Sunday, June 2, 2013

KHÔNG ĐƯỢC PHÁ RỪNG, BỨC HẠI SÔNG ĐỒNG NAI !

Huyền thoại về người già làng hai lần được phong tặng anh hùng

Mới lên bảy, ông băng qua rừng núi hiểm trở để làm cách mạng.

Cách TP. HCM gần hơn 200 km làng Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với những nóc nhà Chơ Ro, khiêm tốn ẩn mình trong tán cây rừng xanh mướt. Đã qua rồi cái thời bọn giặc ác ôn, điên cuồng vào làng đốt phá, bắt người, làng Lý Lịch giờ đây đã yên bình trở lại. Những gương mặt phúc hậu của các cụ già tóc bạc phơ, bận đồ truyền thống, ngậm tẩu thuốc cười móm mém và đám trẻ thơ mắt đen lay láy đùa vui râm ran bên vách nhà sàn đã trở thành hình ảnh quen thuộc.

Chúng tôi trở lại ngôi làng anh hùng để gặp lại con người đã làm nên một phần lịch sử oai hùng ấy, Từ lâu, già Năm Nổi (tiếng Chơ Ro gọi là già Tơ Tơ) đã trở thành một biểu tượng của tấm lòng người Chơ Ro suốt đời chung thủy với cách mạng, theo cụ Hồ.



Một thời cùng cán bộ ở chiến khu D làm cách mạng, già vẫn dành một tình cảm đặc biệt

Bảy tuổi đi làm giao liên

Ngôi nhà sàn truyền thống xinh xắn nằm bên kia dòng Sa Mách huyền thoại là nơi sinh sống của già Năm Nổi và vợ là bà Hồng Thị Lịch. Đã qua ngưỡng tuổi 80, nhưng hai vợ chồng cụ nom vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Những kỷ niệm về thời đánh Pháp, diệt Mỹ oanh liệt, cùng năm tháng nuôi dấu cán bộ, bảo vệ chiến khu D vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của hai con người này. Già Tơ Tơ là tên thân thiện mà bà con người Chơ Ro thường gọi già Năm Nổi. Chúng tôi được biết, người đàn ông này tên thật là Nguyễn Văn Nổi. Hiện nay, trên những tấm bằng khen của cụ có rất nhiều năm sinh. Ông Năm Nổi bảo, cha già từng bảo già chính xác sinh năm 1929, quê gốc tận ngoài Ninh Bình.

Được biết, cụ thân sinh của già đã theo chân đoàn mộ phu cao su thời Pháp thuộc vào Nam mưu sinh ở mảnh đất Đông Nam Bộ. Thế rồi, cái ăn chẳng thấy đâu nhưng đoàn công nhân của cha cụ bị bọn cai khủng bố, đánh đập tàn nhẫn. Phải chứng kiến cảnh “mỗi gốc cao su một xác công nhân”, ông đã căm phẫn cùng anh em tổ chức đình công rồi bỏ trốn vào rừng. Sau đó, ông cùng đồng bào Chơ Ro kháng Pháp. Già Năm Nổi là kết quả của mối tình hai dòng máu, cha người Kinh và mẹ người Chơ Ro. Đáng lẽ theo tập tục truyền thống, Năm Nổi phải theo họ Hồng (người Chơ Ro vùng Lý Lịch con cái mang họ Hồng). Tuy nhiên, ông cụ bảo rằng, tình yêu làng bản đã có trong tim, còn Năm Nổi lấy họ Nguyễn của cha để biết dòng dõi gốc tích của mình.

Ông Năm Nổi cho biết, trên ông còn có một người chị gái, nhưng đã mất từ nhỏ. Là con trai độc đinh trong nhà, nên ông Năm được cha yêu thương hết mực và đặt rất nhiều kỳ vọng. Cha ông là người cương nghị, thông minh, thoát ly sớm nên rất am hiểu thời thế. Đăc biệt, ông hiểu được bản chất bọn thực dân nên sớm có ý thức dân tộc, căm thù bọn giặc cướp nước. Từ nhỏ, ông Năm Nổi được cha dạy tình yêu quê hương, truyền thống dân tộc. Vốn thông minh, gan dạ nên bảy tuổi, cậu bé Năm tự nguyện gia nhập đoàn giao liên của bản.

Ngày đó, chiến khu D manh nha thành lập ẩn sâu trong rừng Lý Lịch, cách làng bằng một buổi băng rừng. Được tiếp xúc với những cán bộ lão thành như anh hùng Huỳnh Văn Nghệ (nhà chỉ huy quân sự tài ba), Trung tướng Nguyễn Bình ở chiến khu D, cậu bé Năm ước mong một ngày được mang áo lính, cầm súng đánh đuổi quân thù. Đến bây giờ, những kỷ niệm tuổi thơ làm giao liên, ông vẫn còn nhớ như in. “Tuy nhỏ nhưng tôi rất nhanh nhẹn, không biết sợ là gì. Tất cả những việc được cán bộ giao phó, tôi đều hoàn thành xuất sắc. Ngày đó, rừng Lý Lịch ngày đó chỉ có beo gấm, thú dữ chực chờ con người xuất hiện để ăn thịt”, ông Năm kể.

Nói chuyện với chúng tôi, già Năm chia sẻ, có rất nhiều mẹo khôn khéo để phòng thân khi đi làm giao liên. Già lấy cho tôi xem chiếc xà gạc (công cụ như chiếc liềm nhưng lưỡi rất sắc, có cán nhỏ dài làm bằng ống tre rừng) và chiếc roi mây đuổi hổ. Đó là những phương tiện để già Năm ngụy trang thành người đi rừng. Hai dụng cụ lợi hại đó như bảo bối giúp ông can qua mọi hiểm nguy giữa rừng thiêng, thú dữ. Ngày ấy, ông làm liên lạc bằng tình yêu cán bộ, yêu cách mạng cùng lòng trung thành tuyệt đối. Mỗi khi được giao thư, già Năm lại bỏ vào cán xà gạc rồi cứ thế chọn những con đường khó, hiểm trở nhất cắt rừng mà đi. Có lẽ, chính những năm tháng rèn luyện đôi chân, mà sau này ông được ví như con sóc rừng.



Già Năm Nổi và chiếc xà gạc một đầu bỏ tài liệu thời làm giao liên

“Cây đại thụ” của núi rừng

Trong ngôi nhà tình nghĩa mà nhà nước xây tặng treo đầy những bằng khen, huân huy chương, cùng những bức ảnh già vinh dự đứng chung với những cán bộ một thời ở chiến khu D. Bao năm qua, người giao liên già vẫn trân trọng gìn giữ. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến hàng chữ do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tặng: “Thân tặng anh Năm củ chụp”. Già cho biết, đằng sau đó là kỷ niệm của một thời son sắt, tình quân dân như cá nước. Đồng bào Chơ Ro, rừng núi Lý Lịch đã dang vòng tay bảo vệ cách mạng, che chở cán bộ. Cái tên “ông Năm củ chụp” gắn với “huyền tích” một quả đồi có cây củ chụp trong những năm kháng chiến.

Nhắc đến kỷ niệm thời “bát cơm sẻ nửa”, đôi mắt già lại rưng rưng rớm lệ: “Ngày đó, kháng chiến có những giai đoạn khó khăn. Bộ đội bị địch vây hãm cô lập trong rừng. Thậm chí, người dân trong làng cũng bị những trận càn của địch hành hạ, phải tứ tán chạy vào rừng sâu. Gạo thiếu, muối không, chỉ có củ chụp nấu chín chấm với tro là thứ duy nhất có thể ăn thay cơm. Thứ “mật ngọt” núi rừng này là thức ăn truyền thống phòng khi đói kém của người Chơ Ro. Nó ngon và bổ hơn cả khoai, sắn. Nhưng do địch đốt phá, dân chúng đào nhiều, loài củ này cũng trở nên khan hiếm. Thường thì dây cây cổ chụp rất nhỏ, củ lại ăn sâu xuống đất đến cả mét. Để nhận ra và đào được củ của nó rất khó khăn, chỉ có những người Chơ Ro mới biết được bí quyết.

Chính vì theo cách mạng mà làng Lý Lịch luôn nằm trong tầm ngắm của ngụy quyền. Già Năm Nổi cho biết, ngụy thường bảo rằng: “Bọn mọi rợ (tộc người Châu Ro ở ấp Lý Lịch) này cũng nguy hiểm như những tên cộng sản, nên cần phải tiêu diệt”. Bọn địch đã dùng mọi thủ đoạn để triệt tiêu tinh thần cách mạng của người dân như bắt bớ trai làng đánh đập dã man, thậm chí là giết người để khủng bố tinh thần. Bị giặc dội bom, đốt nhà nhưng tinh thần cách mạng của người Chơ Ro vẫn âm ĩ như ngọn lửa chưa bao giờ tắt. Già Năm tự hào, dân làng Lý Lịch bao giờ cũng có một suy nghĩ. Cách mạng còn thì làng còn. Thà chết vì quê hương hơn sống dưới ngọn lê, mũi súng lũ ác ôn. Vậy nên trẻ nối gót già, người trước ngã xuống thế hệ sau đứng lên cùng bộ đội chống giặc, bảo vệ Chiến khu D, Trung ương cục miền Nam từ lúc manh nha cho đến ngày toàn thắng.

Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, già Năm Nổi cũng luôn là lá cờ đầu của phong trào chống giặc, là lãnh tụ tinh thần của người Chơ Ro ở ấp Lý Lịch. Ghi nhận những chiến công của già Năm Nổi, Nhà nước đã hai lần phong tặng ông danh hiệu anh hùng. Những tấm bằng khen, huân huy chương chính là tình cảm đặc biệt mà Nhà nước trân trọng dành cho già Năm Nổi. Ông là thủ lĩnh tinh thần, cây đại thụ của đồng bào Chơ Ro giữa đại ngàn Lý Lịch.


Vượt rừng tìm lương thực cho bộ đội

Già Năm Nổi được là “con nhím” của núi rừng. Ông biết có một quả đồi đầy củ chụp, nằm cách căn cứ cách mạng không xa. Thương bộ đội, ông đã đích thân dẫn người đào toàn bộ khu đồi cho bộ đội làm lương thực cứu đói. Sau này, quân ta đã thắng giòn giã trong trận Tua Hai (vào ngày 25/1/1960, nay là ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, Châu Thành, Tây Ninh), một căn cứ chiến lược của Mỹ- ngụy lúc đó. Ghi nhận công ơn dân làng và già Năm Nổi, các đồng chí cán bộ ở chiến khu D gọi vui ông bằng cái tên “ông Năm củ chụp”. Nói chuyện với chúng tôi, già Năm bịn rịn: “Sau này, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm làng, già cũng dẫn lên thăm đồi và đào củ chụp về nấu cùng ăn nữa đấy”.

Kỳ Anh
Nguồn:  http://www.nguoiduatin.vn/huyen-thoai-ve-nguoi-gia-lang-hai-lan-duoc-phong-tang-anh-hung-a50439.html

SCT: Nhà cụ Năm Nổi cùng cộng đồng người Chơ Ro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng nai, thuộc vùng đệm phía Tây VQG Cát Tiên. Nơi còn lưu giữ một nền văn hóa, lịch sử đậm bản sắc cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển. 
Tháng 3/2013, các Nhiếp ảnh gia ở Đồng Nai đã đi sáng tác ảnh tại VQG Cát Tiên 03 ngày và gần đây, hơn 20 tay máy đã đi sáng tác 03 ngày tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Một số người ủng hộ nhóm SCT đã tham gia cả hai chuyến sáng tác này ở tất cả các hướng đi. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều hình ảnh mới, sống động khẳng định sự đa dạng sinh học, các cộng đồng dân tộc; các giá trị văn hóa, lịch sử chiến khu Đ dưới những cánh rừng cần phải bảo tồn...
Rất cảm ơn các Nhiếp ảnh gia và chúng tôi sẽ công bố, triển lãm khi có điều kiện thuận lợi.
Xin đăng một số  ảnh do ông Vũ ThànhViên-nguyên phóng viên chiến trường từng lăn lộn ở các khu rừng Đông Nam Bộ tới Cămpuchia từ 1972, gửi tặng.
 Vợ chồng ông Năm Nổi đón khách ngày 16/5/2013.
 Nước là nguồn sống! Phải giữ rừng mới có dòng suối, dòng sông trong sạch.
Con trai ông Năm Nổi (mặc áo Kiểm lâm, thứ 3 từ trái qua) tận tình hướng dẫn anh chị em nhiếp ảnh về nơi xưa huyền thọai...

No comments:

Post a Comment