Saturday, June 22, 2013

"Thủy điên" hại!

SCT-Đây thật là góc nhìn kinh tế thiển cận của "nhóm lợi ích" (nhóm cấu kết) chứ không phải góc nhìn thực tế như tựa đề của báo LĐ.

Theo lời của Theo PGS.TS Phan An, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Tp.HCM (báo Đời Sống và Pháp Luật, số 71, ngày 14/6/2013, trang 5).Vấn đề "thủy điên" (SCT đặt) đã trở thành bệnh nan y: "Mục đích của các chủ đầu tư là kiếm lợi. Vì vậy hễ nơi nào có nguồn điện là rừng bị chặt, sông bị ngăn, bất chấp những mối nguy hại đến môi trường sinh thái, và cuộc sống người dân".  

"Thủy điên" hại, ngoài những lời ru và đền bù tượng trưng thì dân lãnh đủ (Nguyễn Huỳnh Thuật, SCT)

Đồng Nai sông ký sự: Lợi hay hại - từ góc nhìn thực tế (kỳ 3)

Đồng Nai sông ký sự: Lợi hay hại - từ góc nhìn thực tế (kỳ 3)

(LĐ) - Số 141 - Thứ bảy 22/06/2013 08:26
    “Nếu Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà không được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản cho phép xây dựng dự án theo đúng quy hoạch đã được duyệt thì doanh nghiệp đã không dám bỏ vốn liếng và công sức để theo đuổi đến giờ này” - ông Bùi Pháp - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai - nói như một tiếng thở dài.
    Mặc dù như đã phân tích, theo sự phát triển kinh tế của đất nước và từng khu vực, sông Đồng Nai cũng đang phải gánh chịu nhiều hậu quả liên quan trực tiếp đến đời sống, môi trường. Câu chuyện đó đã và đang là vấn đề từ nhiều năm trước. Còn bây giờ, so sánh bài toán tiếp tục phát triển với giá trị còn lại để bảo tồn thì lại rất khập khiễng. Có những dự án thủy điện đã xây dựng từ trước, việc chuyển nước gây chết nhiều đoạn sông đã xảy ra. Tại đoạn chảy qua những khu công nghiệp lớn phía hạ du, dòng sông cũng đang từng ngày bị ô nhiễm từ việc xả thải của các nhà máy, khu dân cư. Còn khu vực trung lưu, bài toán cân nhắc giữ rừng lồ ô hoặc phát triển công nghiệp điện mà vị Bí thư Huyện ủy Cát Tiên tâm sự cũng khiến người ta không thể không bận tâm

    Rừng giàu chỉ còn 4ha?

    Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN 6, 6A) nằm ở trung lưu dòng chính sông Đồng Nai, đoạn rìa bắc khu Cát Lộc VQG Cát Tiên thuộc huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và cách khu Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú (Đồng Nai) 35km.

    Theo quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt năm 2002, thủy điện ĐN 6 có tổng công suất 180MW, sản lượng điện bình quân năm hơn 773 triệu kWh. Từ tháng 5.2007, báo cáo đầu tư đã xem xét nhiều vị trí tuyến và đề xuất chia bậc thang thủy điện ĐN 6 theo quy hoạch cũ thành hai bậc thang: ĐN 6 công suất 135MW và ĐN 6A công suất 106MW với tổng giá trị sản lượng điện khoảng 1 tỉ kWh/năm tạo giá trị gần 1.000 tỉ đồng/năm.

    Theo thống kê, các dự án thủy điện ĐN 6, 6A có tổng diện tích sử dụng đất là hơn 372ha, trong đó diện tích sử dụng lâu dài là hơn 323ha, tương đương tỉ lệ 1,34ha/MW là thấp nhất về mất đất rừng so với bình quân các dự án thủy điện trong cả nước. Liên quan đến VQG Cát Tiên; ĐN 6, 6A sử dụng 137ha đất khu Cát Lộc với trên 95% số diện tích là rừng nghèo, lồ ô và nương rẫy (theo đánh giá của Bộ NN&PTNT) dọc một đoạn sông Đồng Nai để hình thành nên một phần lòng hồ với khoảng cách từ mép sông hiện hữu đến mép hồ về phía khu Cát Lộc bình quân chỉ khoảng 53m; lớn nhất ở vị trí đập (ĐN 6 là 112m, ĐN 6A là 176m) và nhỏ dần đến phạm vi lòng sông cũ về phía thượng lưu. Khu vực ngập thêm của hồ chứa cũng là khu vực thường xuyên bị ngập tự nhiên về mùa lũ. Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng, hiện trạng diện tích đất và rừng khu vực các dự án này chỉ còn 4,32ha rừng giàu; tới hơn 80% là rừng nghèo, lồ ô; gần 24% số đất có gỗ và không có gỗ tái sinh, cây rừng phân tán…

    Huyện Cát Tiên có 19 dân tộc anh em chung sống với tỉ lệ hộ nghèo là 12,7%. Huyện có 42.000 dân sống phụ thuộc vào 27.000ha của VQG Cát Tiên, nhưng thực tế hiện tại chỉ có 8.000ha, còn lại là đồi trọc; do đó phát triển cây công nghiệp và trồng rừng là kinh tế chủ đạo vì đường sá, cơ sở hạ tầng không thuận lợi.

    Giữa lợi và hại

    Bí thư Huỳnh Văn Đẩu tâm sự: “Trước đây, huyện cũng có kế hoạch làm khu công nghiệp nhưng khi doanh nghiệp tới thì họ không đầu tư được vì cơ sở hạ tầng quá yếu kém, huyện lại ở vào ngõ cụt. Mùa lũ dữ của sông Đồng Nai, thậm chí sân huyện ủy còn chạy bo bo được. Nếu có thủy điện 6, 6A và các thủy điện đã có dù không cắt lũ được nhưng sẽ biến lũ bị động thành lũ chủ động - như vai trò của các thủy điện trên sông Đồng Nai đã có trước đây”.Thủy điện ĐN 6, 6A theo thiết kế đã bổ sung thì được xây dựng kiểu đập dâng, hồ chứa nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập và sử dụng tuabin loại Kaplan có thể phát điện ở lưu lượng thấp, sau khi phát điện nước được trả lại nguyên cho sông ngay sau đập, đồng thời có cống xả lũ nên không gây ra đoạn sông chết. Đây là điểm nổi trội được rút kinh nghiệm từ chính những công trình đã làm trên sông Đồng Nai.

    Ông Đẩu cho biết thêm, sau khi có quy hoạch thủy điện ĐN 6, 6A thì chúng tôi đã đón đầu và đưa ra bàn thảo nhiều tại HĐND huyện. Mục đích là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng giá trị công nghiệp lên bằng cách hướng tới công nghiệp điện, phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất gia công, chế biến gỗ từ rừng trồng… vì ở sau hai dự án này không có đất canh tác, người dân cũng không sống trong vùng quy hoạch. Như vậy, nếu thủy điện ĐN 6, 6A hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho huyện. Hai nữa, nếu hai dự án này dù chưa biết đầu tư bên nào (phía Lâm Đồng hay Bình Phước) nhưng thực tế người dân quanh vùng dự án sẽ được hưởng lợi, an sinh xã hội sẽ được giải quyết tốt.

    Một trong những lo ngại đã được đặt ra là việc xây dựng hai đập thủy điện sẽ ảnh hưởng tới các di tích và thay đổi văn hóa người bản địa. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo huyện Cát Tiên cho biết những di tích đã thám sát trên địa bàn huyện không hề bị ảnh hưởng từ việc hình thành thủy điện 6 và 6A do cách quá xa và cao; gồm có khu di chỉ khảo cổ học, khu di tích kháng chiến (đầu tư 100 tỉ). Còn khi nền kinh tế phát triển, có sự liên hệ giữa đồng bằng và miền núi thì tự văn hóa đã giao thoa rồi nên không làm cái thủy điện này thì nó cũng tự giao thoa tiếp.

    Việc đón đầu dự án hướng tới thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện Cát Tiên có thể được xem là một cách nhìn thực tế và hiệu quả. Bí thư Huỳnh Văn Đẩu khẳng định rằng đất rừng thuộc hai dự án trên đều là rừng nghèo (mặc dù thuộc VQG Cát Tiên); “mà giữ rừng cây bụi thì để làm gì?”. Có thể hình dung bài toán này và trong bối cảnh hiện nay bằng hình ảnh giữ rừng lồ ô hoặc tiếp tục phát triển công nghiệp điện.

    Theo tính toán sơ bộ của chuyên gia, tổng sản lượng điện hằng năm của hai thủy điện ĐN 6, 6A gần 1 tỉ kWh cho giá trị kinh tế thu về gần 1.000 tỉ đồng/năm, tính ra một ngày doanh nghiệp sẽ đóng ngân sách khoảng 884 triệu đồng qua thuế tài nguyên, VAT, phí môi trường rừng, thuế doanh nghiệp. Sản lượng điện này tương đương với 540.000 tấn than đá hoặc 270.000 tấn dầu mỗi năm để sản xuất nhiệt điện (thải ra 514.000 tấn khí CO2/năm). Cứ hình dung rằng, dùng nhà máy nhiệt điện để thay thế thủy điện ĐN 6, 6A theo đúng công suất như trong quy hoạch phát triển năng lượng điện thì mỗi ngày sẽ có khoảng 140 chuyến xe, mỗi xe 10 tấn than đá cho nhà máy “ăn” để sản xuất ra điện.

    “Quả bóng” cuối cùng?

    Sau 6 năm, hồ sơ dự án TĐ ĐN 6 và 6A đã đi qua “cửa” của nhiều bộ, ngành, địa phương, và như cách ví von thông tục, “quả bóng” bây giờ đang nằm trong “chân” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gần đây từ diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã thẳng thắn trả lời báo chí về quan điểm của bộ mình - PV), trước khi lên bàn Thủ tướng và Quốc hội. Trở lại với quan điểm phản biện về tác động môi tường trên hệ thống sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên, chúng tôi cho rằng có nhiều yếu tố đã thuộc về “trách nhiệm lịch sử” trải qua nhiều thập kỷ, tạo ra “bộ mặt” của hệ thống sông Đồng Nai như đã phân tích. Việc VQG Cát Tiên vừa bị loại ra khỏi danh sách đề cử Di sản thiên nhiên thế giới cũng hiển nhiên minh chứng cho điều này. Để khôi phục lại “nguyên thủy” chân dung của hệ thống sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên như Việt Nam và thế giới mong muốn cần có nhiều thời gian, tâm sức và tư duy, không thể một sớm một chiều.

    Hết sức rõ ràng và để chấm dứt tranh luận trong “vụ Đồng Nai 6”, yếu tố tiên quyết bây giờ là nhà đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tác động môi trường (được hợp đồng thực hiện bởi Viện Môi trường tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét. Cần thiết phải có thêm sự hội luận công khai, minh bạch và có tính khoa học đích thực với sự tham gia của đại diện chính thức các luồng ý kiến trái chiều trong sự cầm chịch của cơ quan đủ thẩm quyền, nhằm giải quyết minh bạch, rốt ráo vấn đề.

    Ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy huyện Cát Tiên: “Thực tế tại hai vị trí thủy điện ĐN 6, 6A hiện còn rất ít rừng giàu mà chủ yếu là rừng lồ ô, gỗ bằng lăng. Mấy cây gỗ đó bây giờ cho dân người ta cũng không thèm lấy vì nó không có chất lượng. Chính người dân, chính tụi tôi ở đây mới biết và lo lắng cho sự ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của mình nên hơn ai hết chúng tôi phải quan tâm”. Ông Điểu K Giá - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, địa phương nằm trong ảnh hưởng của thủy điện ĐN 6 - cho biết: “Toàn xã có 336 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, Xtiêng. Hiện xã có 108 hộ nghèo. Trước đây có cả rừng cẩm lai nhưng bị đốn gần hết cách đây đã mười năm rồi. Thú rừng quanh đây thì đã cạn kiệt hết rồi. Khu vực này đâu còn gì nữa. Xã Đồng Nai Thượng là một xã cụt, đường sá rất khó khăn. Nếu xây dựng đập thủy điện thì bà con có con đường mà đi, qua lại thăm nhau, hàng hóa được thông thương”.
    http://laodong.com.vn/Phong-su/Dong-Nai-song-ky-su-Loi-hay-hai-tu-goc-nhin-thuc-te-ky-3/122900.bld

    No comments:

    Post a Comment