Saturday, February 9, 2013

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
VĂN CAO… RƯỢU 
                                                thanh thảo             
Câu chuyện đầu tiên xin được giới thiệu là về Nhạc sĩ, Thi sĩ Văn Cao - Người mà trong cuộc đời mình, Thanh Thảo vốn rất kính trọng và thâm tình. 
Phụ họa  ăn theo là bài thơ "Trầm tư Văn Cao" của Mai Bá Ấn

Nói tới Văn Cao, ngoài những chuyện tài (năng) và tai (nạn) của ông, người ta còn hay nói chuyện Văn Cao uống rượu. Nhưng theo tôi, nói “ Văn Cao uống rượu” có vẻ chưa được ổn, mà nên nói đơn giản “Văn Cao rượu”. Vì, rất nhiều lần được ngắm Văn Cao uống rượu, tôi rất ít khi thấy ông uống, mà nhiều hơn, là thấy ông ngồi thiền trước chén rượu. Lặng lẽ. Người ta nói những người uống rượu như thế là những người “mượn rượu”, không phải chuyện mượn rượu giải sầu, mà là mượn chuyện uống rượu, mượn cái không khí rượu-dù là không khí ngoài quán hay trong nhà-để ngẫm ngợi cái gì, chuyện trò tương tác những gì với bạn bè anh em, hay cô đơn du hành trong tâm trí tới những vùng xa lạ nào của tâm tưởng.
Đúng là rượu gắn bó với phần lớn cuộc đời Văn Cao, nhất là trong khoảng 40 năm cuối đời ông. Nhưng vì “rượu” theo kiểu riêng của ông như vậy, nên thực ra lượng cồn chảy vào người Văn Cao không nhiều. Có những buổi Văn Cao chỉ ngồi trước đọc nhất một chén rượu, như thế thì rượu trong chén cũng đã nhạt hơi và theo lời khuyên của các thầy thuốc bây giờ, thì đó chỉ là cách uống rượu dưỡng sinh. Uống như thế không thể say bét nhè, càng không có chuyện không làm chủ được đầu óc để dẫn tới những điều đáng tiếc. Không phải ai cũng có cách uống rượu như vậy, vì nếu ai cũng uống theo kiểu chỉ ngồi im nhìn chén rượu (hay cốc bia) thì các hãng rượu bia phải đóng cửa phá sản từ khuya rồi! Nhưng kỳ lạ là khi Văn Cao uống rượu theo kiểu của ông với đám đàn em chúng tôi, thì cách “rượu” của ông không hề ngăn trở hay làm mất hứng bất cứ ai trong bàn rượu, dù đó là những anh chàng đang độ hảo hán coi vài ba chai sáu lăm như đồ bổ, coi vài chục vại bia hơi như trò súc miệng. Cái nét có thể gọi là đẹp, bây giờ người ta hay gọi là “văn hoá” trong chiếu rượu của Văn Cao, là ông biết chờ bạn rượu, biết lắng nghe người khác nói, dù đó là những đứa em út, và khi tới lượt mình, thì biết nói những điều tâm huyết, biết kể chuyện đời một cách nhẹ nhàng, và tuyệt đối không khoe khoang. Nghe Văn Cao bên chén rượu nói chuyện hay kể chuyện rất thích, vì ta có cảm giác một không gian thân mật ấm cúng bao phủ cả chiếu rượu, len lách vào từng người uống rượu, và ngay khi nghe Văn Cao kể chuyện, thì những chuyện buồn, những chuyện đau đớn của ông vẫn lâng lâng. Người như thế không biết oán thù, không sân hận, nhưng bao giờ cũng biết nhớ, nhớ một cách rõ ràng, chính xác từng chuyện một đã xảy ra với mình trong đời. Chính vì sống như thế mà tận cuối đời Văn Cao vẫn sáng tác được những bài thơ những bản nhạc cực hay. Có một cái gì nung nấu, một cái gì tinh lọc, một cái gì chưng cất lặng lẽ như qui trình chưng cất rượu trong tâm hồn người nghệ sĩ tài ba nhưng khiêm nhường này, để “hoạt động uống rượu” của Văn Cao trở thành như một nghi lễ với riêng ông. Người ta vẫn gọi những người đạt tới “tầm” uống rượu như thế là những “tiên tửu”. Đúng Văn Cao là tác giả “Thiên Thai” bất tử, nhưng ông rất người thường, rất như mọi người, chứ không phải “tiên”. Bây giờ, nhiều khi ngồi uống bia hay rượu với “những người nổi tiếng” tôi thấy họ nói nhiều quá, nhất là nói về mình nhiều quá, mà lại ít những câu chuyện kể về bản thân mình khiến người ngồi cùng chiếu rượu thấy thấm thía, nghe chén rượu hay cốc bia lên hương hơn là thực chất nó có. Văn Cao đã biết làm “lên hương” mỗi chén rượu ông và bạn bè uống trong một chiếu rượu bằng cách để chén rượu mình…hả nhạt, vì rất lâu ông không nhấp môi. Nhưng chắc chi chén rượu để lâu không uống ấy hả nhạt. Biết đâu, trong lặng lẽ, nó đang tự dồn nén hương vị của mình, và chờ đợi. Rất biết chờ đợi.
 ThTh


Mai Bá Ấn

            Trầm tư Văn Cao
                                                                  









“Có lúc
một mình một dao vào rừng đêm      
không sợ chết
có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt” (VC)

 Tôi vẫn thấy bàn tay ông nâng ly rượu rất trong
trong suốt một tinh hoa gạn lọc
cả đời nhạc đời hoạ đời thơ của ông…
ông chưa từng khóc
chỉ có nước mắt buồn
Gạn từ giọt lệ buồn ông đưa ta đến bến bờ vui
những Suối mơ, Thiên Thai
có chàng Trương Chi gõ mạn thuyền ngồi hát
rồi chắt lọc tinh anh qua từng khuôn nhạc
vút lên một Tiến quân ca
vọng đến ngàn sau hồn thiêng dân tộc

Nghe tin ông đi… tôi buồn nhưng không khóc
bới trần gian ông một cõi đi về
hình hài mất bởi hình hài quá chật
không còn đủ sức chứa tài hoa

Ông phải thoát ra cho nhạc chảy
thơ tuôn
                                                           cho sắc màu lên ngôi vĩnh cửu
người đời sau gõ nhịp và ca…

Ly rượu đắng đời ông… ông dâng đời vị ngọt
nước mắt trong biến tấu nụ cười buồn
vầng trán trầm tư
chòm râu trầm tư
mái tóc cũng trầm tư
ly rượu nhuốm nỗi trầm tư bất tận

sông Lô trầm tư căn gác hẹp trầm tư
thành Trường ca thành Quốc ca
                                               tự hào nỗi trầm tư dân tộc

Vơi ly tri âm
đầy ly cô độc
mỗi phận người chau riêng nét suy tư

Đọc Văn Cao ta thấm nỗi vui buồn
                                                       trầm tư cùng Tổ quốc
Và tôi vẫn thấy ông đi về…
bàn tay nâng ly rượu rất trong
              Ngày Ông đi-1990
                                                                                                 mai bá ấn

No comments:

Post a Comment