Saturday, June 29, 2013

Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống của chính ta.

Trên cùng một dòng sông... (30/05/2011)
Nước được xem là một tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của con người. Tuy nhiên Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh đã bộc lộ những thách thức to lớn cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
 

Sự tham gia của cộng đồng trong việc
bảo vệ sông ngòi là điều vô cùng cần thiết
 
 1. Nhìn vào những con số mới nhất vừa được Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) công bố mới thấy sự loay hoay của người dân và cơ quan quản lý trong nỗ lực chung tay bảo vệ sông ngòi Việt Nam. PanNature cho rằng, chỉ 30% những phản hồi bức xúc của người dân với cơ quan quản lý về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi, trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi. Như vậy, những vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước, suy giảm nguồn lợi thủy sản hay sạt lở bờ sông ... có lẽ không đáng báo động bằng vấn đề nhận thức trách nhiệm. Liên tục những hội thảo về nước và sự phát triển bền vững luôn được các cơ quan, hội, trung tâm nghiên cứu... tổ chức, cập nhật. Nhưng những nỗ lực này dường như vẫn chưa "thấm" được là bao tới cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương- những người sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
 
2. Việt Nam có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển. Những con sông rộng dài hơn 10.000 km2 như sông Hồng, Thái Bình, Mã, Thu Bồn, Mê Kông...cho đến những con sông hơn 2000km2 như sông Gianh, Cầu, Trà Khúc, Krông Ana... Những con sông dài rộng mang đến nguồn tài nguyên quý giá. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ, tất cả những dòng sông này đều có các đập dâng, hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện… Bao nhiêu thác đẹp đều bị ngập chìm dưới các hồ chứa như Thác Bà, Thác Bờ, Ialy hay không còn nước như thác Gia Long...Sông ngòi Việt Nam đang suy thoái và liệu chúng ta có đứng trước nguy cơ khủng hoảng nước? Câu hỏi nhức nhối này đã được cộng đồng sông ngòi Quốc tế trả lời: Vấn đề hàng đầu là ở quản lý điều hành tốt hay không tốt chứ không phải ở tài nguyên đủ hay thiếu! Bởi nếu phân tích về những lý do suy thoái sông ngòi, chúng ta sẽ lý giải được điều này. Đó là chất thải từ các nhà máy, làng nghề, bệnh viện… trực tiếp xả nước ra sông chưa qua xử lý. Nếu khối lượng xả ít thì gây ô nhiễm từng khúc sông như đoạn Lâm Thao – Việt Trì do các khu công nghiệp nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy phốt phát Lâm Thao; sông Hương với nhà máy bia Huda, chợ Đông Ba, làng chài vạn đò; sông Trà Khúc với nhà máy đường Quảng Ngãi. Nếu khối lượng xả nhiều thì gây ô nhiễm cả sông như Thị Vải, hay hạ lưu sông Cầu. Sông ngòi bị suy thoái còn là do bịt cửa vào để khai thác nông nghiệp và phân lũ khi cần thiết: sông Đáy – sông Nhuệ là một ví dụ. Sau khi đập Đáy hoàn thành, sông Đáy hiện đã là một con sông già, thoái hóa. Ngoài ra, việc chia sẻ nguồn nước, khai thác thuỷ lợi bằng đập dâng, xây dựng nhiều bậc thang thuỷ điện trên một hệ thống sông, khai thác cát gây xói lở bờ sông…cũng là những nguyên nhân gây suy thoái hệ thống sông ngòi Việt Nam.
 
3. Tất cả các dòng sông đều đang bị "xâm hại", báo chí vào cuộc. PanNature đã thống kê, từ năm 2006 – 2010, số lượng các bài báo phản ánh trên báo chí về các vụ việc liên quan đến sông ngòi tăng gấp đôi. Cùng lúc đó 87% hộ dân (trong số 1.300 hộ dân tại chín xã, ba tỉnh thành tại các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông La, sông Vu Gia, sông Thu Bồn) cũng cho rằng, chất lượng nước đã ô nhiễm, trong đó nguyên nhân chính đến từ các khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, thuỷ điện, ngăn đập… Gần 100% người dân được hỏi cho biết nước bị ô nhiễm khiến nguồn cá suy giảm, 61% đồng tình với việc những nguồn lợi từ nước ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên mức độ tham gia của cộng đồng trong bảo vệ sông ngòi là vô cùng thấp. Có đến 82% người dân khi được hỏi không hề tham gia vào một hoạt động bảo vệ sông ngòi nào ở địa phương. Người dân dường như đã "đứng ngoài" những đợt tuyên truyền rầm rộ, những phát động mang tính quy mô, bền vững? Họ biết vì sao sông ô nhiễm nhưng họ lại không biết, không tham gia vào các hoạt động bảo vệ sông ngòi nào ở địa phương mình. Và vì thế, sự phản ảnh của người dân khi phát hiện các hành vi gây tổn hại đến dòng sông lên chính quyền địa phương là rất ít. Nhưng đáng buồn hơn cả là phần lớn những phản ảnh này lại không nhận được sự phản hồi và giải quyết thấu đáo.
 
4. Hiện nay Việt Nam có hai hình thức tổ chức lưu vực sông là ban quản lý quy hoạch lưu vực sông: Hồng – Thái Bình, Đồng Nai, Cửu Long và Vu Gia – Thu Bồn và hội đồng lưu vực sông: Srepok và sông Cả. Nhưng hoạt động của các tổ chức này đã thực sự có hiệu quả? Khi mà thành phần tham gia Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông chủ yếu là lãnh đạo các Bộ, Cục, Vụ, địa phương thì có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, không có lãnh đạo Tỉnh, thành phố, không có các tổ chức đại diện cộng đồng tham gia như Mặt trận, Hội Nông dân, Thanh niên...Theo đánh giá của các chuyên gia sông ngòi, hai hình thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả, "xa dân", chưa có cơ chế thu hút người dân tham gia vào công tác quản lý...Bởi vậy, sống trên cùng một dòng sông, dù ai cũng có quyền được khai thác lợi ích cho mình, nhưng để nhận trách nhiệm giải quyết khi có sự cố, thì chẳng có mấy người, muốn giải quyết triệt để, thật khó!
 
Sắp tới, Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ được thông qua, hy vọng những vấn đề này sẽ sớm được các cơ quan làm Luật cân nhắc để sao cho sự chung tay bảo vệ sông ngòi ở Việt Nam thực sự đạt hiệu quả.
 
Lê Na

No comments:

Post a Comment