Saturday, February 2, 2013

SAO CỨ BẮT DÂN MÃI HY SINH ?!!

(Thứ Sáu, 29/06/2012-3:42 PM)
Không để người dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện cực khổ!

Trong hơn 50 năm qua đã có hàng chục vạn hộ dân di dời khỏi nơi sinh sống phục vụ cho việc xây dựng hàng trăm công trình thủy điện lớn nhỏ. Đây là sự hi sinh, là một nghĩa cử của đồng bào cho công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, Nhà nước đã khẳng định dứt khoát: Công tác di dân tái định cư phải bảo đảm cho đời sống của nhân dân tốt hơn nơi ở cũ.

Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Hầu hết đời sống của bà con di dân ở nơi mới không bằng nơi họ đã từng sinh sống, do vậy đã có rất nhiều người bỏ nơi tái định cư trở về quê cũ. Tại kì họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết: Có địa phương tới 80-90% đồng bào tái định cư vùng lòng hồ thủy điện sống ở mức nghèo khổ. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng rất nhiều đồng bào vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình đời sống vẫn rất bấp bênh, không ít nơi vẫn chưa có điện, đường, trường, trạm…
Trong số hàng chục vạn người phải di dân tái định cư vì sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, thì những khó khăn nhất, thiệt thòi nhất vẫn là người dân vùng lòng hồ thủy điện. Họ không những phải rời bỏ mảnh ruộng, ngôi nhà mình đang sinh sống mà còn phải rời bỏ cả quê hương bản quán để đến một nơi xa lạ, mà đa phần là khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường kiếm sống khó khăn hơn. Hầu hết những chính sách di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện đều chưa tính đếm hết những khó khăn, thiệt thòi mà người dân phải chịu đựng. Người ta cứ nghĩ đền bù một ít tiền, xây dựng nhà tái định cư, cấp một ít đất (phần nhiều diện tích ít hơn nơi ở cũ của đồng bào, điều kiện canh tác cũng khó khăn hơn, vì khô hạn…) là đã xong trách nhiệm. Họ không biết rằng bứng người dân khỏi nơi ở cũ, không chỉ khiến họ mất môi trường sinh kế quen thuộc, mà còn mất môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần thân thuộc, với những thiết chế và tập quán văn hóa phải qua nhiều đời mới tạo dựng được. Cách đây dăm năm, người viết bài này có dịp đến thăm một bản người Dao tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà. Đời sống vật chất của người dân nơi đây không đến nỗi khó khăn, vì được quy hoạch thành một bản du lịch, nhưng người dân vẫn rưng rưng khi nghĩ và nói về quê cũ, mặc dù đã tái định cư trên 50 năm ở quê mới. Một ông già người Dao nói: “Chúng tôi còn khổ hơn cả bà con Việt kiều, bởi có những người do điều kiện có thể mấy chục năm không về thăm quê, nhưng họ vẫn còn có một vùng quê để nhớ, để thương, để có điều kiện thì trở về. Còn chúng tôi sống ở trong nước mà mất quê, không có nơi để mà tưởng nhớ, vì làng quê, mồ mả, ông bà tổ tiên bây giờ đã ngập dưới lòng hồ”. Thú thật, khi nghe lời tâm sự ấy, tôi đã bàng hoàng, rồi sau đó ân hận vì đã không thấu hết những mất mát không gì bù đắp được của những người dân vùng lòng hồ thủy điện.
Do vậy, Nhà nước cần có chính sách đầy đủ hơn, toàn diện hơn cho đồng bào di dân vùng lòng hồ thủy điện và có cơ chế bảo đảm cho những chính sách này phải được thực thi. Và các nhà máy thủy điện cũng cần san sẻ quyền lợi của mình cho những người đã chịu nhiều hi sinh để nhà máy được xây dựng. Có thể trích một phần quỹ phúc lợi của mình, hoặc một phần lãi hằng năm chu cấp cho đồng bào di dân gặp khó khăn và tạo điều kiện để họ có được sinh kế bền vững. Chỉ đến khi tất cả những người di dân tái định cư đã hoàn toàn ổn định được đời sống thì Nhà nước và các Nhà máy thủy điện mới hết trách nhiệm.
Chúng tôi đề nghị Nhà nước khi phê duyệt các dự án thủy lợi cần coi đây là một dự án thành phần và có cơ chế bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện. Có như thế mới bảo đảm được lợi ích hài hòa giữa người dân, chủ đầu tư và Nhà nước. Đừng chỉ kêu gọi người dân hi sinh mà không có biện pháp nào để đền bù, để trả ơn sự hi sinh to lớn ấy của người dân
Trần Bảo Hưng

No comments:

Post a Comment