Thursday, June 27, 2013

Thủy điện dòng chính Mê Kông: Sau Xayaburi là Don Sahong?



ThienNhien.Net – Thông tin mới nhất từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) cho biết, công việc chuẩn bị để xây dựng đập thủy điện Don Sahong – con đập thứ hai trên dòng chính Mê Kông sau Xayaburi – đang được xúc tiến khẩn trương, bất chấp quá trình tham vấn các quốc gia trong khu vực còn chưa được khởi động.
Đập Don Sahong với công suất thiết kế 256 MW nằm cách biên giới Lào-Campuchia gần 2 km, tại khu vực thác Khone, nơi dòng chính sông Mê Kông chia làm sáu nhánh và đổ xuống thành các thác nước trước khi chảy sang Campuchia.
Chuyến đi khảo sát tuần trước của IR tại khu vực dự kiến xây đập Don Sahong đã ghi nhận nhiều hoạt động chuẩn bị. Người dân địa phương cũng cho biết, đường dẫn tới đập và cầu đã được lên kế hoạch xây dựng vào năm sau.
Theo IR, trong hai tuần qua nhà đầu tư Malaysia – công ty Mega First Corporation Bhd – đã thuê người dân địa phương dựng mốc đánh dấu các địa điểm sẽ được trưng dụng tạm thời hoặc vĩnh viễn để xây cầu và đường vào đập.
Thêm vào đó, theo thông tin từ một bài báo đăng trên tờ Vientiane Times ngày 14/06, các nhánh sông đang bị chặn dòng ở gần khu vực dự kiến xây đập đã được khơi thông lòng dẫn và dỡ bỏ các bẫy đánh cá để tạo đường di cư cho cá.
Được biết, đất đá, cây cối và các dụng cụ đánh bắt cá đã được dỡ bỏ tại 3 nhánh sông, mặc dù người dân chưa được đền bù hoặc phục hồi sinh kế trước những thiệt hại nghiêm trọng do không được sử dụng “Ly”, một loại bẫy cá truyền thống có thể mang lại nguồn thu 6000 USD một năm cho các gia đình ngư dân.
Khu vực dự kiến xây đập Don Sahong (Ảnh: IR)
Khu vực dự kiến xây đập Don Sahong (Ảnh: IR)
Là một dự án được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, theo Hiệp định Mê Kông năm 1995, đập Don Sahong sẽ phải trải qua quy trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) với các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) để đạt được đồng thuận. Tuy nhiên trong khi quá trình này còn chưa được khởi động, các hoạt động tại khu vực dự kiến xây đập cùng các thỏa thuận song phương bí mật đang làm dấy lên lo ngại rằng con đập này sẽ lặp lại kịch bản của thủy điện Xayaburi.
Trước đó, với con đập Xayaburi, các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã bắt đầu thi công ở khu vực đập, ký thỏa thuận mua bán năng lượng và các hợp đồng tài chính với ngân hàng trong khi quá trình thảo luận vẫn đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên MRC.
“Rõ ràng là đập Don Sahong đang áp dụng đúng “lộ trình” của thủy điện Xayaburi khi triển khai một dự án bí mật và không tuân theo Hiệp định đã ký kết, phương hại tới hợp tác khu vực. Đáng buồn là những gì đang xảy ra ở thác Khone lại là biểu tượng cho sự thất bại của MRC trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đập Xayaburi”, bà Ame Trandem, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của IR bình luận.
Hơn nữa, hiện Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Đập Don Sahong vẫn chưa được công bố theo quy định của pháp luật Lào. Trong khi đó, từ rất sớm các chuyên gia đã cảnh báo về tác động xã hội và môi trường xuyên biên giới của dự án này.
Đập Don Sahong sẽ tạo nên một rào chắn giữa hai hòn đảo trên nhánh sông Hou Sahong, là nhánh duy nhất cá có thể di cư quanh năm trong khu vực thác Khone. Điều này đồng nghĩa với việc con đập sẽ đe dọa xu hướng di cư, thức ăn và sự sinh sản của nhiều loài cá, làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã nguy cấp của loài cá heo Irrawaddy.
Việc mất mát một lượng cá lớn chắc chắn sẽ tác động đến sinh kế và thương mại thủy sản tại Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và nền kinh tế của cả khu vực.
Ngoài ra, theo Đánh giá Môi trường Chiến lược của MRC, công ty Mega First cũng phải đào khoảng 1,9 triệu mét khối trầm tích từ lòng sông của nhánh Hou Sahong để xây dựng đập và cải thiện dòng chảy. Công việc đòi hỏi sử dụng chất nổ này chắc chắn sẽ có tác động tàn phá đối với môi trường sống của cá, hình thái của con sông và hệ sinh thái của nó.
Theo Nghiên cứu đánh giá khả thi Dự án năm 2009, con đập sẽ chuyển hướng dòng chảy trong mùa mưa vào nhánh Hou Sahong, gồm khoảng 60% tổng lưu lượng dòng chảy đến các nhánh của dòng Mê Kông và 9-10% tổng lưu lượng dòng chảy Mê Kông. Hậu quả là khoảng 10-12 triệu tấn phù sa mỗi năm sẽ được chuyển sang phía hồ chứa của đập.
Tháng 9 năm ngoái, IR cũng đã cáo buộc rằng Lào đang rục rịch chuẩn bị cho việc xây dựng đập Don Sahong, nhưng sau đó Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Bình luận về thông tin từ IR, TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt nam nói: “Việc công trình thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Kông đang được chủ đầu tư là một công ty Malaysia tích cực chuẩn bị để xây dựng trong khi quốc gia có công trình chưa thực hiện thông báo cho các quốc gia thành viên MRC là điều khó tin. Việc không tuân thủ các quy chế của MRC có thể là thách thức lớn cho hợp tác trong MRC và cho sự phát triển bền vững của lưu vực trong tương lai.”
Không giống như hầu hết các dự án thủy điện được các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng tại Lào, vốn thường được thiết kế để xuất khẩu điện sang Thái Lan, đập Don Sahong là một trong những con đập đầu tiên được lên kế hoạch sản xuất phục vụ nhu cầu năng lượng nội địa.
Tuy nhiên, những tác động về môi trường và xã hội từ con đập nằm trên dòng sông quốc tế này chắc chắn sẽ không chỉ nằm trong nội địa nước Lào.
Ngày 18/6 vừa qua, Liên Minh Cứu sông Mê Kông đã gửi thư tới các đối tác phát triển MRC bày tỏ lo ngại rằng dòng sông Mê Kông đang bị chuyển đổi thành một loại hàng hóa để bán cho các chủ thể tư nhân và gây thiệt hại cho hàng triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông. Liên minh cũng bày tỏ sự thất vọng về vai trò của MRC trong việc duy trì một tương lai bền vững cho dòng sông Mê Kông. Từ đó, Liên Minh đã gửi đến các đối tác phát triển của MRC 6 đề xuất:
1. Công bố thông tin về phát triển đập dòng chính Mê Kông: Yêu cầu các chính phủ Mê Kông lập tức công bố tình trạng của mỗi con đập trên dòng chính sông Mê Kông, đặc biệt là đập Don Sahong.
2. Giám sát đập Xayaburi một cách minh bạch và độc lập: Trong hơn một năm qua chính phủ Lào đã tuyên bố rằng thiết kế mới của đập sẽ giải tỏa quan ngại của các nước láng giềng, song đến nay có rất ít chi tiết về bản thiết kế mới được công bố. Tình trạng hiện tại của con đập và các tác động của con đập đối với người dân địa phương cũng ít khi được tiết lộ.
3. Giám sát chặt chẽ Thủy điện Hạ Sesan 2 vì những tác động đáng kể đối với người dân khu vực Mê Kông đặc biệt sự suy giảm nguồn thủy sản và phù sa, de dọa an ninh lương thực trong khu vực.
4. Đảm bảo rằng các quyết định về tương lai của dòng Mê Kông sẽ được thực hiện trên cơ sở khoa học: Đảm bảo rằng tất cả các nghiên cứu được khuyến cáo trong phụ lục của Bản Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010 của MRC đang được thực hiện.
5. Làm rõ mối liên hệ giữa việc tài trợ cho MRC và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS): việc các đối tác phát triển MRC tài trợ cho ADB GMS sẽ thúc đẩy sự phát triển thủy điện trong khu vực, các đối tác phát triển MRC vì vậy nên xem xét các ảnh hưởng từ mạng lưới điện năng GMS đối với nhiệm vụ và cương lĩnh của MRC, đặc biệt là trong mối liên hệ với các dự án dòng chính Mê Kông.
6. Thúc đẩy các công ty của chính các quốc gia là đối tác phát triển của MRC để họ hoạt động một cách có trách nhiệm trong các dự án đầu tư vào lưu vực sông Mê Kông.

Theo Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư, 27/06/2013


No comments:

Post a Comment