Tổng cục Lâm nghiệp: ’Chắc chắn không có chuyện phá rừng’
25/06/2013
ThienNhien.Net - Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: Không có chuyện doanh nghiệp lợi dụng các dự án thủy điện, trồng cây công nghiệp trên đất rừng để khai thác gỗ, chặt phá rừng.
Trong loạt bài viết khởi đăng từ ngày 17/06/2013, chúng tôi đã gửi tới độc giả loạt bài viết về mục đích thật sự của các dự án thủy điện nhỏ, các dự án chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp, với các đánh giá của chuyên gia thủy lợi, môi trường mục đích đó là hợp thức hóa việc khai thác gỗ, tận thu rừng vì lợi ích trước mắt, nên dẫn tới tình trạng vỡ đập thủy điện, nhiều vùng trồng cây công nghiệp không mang lại hiệu quả…
Để rộng đường dư luận, chiều 25/6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Chí Công, Vụ trưởng Vụ Sử dụng rừng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về nội dung trên.
– Thưa ông, một số chuyên gia môi trường nói rằng, các chủ đầu tư làm thủy điện, trồng cây công nghiệp trên đất rừng mục đích chính là để được phá rừng, theo ông có hay không thực tế đó?
Ông Cao Chí Công: Theo báo cáo chính thức của Bộ NN&PTNT, từ năm 2006 tới 2012 có khoảng 20.000 ha rừng và đất rừng được các cơ quan có thẩm quyền chuyển mục đích sang xây dựng thủy điện. Còn thông tin anh nói thì tôi cũng không theo dõi các địa phương nên cũng không rõ có phá rừng hay không, tôi không biết.
– Vậy có hay không việc chủ đầu tư chỉ được cấp phép ít nhưng lợi dụng khai thác nhiều, chẳng hạn được phép tận thu 200 ha rừng ở lòng hồ, nhưng lại lợi dụng chặt phá lên hơn con số được phép đó?
Ông Cao Chí Công: Không bao giờ có chuyện đó đâu.
- Cuối năm 2011, Công an Nghệ An phát hiện một số đối tượng lợi dụng giấy phép tận thu gỗ trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ thuộc xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An để khai thác gỗ trên mốc cho phép, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, ông có nắm được thông tin về những vụ việc tương tự như vậy không?
Ông Cao Chí Công: Không, tôi không nắm được thông tin đó, tôi làm ở cấp tham mưu, cũng chỉ có số liệu ở các địa phương báo cáo lên và tổng hợp, giờ lãnh đạo Bộ cũng đã ký. Cũng chỉ có số liệu đó (diện tích rừng, đất rừng chuyển mục đích sang làm thủy điện – PV) nếu anh cần tôi sẽ cung cấp văn bản đó.
- Các chuyên gia môi trường nói thẳng ra rằng, các chủ đầu tư làm dự án cũng chỉ mục đích là được khai thác rừng, ông nghĩ sao về những ý kiến đó?
Ông Cao Chí Công: Tôi nghĩ chắc chắn là không có đâu, vì giờ dự án đầu tư quan trọng phải qua nhiều cấp, nhiều ngành, chuyện chuyển mục đích sử dụng rừng có phải dễ đâu.
Làm rất chặt chẽ về quy trình lâm nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đánh giá tác động môi trường, tất cả đều bài bản, chứ không phải phá rừng là mục đích đâu, làm gì có chuyện đó. Đấy là thông tin không chính thức.
- Vừa rồi Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) có nói việc Hoàng Anh Gia Lai lợi dụng các dự án trồng cây công nghiệp để chặt phá rừng ở Lào và Campuchia, vậy có hay không tình trạng tương tự ở khu vực Tây Nguyên của nước ta?
Ông Cao Chí Công: Giờ mình phải theo thông báo chính thức của Chính phủ Lào và Campuchia, chứ cũng không biết mà suy đoán thế nào, vụ việc cũng đã có thông báo chính thức rồi.
Còn Tây Nguyên thì chắc chắn không có những trường hợp nào như vậy đâu.
- Vậy còn việc giám sát của Vụ và Tổng Cục với chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, trồng cây công nghiệp về việc tận thu gỗ trong khu vực dự án được thực hiện ra sao?
Ông Cao Chí Công: Chúng tôi không giám sát, mà UBND các tỉnh (nơi có dự án – PV) có trách nhiệm giám sát, còn ngoài Bộ sao giám sát hết được.
– Xin cảm ơn ông!
Về phía Kiểm lâm, ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Cái đấy (khai thác gỗ tại các dự án thủy điện và trồng cây công nghiệp – PV) không phải lĩnh vực mà chúng tôi theo dõi, tốt nhất nên hỏi bên Tổng Cục lâm nghiệp, vì cái đấy là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thuộc thẩm quyền của Vụ Sử dụng rừng, còn nếu là trong khu rừng đặc dụng thì đấy là Vụ Bảo tồn thiên nhiên”.“Chúng tôi không có thẩm quyền về việc này và cũng không nắm đầy đủ thông tin”, ông Dũng khẳng định lại. |
No comments:
Post a Comment