Saturday, June 22, 2013

Việt Nam giàu hay nghèo?

Nước ta giàu hay nghèo?Tác giả tại một kỳ họp Quốc hội.

Nước ta giàu hay nghèo?

(LĐCT) - Số 25 - Thứ năm 20/06/2013 09:42
    Thấm thoắt mà đã 6 năm. Ấy là năm 2006, tôi được dự một cuộc sinh hoạt có ông cựu Thủ tướng Đức Gerhart Schroeder dự. Ông ấy kể rằng đây là lần thứ ba ông sang Việt Nam.
    Hai lần trước trong cương vị nguyên thủ một quốc gia chắc chắn là không nhỏ; lần này ông đến Việt Nam chỉ để làm tư vấn cho một hãng truyền thông của Đức đang muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Ông nói rằng, Việt Nam chắc chắn chưa phải là một nước lớn, nhưng ấn tượng của nó lại không nhỏ chút nào đối với thế hệ của ông, thế hệ phải bày tỏ thái độ đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông ủng hộ nhân dân Việt Nam. Tôi đã gặp nhiều người nước ngoài cũng có chung một quan điểm như ông cựu Thủ tướng Đức.

    Rồi tôi đọc trong sử sách, quan sát trong đời sống để tự soi xem nước mình “nhỏ hay lớn” ngay trong con mắt của những người Việt Nam. Tôi gặp vị Đại tướng đánh thắng “mấy đế quốc to” được ông chỉ giáo: Khi nào hằng ngày ta đau đáu nhìn vào thứ hạng nước mình trên các sắp hạng của thế giới, thấy biết ngượng, biết nhục vì biết mình còn nghèo nhưng không cam chịu hèn quyết chí làm giàu, tựa như thế hệ của ông khi còn trai trẻ hằng ngày đi ngang qua thành Cửa Bắc nhìn vết đạn của giặc ngoại xâm thấy nỗi nhục mất nước mà lên đường cứu nước thì ta mới lớn được...

    Rồi gặp anh bạn trẻ ở Bình Dương xây khu tâm linh đặt tên là “Đại Nam”... và ông bạn già ở Thái Bình lấy “Đại Việt” làm thương hiệu cho hãng bia của mình, cả hai đều cho rằng to hay nhỏ là do tâm thế, niềm tin và hành động của mình gắn với niềm tự hào về tổ tiên...

    Thế là tôi viết một bài báo nhỏ lấy đầu đề “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” (sau này cũng có người cật vấn vì sao không đặt tên cho bài viết là “lớn hay không lớn ?”)... Tờ báo của giới thanh niên đăng lên nhận được rất nhiều hồi âm rồi biến thành một cuộc thảo luận rộng rãi, rồi in thành sách có lời tựa của Chủ tịch Nước... Tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức của giới trẻ chuẩn bị một cuộc ra quân rầm rộ để biểu tỏ ý chí quyết tâm “không nhỏ” của mình. Thế rồi có người ở cương vị quan trọng đặt câu hỏi “ai làm nó nhỏ” rồi quy kết trách nhiệm thêm rắc rối. Thế là cuộc thảo luận trôi qua chỉ như một trải nghiệm đáng nhớ...

    Thời điểm này, sắp kết thúc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội bàn nhiều chuyện lớn, từ sửa Hiến pháp đến sửa luật cũ làm luật mới. Diễn đàn nóng lên với những con số nợ công, những con đập thuỷ điện rung rinh dọa dẫm, những thức để ăn không phân biệt nổi sạch hay độc, những khối lượng khổng lồ vàng nhập về đem ra đấu giá mà không rõ ai được hưởng lợi tựa như những dự án làm ăn kinh tế đầu tư rất nhiều tỷ bạc rồi mà chưa biết đến lúc nào có lãi; những giải pháp cứu cấp các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, hay sưởi ấm những bất động sản đang đóng băng bằng cách hạ cấp thành “nhà xã hội”; rồi những cảnh báo về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu đến mức môt mai nước ta không còn mũi Cà Mau?... Và cuối cùng là một cuộc lấy phiếu tín nhiệm chưa từng có tiền lệ không chỉ ở nước ta mà điểm sáng thấy ngay là nó được thực hiện công khai một cách kín đáo.

    Hai buổi thảo luận cuối cùng của kỳ họp này đề cập tới việc sửa đổi hai dự án luật được xã hội quan tâm: Đó là Luật Đất đai và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cho nên nó được truyền hình trực tiếp. Tại những cuộc thảo luận như thế này, càng ngày càng đông người đăng ký phát biểu và để đến lượt được trình bày quan điểm của mình không phải là dễ. Đó là điều đáng mừng. Ngồi nghe những điều mọi người nói và ngẫm lại những điều mình đang nghĩ, nhớ lại câu hỏi 6 năm trước bỗng dưng lại nẩy ra câu hỏi: thế thì “nước ta giàu hay nghèo?”.

    Nhớ lại 10 năm trước (2003), khi mới làm quen với sinh hoạt Quốc hội tôi đã được tham gia thảo luận sửa đổi Luật Đất đai sau 10 năm thực hiện (từ 1993). Hiểu biết về pháp luật còn sơ sài nhưng cảm quan của người làm sử khiến mình đưa ra nhận thức: Với Luật đất đai sửa đổi (2003), “quyền sở hữu toàn dân” chỉ là một “hư quyền”, “quyền sử dụng” thực sự và ngày càng trở nên một “thực quyền” (với lần bổ sung những quyền năng tiệm cận với sở hữu tư nhân), nhưng quan trọng hơn hết chính là “quyền đại diện” hay “quyền định đoạt” của bộ máy hành pháp (từ cơ sở lên cấp cao nhất) chính là một “đặc quyền”. Những yếu tố quyền lực ấy đựơc vận hành trong cơ chế của “tư duy nhiệm kỳ” và “tư duy dự án” hẳn sẽ mang lại những hệ quả vô lường.

    Gần một thập kỷ sau, chính các đồng nghiệp làm báo đã trích lại những điều ấy và tự mình thấy những gì xẩy ra rất gần với những dự báo ấy. Không ai không thấy những đổi thay bộ mặt của đất nước với sự tích tụ đất đai đủ để xây dựng những công trình hạ tầng hoành tráng, đủ sức cho sự vùng vẫy những ý tưởng táo bạo cho sự phát triển, hình thành những tầng lớp xã hội giàu có xênh xang những cơ ngơi, tiện nghi mà những người giàu ở những nước giàu cũng phải đắn đo khi mua sắm. Đất đai như cây đũa thần mang lại những giàu sang, may mắn thường thấy trong các câu chuyện cổ tích ngay trong thời hiện đại. Ngày nay có ai giàu mà không lấm lem đất cát?

    Nhưng cái mặt khuất của nó với những người nông dân mất đất, với sự vỡ vụn những cộng đồng làng xã nảy sinh những tệ nạn và vấn nạn xã hội và sự bất công hoàn toàn ngược với những giá trị đạo lý và lý tưởng cách mạng xã hội đối với một bộ phận nông dân luôn bị đứng ngoài lề của những thành quả Đổi mới. Và cái tột cùng của nghịch lý từ Luật Đất đai này chính là sự lãng phí đối với tài nguyên nguồn cội của quốc gia bởi những dự án treo, những vùng đất màu mỡ trở nên hoang hoá, những bờ xôi ruộng mật bị bê tông hoá mà không được sử dụng, những dự án hạ tầng tiêu tiền mà không thu hồi được vốn và những đại gia bất động sản phá sản vì bội thực đất v.v...

    Một sự cẩn trọng nhằm giải quyết một cách căn cơ trong ứng xử với đất đai từng là những bài học lịch sử vì nó có thể làm hưng thịnh hay suy tàn một chế độ. Tham gia thảo luận ở kỳ họp hôm nay, vấn đề chẳng mấy khác những điều đã cảnh báo từ mười năm trước. Và mười năm tới sẽ như thế nào tuỳ thuộc vào chính lần sửa đổi này. Đã có những tiếng nói nhắc nhở sự cẩn trọng đó vì sự giàu có nhờ đất đang phải trả giá đòi hỏi bằng chính sự quý trọng đối với đất đai như ông cha ta đã từng đối xử như với thần linh với Ông Địa ở vùng này, với Thổ Thần ở miền khác...

    Bàn tới Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, cho dù những dẫn chứng đưa ra mới chỉ động đến phần nổi của tảng băng lãng phí mà sự tổn hại của nó chắc chắn còn hơn cả tham nhũng. Tham nhũng có thể khu trú ở một số người có quyền và thất đức, nhưng lãng phí thì lại có thể phơi nhiễm vào bất kỳ ai và có thể tạo thành những tập tính mang tính xã hội. Có được một nếp sống tằn tiện lấy sự thanh bạch làm đạo đức là cả một quá trình tích luỹ lâu dài của ông cha ta nay đã gần như đã thất truyền trong nếp sống hiện đại.  

    Trị liệu căn tính lãng phí phải bắt đầu từ đầu não. Nói cách khác phải bắt đầu từ tính gương mẫu của những người lãnh đạo. Cụ Hồ là người nhận ra điều đó và luôn lấy lối sống của mình làm thông điệp chỉ để nhắc nhở rằng “dân ta còn nghèo, nước ta còn khó” và người lãnh đạo phải làm gương tiết kiệm tránh lãng phí cho dân noi theo.

    Đóng góp vào dự án sửa đổi luật này, tôi chỉ đề nghị thêm một dòng mở đầu cho văn bản luật. Đó là lời nhắc nhở “Nước ta mới thoát nghèo và còn nguy cơ tái nghèo” nên phải coi luật này là trọng.

    Có muôn vàn những dẫn chứng, nhưng có lẽ có một dẫn chứng dễ nhận thấy nhất dù vô cùng “nhạy cảm” vẫn phải nói đến. Đó là nước ta có một cơ chế chính trị khá hy hữu so với thiên hạ vì dường như là một quốc gia không có nguyên thủ. Điều này tôi đã có dịp phát biểu tại Quốc hội khi đến các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài không thấy treo ảnh ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay chỉ là một lãnh tụ, một nguyên thủ tinh thần. Hay nói cách khác, nước ta lại có quá nhiều nguyên thủ nếu tính đến những người đứng đầu của những thành phần cấu thành Nhà nước, ngoài đảng cầm quyền là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Mặt trận cũng nằm trong “bộ tứ” phải thưa gửi nhưng chưa bao giờ là nguyên thủ cả. Khách nước ngoài đến ta phải gặp tất cả mới đủ lễ. Và ta ra nước ngoài thì cả bốn vị đều phải đi chuyên cơ.

    Đây là câu chuyện cần nói khi bàn đến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ vì những chí phí quá lớn mà nó mang lại những hiệu ứng không như mong muốn. Tôi đã có lần được đi những chuyến bằng chuyên cơ thì thấy thật vô lý khi một nước còn nghèo, còn cần đến viện trợ, kể cả viện trợ nhân đạo của thiên hạ, cần đến ODA mà xài sang hơn cả nước giàu.

    Tôi đã từng được dự nghe một ông Phó Thủ tướng Italia khi tiếp Đoàn Quốc hội của ta đã có lời khen “toà lâu đài bay” hoành tráng của Việt Nam như một lời nhắc khéo bằng nét mặt ngạc nhiên vì sự sang trọng không hợp với hoàn cảnh quốc gia. Chúng ta đã chứng kiến việc ông vua của một nước không nghèo, một Thủ tướng nước tuy nhỏ mà rất giàu, những đại gia tỉ phú bạc thật sử dụng hàng không thương mại sang ta. Tại sao ta không học hỏi những cái hay của thiên hạ?

    Giả dụ, các vị lãnh đạo ấy cân nhắc việc đi lại bằng những phương tiện tiết kiệm cho công quỹ thì các cấp dưới sẽ thôi dám sắm xe quá ngưỡng và những người công chức cấp thấp hơn sẵn sàng đi lại bằng những phương tiện bình dân hơn. Công quỹ không chỉ bớt được các khoản chi để dùng vào việc có ích mà giá trị con người trong quan hệ xã hội không chỉ vin vào cái vỏ ít nhiều “lấm lem đất cát”.

    Nội dung viết ở đây chính là nội dung mà tôi tham gia thảo luận ở Quốc hội về hai bộ luật sửa đổi này, tuy nó không có cơ hội phát biểu thành lời trên diễn đàn nhưng nó đã được ghi thành văn tự gửi tới Quốc hội. Do vậy, nhà báo cứ yên tâm chuyển tải như một đóng góp vào kỳ họp quan trọng này.
    Dương Trung Quốc

    No comments:

    Post a Comment