Monday, June 10, 2013

Ủy ban sông Đồng Nai sao mãi im lìm???

Cấp bách cải thiện môi trường sông Đồng Nai

Thứ hai, 10/06/2013, 06:40 (GMT+7)

Theo khảo sát của các nhà khoa học, chất lượng nước sông Đồng Nai, nhất là nhánh sông Sài Gòn vào một số thời điểm không đạt tiêu chuẩn là nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Đó là điều rất đáng lo ngại. Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chuyển giao chức danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sang cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Việc tập hợp 11 tỉnh thành để cùng nhau cải thiện chất lượng môi trường nước sông Đồng Nai được xem là thách thức to lớn.

Ô nhiễm rất nghiêm trọng





Kiểm tra chất lượng nước sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Trở lại thời điểm năm 2003, khi sông Đồng Nai bắt đầu hình thành những dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực đã có cuộc họp với lãnh đạo 11 tỉnh thành (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An) để bàn về giải pháp xử lý. Kết quả là lãnh đạo các tỉnh thành đã thống nhất cùng ký thực hiện 7 cam kết chung. Cụ thể, đến năm 2007 phải xử lý xong các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ; thống kê những doanh nghiệp gây ô nhiễm mới và đề ra biện pháp xử lý triệt để vào năm 2010; phấn đấu 70% khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quy định; không cấp phép mới cho những doanh nghiệp có ngành nghề nhạy cảm với môi trường; các cơ sở đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất phải được phê duyệt đánh giá tác động môi trường; tăng chi phí đầu tư cho bảo vệ môi trường ít nhất là 15% so với năm 2005; đầu tư nâng cao năng lực cán bộ quản lý môi trường; hình thành những khu quản lý chất thải nguy hại có tính chất liên vùng. Đáng tiếc, cho đến nay những cam kết trên vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Đã vậy, hiện sông Đồng Nai ô nhiễm toàn diện cả về chất lượng nước mặt, nước ngầm và ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học.

Kết quả theo dõi chất lượng nguồn nước của Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) liên tục từ năm 2010 đến nay đã minh chứng rõ điều này. Ước tính mỗi ngày, các khu đô thị, doanh nghiệp dọc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (LVHTSĐN) thải ra khoảng gần 5 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp với tổng lượng BOD 600.000kg, 1,1 triệu kg COD, 200.000kg Nitơ, 760.000kg SS… Chất lượng nước sông Đồng Nai, nhất là nhánh sông Sài Gòn vào nhiều thời điểm đã không đạt tiêu chuẩn là nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt. Riêng với sông Thị Vải nguồn nước còn không đạt quy chuẩn nguồn nước nuôi trồng thủy sản. Điều lo ngại hơn, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh như hiện nay tải lượng chất thải ô nhiễm sẽ còn gia tăng gấp 2 - 3 lần/năm. Không dừng lại đó, việc đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống thủy lợi tưới tiêu, xây dựng các hồ chứa tại LVHTSĐN đang dẫn đến các nguy cơ xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; gây nên tình trạng suy thoái đất, nước, đa dạng sinh học trên hệ thống sông, hồ. Từ đó, làm thay đổi mực nước mặt, dòng chảy và lưu lượng của sông. Nghiêm trọng hơn, những hoạt động trên đã làm thay đổi chế độ thủy văn sông, gia tăng khả năng xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường ở vùng hạ du, đe dọa đến sự vận hành bình thường của các nhà máy nước, đến các hệ sinh thái cửa sông và các hoạt động khác trên sông phía hạ nguồn.

Trên thực tế, nhiều nơi đang lâm vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô hoặc mặc dù đủ nước nhưng chất lượng không đảm bảo các yêu cầu sử dụng. Các vùng ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Ninh Thuận là những vùng đang gặp khó khăn lớn về nguồn nước mặt cả về lượng và chất. Một số vùng thuộc Tây Ninh, Long An, TPHCM tuy có lượng nước tương đối đảm bảo nhưng việc sử dụng nước đang gặp phải những khó khăn do vấn đề nhiễm phèn và mặn. Và theo đà này, đến năm 2020, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho toàn bộ các tỉnh thành LVHTSĐN là khó tránh khỏi.

Giải pháp xử lý phải đồng bộ

Bảo vệ môi trường LVHTSĐN có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững tại 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực. Do vậy, để chủ động phòng tránh thực trạng trên, các vấn đề cấp bách của LVHTSĐN phải được giải quyết theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên toàn lưu vực, theo từng ngành và kết hợp hài hòa theo địa giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố. Cụ thể, phải thực hiện quy hoạch lưu vực nhưng không phân biệt ranh giới hành chính; bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của lưu vực sông, đặc biệt là diện tích rừng Nam Cát Tiên. Đây là khu vực trữ nước và cấp nước quan trọng nhất của sông Đồng Nai. Cần xem việc phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái môi trường là chủ yếu, kết hợp từng bước xử lý khắc phục các điểm nóng ô nhiễm môi trường, nhất là đoạn thuộc khu vực nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt.

Đối với các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, cần thiết phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm đạt yêu cầu trước khi cho phép thải ra môi trường. Còn với các cơ sở sản xuất mới trong phạm vi lưu vực phải áp dụng công nghệ sạch hoặc dùng công nghệ xử lý ô nhiễm bảo đảm đầu ra đạt quy chuẩn môi trường. Ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường LVHTSĐN lồng ghép, gắn kết với các kế hoạch, chương trình, dự án khác có liên quan của Nhà nước, các bộ, ngành và từng địa phương trên lưu vực; đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ môi trường LVHTSĐN; kế thừa tối đa các kết quả nghiên cứu của các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến bảo vệ môi trường LVHTSĐN, từng tiểu lưu vực, từng ngành, từng địa phương đã thực hiện trong những năm qua.

Có thể nói, Chính phủ đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường LVHTSĐN. Và việc thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHTSĐN cũng không nằm ngoài mục đích thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường LVHTSĐN chưa thể hiện tính thống nhất trong hợp tác triển khai giữa các địa phương trên lưu vực. Do vậy, với cương vị mới, trách nhiệm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể gắn kết các tỉnh thành cùng hành động vì một mục đích chung là cải thiện chất lượng nguồn nước LVHTSĐN

PGS-TS Phùng Chí Sỹ
Nguồn:


* Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng lực lượng chuyên giám sát ô nhiễm

Ủy ban Bảo vệ hệ thống lưu vực sông Đồng Nai được thành lập từ năm 2008, chức năng có còn quyền hạn thì không. Minh chứng rõ nhất là dù đã được thành lập 5 năm nhưng nguồn lực tài chính gần như không có. Nhân lực hoạt động cho ủy ban cũng chỉ mang tính chất kiêm nhiệm. Điều phối hoạt động giữa các tỉnh chủ yếu dựa vào nguyên tắc đồng thuận là chính. Trường hợp có một tỉnh không đồng thuận thực hiện một kế hoạch chung nào đó thì cũng không có cơ chế nào xử lý được. Các cuộc họp do Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai tổ chức đã nhiều nhưng vẫn chưa xác định rõ công việc cụ thể của từng địa phương. Theo tôi, chỉ cần tập trung vào 2 vấn đề cấp bách: Trước hết là thống kê tất cả nguồn thải trên sông và đưa ra biện pháp xử lý cụ thể. Kế đến là tăng nguồn kinh phí bảo vệ môi trường lên 2% - 3% thay vì chỉ có 1% ngân sách tỉnh thành như hiện nay.

Kinh nghiệm từ cách tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, cần xây dựng lực lượng chuyên giám sát ô nhiễm. Lực lượng này chính là người dân sống trên địa bàn tỉnh.

* Ông Trương Khắc Hoành, Phó TGĐ Công ty CP B.O.O nước Thủ Đức: Khẩn cấp bảo vệ chất lượng nước sông Đồng Nai

Họng lấy nước để xử lý, phục vụ sinh hoạt của công ty chúng tôi đặt cách cầu Đồng Nai 7km về phía thượng nguồn. Vị trí này được quy hoạch để lấy nước lâu dài nhưng với diễn biến chất lượng nước như hiện nay, có thể tồn tại chỉ khoảng 10 năm. Hơn nữa, công nghệ xử lý nước cấp phục vụ sinh hoạt hiện nay chủ yếu bằng phương pháp lắng lọc và khử trùng. Do vậy, trong trường hợp nước không đảm bảo tiêu chuẩn loại A hoặc bị xâm nhập mặn thì rất khó để đảm bảo xử lý được nguồn nước cấp sinh hoạt đạt yêu cầu.

Bảo vệ chất lượng nước sông Đồng Nai là vấn đề hết sức cấp thiết. Bởi nguồn nước con sông này đóng vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển kinh tế - xã hội của gần 20 triệu người dân ở 11 tỉnh thành. Mỗi tỉnh thành cần đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải vào sông thay vì xả thải trực tiếp và tự do như hiện nay. Đẩy mạnh hoạt động vận động, tuyên truyền cộng đồng, nhất là đối với người dân sinh sống dọc hệ thống sông Đồng Nai để mọi người cùng nhau bảo vệ môi trường nguồn nước.

* Chị Nguyễn Thị Hoa Thơm, số nhà 07, khu phố Bình Dương (gần cầu Đồng Nai): Có đường dây nóng để dân cung cấp thông tin

Mấy năm gần đây, tình trạng ô nhiễm ở sông Đồng Nai diễn ra liên tục. Nước thường có mùi hôi khó chịu, thỉnh thoảng còn thấy cá chết nổi trên sông. Đặc biệt khi thủy triều xuống lại thấy nhiều chất thải bao gồm xác chết động vật, bao ny lông, rác sinh hoạt… ứ đọng hai bên bờ sông.

Các tổ chức đoàn thể cần xây dựng thêm nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân. Đồng thời, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể cung cấp thông tin kịp thời những doanh nghiệp lén lút xả thải ra sông
Nguồnhttp://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2013/6/320582/
Tham khảo:
http://nld.com.vn/20130218110936842p0c1002/song-dong-nai-bi-o-nhiem-nang.htm
http://nld.com.vn/20130111094212611p0c1002/bao-ve-song-dong-nai-trong-cho-chinh-phu.htm
http://nld.com.vn/20121116103355998p0c1002/song-dong-nai-dang-vo-vun.htm (Phải dừng  2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A... việc phát triển thủy điện trên các dòng chính và nhánh lớn sông Đồng Nai cần được các nhà quản lý nhìn nhận một cách thận trọng nhất. Nhiều tổn thất không thể tính được bằng tiền. Kinh nghiệm thực tế trong nước, khu vực và quốc tế đã chứng minh điều đó. Việc dừng xây dựng các đập trên sông Đồng Nai nói chung và 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, trong đó có chủ đầu tư.)

No comments:

Post a Comment