Sông Đồng Nai có liên quan và tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội - môi trường của 11 tỉnh thành, trong đó có TPHCM. Đặc biệt, sông Đồng Nai cung cấp một lượng nước thô rất lớn để nhà máy xử lý và đưa về phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của hàng triệu người dân TP.
Nhiều năm qua, người dân sống dọc dòng sông đã “kêu” không biết bao nhiêu lần, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc… nhưng kết quả thu được vẫn còn hạn chế. Theo kết quả kiểm định mới nhất của các nhà khoa học, dòng sông Đồng Nai vẫn tiếp tục bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong những năm qua, một số nhà máy, phân xưởng sản xuất nằm dọc con sông này đã được xử lý, di dời. Nhưng đây đó vẫn có những phân xưởng mới, nhà máy mới mọc lên, tiếp tục xả thải. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, mỗi ngày các đô thị, khu dân cư dọc dòng sông thải ra hàng triệu mét khối nước thải. Chưa dừng lại ở đó, với tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn như hiện nay, lượng nước thải sinh hoạt sẽ còn tăng lên rất nhanh trong những năm sắp tới. Do đó, nếu không có cơ chế quản lý phù hợp, sông Đồng Nai sẽ còn gánh chịu một lượng nước thải chưa qua xử lý cực lớn.
Cảnh báo của các nhà khoa học về sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng trên sông Đồng Nai là hoàn toàn chính xác và cấp thiết. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải từng bước giảm dần sự ô nhiễm, tiến tới kiểm soát và trả lại cho dòng sông quan trọng này môi trường trong lành vốn có.
Ủy ban Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được thành lập, các cam kết chung cũng đã được ký, nhiều cuộc họp đã diễn ra… Song, đến nay, diễn biến thực tế về tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai vẫn gây nhiều lo ngại. Có ý kiến cho rằng, mặc dù có sự phối hợp giữa các tỉnh thành với nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm nhưng dường như chưa đủ mạnh để giải quyết dứt điểm các vấn đề gây bức xúc. Đó là chưa kể, có thể một số địa phương, vì lợi ích cục bộ, chưa thật sự tích cực trong việc xử lý các cơ sở, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Về mặt cơ chế, hiện nay các tỉnh thành có liên quan đến sông Đồng Nai chủ yếu phối hợp thực hiện các mục tiêu, cam kết. Điều đó cũng có nghĩa là về phương thức hoạt động, các địa phương chủ yếu dựa vào sự tự giác, tự vận hành bộ máy để thực hiện các mục tiêu đề ra. Bên cạnh những mặt tích cực, có ý kiến cho rằng điều đó khiến sự vận hành của bộ máy khó tránh khỏi sự thiếu nhất quán, động lực bị triệt tiêu dẫn đến kết quả thu được hạn chế. Do đó, yêu cầu bức thiết là phải có sự chỉ huy thống nhất, phương thức phối hợp phải được chuyển thành thực thi để nâng cao hiệu quả bảo vệ chất lượng nước sông Đồng Nai.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nhưng, lâu nay mỗi tỉnh thành đều có chiến lược phát triển riêng nên không tránh khỏi sự chồng chéo, phát triển thiếu đồng bộ. Bước đầu, giữa một số tỉnh thành đã có sự phối hợp nhưng vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra sự phát triển tổng hợp.
Thực tế cho thấy, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có một “tư lệnh vùng” với đầy đủ quyền hạn, chức năng để điều phối các tỉnh, thành trong khu vực nhằm hoạch định và triển khai chiến lược phát triển một cách hài hòa, hiệu quả. Sự chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt mang tính khu vực cũng góp phần tạo ra sức mạnh tổng thể của một quốc gia, tránh được tình trạng phát triển manh mún, chồng chéo.
Trong tương lai, nếu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sớm thực hiện cơ chế “tư lệnh vùng” sẽ tạo ra sự phát triển đồng bộ, tăng cường sự gắn kết giữa các tỉnh thành trong khu vực. Đặc biệt, việc bảo vệ môi trường sông Đồng Nai sẽ có những chuyển biến tích cực nhờ việc thực hiện cơ chế chỉ huy xuyên suốt, thống nhất mang tầm khu vực.
TÔ NGUYỄN
No comments:
Post a Comment