Friday, February 8, 2013

TRƯỜNG CA THỦY ĐIỆN XÍ GẠT DÂN

Nhường chỗ cho thủy điện… người dân đang "khốn khó!”

Thứ sáu 04/01/2013 10:13
ANTĐ - Hơn hai năm kể từ ngày về khu tái định cư mới, nhường chỗ cho xây dựng Thủy điện Đồng Nai 3, cuộc sống của 3.000 người dân xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) lâm vào tình trạng “bất ổn” do thiếu đất sản xuất và thiếu cả nước sinh hoạt.
Thủy điện Đồng Nai 3, nằm trên bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Đắk Glong (Đắk Nông) và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Công trình có tổng công suất thiết kế 180MW, tổng mức đầu tư 5.675 tỷ đồng, được khởi công xây dựng tháng 12-2004, khánh thành và đưa vào vận hành tháng 6-2011. Để có mặt bằng cho xây dựng lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, toàn xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong đã phải giải tỏa nơi ở cũ, di dời lên khu tái định cư và tái định canh mới.

Khu tái định cư Đắk P’lao
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình thủy điện lớn của quốc gia là cần thiết và hết sức bình thường, nếu như chủ đầu tư và chính quyền địa phương thực hiện tốt các tiêu chí nhằm bảo đảm “nơi tái định cư, tái định canh mới của bà con phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ!”. Thế nhưng, thực tế công tác tái định cư, tái định canh ở Thủy điện Đồng Nai 3 không những chưa thực hiện được các tiếu chí trên, mà còn đẩy người dân lâm vào tình cảnh khó khăn hơn trước. Những ngày đầu năm 2013 này, chúng tôi về khu tái định cư Đắk P’lao, tìm hiểu thực tế cuộc sống của bà con, và đã ghi nhận rất nhiều trăn trở, lo âu của người dân cũng như lãnh đạo địa phương. 

Làm việc với chúng tôi, đồng thí K’Lớ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Plao cho biết: “Đắk P’lao thành lập năm 1984, vốn là xã khó khăn với đa số đồng bào là người dân tộc thiểu số. Đã vậy, từ đầu năm 1991, khi có quy hoạch Thủy điện Đồng Nai 3 là công việc sản xuất và phát triển kinh tế của bà con bắt đầu đình trệ. Cũng vì lẽ đó mà hơn 60% dân số xã Đắk P’lao thuộc diện đói nghèo. Từ tháng 7 đến tháng 10-2010, khi lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, 630 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu của xã Đắk P’lao phải di dời lên khu tái định cư mới. Có thể nói, về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã, nhà văn hóa các thôn, buôn và nhà ở của bà con được quy hoạch khá căn cơ và xây dựng khang trang hơn so với nơi ở cũ. Cụ thể, 5/5 thôn, buôn đều có nhà văn hóa cộng đồng, đường nhựa đã đến tất cả các thôn, buôn; Điện sinh hoạt tới 100% hộ. Về đất ở và nhà ở, mỗi hộ được cấp 1.000m2, được xây dựng 40m2 nhà ở và 15m2 công trình phụ. Tuy nhiên, trong khâu tái định canh và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt lại bộc lộ nhiều bất cập, khiến cuộc sống của bà con lâm vào tình cảnh khó khăn hơn nơi ở cũ!”.


Đất quá dốc, lại cằn cỗi và thiếu nước nên người dân không sản xuất được
Điều tra trên thực tế, được biết Ban quản lý Dự án thủy điện 6 (EVN) và chính quyền huyện Đắk G’long đã khai hoang 650 ha đất sản xuất để cấp cho bà con, bình quân 1ha/hộ. Thế nhưng diện tích đất khai hoang dự kiến cấp cho bà con sản xuất lại nằm ở địa hình đồi núi quá dốc, đất cằn cỗi và thiếu nước nên không thể sản xuất được. Nhận thấy đất sản xuất không đủ điều kiện sản xuất, chính quyền xã Đắk P’lao đã không giao đất cho bà con trên thực địa. Vì vậy, từ khi về khu tái định cư mới hầu hết bà con ở các thôn 1, thôn 2 và thôn 3, xã Đắk P’lao chỉ nhận được “phiếu bốc thăm nhận đất” chứ không có đất. 

Tâm sự với chúng tôi, đại diện các hộ K’Tong, H’Mang, H’Hiệp và H’Hoa ở thôn 1 bức xúc: “Đầu năm 2012, chúng tôi được xã phát cho tờ Phiếu bốc thăm nhận đất sản xuất, phiếu này có ghi cụ thể thửa đất và diện tích đất, nhưng thực tế lại chưa được giao đất. Không có đất, từ ngày về khu định cư mới cả thôn, cả xã ngồi chơi và cũng chẳng có nguồn thu nào để bảo đảm cuộc sống!”. 

Theo kết quả khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho thấy, trong tổng số 650 đất đã khai hoang để cấp cho dân, chỉ có 140 ha có thể sản xuất được, vì vậy UBND xã Đắk P’lao mới giải quyết được cho 87 hộ ở thôn 4 và thôn 5, còn lại 543 hộ ở các thôn 1, thôn 2 và thôn 3 thiếu đất sản xuất. Theo ông Biện Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông, trách nhiệm chính trong việc để người dân thiếu đất sản xuất là của chính quyền huyện Đắk Glong, vì đã quy hoạch khu đất sản xuất ở vị trí không đủ điều kiện sản xuất.


Không có đất sản xuất, bà con thôn 1, xã Đắk Plao chỉ biết ngồi chơi!
Về nước sinh hoạt, Bí thư Đảng ủy – K’Lớ thông tin thêm: Ban quản lý Dự án thủy điện 6 đã đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước, gồm giếng khoan, máy bơm, bồn chứa nước để cấp tới các khu dân cư. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, các công trình này đã hư hỏng máy bơm, và không có người đứng ra thu và trả tiền điện bơm nước nên cũng không thể hoạt động được. Thậm chí tính đến tháng 1-2013 này, UBND xã Đắk P’lao đang phải gánh khoản nợ hơn 10 triệu đồng tiền điện bơm nước ở 3 công trình cấp nước. Không có nước sinh hoạt, người dân khu tái định cư Đắk P’lao phải đầu tư khoan giếng, với chi phí khoảng 40 triệu đồng/giếng. Vì vậy, toàn xã mới chỉ có 30 hộ diện kinh tế khá giả mới đủ điều kiện khoan giếng lấy nước, còn lại 600 hộ dân sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Không có nước, bà con phải ra suối cách xa 2-3 km để gùi, thồ nước về dùng, hoặc phải mua nước của các hộ có giếng với giá 25 nghìn đồng/m3. Đã không có đất sản xuất, hàng ngày lại phải mua nước sinh hoạt cũng làm cho cuộc sống của 600 hộ dân vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Theo điều tra, hiện toàn xã Đắk P’lao còn tới 67% hộ diện nghèo, và với tình trạng này dự báo tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo ở Đắk P’lao sẽ còn tăng.

Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, chính quyền huyện Đắk Glong và EVN cần tiếp tục phối hợp để sớm giải quyết đất sản xuất và hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho 630 hộ dân khu tái định cư Đắk P’lao. Không thể để người đã hy sinh lợi ích cho công trình điện của quốc gia lại phải sinh sống trong tình trạng “bất ổn” như hiện nay.
Nguyên Bình.

2 comments:

  1. Vườn quốc gia Yok Đôn sắp rỗng ruột
    Tr. “toét” - một lâm tặc “cò con” quả quyết với chúng tôi: Rừng ở Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn còn rất ít các loại gỗ quý như trắc, cầm lai, cà te, giáng hương.
    Hiện lâm tặc quay sang “tận thu” các cây gỗ nhỏ, ít giá trị hơn như căm xe, chiêu liêu, cà chít...

    Để chứng minh, Tr. “toét” tình nguyện dẫn chúng tôi vào rừng Yok Đôn. Sau khi bỏ lại xe bên lề tỉnh lộ 1, Tr. đưa chúng tôi vào tiểu khu 448, thuộc khu vực quản lý của Trạm Kiểm lâm số 2 - Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn. Trước mắt chúng tôi, hàng loạt gốc cây gỗ có đường kính 30-70 cm vừa bị lâm tặc đốn hạ. Trên các gốc cây, hầu hết đều có dấu bút của lực lượng kiểm lâm, ghi ngày phát hiện đầu tháng 1-2013 hoặc cuối tháng 12-2012.

    Với những cây mới bị đốn hạ, gốc chưa có bút lục của lực lượng kiểm lâm, nhựa từ các gỗ cây vẫn đang ứa ra đỏ au.

    Cũng theo Tr., trước đây lâm tặc vào Yok Đôn hầu hết là để cưa trộm các loại gỗ quý như cẩm lai, cẩm chỉ, cà te, giáng hương… nhưng giờ các loại gỗ quý này hầu như không còn hoặc còn rất ít, khó khai thác nên lâm tặc chuyển qua khai thác các cây gỗ non, có đường kính nhỏ, giá trị kinh tế thấp. Đúng như lời Tr. nói, trong vòng bán kính hơn 1 km mà chúng tôi đi qua, không còn bóng dáng các loại gỗ quý nhưng gốc cây gỗ căm xe, chiêu liêu thì đầy rẫy. Nhiều cây non, có đường kính chưa tới 30 cm cũng bị lâm tặc đốn hạ, lấy đi phần thân thẳng nhất.



    Lâm tặc sử dụng cưa máy, bỏ lại những phách gỗ bìa và cành ngọn. Ảnh: HV



    Căm xe có đường kính gốc 40-60 cm mới bị lâm tặc triệt hạ tại tiểu khu 448, VQG Yok Đôn. Ảnh: HV

    Hiện vườn có tới 221 người quản lý, bảo vệ. Các trạm kiểm lâm rải khắp trong rừng và chốt chặn dọc sông Sêrêpốk. Trên tỉnh lộ 1 - tuyến đường “huyết mạch” để lâm tặc chở gỗ đi tiêu thụ thì có các chốt trạm liên ngành canh gác 24/24 giờ, kiểm lâm cơ động tuần tra liên tục nhưng lâm tặc vẫn vào rừng đốn hạ gỗ quý, rọc thành hộp, thành phách rồi chuyển hàng ngàn m3 gỗ quý mỗi năm ra khỏi rừng như chốn không người.

    Cách đây không lâu, kiểm lâm Yok Đôn liên tục phát hiện gỗ lậu với số lượng lớn giấu ở dưới sông Sêrêpốk. Hai con voi trưởng thành bị bắn để lấy ngà trong vùng lõi của vườn. Mỗi tháng phát hiện hàng trăm cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ. Những khu rừng ở khu vực sát biên giới được phối hợp bảo vệ nghiêm ngặt vẫn liên tục bị lâm tặc chặt trộm gỗ.

    VQG Yok Đôn có diện tích gần 115.000 ha, lớn nhất nước, có hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng, sự đa dạng sinh học, hệ động thực vật rất phong phú nhưng với những gì đang diễn ra, nguy cơ VQG Yok Đôn biến thành khu rừng cấm rỗng ruột đang hiện hữu.

    HOÀNG VY

    ReplyDelete
  2. Saving Cattien GroupFebruary 15, 2013 at 7:27 AM

    http://tranvantuannga.blogspot.de/2013/02/song-mekong-xayaburi-va-cac-he-luy-tu.html

    ReplyDelete