Friday, June 7, 2013

Văn bản ngày 16.11.2012 gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, QH, Chính phủ của Nhóm SCT

Văn bản ngày 16.11.2012 của Nhóm Yêu quý Bảo Vệ Cát Tiên về việc cứu lấy phức hợp Cát Tiên (CT) thoát khỏi hai thuỷ điện Đồng Nai 6&6A (THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A ) và tiến đến quản lý, phát triển bền vững CT. Nội dung như sau:
Tổng hợp các  ý kiến chuyên gia đa lĩnh vực, đa ngành của nhóm và ý kiến đóng góp của hơn 4.400 người đã ký vào kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dừng hai dự án THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A  tại https://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a. Nhóm chúng tôi xin gửi đến Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng kết quả tổng hợp tóm tắt nhất: 
1. Về quy hoạch và kế hoạch triển khai hai dự án THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A  cụ thể là văn bản số 8281/BCT-NL ngày 21/8/2009 của Bộ Công thương Trình Thủ tướng Chính phủ về việc hiệu chỉnh và bổ sung thủy điện ĐN6 và ĐN6A vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia và Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện sông Đồng Nai:  "Điều chỉnh dự án thuỷ điện (TĐ) ĐN 6 - Công suất lắp máy 180MW -  thành các dự án TĐĐN 6 (135MW) và TĐĐN 6A (106MW) trong đó có rừng và diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng cho hai công trình theo thứ tự là 197,3 ha174,60 ha trong đó diện tích thuộc vùng lõi-khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là 86,43ha và 50,55 ha (số diện tích rừng còn lại là thuộc rừng phòng hộ, theo văn bản 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012)." là vi phạm:
 (1) Phạm vào Điều 7 và Điều 11 của Luật Đa dạng Sinh học Số 20/2008/QH 12 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008,  có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Lý do: Hai dự án này của tập đoàn tư nhân Đức Long Gia Lai (ĐLGL) phục vụ cho mục tiêu kinh tế của công tuy chứ không phải là công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên việc phê duyệt đầu tư, cấp phép xây dựng hai công trình này là vi phạm Luật (cấm việc xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu nghiêm ngặt của khu bảo tồn).
(2) Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên, thuộc các tỉnh Đồng Nai, B́ình Phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc (nay là Đắc Nông) được UNESCO công nhận vào ngày 10/11/2001 và tiếp theo với nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước mà nhất là nhân dân và chính quyền tỉnh Đồng Nai thì vào ngày 26-6-2011, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai với 3 vùng lõi bao gồm Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu Thủy điện Trị An được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Các vùng chịu tác động của THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A  đều nằm trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và phải chịu sự điều chỉnh của Công ước quốc tế và nguyên tắc hoạt động (không tác động làm thay đổi môi trường, thay đổi hệ sinh thái trong vùng lõi) của Uỷ ban điều phối UNESCO/MAB (Con người và Sinh quyển) Quốc tế. Và chắc chắn rằng hai Dự án THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A  sẽ không được UNESCO/MAB ủng hộ hay đồng tình. Việc này chúng tôi cũng được biết là chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (Trưởng ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản Cát Tiên) và Ban thường vụ tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã ký gửi văn bản đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiến nghị cho ý kiến thống nhất, quyết định không đầu tư hai dự án THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A . Nhóm chúng tôi có cùng quan điểm, có cơ sở pháp lý và khoa học để ủng hộ UBND tỉnh Đồng Nai và Thường vụ tỉnh uỷ Đồng Nai mà gần đây nhất là văn bản số 150-BC/TU (6 trang) ngày 12 tháng 11 năm 2012 về báo cáo Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng 6 nhóm tác động của dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai, đề nghị có ý kiến thống nhất dừng hai dự án này vì những tác hại lớn đến đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá, cảnh quan và an toàn cho hàng triệu cư dân vùng hạ lưu.
(3) Số liệu về diện tích và hiện trạng rừng không thất nhất giữa các văn bản và các báo cáo. Cụ thể rõ nhất là theo văn bản 228/BNN-TCLN gồm 4 trang ngày 06/02/2012 gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề rừng và diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng cho hai công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo thứ tự là 197,3 ha174,60 ha trong đó diện tích thuộc vùng lõi-khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là 86,43ha và 50,55 ha (trang 2) nhưng theo DMT thì lần lượt là 171,36 ha (ĐN 6) và 152,17 ha (ĐN 6A). Số liệu trong văn bản đã có sự chênh lệch và chưa thống nhất nhau như vậy thì trong thực tế sẽ ra sao???  
2. Quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường và an toàn; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm sử dụng năng lượng và hướng tới sử dụng năng lượng bền vững theo khuyến cáo của LHQ: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng sóng biển,...
Hai dự án này nằm trong vùng yếu huyệt, vùng giao thoa đa đạng sinh học và đa dạng văn hoá, giao thoa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hoá. Do vậy nếu thực hiện sẽ khai thác nhiều loài gỗ quý hiếm đặc hữu, phá đi ngôi nhà xanh của nhiều loài đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu trong đó có loài Tê giác Việt Nam. Làm mất mát đa dạng sinh học và xói mòn văn hoá, tri thức bản địa nhất là của các cộng đồng Mạ, Stiêng, Châu Ro sống dọc sông Đồng Nai vùng hạ lưu. Đó là chưa kể đến nếu không nghiên cứu và tính toán cẩn trọng thì sẽ có động đất kích thích và vỡ đập như GS.TSKH Lê Huy Bá đã cảnh báo.
Tóm lại, hiệu quả nhỏ kinh tế thì đã rõ nhưng nếu không nói là cung cấp lượng điện năng không đáng kể và thậm chí không cần thiết; rủi ro tài chánh rất cao khi khả năng bảo đảm tài chánh của tư nhân đáng nghi ngại thì hệ luỵ cộng hưởng và tìm tàng không tính hết và chưa thể lường trước đến tác động môi trường nhân văn và môi trường tự nhiên, đến cảnh quan văn hoá và cảnh quan tự nhiên, di sản văn hoá và di sản tự nhiên, di tích quốc gia đặc biệt, Ramsar, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên,… thì sẽ nghiêm trọng mà việc khắc phục là không thể và sẽ là quá muộn mà bài học Sông Tranh cho đến Sông Ba qua thuỷ điện Đắk Rông đã quá rõ.
Kết Luận: Cát Tiên là khu vực nhạy cảm về mọi mặt, cần đặc biệt quan tâm đến các cơ chế và chính sách đặc thù cho vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và văn hoá cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa khu vực có một không hai trên thế giới này.

Kiến nghị: 
Bộ chính trị, Trung ương Đảng có ý kiến chính thức để chính phủ ra quyết định dừng hai dự án này và rút khỏi quy hoạch điện VII. 
Thủ tướng hủy hai quyết định vi phạm Luật đa dạng sinh học (vi phạm điều 7 và điều 11 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009) đó là QĐ 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ Công Thương và QĐ 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 của Bộ NN và PTNT.
UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát và rút lại các thuỷ điện xâm hại, tác động lớn đến môi trường và thiếu an toàn đập. Kiểm điểm các cá nhân và tập thể thiếu trách nhiệm, thực thi trái pháp luật một cách công khai, phổ biến cho dân được rõ nhằm lấy lại niềm tin nơi dân chúng, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. 
T/M NHÓM
Đã ký và gửi đi vào ngày 16.11.2012
Nguyễn Huỳnh Thuật

Đồng kính gửi:
-         Uỷ Ban thường vụ QH và Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH.
-         Chủ tịch nước và văn phòng chủ tịch nước.
-         Thủ tướng, Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân.
-         PCN Văn phòng chính phủ: Văn Trọng Lý và chủ tịch hội đồng quản trị ĐLGL Bùi Phát.
-         Bộ trưởng Bộ TN&MT và thứ trưởng Bùi Cách Tuyến (Chủ tịch hội đồng DTM)
-         Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam (VUSTA)
-     Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai. 
-         Trưởng ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên. 
Các thành viên của nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên có blog http://savingcattiennationalpark.blogspot.com (Love&Save Cattien Group, SCT) 

No comments:

Post a Comment