Sunday, February 17, 2013

Không bao cấp+ Không tạo ra rủi ro

09:24:36 Thứ bảy, 16/02/2013
Hoàn thiện thể chế kinh tế: 
Đầu tư ít nhất, hiệu quả cao nhất
TS. Trần Du Lịch
Hoàn thiện thể chế kinh tế có ý nghĩa động lực đối với việc huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lớn hơn là sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước
(baodautu.vn) Việc đầu tư để hoàn thiện thể chế là loại đầu tư ít tốn kém nhất, nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đây cũng là khâu khó khăn nhất.
Xác định rõ vai trò của Nhà nước
Thể chế kinh tế của nước ta, tuy không ngừng được đổi mới trong suốt 25 năm qua, nhưng không bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là sự vận động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đặt ra yêu cầu bức thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Một trong những trở lực của quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế liên quan đến nhận thức về kinh tế thị trường, về chức năng kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, dù mô hình này đã được thực hiện trong hơn một phần tư thế kỷ.
Trước hết, cần xác định rõ chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường. Đây là cơ sở để đổi mới nội dung thể chế kinh tế.
Kinh tế thị trường được vận động với sự tham gia của 3 chủ thể chính, gồm: người sản xuất (tức người cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường); hộ gia đình - người tiêu dùng và thứ ba là Nhà nước. Hiện nay, trong quản lý nền kinh tế có sự lẫn lộn về vị trí, vai trò của 3 chủ thể này.
Thực tế, có những trường hợp, Nhà nước chưa thể hiện đầy đủ chức năng của mình, trong khi lại can thiệp vào vai trò, chức năng của các chủ thể khác.
Một khi Nhà nước không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình ở từng cấp, từng ngành trong quản lý kinh tế thị trường, thì không thể quản lý hiệu quả sự vận động của thị trường. Hơn nữa, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp để điều tiết thị trường, Nhà nước vẫn chậm thay đổi thói quen can thiệp
vào thị trường bằng các biện pháp hành chính. Chính các công cụ gián tiếp mới mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với tính chất của cơ chế kinh tế thị trường.
Quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường chính là tạo ra khuôn khổ pháp luật phản ảnh được mục tiêu, ý muốn chủ quan của Nhà nước trong quá trình phát triển; qua đó, các chủ thể khác tự quyết định hoạt động của mình.
Nhà nước bổ khuyết cho thất bại của thị trường
Lý luận cũng như thực tiễn đã cho thấy, không phải lúc nào thị trường cũng đúng trong việc phân bố nguồn lực của nền kinh tế. Khi đó, sự thất bại của thị trường sẽ mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tạo nên những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây, nhà đất, chứng khoán, lương thực, thực phẩm hết lên cơn “sốt” lại đến đóng băng… là minh chứng rõ nét về sự thất bại của thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư, làm méo mó thị trường, lãng phí nguồn lực xã hội, mà chúng ta thường nói là bất cập trong quản lý kinh tế của Nhà nước.
Ngày nay, với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của các nền kinh tế, vai trò của Nhà nước càng đặc biệt quan trọng. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, cạnh tranh về sản phẩm đã trở thành cạnh tranh quốc gia. Cả 3 giác độ cạnh tranh này ngày càng không thể tách rời, mà yếu tố cạnh tranh quốc gia đã và đang trở thành nhân tố quyết định đối với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm trong quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế.
Do đó, có thể nói rằng, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước là tạo ra các yếu tố dẫn dắt thị trường phát triển. Tức là, quan hệ giữa nhân tố khách quan của quy luật thị trường với ý muốn chủ quan trong mục tiêu phát triển của Nhà nước không làm triệt tiêu lẫn nhau.
Đây chính là điểm khó khăn nhất về phương diện tư duy, cũng như hành động trong suốt quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đây cũng chính là bất cập trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay.
Về thuộc tính của kinh tế thị trường, cho đến nay vẫn bộc lộ 3 khuyết tật lớn: (1) luôn luôn có nguy cơ mất cân đối cung - cầu, tạo ra các cuộc khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu; (2)vì mục tiêu lợi nhuận và cạnh tranh, doanh nghiệp ít quan tâm đến lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng; (3) kinh tế thị trường về bản chất là mô hình làm giàu cho thiểu số; tự nó không thể làm giàu cho mọi người.
Những khuyết tật trên, mỗi quốc gia tuỳ theo điều kiện lịch sử và đặc điểm của mình và tùy theo mục tiêu của nhà nước đó mà đề ra những công cụ quản lý khác nhau.
Ngày nay, khi nói đến phát triển bền vững, tức là sử dụng vai trò của Nhà nước để khắc phục 3 khuyết tật của thị trường nói trên.
Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Mặc dù vậy, thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế còn kém, do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường.
Mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.
Ba trọng tâm đổi mới
Thực tế của nước ta, có 3 vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế.
Thứ nhất, cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Như đã nói ở trên, ngoài việc tạo môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng cho sự vận động của các chủ thể tham gia thị trường, quản lý nhà nước còn có vai trò khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường, để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, kết hợp giữa vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường.
Thứ hai, nền kinh tế thị trường của chúng ta đi sau, nên hoàn toàn có thể vận dụng những công cụ vận hành của thị trường, mà lịch sử phát triển của nó ở nhiều nước cho thấy là đúng đắn và phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của nước ta và khuôn khổ các thể chế kinh tế mà nước ta là thành viên. Thị trường là công cụ, là nơi chuyển tải mục tiêu phát triển của một quốc gia, chứ tự nó không phải là mục tiêu.
Thứ ba, để bảo đảm tính đồng bộ của luật pháp cho sự vận hành của thị trường, cần tổ chức rà soát lại hệ thống luật pháp có liên quan đến từng loại thị trường.
Do đó, nên tiến hành hoàn thiện các loại thị trường theo từng đề án. Mỗi đề án có nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật có liên quan. Ví dụ: để hoàn thiện thị trường bất động sản, thì liên quan tới rất nhiều đạo luật hiện hành, nên cần rà soát một cách tổng thể để có sự hoàn thiện, tạo tính đồng bộ của khung pháp lý trong quá trình vận hành.
Trong 3 nội dung đột phá của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, thì hoàn thiện thể chế kinh tế có ý nghĩa động lực đối với việc huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lớn hơn là sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Hoàn thiện thể chế kinh tế có ý nghĩa động lực đối với việc huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu và chuyển đổi.

No comments:

Post a Comment