Thursday, February 14, 2013

ĐẦU TƯ XEM XÉT TỪ ĐÂU

Khủng hoảng và tư duy mới


Năm nay, xem chừng nàng Xuân của doanh nghiệp Việt Nam có phần héo úa hơn cả năm ngoái. Ánh mắt nặng ưu tư hơn, nụ cười ít đầy đặn hơn, phấn son cũ kỹ hơn...

Không héo úa sao được khi mang trong lòng dấu hằn của hàng vạn doanh nghiệp được chính thức thống kê là phá sản, của chí ít cũng ngần ấy doanh nghiệp biến mất khỏi thương trường không một hồi kèn đưa tiễn và hàng chục vạn doanh nghiệp khác đang canh cánh một tâm trạng bi quan về triển vọng làm ăn của mình.

Trong một cuộc hội thảo hồi trung tuần tháng 12 năm vừa qua tại TP.HCM, một nhà kinh tế hàng đầu của bộ máy nhà nước cho rằng, trong năm 2012, nền kinh tế Việt Nam phải chịu tác động tích lũy của những chính sách kinh tế thực hiện từ năm năm qua. Ông nói như vậy, chắc hẳn Chính phủ đã thấy trách nhiệm của mình. Nhiều người sẽ đáp lại ngay: “Thấy chứ! Thì Chính phủ đã chẳng đưa ra hàng loạt biện pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp, gần đây là doanh nghiệp bất động sản, là gì?”. Vâng! Nhưng có gỡ khó được hay không, xin chờ xem. 

Nói như vậy không phải vì dè sẻn lòng tin đối với Chính phủ, trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp chỉ mong được tin vào Nhà nước. Qua những gì báo chí thông tin trong mấy ngày qua, có thấy vài tín hiệu, tuy còn mong manh và rời rạc nhưng cũng làm nhen nhóm hy vọng rằng nền kinh tế nước nhà rồi sẽ được “gãi đúng chỗ”. 

Ví dụ, khi nói về bất động sản thì ưu tiên hỗ trợ là cho phân khúc nhà dành cho người có thu nhập thấp; khi sơ kết kết quả sản xuất của các ngành kinh tế trong năm 2012, Thủ tướng ghi nhận rằng trong khó khăn chung, nông nghiệp đã chứng tỏ là trụ cột của nền kinh tế. Như vậy, theo lô-gíc tư duy thông thường, nạn đầu cơ vào nhà ở “siêu sang” sẽ không còn được trực tiếp hay gián tiếp khuyến khích, thị trường bất động sản và sau đó là nhiều thị trường khác sẽ được kéo về đường ngay nẻo đúng. Còn về chiến lược phát triển kinh tế, tình trạng ghẻ lạnh đối với đứa con nhiều triển vọng nhất của gia đình là nông nghiệp và người làm nghề nông, sẽ chấm dứt. 

Động lực của kinh tế quốc gia sẽ được nhận diện chính xác và đầy đủ hơn, từ đó chiến lược phát triển bền vững sẽ thực sự hình thành và khả thi. Tuy nhiên, có chí ít ba lý do để hết sức thận trọng: 

- Thứ nhất, phải chờ giải pháp cụ thể, trước hết là các giải pháp kinh tế/tài chính để xem tính khả thi và tính hiệu quả của các giải pháp này. Mấy ngày nay, dù chưa có gì được công bố chính thức nhưng đã có rất nhiều ý kiến e rằng các giải pháp liên quan đến bất động sản được báo chí hé lộ sẽ không có hiệu quả như mong muốn. 

- Thứ hai, giải pháp đưa ra có thể phù hợp nhưng thành công lại phụ thuộc vào biện pháp thực hiện. Còn nhớ hai gói kích cầu năm 2010, chủ trương rất đúng và giải pháp rất ngoạn mục vì lên đến hàng tỷ USD, nhưng do biện pháp thực hiện, đến nay vẫn còn rất nhiều nghi vấn về tính hiệu quả. Và gần đây, kế hoạch bơm hàng ngàn tỷ đồng để “cứu” ngư dân nuôi cá tra được những người chủ xướng ca ngợi và cho rằng rất cần thiết, thậm chí cấp bách. Thế mà đến nay cũng chưa đến tay người được hưởng... 

- Thứ ba, tình trạng hiện nay của nền kinh tế đòi hỏi thực hiện một phác đồ chữa trị đồng bộ, không thể chữa lành bằng những đơn thuốc trị biểu hiện đau ở các khu vực cục bộ. Khi mọi lĩnh vực đều đã cạn sức đề kháng, hiệu ứng đầu tàu - tập trung vào một lĩnh vực mạnh để vực dậy cả nền kinh tế - sẽ không xảy ra, dù đó là xây dựng, kinh doanh bất động sản, công nghiệp sản xuất hay ngân hàng. 

Những cuộc cải tổ căn cơ mà Chính phủ biết rõ là cần thiết nhưng, vì nhiều lý do, trong đó có cái chính đáng và cái không chính đáng, cứ trì hoãn hoặc thực hiện nửa vời, như về quyền của người dân đối với đất đai; chính sách và giải pháp đối với khu vực kinh tế vốn nhà nước; cải cách quản trị công; tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước (vấn đề này đã được các chuyên gia nêu với ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước từ năm 1987 nhưng lúc bấy giờ bị cho là quá sớm. Nay thiết nghĩ là lúc đặt và xem xét lại vấn đề một cách thấu đáo); kiểm soát các nhóm lợi ích... cần được tiến hành triệt để về măt quyết tâm chính trị và bài bản về mặt phương pháp luận và biện pháp, trong đó có kế hoạch phân bổ thời gian khẩn trương nhưng phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế và nội lực của hệ thống chính trị.
***
Mặt khác, không thể phủ nhận rằng sự thất bại hay những gian nan, khổ nhọc mà doanh nghiệp đang và còn phải gánh trên vai một thời gian nữa, bên cạnh trách nhiệm của bộ máy nhà nước còn có nguyên nhân từ chính lãnh đạo của các doanh nghiệp ấy, nghĩa là từ chính bản thân doanh nhân.

Khủng hoảng mà chúng ta đang muốn vượt qua có ít ra là một tác dụng rất tích cực, đó là tác dụng thanh lọc. Bình tâm và cầu thị nhìn lại, phải thấy rằng từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, trừ một số ngoại lệ doanh nhân cố gắng làm ăn căn cơ, đúng bài bản, rất đáng biểu dương, chúng ta đã biết qua hai lớp doanh nhân được dư luận chung cho là thành đạt. 

Nói một cách hình tượng, lớp đầu tiên là những người kinh doanh “bằng lỗ mũi”, tức những người bằng giác quan nhạy bén đã phát hiện giá trị tiềm tàng khổng lồ của đất đai từ những năm 80 của thế kỷ trước và kế đó là giá trị “tiền đẻ ra tiền” to lớn của kinh doanh ngân hàng và mua bán chứng khoán từ những năm đầu của thế kỷ XXI nên đã tiên phong đi vào các lĩnh vực này và nhờ mua rẻ bán đắt mà thu được những khoản lời kếch sù vượt mọi giấc mơ. 

Lớp doanh nhân thành đạt thứ hai thì kinh doanh “bằng đôi chân”, là những người chạy theo phong trào và cũng nhanh chóng dựa vào đầu cơ mà phất lên.
Điều đáng tiếc là các định chế nhà nước, thay vì thực hiện đầy đủ vai trò điều tiết của mình để chống lại đầu cơ thì trên thực tế, vì nhiều lý do, trong đó hàng đầu là sự ám ảnh về “thành tích tăng trưởng GDP”, đã tiếp sức cho nạn đầu cơ bằng cách bơm vào thị trường những đồng vốn giá rẻ với khối lượng lớn, tạo và duy trì từ 2005 đến nay ảo tưởng về những nguồn tiền vô tận để doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vốn nhà nước.
Từ chỗ vô tư “mua rẻ bán đắt” ban đầu nay chuyển thành vô tư “vay rẻ bán đắt”, góp phần biến đợt sóng đầu cơ thành cơn sóng thần tàn phá sau này. Khủng hoảng tài chính - kinh tế là hệ quả tất yếu khi doanh nhân thuộc hai lớp trên trở thành lực lượng chi phối của nền kinh tế. Ngược lại, họ cũng là những người đầu tiên chịu hậu quả của khủng hoảng và đến nay là những người chịu hậu quả nặng nề nhất.
***
Năm 1986, sau Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả nước hồ hởi tiến về phía trước theo khẩu hiệu “Đổi mới tư duy”. Khẩu hiệu này ngày nay lại trở lại mang tính thời sự, cần phải làm sống lại; giống như năm 1986, đây là một yêu cầu phát sinh từ thực tế kinh tế sòng phẳng và không thể cưỡng lại. 

Có điều, khác với năm 1986, ngày nay không phải chỉ có những người trong bộ máy Đảng và Nhà nước mà còn có các doanh nhân cũng phải đồng hành đổi mới tư duy do vai trò ngày càng lớn của họ đối với vận mệnh đất nước. Khủng hoảng chung của nền kinh tế và sự lao đao, thậm chí thất bại, của bản thân doanh nghiệp chỉ ra rằng doanh nhân chúng ta, trừ ngoại lệ, không thể tiếp tục với tư duy và phương thức kinh doanh cũ mà cần thay thế bằng một tư duy, phương thức mới, dựa trên nền tảng vững chắc của tri thức và trách nhiệm. 

Có được cùng lúc học thức và tinh thần trách nhiệm để: i/ Giúp nắm được tri thức về quy luật kinh tế và kỹ năng cần thiết trong kinh doanh (Biết việc mình làm); 

ii/ Chỉ kinh doanh những lĩnh vực mà mình nắm được tri thức và kỹ năng (Chỉ làm việc mình biết); và cuối cùng

iii/ Khi tính thành công cũng phải lường thất bại (Hãy mở to mắt để nhìn rõ hào quang của thành công và hậu quả của thất bại). Với tư duy mới này, có nhiều doanh nghiệp hơn nữa sẽ phải dứt khoát chuyển dịch ngành nghề, thay đổi cơ cấu, mua bán, sáp nhập hoặc đóng cửa..., nhiều doanh nhân sẽ phải “tái sinh” hoặc về vườn...

Về phía Đảng và Chính phủ, nhân có những tín hiệu đề cập ở trên, xin hãy nhất quán khuyến khích và hỗ trợ phát huy tư duy và phương thức kinh doanh mới, xin đừng trì kéo, dung túng tư duy và phương thức mà tác hại đã thấy quá rõ.

Đó là điều ước cá nhân nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ.
LƯƠNG VĂN LÝ

No comments:

Post a Comment