Wednesday, June 26, 2013

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khiến dân vùng hạ lưu mất nhiều tỷ/năm.

Thủy điện sông Mê Kông khiến Việt Nam mất 1 tỉ USD/năm

Ước tính mỗi năm các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiệt hại về kinh tế cho người dân sống hai bên lưu vực sông khoảng 500 triệu đô la Mỹ. Còn nếu 19 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông xây dựng xong thì thiệt hại sẽ không thể xác định được.
Còn với Việt Nam, giới chuyên môn đánh giá do nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn, chưa thể lường trước từ các dự án thủy điện ở thượng nguồn: thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu; xâm nhập mặn nghiêm trọng; suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm; tổn hại nguồn lợi thủy sản từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD mỗi năm.

Các đập thủy điện khiến cho tổn hại nguồn lợi thủy sản ước tính từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD mỗi năm.
Những lo ngại này liên tục được nhắc tới trên các diễn đàn và mới đây Diễn đàn Mê Kông và đập thủy điện trên ba sông Sesan, Srepok và Sekong (3S) do Tổ chức phi chính phủ TERRA và Tổ chức Sông ngòi thế giới tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động môi trường một lần nữa nhấn mạnh thông điệp làm sao cứu được dòng sông Mê Kông trước hàng loạt đập thủy điện.
Hiện có 19 đập thủy điện đã và nằm trong kế hoạch xây dựng trên sông chính Mê Kông, trong đó, 8 cái ở Trung Quốc với 5 đập đã đi vào hoạt động và 3 đập đang có kế hoạch xây dựng, 9 cái tại Lào và 2 cái ở địa phận Campuchia đang nằm trong dự án sẽ xây dựng của Chính phủ. Đó là chưa kể, hàng chục thủy điện lớn nhỏ tại các nhánh sông của sông Mê Kông.
Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, hàng loạt đập thủy điện đã được xây dựng và đang có kế hoạch xây dựng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 60 triệu người dân sống ở đây; trong đó, 80% phụ thuộc trực tiếp vào sông vì lương thực và sinh kế của mình.
Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho rằng, việc các chính phủ, người dân cần có chiến lược để cứu các dòng sông trên sông Mê Kông là một cách để bảo tồn những giá trị văn hóa hai bên dòng sông vốn tồn tại hàng trăm năm nay.
Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, sông Mê Kông hiện có khoảng gần 1.000 loài cá, trong đó một phần ba các loài có đời sống di chuyển khoảng 1.000 km để kiếm ăn và sinh sản. Ở một số vùng, vào mùa sinh sản lượng cá di chuyển có thể lên đến 3 triệu con mỗi giờ, khiến sông Mê Kông trở thành vùng di cư lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, nghiên cứu mới đây của Ủy hội sông Mê Kông về đánh giá môi trường chiến lược của các đập thủy điện trên sông Mê Kông cho biết, hệ thống các đập thủy điện đã khiến các dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông trở thành các hồ chứa nước tù đọng. Sự xuất hiện của các đập thủy điện đã ngăn chặn sự di cư của các loài cá cũng như làm thay đổi môi trường tự nhiên của chúng.
Qua kết quả nghiên cứu này, Ủy hội sông Mê Kông cho rằng, từ những ảnh hưởng nêu trên đã khiến lượng cá trên sông Mê Kông đã suy giảm 26-42%, dẫn đến thiệt hại khoảng 500 triệu đô la Mỹ/năm. Ngoài ra, có khoảng hơn 100 loài cá đứng trươc nguy cơ tuyệt chủng và an ninh lương thực của khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể hàng triệu người sẽ phải hứng chịu các tác động lên nguồn lương thực, thu nhập và lối sống.
Cũng theo đánh giá này, nếu tất cả các đập thủy điện được xây dựng trên sông Mê Kông thì chất dinh dưỡng, trầm tích đổ vào ĐBSCL chỉ còn khoảng 25%, tức là giảm 75% dinh dưỡng, trầm tích so với trước đây và qua đó, gián tiếp ảnh hưởng đến vựa lúa và nông sản của Việt Nam. Như vậy, một khi vựa lúa ĐBSCL bị ảnh hưởng thì gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới vì 90% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam là từ ĐBSCL.
Trước đó TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cũng nhiều lần lên tiếng về các con đập ngăn dòng trên sông Mê Kông.
Theo TS Tứ, việc 12 đập đã được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông là đập dâng, dung tích từ 200 triệu đến 2 tỉ mét khối nước/đập, sẽ tác động rất lớn đến an ninh lượng thực, an ninh nguồn nước và an ninh xã hội của 18 triệu dân vùng ĐBSCL”.

Ông Tứ cũng cho biết ở thượng nguồn sông Mekong, đến năm 2040, Trung Quốc sẽ xây dựng 15 đập thủy điện lớn và đã đưa vào hoạt động 4 đập, trong khi Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).
“Có thể nói Trung Quốc hoàn toàn chủ động sử dụng và chi phối đối với các bậc thang thủy điện ở hạ lưu vực”.

TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh và kiến nghị: “Là quốc gia cuối nguồn, chịu tác động mạnh từ thượng lưu, Việt Nam cần có đối sách hợp lý và kiên định mới bảo đảm được sự phát triển của ĐBSCL trong tương lai”.
Sở dĩ cần phải có những động thái như vậy là vì Mekong là 1 trong 10 con sông lớn nhất thế giới; nơi cung cấp gạo lớn nhất thế giới; có nguồn cá và đa dạng sinh học lớn thứ hai thế giới; có tải lượng phù sa thứ sáu trên thế giới (160 triệu tấn/năm) và là vùng đất có đa dạng văn hóa nhất trên thế giới.
Nguồn: dantri.com.vn

Tham khảo:
http://vrn.org.vn/vi/h/d/2013/04/673/Lap_song_Nam_Na_de_mo_duong_-_su_tan_doc_vo_bien!/index.html
http://www.baodongnai.com.vn/phongsukysu/201306/muu-sinh-tren-dong-dong-nai-2245388/

No comments:

Post a Comment