Sunday, June 16, 2013

Sự thật, lẽ phải, công lý phải được lên tiếng và chiến thắng! Ánh sáng làm xua đi bóng tối!

Bắt sự thật lên tiếng!

Thứ Bảy, 15/06/2013 23:35

(NLĐ) Đằng sau những sự thật được đưa đến độc giả là sự khắc nghiệt, rủi ro của nhà báo khi dấn thân, nhập vai để thu thập chứng cứ. Họ luôn đối mặt với hiểm nguy và cạm bẫy, chưa kể rất dễ vi phạm pháp luật

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2013), nhà báo Đỗ Danh Phương - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhà báo Quang Tuyến - Trưởng Ban Thể thao Báo Thanh Niên và nhà báo Quỳnh Nguyễn - phóng viên Báo Tuổi Trẻ - đã có những giây phút trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề tại chương trình giao lưu Trò chuyện cùng nhà báo do Cung Văn hóa Lao động TP HCM phối hợp với Ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 15-6.
 
Nhà báo Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: “Người làm báo phải cung cấp bức tranh thực cho độc giả”
Phải bản lĩnh, yêu nghề
Nhà báo Đỗ Danh Phương cho biết từ lời khuyên của mẹ, ông bước vào nghề bằng cuộc thi tuyển phóng viên của Đài Truyền hình TP HCM năm 1990. Hiện nay, với vị trí tổng biên tập một tờ báo uy tín như Người Lao Động, tính quyết đoán và tầm nhìn bao quát là một đòi hỏi phải có ở ông. Với ông, người cầm bút không được bẻ cong ngòi bút của mình, người làm truyền hình không được làm méo mó hình ảnh. Báo chí là phản ánh sự thật, người làm báo phải cung cấp bức tranh thực cho độc giả.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi người làm báo phải sáng tạo trong phương thức tác nghiệp. “Chúng ta không sáng tạo ra thông tin, sự thật nhưng chúng ta bắt sự thật phải lên tiếng” - ông Phương nhấn mạnh. Ông tâm sự, trước khi mất, nhà báo Hoàng Hùng - Báo Người Lao Động - đang điều tra về một vụ án ly hôn kỳ lạ ở Long An. “Chúng tôi đã tiếp tục công việc mà nhà báo Hoàng Hùng làm dang dở, chúng tôi đang bắt sự thật phải lên tiếng như vốn có của nó” - ông quả quyết.
Theo ông Đỗ Danh Phương, vừa qua, nhiều nhà báo đã khiến dư luận chấn động bởi những phóng sự, điều tra về nạn “cơm tù” trên Quốc lộ 1, nạn mãi lộ của CSGT, tình trạng “tiêu cực phí” ở các cửa khẩu… Song, đằng sau những sự thật được đưa đến độc giả là cả sự dấn thân, nhập vai để thu thập chứng cứ, luôn đối mặt với hiểm nguy, cạm bẫy, chưa kể rất dễ vướng vi phạm pháp luật. Nếu không có bản lĩnh và lòng yêu nghề, họ khó có thể làm được.
Viết đúng, không gì phải sợ
Được biết đến với những bài viết sắc sảo, không khoan nhượng với tiêu cực trong bóng đá, nhà báo Quang Tuyến thổ lộ: “Gần 20 năm làm báo, tôi may mắn khi được Thanh Niên tạo mọi điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Khi viết về những tiêu cực trong bóng đá, tôi không gặp bất cứ áp lực hay sự chỉ đạo nào. Khi viết đúng sự thật, thu thập nguồn tin chính xác thì mình không sợ bất cứ thế lực nào”.
Nhà báo Quang Tuyến luôn trăn trở trước thực trạng nền bóng đá Việt Nam đang trở nên “xấu xí” trong lòng người hâm mộ với những nghi án bán độ của cầu thủ hay tiếng còi “đen” của trọng tài. Ông mong muốn đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sắp tới sẽ chọn ra vị chủ tịch xứng đáng, đủ tài đức, biết đặt lợi lợi ích quốc gia và người hâm mộ lên hàng đầu.
Với nhà báo Quỳnh Nguyễn, chọn nghề báo tức là đã sẵn sàng cho việc di chuyển và sử dụng toàn thời gian, bất kể sáng sớm hay đêm khuya. “Làm báo là một nghề vất vả. Nhà báo nữ còn phải chịu áp lực nhiều hơn đồng nghiệp khác giới. Ngoài nghề báo, họ còn phải làm tròn nhiệm vụ người vợ, thiên chức làm mẹ. Làm báo có những lúc phải đi sớm về muộn, đến cả những vùng sâu, vùng xa. Hiếm khi tôi có thể đưa 2 con đi chơi vào ngày cuối tuần hay ngày lễ” - chị bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn cho rằng làm báo ngày nay có vẻ nhẹ nhàng hơn với sự hỗ trợ của thiết bị, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chính thực tế đó đã tạo ra trong làng báo những phóng viên salon, thích hưởng thụ hơn là dấn thân.
“Phóng viên mà không đi cơ sở, không đến hiện trường thì khó tránh khỏi việc thông tin một chiều, nhiều khi không chính xác, méo mó sự thật. Phóng viên salon là điều tối kỵ với người cầm bút. Người cầm bút phải phản ánh được hơi thở cuộc sống. Họ phải là người lăn xả, dấn thân để đem đến cho độc giả những bài báo chân thật, gai góc chứ không chỉ ngồi một chỗ với những câu chữ trơn tru và bóng bẩy” - chị nhìn nhận.
 
Luôn đứng ở góc độ người lao động
Theo nhà báo Đỗ Danh Phương, tờ báo nào cũng mong muốn tạo được dấu ấn riêng, sâu đậm trong lòng độc giả. Là tiếng nói của LĐLĐ TP HCM, Báo Người Lao Động có những chuyên mục sâu về người lao động như Quyền và nghĩa vụ, Việc làm, Công đoàn...
“Khi thể hiện thông tin trên mặt báo, chúng tôi đều lồng ghép hình ảnh người lao động. Đặc biệt, chúng tôi đều đứng trên góc độ người lao động khi xử lý bất cứ thông tin nào. Ví dụ, giá xăng tăng thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến đời sống người lao động...” - ông Phương cho biết.

 

Bài và ảnh: PHAN ANH

No comments:

Post a Comment