Saturday, February 2, 2013

NGÀNH ĐIỆN LÃI KHỦNG BỎ MẶC DÂN THIẾU NƯỚC PHÁT KHÙNG.

Cần sớm khắc phục những bất cập ở khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3


09:33:00 27/11/2012
Để nhường chỗ cho công trình thủy điện Đồng Nai 3, năm 2010, 460 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu của hai xã Đắk Plao và Đắk Som (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) đã phải chuyển đến khu tái định cư (TĐC) mới. Thế nhưng, sau gần 2 năm trôi qua, khu TĐC vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây đang gặp muôn vàn khó khăn…
Từ không nước sinh hoạt…
Từ đằng xa nhìn lại, khu TĐC tựa như một khu phố sầm uất kiểu mẫu nơi thành thị. Ở đó, nhà cửa san sát và dường như nó được “đặt” một cách ngẫu hứng ở bất kỳ chỗ nào, có thể trên các ngọn đồi hay dưới khe suối. Nhưng chỉ cần dừng lại, hỏi bất cứ ai cũng sẽ nhận được những lời than thở.
Giữa cái nắng hừng hực của trời Tây Nguyên, chúng tôi ghé thăm gia đình ông KTông (ở thôn 1), biết tôi là nhà báo, ông than thở: “Từ khi chuyển nhà về đây, gia đình mình đã phải khốn khổ với cái nước quá rồi. Chẳng biết nước tắc ở chỗ nào mà chỉ chảy được vài tháng đầu, sau đó mở vòi cả ngày cũng không hứng được lấy được một giọt. Khoan giếng thì không được, không còn cách nào khác, mình phải đi lấy nước suối về dùng…”.
Cách đó không xa là gia đình ông KNga, Phó Chủ tịch UBND xã, trao đổi với chúng tôi, ông than vãn: “Thấy dân khổ mà mình chẳng biết làm sao. Đâu chỉ một hai hộ, mà cả xã có đến 80% dân thiếu nước sạch. Về mùa mưa còn tạm ổn vì dân hứng được nước mưa dùng. Chứ về mùa nắng thì dân khổ trăm bề, không còn cách nào khác phải lấy nước dưới sình về dùng, mà nước sình thì đủ thứ dơ bẩn dồn xuống đó. Dân đã đào, đã khoan giếng nhưng vô vọng. Nhà nào may mắn thì khoan trúng nước, không thì khoan cả chục cái cũng như không”.
Thiếu nước sinh hoạt, nhiều người phải đi chở nước suối về dùng.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ khiến cuộc sống của người dân trong khu TĐC gặp muôn vàn khó khăn, mà sinh hoạt của các trường học, trụ sở UBND xã, trạm xá… cũng bị đảo lộn. Cô Ma Thị Liên, giáo viên Trường mầm non Hoa Sen cho biết: “Trong năm học 2012-2013 này, nhà trường nuôi dạy 170 cháu. Nhưng do không có nước, các sinh hoạt của nhà trường bị đảo lộn hoàn toàn. Hàng ngày, nhà trường phải phân công các cô sang nhà dân khoan được giếng xin nước về dùng. Nhưng cũng chỉ đủ để rửa mặt, vệ sinh chân tay cho các cháu thôi. Còn thầy cô ở nội trú cũng phải lấy nước suối về để tắm giặt. Còn nước sinh hoạt ăn uống thì phải bỏ tiền ra mua với giá từ 50.000-70.000 đồng/m 3 . Trong khi đó, tiền giảng dạy cũng chẳng được là bao khiến cho đời sống của giáo viên vốn đã khó khăn nay lại nhọc nhằn gấp bội”.
Đến không đất sản xuất
Không chỉ khổ sở vì nước sinh hoạt, mà hàng trăm hộ dân nơi đây đến nay vẫn chưa nhận được đất sản xuất khiến cuộc sống người dân nơi vùng đất mới này đã “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Chỉ tay về những quả đồi dựng đứng, khô khốc, anh Nông Văn Vảy (thôn 4) than vãn: “Chú thấy đó, đất dựng đứng như thế kia thì trồng trọt thế nào được. Trước khi chuyển về đây, Nhà nước có hứa sẽ cấp cho mỗi hộ dân 1.000m 2 đất ở và 1ha đất canh tác nhưng đã gần 2 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận lấy được một mét đất sản xuất nào. Không có đất, người dân phải đi làm thuê cuốc mướn để kiếm sống qua ngày vì dân lao động mà không có đất thì lấy gì mà sống”. Còn bà Hbum (thôn 1) thì “may mắn” hơn là được Nhà nước cấp cho 7 sào đất sản xuất. Tuy nhiên, đất được cấp lại nằm trên sườn đồi, muốn trồng cây gì cũng rất khó.
Được biết, để chuẩn bị cuộc sống mới cho người dân tại khu TĐC, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án thủy điện 6) đã quy hoạch hơn 5.800ha đất để cấp đất sản xuất cho dân. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 312/460 hộ dân được nhận đất, trong đó có tới 141 hộ mới chỉ nhận được chưa đầy 4.000m2. Ngoài ra, mỗi hộ dân chỉ được cấp vỏn vẹn 1.000m2 đất ở, nhà cửa lại xây san sát nhau nên muốn trồng cây rau, chăn thêm con gà, nuôi heo… tăng thêm thu nhập là điều không thể.
Đâu là nguyên nhân?
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thừa nhận: “Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại khu TĐC Đắk Plao đã xảy ra trong nhiều năm qua. Khu TĐC có tổng cộng 432 căn nhà thì trong đó 2/3 nhà được xây dựng trên địa hình đồi dốc. Khi đầu tư xây dựng khu TĐC, Ban Quản lý dự án thủy điện 6 chỉ đầu tư xây dựng vỏn vẹn ba giếng khoan với công suất 260m3/ngày đêm để cung cấp nước sinh hoạt. Nhưng kể từ khi xây dựng xong và bàn giao cho xã quản lý, đến nay chỉ có hai giếng nước hoạt động một cách cầm chừng, lúc có lúc không. Nhiều khi phải hai đến ba ngày mới bơm được vài khối nước. Còn một giếng sau khi bàn giao, chưa hoạt động được ngày nào đã phải nằm “đắp chiếu””.
Theo tìm hiểu, việc chủ đầu tư thiết kế các bể chứa nước cũng bất hợp lý, bể được xây dựng nổi ngay trên mặt đất, trong khi đó nhiều khu dân cư sinh sống trên những quả đồi cao hơn bể nước và cách xa cả cây số nên nước không thể tự chảy đến nhà dân được. Hơn nữa, toàn bộ hệ thống ống dẫn nước từ bể chứa đến nhà dân đều bằng ống nhựa, nhưng lại được lắp đặt nổi trên mặt đất một cách sơ sài, lâu ngày phơi nắng, phơi mưa, nhiều đoạn bị hư hỏng nặng không được sửa chữa. Vì vậy, những bể nước này trên danh nghĩa là cung cấp nước cho toàn bộ khu TĐC, nhưng thực tế chỉ cung cấp sinh hoạt cho trụ sở UBND xã và các hộ dân sinh sống trong vòng bán kính chưa đầy 100m quanh bể, còn lại đều không có nước sử dụng.
Còn nguyên nhân dẫn đến 1/3 hộ dân vẫn chưa được cấp đất sản xuất là do chủ đầu tư thiếu nhiệt tình trong việc phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê, giải thửa, đền bù cho các hộ dân và các cơ quan có đất canh tác trong vùng TĐC trước đó. “Muốn để dân TĐC sống bền vững thì phải cấp thêm đất sản xuất cho họ. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với các cấp đề nghị thu hồi đất không hiệu quả của lâm trường Quảng Khê và cũng như chủ đầu tư sớm đền bù cho một số hộ dân có đất canh tác từ trước để giao lại cho bà con sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thu hồi được để cấp cho người dân”, ông Trung nói.
Thiết nghĩ, vì lợi ích chung mà người dân nơi đây đã phải hy sinh quyền lợi riêng của mình, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp khắc phục những bất cập nêu trên để tránh ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
 Văn Thành
 http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2012/11/186107.cand

No comments:

Post a Comment