từ thực tế ấy, tại sao chúng ta không thể rút ra bài học kinh nghiệm nào?
 
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Với cá nhân tôi, tôi không đồng tình với quan điểm làm 2 thủy điện này. 
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí. Ảnh: TTO.
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí. Ảnh: TTO.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ nguyên nhân VQG Cát Tiên bị IUCN đề nghị UNESCO không công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vì nhiều lý do, chứ không riêng gì thủy điện. Những lý do đó rất rõ ràng, như việc con tê giác một sừng duy nhất bị bắn chết thì làm sao giấu được ai, rồi hai cái dự án thủy điện trên nữa, mọi người điều biết cả.
Thủy điện đe dọa tới môi trường, chúng ta đã thấy từ nhiều dự án rồi chứ không phải bây giờ mới thấy, nên khi thực hiện các dự án thủy điện đều có quy định bắt buộc là phải có báo cáo tác động môi trường, khi được các cơ quan nhà nước thông qua mới được xây dựng.
 
Riêng với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong VQG Cát Tiên, hai dự án này sẽ xâm phạm trên 100 ha rừng đặc dụng của VQG Cát Tiên, cơ quan chủ quản là Bộ NN&PT-NT có quyền quyết định làm hay không, nhưng Bộ này lại chuyển trách nhiệm này sang Bộ TN&MT là đơn vị phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Và vừa rồi trả lời chất vấn Quốc hội Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang có nói là đang yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, bổ sung báo cáo, quyền quyết định có làm hay không là ở Quốc hội, vì dự án sử dụng trên 50ha đất rừng nguyên sinh.
 
Như vậy là đang có sự đùn đẩy trách nhiệm, nếu Bộ Tài nguyên không muốn cho làm sao phải cho chủ đầu tư sửa lại làm gì, sửa lại là để báo cáo được đúng để thông qua, giờ cũng đã sửa tới lần thứ 3 rồi.
 
Thông thường, khi đầu tư một dự án nào đó, người ta sẽ hướng tới một mục tiêu nhất định, để cân nhắc được và mất, có dự án được về kinh tế thì sẽ xâm hại tới môi trường, đấy là điều khó tránh. Nhưng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không phải thủy điện lớn, nếu không muốn nói là nhỏ, lợi về kinh tế không nhiều, môi trường lại bị xâm hại, nhưng tại sao chủ đầu tư vẫn quyết làm, và các cơ quan quản lý vẫn tạo điều kiện? Vậy thì chắc chắn phải có người được lợi, người ta phải có lợi ích gì đó từ nó thì mới quyết làm chứ.
 
PV - Có quan điểm cho rằng, tại Việt Nam người ta thi nhau làm thủy điện là để được phá rừng, chặt cây, ông nghĩ sao về quan điểm này?
 
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Khi làm kinh tế, hoặc dự án bất kỳ về kinh tế, người ta sẽ đặt ra vấn đề lợi ích của dự án mang lại... và dù có đạt được một mục đích nào đi nữa thì môi trường cũng bị xâm hại, đôi khi người ta chấp nhận sự đánh đổi vì mục đích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…
 
Và tất nhiên, khi các dự án thủy điện nhỏ và vừa đều do tư nhân đầu tư, người ta sẽ cân nhắc tới lợi ích của mình, họ sẽ được một điều gì đó ở các dự án này.
 
Tuy nhiên, những dự án thủy điện nhỏ thì lợi ích về mặt phát điện và bán điện là không nhiều, nhưng vẫn đầu tư, vậy thì người đầu tư sẽ có lợi ích khác từ những dự án này. Cũng không loại trừ việc đầu tư các dự án thủy điện này là để được khai thác lâm sản, chặt gỗ một cách hợp pháp.
 
Nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 nhìn từ trên đồi xuống với cánh rừng xanh bạt ngàn. Ảnh tư liệu.
Nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 nhìn từ trên đồi xuống với cánh rừng xanh bạt ngàn. Ảnh tư liệu.
PV - Nếu dừng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, liệu ta có cơ hội để VQG Cát Tiên trở thành di sản thiên nhiên thế giới?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Việc VQG Cát Tiên không được công nhận Di sản thiên nhiên, như đã nói nó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có thủy điện. Vấn đề là tầm nhìn và trách nhiệm quốc gia đối với những cam kết mà chúng ta đã và đang tham gia, như công ước đa dạng sinh học, công ước bảo tồn di sản...
 
PV - Vậy, theo ông, chúng ta phải làm gì để ước mơ di sản cho VQG Cát Tiên thành hiện thực?
 
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: UNESCO có 3 mức đánh giá: 1 là được công nhận, 2 là công nhận nhưng cần bổ sung và trả lời thêm những chi tiết chưa rõ trong hồ sơ đề cử, 3 là không công nhận mà trả hồ sơ, không nên đề cử thêm nữa.
 
Trong trường hợp VQG Cát Tiên chúng ta không nên cố, mà cố cũng không được công nhận nữa. Điều quan trọng là nếu quốc gia điều hành tốt, người dân thoải mái tham gia các quyết sách, có được lợi ích từ công tác bảo tồn, đa dạng sinh học được khôi phục và duy trì thì dù lúc này chưa được công nhận thì sau này người ta sẽ mời mình tham dự.
 
Chúng ta cần thay đổi tư duy và cách làm thể hiện tầm cao trí tuệ trong quá trình hội nhập, thay vì chạy theo danh hiệu mà vẫn sẵn sàng vi phạm, bất chấp những công ước mà mình đã cam kết.
 
PV - Xin cảm ơn ông!
 
UNESCO từ chối công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vì thủy điện
 
Mới đây, trong báo cáo của mình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) - là cơ quan có tiếng nói gần như quyết định để Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) xét công nhận danh hiệu di sản thế giới, đã có đánh giá: “Không công nhận khu vực đề cử của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới”
 
Lý do nêu tóm tắt là: “Khu vực đề cử không đáp ứng các tiêu chí trở thành di sản thế giới” và nhất là “không đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quản lý, bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn”. Trong đó có đề cập tới những nguy cơ tác động từ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A tới sự đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên.
 
“Phải có hành động chống lại các mối đe dọa chính như phát triển thủy điện…” IUCN kiến nghị trong văn bản bác bỏ đề cử VQG Cát Tiên thành Di sản thiên nhiên thế giới.

  • Lê Việt

No comments:

Post a Comment