Thứ Sáu, 01/02/2013 - 17:13
Ồn ào quanh chùa Dơi: Chính quyền và nhà đầu tư đều cam kết… miệng
(Dân trí) - Sau khi đăng tải bài viết “Chuyện “ồn ào” quanh chùa Dơi” về việc tỉnh Sóc Trăng cấp phép xây dựng nhà hàng, khách sạn tại chùa Dơi ảnh hưởng đến đàn dơi ở đây, báo Dân trí tiếp tục trao đổi với những người có trách nhiệm để làm rõ bản chất vụ việc.
>> Chuyện “ồn ào” quanh chùa Dơi
>> Chùa Dơi vắng bóng dơi vì... quán nhậu
Ông Trương Minh Lưu, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, người phát ngôn chính thức của Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết, ngày 19/1/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp bất thường với nội dung chính là nghe UBND tỉnh giải trình nhiều vấn đề, trong đó có vụ xây nhà hàng - khách sạn ở khu vực chùa Dơi.
Nhà hàng được xây trên mảnh đất thuê của chùa Dơi
Theo ông Trương Minh Lưu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo tạm dừng triển khai một số hạng mục công trình của dự án, chờ kết luận chính thức của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện nâng cấp hồ sơ xếp hạng bảo vệ di tích quốc gia chùa Dơi theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Còn ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trao đổi: Việc cấp phép đầu tư xây dựng nhà hàng - khách sạn ở khu vực chùa Dơi là đúng chủ trương, tuy nhiên, quy trình thực hiện cũng như thủ tục lại có “vấn đề”. Theo ông Tùng, có dư luận cho rằng tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng – khách sạn không đúng theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Cụ thể, trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư mà nghị định ban hành không có danh mục nào dành cho dự án nhà hàng, khách sạn, khu du lịch thông thường. Tuy nhiên, khu vực tỉnh cấp phép đầu tư là khu vực thuộc diện “Địa bàn ưu đãi đầu tư” (thị xã, nay là thành phố, Sóc Trăng thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được quy định tại phụ lục II-danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ).
Ông Lê Văn Cần, Bí thư Thành ủy Sóc Trăng, thẳng thắn: Liên quan đến vụ xây nhà hàng - khách sạn tại chùa Dơi, địa phương và nhà đầu tư đều có cái... sai. Theo giải thích của ông Lê Văn Cần, tỉnh cấp phép cho nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu đất cách chùa Dơi khá xa nhưng nhà đầu tư lại thuê thêm đất của nhà chùa khoảng 8.000m2 ở ngay bên cạnh đường Văn Ngọc Chính, đối diện cổng chùa Dơi để xây dựng nhà hàng gây phản ứng trong dư luận. Nếu nhà đầu tư xây dựng trên khu đất tỉnh cho thuê thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.
Theo tìm hiểu của PV, nhà đầu tư thuê khu đất của nhà chùa diện tích trên 8.000m2 với giá 600 triệu đồng trong thời gian 49 năm. Chính vì thuê được đất giá rẻ và vì lợi nhuận nên nhà đầu tư đã nhanh chóng khai thác kinh doanh trên đất nhà chùa mà không khai thác trên diện tích đất tỉnh đã giao. Bên cạnh sai phạm này, nhà đầu tư cũng tiến hành môt số hoạt đông không có trong giấy phép được cấp là mở phòng Karaoke, cho thuê nhà hàng phục vụ đám cưới, mở nhạc lớn... gây phản ứng trong nhân dân tại khu vực chùa Dơi.
Cũng theo ông Lê Văn Cần, khi cấp phép, việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường tại khu vực xây dựng chưa được chu đáo nên dư luận lo ngại có ảnh hưởng đến sự tồn tại của đàn dơi ở chùa Dơi. Tuy nhiên, cho rằng nhà hàng-khách sạn làm đàn dơi bỏ đi là chưa có cơ sở bởi đàn dơi ở chùa Dơi bị hao hụt từ nhiều năm trước.
Dù chính quyền nói tạm ngưng nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công bởi cả đôi bên đều chỉ nói miệng
Ông Quách Việt Tùng nói: “Công ty Satraco mới xây dựng nhà hàng từ cuối năm 2011, trong khi đó, đàn dơi bị hao hụt đã xảy ra nhiều năm trước, cho nên đổ lỗi cho nhà hàng là chưa khách quan. Cho đến nay, chưa có một báo cáo nào khẳng định đàn dơi ở chùa Dơi bị hao hụt là do nhà đầu tư xây dựng nhà hàng cả”. Cũng theo ông Tùng, trong vấn đề này, các cơ quan chức năng của tỉnh như Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Sở Tài nguyên-Môi trường, UBND thành phố và tỉnh cũng có khuyết điểm khi chậm thực hiện việc khảo sát, lập hồ sơ về khu di tích văn hóa nghệ thuật chùa Dơi theo đúng quy định của pháp luật.
Xin nói rõ, vào cuối những năm 1990, Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng nhà hàng ở khu vực chùa Dơi nhưng hoạt động không hiệu quả; cho đào ao để nuôi cá nhưng không ai quản lý nên thất thoát; sau đó cho một cán bộ của Sở Nội vụ sử dụng ao để nuôi cá nhưng không hiệu quả nên bỏ hoang. Tiếp tục kêu gọi đầu tư nhưng không đơn vị hay cá nhân nào mặn mòi. Chỉ đến khi có Festival lúa gạo lần thứ 2, tỉnh đầu tư mở đường vào chùa Dơi thì Công ty Satraco mới đầu tư xây dựng nhà hàng-khách sạn nhưng bây giờ chỉ có khu vực nhà hàng phục vụ ăn uống được xây dựng trên khu đất thuê của nhà chùa, còn đất tỉnh giao vẫn chưa khai thác.
Báo cáo giải trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Sóc Trăng cũng mạnh dạn nhìn nhận: Trong quá trình cấp phép đầu tư xây dựng dự án còn một số thiếu sót như: UBND thành phố Sóc Trăng cấp Giấy phép xây dựng khi doanh nghiệp chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án phòng cháy, chữa cháy..., thực tế doanh nghiệp có một số hoạt động không đúng với cám kết. Với những sai sót này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý cụ thể. Liên quan đến thông tin cho rằng tỉnh chỉ đạo bằng miệng việc tạm dừng các hạng mục công trình khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn khó, ông Trương Minh Lưu, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Sóc Trăng, khẳng định: “Dư luận cho rằng Ban thường vụ tỉnh ủy yêu cầu đình chỉ hoạt động của nhà đầu tư là không đúng. Ban thường vụ tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh tạm dừng các hạng mục công trình để chờ kết luận chính thức của Bộ VH-TT-DL. Còn triển khai bằng miệng thì chúng tôi không nắm rõ”.
Ông Lê Văn Cần, Bí thư thành ủy Sóc Trăng, cho biết: “Sau khi có kết luận và chỉ đạo của Ban thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND thành phố triển khai đến nhà đầu tư dự án. Cụ thể, mời ông Ngụy Bá Tùng (lãnh đạo công ty Satraco) lên trao đổi nội dung ý kiến chỉ đạo của Ban thường vụ tỉnh ủy và nhà đầu tư đã đồng ý tạm dừng các hạng mục. Quan điểm của thành phố, Ban thường vụ tỉnh ủy đã chỉ đạo thì chấp hành, nhà đầu tư tự nguyện chấp hành thì việc gì phải triển khai bằng văn bản nữa”.
Để kiểm chứng thông tin, PV Dân trí cũng liên hệ với ông Ngụy Bá Tùng nhưng ông Tùng không tiếp xúc. Gọi điện thoại nhiều lần thì ông không bắt máy, tìm tới trụ sở công ty ở phường 5 (TP Sóc Trăng) thì nhân viên cho biết ông đang ngủ không dám kêu. PV chờ một lát thì nhân viên ra bảo ông Tùng không ở nhà,…
Theo ông Lê Văn Cần, vụ việc ở chùa Dơi cần có sự đánh giá của Bộ VH-TT-DL mới biết được đúng hay sai. Chùa Dơi là khu di tích văn hóa nghệ thuật được công nhận năm 1999, khi đó chưa có Luật Di sản nên chỉ có vùng 1 (vùng bất khả xâm phạm) chứ chưa có vùng 2 hay vùng 3 nên việc công ty Satraco xây dựng nhà hàng không nằm trong vùng “cấm”. Khi nào hoàn chỉnh hồ sơ theo Luật di sản thì sẽ tính tiếp có triển khai dự án hay không, nếu triển khai thì ở mức độ nào,... Như vậy, vụ ồn ào quanh chùa Dơi đã khá rõ. Lỗi là “tại anh tại ả” chứ không phải của riêng ai...
Một diễn biến khác, sáng ngày 31/1, đến khu vực nhà hàng của Công ty Satraco, PV Dân trí nhận thấy đơn vị này vẫn tiếp tục thi công dãy nhà quán với nhiều công nhân, dù chiều ngày 29/1, ông Lê Văn Cần, Bí thư thành ủy Sóc Trăng cho biết nhà đầu tư đã đồng ý tạm dừng thi công các hạng mục công trình của dự án, chờ khi có kết luận chình thức của Bộ VH-TT-DL. Hỏi một người phụ trách công trình, ông này nói: “Em chỉ biết thi công theo chỉ đạo của công ty, còn có tạm ngừng hay không thì em đọc báo thấy nói chứ không thấy công ty nói gì”. Hóa ra, địa phương chỉ đạo bằng “miệng”, còn nhà đầu tư dù cam kết (cũng bằng “miệng” luôn) vẫn cứ thi công...
Bạch Dương
No comments:
Post a Comment