Khả năng tiết kiệm của gia đình nông thôn hiện nay quá thấp, chỉ khoảng từ 5 - 8 triệu đồng mỗi năm; thu nhập của người nông dân có xu hướng giảm dần và đang nghèo… Đó là những thông tin đáng chú tại Hội thảo Bức tranh nông dân, nông thôn Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn nhân lực hộ gia đình, diễn ra ngày 27.6 ở Hà Nội.
Hội thảo do Báo Nông thôn ngày nay cùng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) tổ chức, công bố kết quả điều tra được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu IPSARD triển khai từ năm 2006 theo chu kỳ 2 năm một lần tại 12 tỉnh ở cả 3 miền, với 3.000 hộ gia đình tham gia. Theo phân tích, số tiền tiết kiệm chiếm 10 - 15 % thu nhập của hộ gia đình và có đến 80% tiền tiết kiệm tích lũy dưới dạng vàng hoặc tiền mặt, được dùng dự phòng các rủi ro ốm đau, tai nạn, rất ít được sử dụng vào mục đích tái đầu tư sản xuất. Điều tra của IPSARD cũng chỉ ra, thu nhập và chi tiêu các hộ tăng mạnh trong giai đoạn 2006 - 2010, nhưng giảm dần trong những năm gần đây. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo ở khu vực miền núi đã gia tăng trong năm 2010 - 2012. Các hộ gia đình người Kinh có mức thu nhập cao hơn 1,9 lần so với các gia đình dân tộc khác.
Cuộc điều tra cũng chỉ ra thực trạng nông dân đang phải chịu nhiều cú sốc, nhất là cú sốc trong thu nhập, nguyên nhân xuất phát từ dịch bệnh, lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều; sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị thấp, ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro.
Điều tra lần này cũng khảo sát đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của các gia đình nông thôn. Kết quả, có 52% hộ dân hài lòng với cuộc sống hiện tại. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ làm nông nghiệp ở nông thôn hài lòng với cuộc sống cao hơn những hộ có người phải di cư tìm việc làm hay làm các nghề phi nông nghiệp.
Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lượng cho rằng thu nhập người nông dân giảm mạnh có nguyên nhân từ công tác tổ chức sản xuất ở địa phương chưa cụ thể, thuyết phục. Đơn cử như khu vực ĐBSCL có trữ lượng lúa gạo 90% cả nước nhưng nông dân không sống được nhờ cây lúa. Các mặt hàng nông, thủy sản cũng đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, nông dân rất thiếu vốn để đầu tư, tái sản xuất nông nghiệp. Theo ông Lượng, cuộc điều tra cho thấy nhiều vấn đề báo động ở vùng nông thôn hiện nay làm cơ sở đề xuất các giải pháp trợ giúp, tiếp sức người nông dân.
Phan Hậu
No comments:
Post a Comment