Tuesday, June 25, 2013

Số phận của thuỷ điện ĐN6 và ĐN6A trong tay ai?!

Cần phán quyết cuối cùng số phận của thuỷ điện ĐN6 và ĐN6A
Khảo sát vùng lõi VQG Cát Tiên.

Cần phán quyết cuối cùng số phận của thuỷ điện ĐN6 và ĐN6A

(LĐ) - Số 143 - Thứ ba 25/06/2013 07:05


    Các ý kiến về hai dự án  thuỷ điện ĐN 6 và 6A hiện không đồng nhất, thậm chí đối lập và chúng tôi rất mong  muốn làm cầu nối giữa các bên và cùng với “trọng tài” là Bộ TNMT để có thể sớm đưa ra phán quyết cuối cùng về số phận của dự án thuỷ điện gây ra quá nhiều tranh cãi này.
    Lời Toà soạnTrong các số báo Lao Động từ 20 - 24.6 chúng tôi đã lần lượt đăng tải các thông tin từ chuyến thực địa của phóng viên đi dọc sông Đồng Nai, trong đó đã khảo sát khá kỹ địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) - nơi dự kiến sẽ đặt hai nhà máy thuỷ điện ĐN 6 và 6A.

    Chúng tôi cũng đã trích đăng tải ý kiến của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai - khu vực hạ lưu sẽ chịu tác động trực tiếp của dự án thuỷ điện; ý kiến của lãnh đạo Bộ TNMT - cơ quan sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trước khi trình Chính phủ và QH phê chuẩn.

    Số báo này chúng tôi xin đăng tải ý kiến nhà đầu tư, tiếp tục đăng tải ý kiến của lãnh đạo và người dân Đồng Nai, tóm lược những quan ngại của chuyên gia Mạng lưới sông ngòi VN (VRN). Các ý kiến này tất nhiên là không đồng nhất, thậm chí đối lập và chúng tôi rất mong  muốn làm cầu nối giữa các bên và cùng với “trọng tài” là Bộ TNMT để có thể sớm đưa ra phán quyết cuối cùng về số phận của dự án thuỷ điện gây ra quá nhiều tranh cãi này.

    Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn  Đức Long Gia Lai:
    Rất mong được đối thoại với lãnh đạo Đồng Nai từ thực địa

    - Dự án thuỷ điện ĐN 6 và 6A được triển khai theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, được Thủ tướng phê chuẩn, ĐLGL đã mất hơn 7 năm để khảo sát, lập dự án đầu tư. Tuy vậy, không thể tránh những sai sót bước đầu nên khi dư luận quan ngại, ĐLGL đã thực hiện nhiều bước để làm rõ, khắc phục, bổ sung, hiệu chỉnh nội dung dự án.

    Cụ thể, dự án đã qua nhiều lần rà soát... và đến nay, được xem là dự án giảm thiểu thấp nhất diện tích đất rừng bị ảnh hưởng (song hiệu quả kinh tế thuộc loại cao) so với hệ thống thủy điện cả nước; phương án kiến nghị và giải pháp thiết kế được hiệu chỉnh để giảm đến mức thấp nhất tác động môi trường sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên.

    Tôi khẳng định và cam kết rằng khi có các thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A  thì chế độ dòng chảy sông Đồng Nai sau khi đã qua các thủy điện bậc trên sẽ được điều hòa, cải thiện tốt hơn cho hạ du và khu Bàu Sấu so với trường hợp không có các thủy điện này.

    Đến nay, dự án đã được sự đồng tình của 8 bộ và UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước. Tập đoàn Điện lực, VQG Cát Tiên cũng đã có ý kiến, thẩm định, phê duyệt và đưa vào 5 quy hoạch. Thông tin dự án cũng được cung cấp công khai, minh bạch trong các cuộc họp của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và các cuộc hội thảo khoa học, các phương tiện truyền thông báo chí... Các hội thảo khoa học gần đây cũng chỉ ra rằng dự án không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, văn hóa của người dân khu vực. Đồng thời, kết quả khảo sát còn cho thấy sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân với việc bảo tồn và bảo vệ môi trường.

    Gần đây nhất (24.4.2013), sau chuyến đi thực địa của đoàn giám sát thuộc Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, cũng đã ghi nhận những thông tin tích cực về tính hiệu quả của TĐ ĐN 6 và 6A. Một số vướng mắc đã được điều chỉnh sau khi tách công trình thành 2 bậc TĐ ĐN 6 và 6A đã giúp tăng công suất và giảm tác động đến môi trường.

    Ông Võ Đại Hải - Tổng Cục phó Tổng cục Lâm nghiệp - có mặt trong chuyến khảo sát đã khẳng định: Dự án không làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu xác lập VQG Cát Tiên, nhất là khu ngập nước Bàu Sấu và khu phòng hộ Nam Cát Tiên.

    * Vậy thì theo ông, tại sao vẫn tiếp tục có những phản ứng, phản biện liên quan đến việc xây dựng 2 dự án TĐ ĐN 6 và 6A? Và ông có chấp nhận những luận đề cốt lõi mà Báo Lao Động đã nêu ra, ví như cần thiết phải có cuộc hội luận mang “tính pháp lý cuối cùng” giữa đại diện các luồng ý kiến trái chiều, nhằm giải quyết dứt điểm “số phận” của TĐ ĐN 6 và 6A?

    - Thời gian qua, ĐLGL đã trực tiếp làm việc 2 lần và báo cáo với lãnh đạo UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH và các sở, ngành tỉnh Đồng Nai vào tháng 8.2012 và tháng 4.2013, đã nhiều lần có văn bản giải trình và đăng ký làm việc chính thức với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai - tỉnh ở vùng hạ du sông Đồng Nai và có phản ứng mạnh nhất trong việc xây dựng  TĐ ĐN 6 và 6A. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh vẫn chưa đi thực tế hiện trường. Trong chuyến khảo sát thực địa của đoàn giám sát của Quốc hội, phía Đồng Nai cũng chỉ có các Phó Giám đốc sở tham dự.

    Thực sự tôi rất tiếc và mong muốn trong thời gian tới đây, cùng với những chuyến đi thực tế của Bộ TNMT trước khi bộ này đưa ra quyết định về báo cáo tác động môi trường của ĐLGL về TĐ ĐN 6 và 6A, sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tại thực địa là rất quan trọng và cần thiết. Đương nhiên sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc nhiều luồng ý kiến khác nhau và với công sức và tâm huyết đã theo đuổi đối với TĐ ĐN 6 và 6A, ĐLGL chúng tôi hết lòng cầu thị và sẵn sàng cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa nhà đầu tư với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các nhà khoa học và bộ, ngành liên quan...

    - Xin cảm ơn ông!

    Ông Trần Văn Tư - Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Điện rất quý cho phát triển KT-XH của đất nước, tuy nhiên cũng không thể phát triển và đánh đổi bằng mọi giá, phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường thì mới bền vững. Hiện nay nếu tiếp tục triển khai các công trình thuỷ điện sẽ gây những tác động xấu cho dòng sông Đồng Nai, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của gần 20 triệu dân đang dùng nguồn nước của dòng sông này. Đề nghị trung ương nên quyết định không cho triển khai 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

    Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai: Phú Ngọc vốn là xã “khát” nước sạch nhiều năm nay do nguồn nước ngầm cạn kiệt. Hiện người dân vẫn trông chờ vào nguồn nước từ sông Đồng Nai phục vụ cho sản xuất các loại cây ăn trái và nước sinh hoạt hằng ngày. Toàn xã Phú Ngọc có tới 4.000 hộ dân nhưng chỉ lác đác vài hộ sử dụng nước giếng khoan còn đa phần phải mua nước và sử dụng nước từ sông Đồng Nai. Bởi vậy, khi thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A được xây lên thì nguy cơ người dân phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn do thủy điện tích nước sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu.

    Ông Trần Văn Tuấn (52 tuổi, ngụ xã La Ngà, H.Định Quán):Nước sông Đồng Nai là nguồn nước tôi sử dụng hằng ngày phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu 4ha xoài, do địa bàn xã La Ngà thiếu nước sạch. Tuy nhiên, sắp tới nếu thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A được xây dựng lên thì gia đình không biết lấy nước ở đâu để sinh hoạt cũng như trồng trọt khi 2 nhà máy thủy điện này tích nước.

    Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, làng bè Thống Nhất, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa
    : Tôi chưa được phổ biến về 2 dự án thủy điện ĐN 6, 6A. Tuy nhiên, nếu xây dựng 2 dự án thủy điện đó thì cũng không ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản của gia đình chị tại hạ lưu sông Đồng Nai, mà chỉ lo ngại xây dựng nhà máy xả thải và hóa chất từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Tuy nhiên, đây là nhà máy thủy điện nên khả năng đó khó xảy ra. Việc xây dựng thủy điện tạo điều kiện cho người dân có được nguồn điện khỏe để sử dụng và dù xây dựng thủy điện thì thiếu nước ở hạ lưu cũng không thể xảy ra.  HÀ ANH CHIẾN ghi

    Một số điểm nghi ngại trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM cần được làm rõ:

    1. Tính pháp lý của dự án
    2. Nghi ngại diện tích rừng bị mất sẽ cao hơn
    3. Nghi ngại các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng
    4. Nghi ngại về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học
    5. Nghi ngại về tính toán thủy văn
    6. Nghi ngại về tính toán lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ
    7. Nghi ngại về việc xem xét tác động văn hóa, xã hội của dự án
    8. Nghi ngại về tính khả thi của các giải pháp ứng phó với sự cố
    9. Các nội dung cần phải bổ sung:
    - Cần có đánh giá tác động môi trường đường dây cao thế
    - Cần nghiên cứu kỹ về động đất và động đất kích thích
    - Cần làm rõ phần tài liệu tham khảo
    (Tóm lược từ Ý kiến nhận xét, phản biện Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án TĐ ĐN 6 và 6A của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) - Tháng 10.2012)
    SCT-Trích lược tóm tắt phản biện của nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên: 

    "Chưa tính đến cơ sở pháp lý nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được duyệt cho xây dựng thì người duyệt sẽ phạm luật và cam kết quốc tế. DMT của hai dự án 6&6A được trình bày rất chi tiết những nội dung không cần thiết, rất khó đọc, có nhiều lỗi về đơn vị.


    Sau đây là 10 điểm kết luận chính của báo cáo phản biện của nhóm: 1. Không nói khi khai quang số lâm sản thu hoạch cụ thể là bao nhiêu loại gỗ, bao nhiêu m3, bao nhiêu tiền và sẽ vào tay ai? (chưa kể đến nhiều loài cây thuốc, động thự vật quý hiếm chưa được điều tra kỹ sị bị mất và tuyệt chủng). 2. Chủ đầu tư sẽ được "cho không vĩnh viễn" ít nhất là 372,23 ha đất họ sử dụng: 197,63 ha cho DN 6 và 174,60 ha cho DN 6A, trong đó có trạng thái rừng hỗn giao trạng thái IIIa1, IIIa2, IIIb (rừng giàu) cho 6&6A theo thứ tự là: 92,85 ha, 71,84 ha, 4,32 ha và rừng hỗn giao tre là 100,04 ha (Theo văn bản số 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 của Bộ NNPTNT gửi thủ tướng CP, trang 2/4). 3. Ngân khoản trồng lại rừng và nuôi thú rất thấp tương đương 1 đến 1,5 USD cho mỗi m2 họ sử dụng. 4. Khả năng giúp hạ nguồn chống lũ coi như không; dung tích hồ có trên mưc nước gia cường ngang vài phút lưu lượng lũ cao. 5. Bản đồ hồ chứa vùng bị ngập không có tỉ lệ không có tọa độ. 6. Không có sơ đồ thiết kế đập và chưa tính đến cũng như đưa ra các kịch bản khi có động đất tự nhiên hay động đất kích thích làm vỡ đập (đây là vùng có độ dốc cao, đia hình chia cắt mạnh, có những đứt gãy, sụt lún sâu trong lòng đất-theo GS.TSKH Lê Huy Bá). 7. Công suất máy DN 6 chỉ có 106 MW nhưng điện lượng DN 6 lại tính trên 125 MW. Lãi IRR 13% có thể trở thành lỗ 3% nếu số giờ máy chạy đúng như báo cáo chỉ có như trong ĐMT. 8. Phương pháp tính toán và mô hình mơ hồ không thể kiểm chứng được. 9. Hai dự án này nằm sát và ngay trên VQG Cát Tiên nhưng DMT không có nghiên cứu tác động ngoài vùng khai thác thủy điện (không có đánh giá ngoại vùng). 10. Mô hình Stella trade-off của nhóm SCT cho ra kết quả lựa chọn mô hình không có thuỷ điện để tăng cường cho việc thực thi REDD+ (giữ rừng tự nhiên để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chống lại tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu), PES, Quản lý Carbon (Carbon management), cơ hội công nhận di sản thế giới và du lịch xanh, tăng trưởng xanh)

    Đã ký và gửi đi. Công bố lên mạng vào thứ ba, ngày 6.11.2012




    Xem thêm tại:
    http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2012/11/tom-tat-phan-bien-tm-cua-hai-du-thuy.html

    Video Clips:

    Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A - Những tác động vô hình đến con người 

    Lật tẩy báo cáo tác động môi trường thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

    Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật: Hãy cứu Vườn Quốc gia Cát Tiên

    http://www.youtube.com/watch?v=FSgu5LyHeyg

    Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dưới góc nhìn di sản



    No comments:

    Post a Comment