Tuesday, June 25, 2013

Bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính mình.

Đầu tư cho bảo tồn là tự cứu mình



ThienNhien.Net – Như một chỉ thị môi trường, tình trạng suy giảm số lượng các loài chim trên thế giới thời gian gần đây cho thấy sự báo động về tình trạng xuống cấp của môi trường toàn cầu, đồng thời cũng cho thấy sự cần thiết phải đầu tư hơn nữa cho bảo tồn để cứu lấy chính Trái đất và tương lai của chúng ta.
Điều này được khẳng định trong báo cáo mới State of the world’s birds: indicators for our changing world (Tạm dịch là: Tình trạng các loài chim trên thế giới: sinh vật chỉ thị về một hành tinh đang biến đổi) mà Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International) mới công bố.
Chim là sinh vật có khả năng chỉ thị môi trường (Ảnh: BBC)
Theo báo cáo trên, bức tranh đa dạng sinh học của các loài chim đang tiếp tục xấu đi, một số loài có dấu hiệu suy giảm số lượng, một số khác đang trên đà tuyệt chủng… Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do môi trường sống bị xuống cấp hoặc phá hủy và do sự xuất hiện của các loài xâm lấn.
“Đóng vai trò sinh vật chỉ thị môi trường, tình trạng của các loài chim hiện nay rõ ràng đang cho thấy sức ép ngày càng lớn từ các hoạt động của con người lên đa dạng sinh học toàn cầu” – TS. Leon Bennun, Giám đốc Khoa học, Thông tin và Chính sách của BirdLife, cho biết.
Để thuận lợi cho công tác bảo tồn, BirdLife cùng các đối tác đã xác định hơn 12.000 khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng đối với loài chim (Important Bird and Biodiversity Areas – IBAs) với những bước tiến lớn gần đây về xác định IBAs trên biển.
IBAs là mạng lưới toàn cầu rộng lớn nhất bao gồm các khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học (không chỉ với loài chim) được xác định một cách có hệ thống, tuy nhiên hiện nay chỉ có 28%  diện tích của mạng lưới này nằm trong các khu bảo tồn.
Theo ước tính, để bảo vệ và quản lý hiệu quả tất cả các IBAs, mỗi năm thế giới cần tới 57,8 tỷ USD. Kết hợp với chi phí hành động để củng cố tình trạng các loài bị đe dọa, con số cần đầu tư sẽ là 80 tỷ USD/năm.
“Số tiền này nghe có vẻ lớn, song nếu đặt trong ngân sách của các chính phủ thì cũng chẳng nhiều nhặn gì, và thay vì bị coi là gánh nặng, chúng nên được nhìn nhận như những khoản đầu tư sinh lời”, TS. Stuart Butchart thuộc BirdLife khuyến nghị.
Ông Bennun cũng cho rằng đã đến lúc cần đầu tư thích đáng cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên vì một hành tinh khỏe mạnh và giàu có, đa dạng và tươi đẹp hơn.
Theo Thiên Thiên/Diễn đàn Đầu tư, 24/06/2013

No comments:

Post a Comment