Monday, June 24, 2013

Tâm và Tầm. Tư duy phá rừng, phá hủy môi trường sống chính mình!?

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A : Không phải di dân mà vẫn phải mỏi mòn chờ đợi

Nhà báo & Công luận - 23/06/2013 12:03

(CL)- So với nhiều dự án thủy điện khác thì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không phải di dời người dân vào khu tái định cư, không ảnh hưởng đến dân sinh. Vậy mà, không hiểu sao suốt hơn 7 năm qua, dự án vẫn bị phản đối và mỏi mòn trong chờ đợi…

Người dân trong khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn phải mỏi mòn chờ đợi?
Thực tế cho thấy, có khá nhiều dự án thủy điện phải di dời, lấy đất của dân và buộc người dân phải tái định cư tại các vùng miền hoang vắng, khó khăn, chật vật… Các chủ đầu tư và cơ quan chức năng luôn có những lời hứa hẹn nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, mọi hậu quả đều do người dân gánh chịu. Đối chiếu với nhiều dự án thủy điện khác trên cả nước thì rõ ràng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có nhiều điểm thuận lợi cho dân, dễ nhận thấy nhất là dự án này không phải di dời người dân vào khu tái định cư, không ảnh hưởng đến dân sinh. Vậy mà, không hiểu sao suốt hơn 7 năm qua, dự án vẫn bị phản đối và mỏi mòn trong chờ đợi…
Nhiều dự án thủy điện đẩy dân vào cuộc sống tái định cư bấp bênh, nghèo khó
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT trong báo cáo kết quả tồn tại và bất cập của chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại 21 hồ thủy điện trên cả nước, có đến 36% dân tái định cư vì thủy điện sống trong cảnh nghèo đói, thu nhập bình quân của người dân chỉ xấp xỉ 600.000 đồng/tháng, khoảng 7,1 triệu đồng/năm, chưa bằng 30% thu nhập bình quân chung của cả nước năm 2012. Cụ thể, thu nhập của người dân tại dự án thủy điện Sông Tranh mỗi năm chỉ khoảng 4,5 triệu đồng, dự án thủy điện Đồng Nai là 5,5 triệu đồng, tại dự án Cửa Đạt là 4,2 triệu đồng…
Đặc biệt, một số dự án bồi thường ít đất hơn diện tích người dân nhường cho việc xây dựng thủy điện, đất đai khô cằn, trong khi đó người dân tái định cư chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi…nên cuộc sống của họ tại nơi định cư mới còn khó khăn trăm bề. Nhiều nơi nhà cửa tuy được xây dựng khá bài bản nhưng bên trong trống không, thậm chí không có lấy hạt gạo dự trữ nên cái đói, cái nghèo bám riết lấy từng mái nhà dân tái định cư…Và như thế vấn đề căn cơ của bài toán xóa đói giảm nghèo vẫn chưa được giải quyết.
Không di dân nhưng dự án vẫn phải mỏi mòn chờ đợi?
Thảm cảnh của người dân tái định cư vì thủy điện bày ra trước mắt, tuy nhiên không thể vì thế mà cấm cản việc xây dựng các công trình thủy điện trong hoàn cảnh thiếu điện nghiêm trong như hiện nay, đặc biệt khi mà thủy điện vẫn luôn được xem là một nguồn năng lượng sạch, giá rẻ so với nhiệt điện, điện hạt nhân. Vì thế, để hạn chế tình trạng trên, hẳn nhiên những công trình thủy điện được quy hoạch xây dựng không dính dáng với việc di dân tái định cư sẽ được ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng thực tế, một số công trình thủy điện hoàn toàn không phải di dân tái định cư vẫn vấp phải làn sóng phản đối từ một bộ phận dư luận, điển hình là dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư đã gây nhiều “tranh cãi” trong suốt 7 năm nay.
Theo quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số1483/CP-CN ngày 19-11-2002, thì công trình thủy điện ĐN6 có diện tích đất ngập tự nhiên là 1.954 ha, trong đó có tới 732 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và 1.222 ha thuộc rừng phòng hộ trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Ngoài ra, công trình còn phải đền bù, bố trí tái định cư cho 33 hộ (165 nhân khẩu), giải tỏa 3 công trình công cộng (gồm một trạm y tế, một trường học và một trạm kiểm lâm). Tuy nhiên sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn ĐLGL đã nghiên cứu và hợp đồng với Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) lập Báo cáo đầu tư với mục đích nghiên cứu khai thác được tiềm năng thủy điện theo hướng giảm thiểu tối đa diện tích sử dụng đất, rừng, không có di dân tái định cư, không giải tỏa công trình công cộng nào. Theo đó, diện tích chiếm đất của hai thủy điện chỉ còn 372 ha, trong đó có 137 ha thuộc Vườn Quốc Gia Cát Tiên (Bắc Cát Lộc). Thế nhưng, dù đã điều chỉnh theo hướng hợp lý nhất, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân khu vực xây dựng, thế nhưng 7 năm trôi qua, hàng chục tỷ đồng đổ vào dự án, đến nay, thủy điện này vẫn chỉ là bản thiết kế nằm trên giấy bởi những luồng ý kiến trái chiều.
Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thủy điện là hết sức cần thiết và phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/7/2011. Hơn thế nữa, với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, các cơ quan Nhà nước không phải đau đầu với việc di dân tái định cư cũng như những hệ lụy sau khi người dân nhường đất cho thủy điện, cuộc sống, văn hóa người dân không bị xáo trộn.
Có thể dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng đến 137ha diện tích thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên, nhưng thực tế không có dự án thủy điện nào hoàn hảo, không có di chứng cả, điều quan trọng là lợi ích dự án mang lại nhiều hơn so với những điều đánh đổi, trong đó, vấn đề an sinh xã hội luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Một dự án đảm bảo 1 tỷ Kwh/năm cho nguồn điện Quốc gia, đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho Ngân sách Nhà nước lại không di dân tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo điện đường trường trạm, mang lại công ăn việc làm cho người dân khu vực xây dựng dự án thì 7 năm chờ đợi, liệu có phải là đã quá dài?
Ly Hoa



No comments:

Post a Comment