Sunday, June 16, 2013

Trăm dâu đổ đầu dân!

May dân nhờ, rủi dân chịu

16/06/2013

SGTT – Sự việc hơn 40 mét đập dâng của thuỷ điện Ia Krêl nằm trên địa bàn xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai bị vỡ khiến người dân khu vực này hoang mang, nhưng cũng không ít người thở phào “may quá”. Đối với họ, chuyện thoát khỏi “thuỷ thần” là một vận may trông thấy, còn hàng trăm hecta hoa màu tài sản ắt đã… gặp xui.
Thực tế cho thấy, khoảng trống rủi ro đối với an ninh con người và tài sản tại khu vực thuỷ điện la Krêl nói riêng và nhiều thuỷ điện khác tại Việt Nam nói chung sẽ được bao lấp bằng câu chuyên “hên may xui rủi”. Trong khi, lẽ ra những khoảng trống rủi ro về an ninh ấy phải được lấp đầy bằng chính sách, nghiên cứu và đạo đức từ phía những người có trọng trách liên quan.
Hệ luỵ cơ chế “tự đá bóng, tự thổi còi”
Nhìn lại hồ sơ thuỷ điện Ia Krêl, công trình này đã được khởi công từ cuối năm 2009, nghĩa là đã quá 3,5 năm. Nhưng điều “chua chát” là sau ngần ấy thời gian nghiên cứu, chuẩn bị và xây dựng thì khi chưa vận hành, thuỷ điện đã vỡ. Tình trạng “chưa đánh đã thua” chứng tỏ công tác tiền vận hành có vấn đề.
Đặc biệt, nếu lắp sự cố thuỷ điện Ia Krêl vừa qua với những vụ “bê bối” trước đó tại hàng loạt các công trình thuỷ điện như thuỷ điện Sông Tranh 2, thuỷ điện Dăkrông 3… thì không khó để đoán các kịch bản khả thi cho sự “đổ vỡ” lần này.
Thứ nhất, công tác nghiên cứu ảnh hưởng, tác động thuỷ điện đến môi trường có vấn đề. Hoặc giả những dự báo về địa chất tại khu vực xây dựng thuỷ điện đã được “cắt ghép” từ một công trình thuỷ điện nào đó. Điều này các nhà khoa học, dư luận và báo chí đã không còn lấy làm lạ. Thế nên, nếu quả thật sai từ khâu này thì khác nào nhà đầu tư bắt dân giao nộp thuỷ thần.
Thứ hai, quá trình thi công và giám sát thi công không đạt yêu cầu, không theo quy định khiến chất lượng công trình dưới chuẩn. Điều này cũng không khó diễn ra khi bài toán về tính tắc trách trong công tác quản lý và xây dựng thuỷ điện Việt Nam vẫn còn chưa được giải, bởi khâu xử lý từ luật còn nhẹ tay với những hành vi vi phạm.
Câu hỏi đặt ra: nếu một, hai người sai còn có thể giải thích và nguỵ biện, trong khi cả một guồng máy quy trình đều sai và không biết chỗ sai thì lỗi do ai? Câu trả lời là do “cơ chế”.
Tuy nhiên, khi khâu số 1, số 2 trong việc xây dựng thuỷ điện Ia Krêl có vấn đề, và khâu số 3 – kiểm tra tiền vận hành, trước khi cho tích trữ nước – cũng có vấn đề thì ván bài “đã mở ngửa”. Lỗi của thảm hoạ không phải chỉ nằm ở một cá nhân hay tập thể, mà là cả hệ thống. Nếu khâu nghiên cứu và xây dựng không đạt chuẩn đã là một hành động thiếu đạo đức, thì khâu kiểm tra tiền vận hành cũng sai thì càng phải được đưa lên bàn cân để tính lại.
Câu hỏi đặt ra: nếu một, hai người sai còn có thể giải thích và nguỵ biện, trong khi cả một guồng máy quy trình đều sai và không biết chỗ sai thì lỗi do ai? Câu trả lời là do “cơ chế”. Nghĩa là người nghiên cứu qua loa, người thực thi qua loa, và người kiểm kê lại càng qua loa khiến công trình “sai lại càng sai”. Hoặc giả, từ người nghiên cứu đến người thực thi, giám sát và kiểm tra đều là một. Chính vì hiện tượng người chơi cũng là người làm trọng tài nên cái sai đồng loạt là điều tất yếu.
Vỡ đập thuỷ điện Ia Krêl. Ảnh: NLĐO
Vỡ đập thuỷ điện Ia Krêl. Ảnh: NLĐO
Trễ còn hơn không
Nếu đứng ở góc độ của Nhà nước, vụ vỡ thuỷ điện lần này vẫn là một “cái may”. Thứ nhất, ít nhất thuỷ điện cũng đã vỡ sớm mà không ảnh hưởng nhân mạng. Chuyện có lẽ chưa đoán trước được nếu thuỷ điện “vỡ đêm”, hay vào một ngày có đông dân tập trung tại hạ vùng. Thứ hai, 40m thân đập vỡ kèm theo toàn bộ lượng nước khoảng 8 – 10 triệu m3 trong lòng hồ tràn xuống có lẽ đã đủ làm các cơ quan quản lý “giật mình”. Những bất cập trong công tác xây dựng và quản lý thuỷ điện tại Việt Nam gặp phải nhiều tranh cãi trong thời gian dài từ đầu năm 2012 đến nay, tuy nhiên Nhà nước vẫn chưa có những quyết sách cụ thể nhằm củng cố tình hình.
Tuy nhiên, “cái may” không thể đến nhiều lần, và việc dựa vào cái may để đảm bảo an ninh, mạng sống và tài sản của người dân lại là một điều sai trái xét về trách nhiệm lẫn đạo đức. Thế nên, đã tới lúc Nhà nước dẹp bỏ “cầu may”, quyết liệt trong công tác ban hành chính sách, luật pháp để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan thuỷ điện; để an ninh người dân được đảm bảo nhờ Nhà nước, thay vì cứ trông đợi “hên xui”.

No comments:

Post a Comment