Thursday, June 27, 2013

Ai đã tiếp tay phá rừng và môi trường sống chúng ta!?

Ai tiếp tay cho thủy điện lợi dụng phá rừng?



ThienNhien.Net – Theo TS. Nguyễn Ngọc Anh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, do việc quản lý nhà nước tại các dự án làm thủy điện, trồng cây công nghiệp còn quá kém nên chủ đầu tư lợi dụng để phá rừng, tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sạt lở và lũ lụt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Nói về việc phá rừng làm thủy điện, trồng cây công nghiệp ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông, trong đó có khu vực Tây Nguyên (VN) và vùng thượng Lào TS. Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, những việc làm trên đã và đang thay đổi quy luật nước lũ và sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
– Thưa ông, có ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư thích làm thủy điện, trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su, cà phê… vì nguồn lợi trước mắt là được khai thác gỗ, thậm chí nguồn tài chính từ bán gỗ đã giúp chủ đầu tư thu hồi vốn và có lãi chứ chưa cần tới dự án đưa vào khai thác mang lại hiệu quả kinh tế, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Phải tách biệt hai vấn đề: Thứ nhất, bản thân thủy điện không có lỗi, vì nhu cầu điện năng là cần thiết, nước ta nghèo nên làm thủy điện là tối ưu nhất.
Tuy nhiên, việc quản lý của nhà nước trong việc phát triển thủy điện là có vấn đề, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Làm thủy điện, đáng lẽ chỉ chặt 100 ha rừng là đủ mức ngập nước của lòng hồ, nhưng anh lại lợi dụng chặt lên 200-300 ha. Đặc biệt đường vào dự án, vì thủy điện thường nằm sâu trong rừng, đường cũng phải đi qua rừng, đáng lẽ anh làm đường vừa phải xe đi để hạn chế xâm hại tới rừng, thì anh lại mở đường quá lớn để lợi dụng chặt phá rừng.
Thứ hai, là chuyển từ đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nước ta đang cần phát triển kinh tế nên ta phải chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, diện tích bao nhiêu, vị trí rừng nằm chỗ nào của các lưu vực sông để không ảnh hưởng tới lũ, tới mùa chảy kiệt, và đặc biệt khu vực đó có phải rừng nghèo kiệt không? Không thể cứ chặt tràn lan được.
Kể cả rừng nghèo vẫn mang tính đa dạng sinh học nên không phải cứ rừng nghèo là chuyển trồng cây công nghiệp, nên phải xem xét tính bền vững của nó, có hiệu quả kinh tế thì mới chuyển. Và nghèo không có nghĩa là không có gỗ!
Thường mình chuyển thì giao cho các doanh nghiệp tự làm, giao 100 ha thì họ phát quang tất cả và trồng cây mới. Nhưng về nguyên tắc là không được làm như thế, vì nó ảnh hưởng xói mòn đất, lũ lụt. Chỉ được phát từng phần, từng ô để trồng cây mới, sau đó cây phát triển xanh tốt thì mới được phát sang ô tiếp theo, phải làm theo kiểu cuốn chiếu chứ không được phát quang một lần. Chẳng hạn làm 100 ha đáng lẽ đợt đầu chỉ phát và trồng cây trên diện tích 30 ha, sau một vài năm mới tiếp tục mở rộng thêm… để đảm bảo đất luôn được phủ xanh, nhưng ở ta không làm thế.
– Cũng có ý kiến cho rằng, vì mục tiêu của các chủ đầu tư thủy điện, trồng cây công nghiệp là khai thác gỗ, nên không mấy quan tâm tới chất lượng công trình thủy điện, cây trồng phát triển thế nào, hậu quả là những vụ lở đập nước thủy điện gần đây, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Cái đó đúng hoàn toàn. Cũng phải nói thật, hiện nay Chính phủ mình trao quyền quyết định đầu tư cho các địa phương quá lớn, mà quản lý nhà nước của các Bộ với các tỉnh còn lỏng lẻo, thành ra việc giám sát đơn vị thực hiện dự án cũng chưa tốt.
Ví dụ, dự án chỉ được chặt 1000 ha rừng, thì họ lại chặt lên 2000 ha. Còn các địa phương để xảy ra tình trạng đó là do quản lý kém, ít giám sát. Cũng không loại trừ một số người có lợi ích trong đó. Nhưng cơ bản là do quản lý của mình quá kém thôi.
Để xây dựng thủy điện Hương Sơn (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) hàng vạn cây rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn đã bị đốn hạ cho tích nước lòng hồ và làm 21km đường vào công trình (Ảnh: ThienNhien.Net)
Để xây dựng thủy điện Hương Sơn (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) hàng vạn cây rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn đã bị đốn hạ cho tích nước lòng hồ và làm 21km đường vào công trình (Ảnh: ThienNhien.Net)
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng phá rừng ở thượng nguồn sông Mê Kông, như ở thượng Lào, Tây Nguyên để làm thủy điện, trồng cây công nghiệp… tác động tới việc sút lún và lũ lụt ở ĐBSCL?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Sụt lún và lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long thì có nhiều nguyên nhân, không thể đổ hết cho chặt phá rừng, như hút nước ngầm, phát triển hạ tầng, nước biển dâng… chặt phá rừng chỉ là một trong số đó.
Tuy nhiên, đánh giá tỷ lệ các nguyên nhân đó trong việc lún sụt, lũ lụt thì mới chỉ dừng lại ở dự đoán của từng người, còn để có số liệu chính thức thì phải có nghiên cứu toàn diện và có cơ sở khoa học mới biết được.
Còn đi sâu vào tác động từ thượng lưu sông Mê Kông có thể thấy, trước đây lũ ở ĐBSCL chia làm 3 loại: Lớn, trung bình, nhỏ. Mỗi loại trong một năm chiếm khoảng 30-35%, tuy nhiên trong khoảng hơn 10 năm gần đây do tác động từ phát triển thượng lưu, đặc biệt là thủy điện, nên ĐBSCL chỉ xuất hiện hai loại, là lũ nhỏ và lũ lớn. Tuy nhiên, lũ lớn cũng rất ít, và thuộc loại cực lớn, như lũ năm 2000, 2011, còn lũ trung bình (hay còn gọi là lũ đẹp) thì hầu như không còn xuất hiện nữa, mà nó bị biến thành lũ nhỏ (trừ năm 2000, 2011).
Kể cả những năm mình nghĩ có lũ lớn, nhưng cuối cùng lại là nhỏ, chính việc ngăn lũ như thế ảnh hưởng tới việc vận chuyển phù sa. Các năm trước đây cứ 2, 3 năm lại có một lần lũ lớn, khi lũ nhỏ bồi lắng phù sa ở các cửa sông thì lũ lớn sẽ đẩy chúng ra xa và lấn biển, nhưng thời gian từ năm 2000 tới nay, có giai đoạn 10 năm liên tiếp lũ nhỏ, nên phù sa gần như bồi lắng hết ở cửa sông, làm cửa sông bị nâng lên rất nhiều. Trước đây cứ khoảng 3 năm mới phải nạo vét cửa sông 1 lần, nhưng giờ hằng năm mà không nạo vét là tàu không ra vào được.
Vài năm gần đây các sông ở ĐBSCL sạt lở nhiều cũng là vì thế, trước đây cũng có sạt lở nhưng khi có lũ lớn nó lại bồi lắng thêm lấn ra biển, lở 10m nhưng lắng được 20m, nên trung bình vẫn lấn biển được 10m. Nhưng chục năm qua chỉ bồi lắng được 5m, nhưng lại sạt lở vào trăm mét.
– Vậy còn việc phá rừng ở thượng nguồn ảnh hưởng thế nào thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Việc phá rừng làm thủy điện, phá rừng làm kinh tế và khai thác rừng chủ yếu làm tăng dòng chảy của lũ, giảm dòng chảy mùa kiệt.
Nhưng theo lý thuyết, phá rừng nhiều sẽ phù sa cho sông, vì đất xói mòn nhanh hơn, mạnh hơn… nhưng vì có các hồ chứa ở thượng lưu nên phù sa bị chặn lại ở đó, nên lượng phù sa bồi lắng ở hạ lưu hằng năm giảm là vì thế.
Vào mùa lũ, nước không có rừng giữ nên tất cả đồ dồn chảy hết ra biển, tới mùa kiệt thì nước không còn nhiều nữa, gây ra hạn hán, khô cằn. Trong khi theo quy luật tự nhiên, mùa kiệt nhờ có rừng điều tiết, nên lượng nước vẫn được đảm bảo.
Xin cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment