Mối lo “bom nước”
Thứ Bảy, 15/06/2013 23:59
(NLĐ) Thời gian qua, nhiều đập thủy điện ở Tây Nguyên liên tục vỡ, hàng chục ngàn người dân vùng hạ lưu phải sống trong cảnh bất an. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát chất lượng các công trình thủy điện dường như còn bỏ ngỏ
Liên quan đến vụ vỡ đập chính Nhà máy Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), ngày 15-6, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Cục Kỹ thuật an toàn về môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai đã đến hiện trường điều tra nguyên nhân. Dự kiến, chậm nhất đến ngày 23-6, đoàn sẽ có báo cáo về vấn đề này.
Đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ toang, hàng triệu mét khối nước và đất đá đổ ào xuống vùng hạ lưu
Đụng là vỡ!
Khoảng 5 giờ ngày 12-6, đập chính của Nhà máy Thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5,5 MW, tổng vốn đầu tư 120 tỉ đồng, do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai làm chủ đầu tư) bị vỡ toang một đoạn khoảng 40 m. Hàng triệu mét khối nước, đất đá đổ ào xuống vùng hạ lưu, cuốn theo nhiều người dân và hàng trăm héc ta cây trồng. Vào thời điểm đập vỡ, thủy điện này vẫn đang trong quá trình tích nước và chỉ mới đạt khoảng 60% dung tích thiết kế.
Điều đáng nói là trước khi đập vỡ khoảng 2 giờ, lãnh đạo công ty đã phát hiện sự cố nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn. Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xác định nguyên nhân vỡ đập để xử lý sai phạm theo quy định”.
Ông Bạch Đức Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai, nhận định nguyên nhân vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 có thể do quá trình thi công gặp sai sót. Theo đó, cống xả nước nằm dưới đáy đập có chiều dài 120 m, rộng 3,3 m, được đúc bằng bê tông dày 40 cm. Trong quá trình thi công, các phương tiện lu nén bề mặt đã tác động một lực lớn vào cống xả nước.
Bên cạnh đó, do không có đường nên khi thi công các hạng mục khác của nhà máy phía bên trong, xe chở vật liệu đã đi qua đập chứa cống xả. Do vậy, đã tạo ra một lực lớn lên bề mặt cống, gây rạn nứt, sụp lún rồi vỡ đập.
Trước đó, trong quá trình vận hành chạy thử, Nhà máy Thủy điện Ea Súp 3 (xã Ea Tir, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) với công suất 6,4 MW đã 2 lần vỡ bể áp lực, kênh dẫn dòng đang rò rỉ nước nghiêm trọng. Một công nhân đang khắc phục sự cố cho biết ngày 26-5, khi nhà máy đang thử nghiệm vận hành thì đột nhiên một đoạn tường bê tông của bể áp lực vỡ toang, nước bắn tung tóe. Rất may là không có ai đứng gần đó nên không có thương vong về người. Theo công nhân này, đoạn tường bê tông của bể áp lực trước đó cũng đã bị vỡ một lần.
Theo quan sát của chúng tôi, bể áp lực dài khoảng 90 m, rộng 2 m, bức tường bê tông chỉ dày khoảng 20 cm, trông rất yếu ớt. Ông Lê Ngọc Quý, Đội trưởng Đội Xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea Súp 3, cho biết đoạn tường bê tông bể áp lực bị vỡ có chiều dài khoảng 40 m, sau 4 ngày xảy ra sự cố đã khắc phục xong. Riêng kênh dẫn dòng hiện có nhiều chỗ vẫn đang rò rỉ nước.
Cũng như thủy điện Ea Súp 3, đập thủy điện Đắk Mek 3 (xã Đắk Choong, huyện Đắk G’lei, tỉnh Kon Tum) có công suất 7,5 MW cũng bị vỡ vụn trong quá trình xây dựng. Vào chiều 22-11-2012, một đoạn đập bằng bê tông khoảng 100 m của thủy điện này vỡ toang khi một chiếc xe ben đụng vào. Sự cố này còn làm một người thiệt mạng.
Trước đó, sáng 14-6-2011, ống dẫn nước Nhà máy Thủy điện Đạm Bol (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã bất ngờ phát nổ. Một khối lượng nước lớn kèm theo đất đá đổ ập xuống, vùi lấp 2 ngôi nhà làm 2 người chết và 3 người khác bị thương nặng...
Dân hứng đủ
Đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ quá bất ngờ khiến nhiều người dân ở hạ lưu công trình phải một phen xính vính. Nhiều người chỉ kịp chạy lên khu vực đồi cao để thoát thân, cũng có người phải đu mình trên cây chờ lực lượng chức năng tới cứu. Sáng 15-6, nỗi sợ hãi vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của bà Huỳnh Thị Lan (46 tuổi) và Đào Thị Thủy (44 tuổi), tạm trú tại làng Bi, xã Ia Dom.
Quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, mấy tháng trước, 2 bà lên xã Ia Dom làm thuê. Bà Thủy bàng hoàng: “Sáng đó, chúng tôi vừa ăn sáng xong, chuẩn bị đi làm thì nghe âm thanh ào ào từ xa vọng tới. Tôi vừa ngó lên thì thấy cây cối gãy đổ, rồi một cột nước cao tới mấy mét ập đến đổ ào lên người chúng tôi. May sao, phía dưới có một bụi tre lớn. Bị nước cuốn được khoảng 10 m thì chúng tôi bị đẩy vào bụi tre và bám vào đó tới khi lực lượng chức năng tới cứu”.
Bốn ngày sau vụ vỡ đập, gia đình ông Puih Ơnh, người dân tộc Ja Rai ở Ia Dom, vẫn đang khẩn trương sửa lại căn chòi đổ nát do nước từ thủy điện Ia Krêl 2 càn qua. Tối đó, vợ chồng ông Puih Ơnh và 3 đứa con nhỏ (trong đó có 2 bé dưới 3 tuổi) đi làm rẫy và ngủ lại trong chòi ở khu vực hạ nguồn của thủy điện Ia Krêl 2. May mắn là khi dòng nước đổ xuống, vợ và các con của ông đều đã rời khỏi chòi lên đồi cao nhặt củi. Riêng ông xuống suối bắt cá nên chỉ kịp leo lên một thân cây thoát chết. “Nước ầm ầm như thác đổ, tôi chỉ kịp leo lên một thân cây rồi tháo dây lưng cột mình vào đó để nếu có chết thì khỏi mất xác” - ông Puih Ơnh nói.
Vụ vỡ đập đã cuốn trôi hàng chục người dân nhưng rất may, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời. Theo thống kê của UBND huyện Đắc Cơ, khoảng 200 ha cây trồng của các doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại.
Ít đất nên gia đình ông Võ Văn Cầu (ngụ xã Ia Dom) đã đi thuê lại 2 ha để trồng sắn. Tính đến thời điểm này, gia đình ông đã đầu tư hết 30 triệu đồng tiền thuê đất, tiền giống, phân bón… nhưng chỉ trong tích tắc, nước đã cuốn trôi gần hết. Riêng miếng đất gần 1 ha của gia đình ông nằm gần thân đập còn bị hàng trăm khối đất, đá bồi lấp. “Nhà chỉ có gần 1 ha đất để trồng sắn. Giờ đất đá bồi lấp lên, không biết rồi đây lấy đất đâu mà làm ăn?” - ông Cầu lo lắng.
Trong những ngày qua, hàng chục hộ dân ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cũng rất bức xúc vì khi xây dựng kênh dẫn dòng thủy điện Srêpốk 4A, đơn vị thi công đã chặn dòng chảy suối Ea La làm con suối này không thoát được, gây ngập úng nhiều diện tích cây trồng. Anh Lộc Văn Rừng, một hộ nghèo ở xã Ea Huar, cho biết: “Gia đình tôi đầu tư 25 triệu đồng để trồng 3 ha bắp. Do suối Ea La bị chặn dòng nên chỉ trong một trận mưa lớn, 1 ha bắp đã bị ngập úng”.
Theo ông Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Huar, nước không chỉ làm ngập nhiều diện tích cây trồng của người dân mà 7 nhà của gia đình cũng đang bị ngập úng, cần phải di dời.
Mất bò mới lo làm chuồng
Liên quan đến vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, chiều 13-6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm và không để xảy ra tình trạng tương tự.
Theo quy định, công trình này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Gia Lai, cụ thể là Sở Công Thương và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, 2 sở này lại không có hồ sơ về công trình và không thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thi công thủy điện Ia Krêl 2. Vì vậy, sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Gia Lai mới ra công điện khẩn về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đập, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du.
Tương tự, tại Kon Tum, sau khi vụ thủy điện Đắk Mek 3 bị vỡ, UBND tỉnh này mới yêu cầu chủ đầu tư nộp toàn bộ hồ sơ liên quan và phát hiện thi công sai thiết kế...
Tại Đắk Lắk, trong chuyến kiểm tra gần đây, đoàn liên ngành của tỉnh này mới phát hiện nhiều công trình không bảo đảm an toàn hồ đập. Cụ thể, kiểm tra 6 công trình thì có 5 chưa lắp thiết bị quan trắc chống thấm và phương án bảo vệ đập, 4 công trình chưa xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du khi xả hồ chứa, 3 công trình bị rò rỉ nước…
Hàng chục ngàn hộ dân mất đất sản xuất
Tây Nguyên hiện có 220 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 6.000 MW. Đến nay, đã có 84 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất trên 4.768 MW, 50 dự án đang xây dựng và hơn 80 dự án thủy điện nhỏ đang xem xét đầu tư. Trong thời gian qua, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã rà soát quy hoạch và loại bỏ 33 dự án, không xem xét quy hoạch 108 vị trí có tiềm năng thủy điện nhưng hiệu quả thấp. Các dự án thủy điện đã làm cho 25.269 hộ dân Tây Nguyên bị ảnh hưởng (trong đó, 5.600 hộ dân phải tái định cư) và chiếm hơn 65.000 ha đất các loại.
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết sẽ tiếp tục rà soát để loại bỏ các dự án thủy điện kém hiệu quả, mất rừng nhiều, tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội...
“Bom nước” thủy điện khiến người dân vùng hạ du luôn bất an
|
Bài và ảnh: CAO NGUYÊN
No comments:
Post a Comment