Thủy điện “chơi” không sòng phẳng
Q.THANH - B.DŨNG - Đ.TUYÊN - DUY THANH | 02/04/2013 07:19 (GMT + 7)
TT - Không chỉ Quảng Nam và Đà Nẵng đòi thủy điện trả nước, một số địa phương thuộc tỉnh Gia Lai và Phú Yên cũng đang đối diện với tình cảnh thiếu nước trầm trọng kể từ khi có thủy điện chặn dòng, tích nước trên sông Ba.
Một đoạn sông Ba sau đập thủy điện An Khê - Ka Nak đã trở nên cạn kiệt. Trong ảnh: một cặp vợ chồng đãi cát tìm vàng giữa sông Ba đoạn thuộc địa phận thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên - Ảnh: Tiến Thành
Sơ đồ thủy điện An Khê - Ka Nak “chơi” không sòng phẳng - Đồ họa: V.Cường
>> Quảng Nam, Đà Nẵng đòi Thủy điện Đăk Mi 4 trả nước
>> Yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả nước chống hạn
Sông Ba là con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung,
cũng là một trong hai sông lớn nhất Tây nguyên. Sông Ba bắt nguồn từ núi
Kon Ka Kinh (giáp ranh với tỉnh Kon Tum), chảy qua nhiều tỉnh Gia Lai,
Phú Yên... Diện tích lưu vực sông Ba gần 14.000km2. Với Tây nguyên, sông Ba gắn liền với văn hóa bao đời của người Kinh, Ba Na, Jrai...
Nói về con sông này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia
Lai khẳng định đây là nguồn sống của hàng triệu người dân, nơi cung cấp
nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho các huyện, thị xã ở đông nam của
tỉnh cũng như nhiều khu vực khác thuộc tỉnh Phú Yên.
Sông Ba đang chết (SCT-Trách nhiệm thuộc về ai !???)
Ở huyện Ia Pa (Gia Lai) có một số xã “sống” nhờ vào
nước sông Ba. Từ khi có thủy điện An Khê - Ka Nak, các xã này luôn căng
thẳng, nơm nớp lo chuyện nước nôi. “Có hôm trạm bơm không thể hút nước
được, phải nằm chờ nước” - ông Trần Minh Phương, cán bộ thủy lợi huyện
Ia Pa, cho biết. Theo ông, tình trạng này bắt đầu xảy ra từ năm 2010 đến
nay, khi chặn dòng sông Ba để tích nước cho thủy điện An Khê - Ka Nak.
Cũng từ thời điểm đó, các trạm bơm phải hạ họng hút nước xuống 50cm
nhưng có lúc cũng không có nước để hút. Thực tế bi đát này chứng tỏ mực
nước sông Ba phía hạ nguồn bị hạ thấp đến mức bất bình thường. Điều đáng
nói là những lúc căng thẳng nước, huyện không có thẩm quyền gì can
thiệp với thủy điện, chỉ biết “kêu” lên tỉnh hoặc chờ thủy điện xả nước.
Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak có hai hồ chứa: hồ
Ka Nak phía thượng lưu, tích nước tháng 9-2010 (công suất 13MW) và hồ
chứa An Khê phía hạ lưu, tích nước tháng 4-2011, công suất 160MW. Hai hồ
cách nhau khoảng 30km trên sông Ba. Trung tuần tháng 3- 2013, chỉ cần
đứng ngay chân đập An Khê là có thể dễ dàng thấy lòng sông Ba sâu hun
hút. Dòng nước chảy lặng lẽ, không cuồn cuộn như những con sông thường
thấy ở Tây nguyên. Sông Ba đã chết từ khi chiếc đập khổng lồ được xây
dựng để chặn dòng sông, tích nước làm thủy điện. Và cũng từ những ngày
tháng đó, cuộc đấu tranh vì nước diễn ra liên tục cho đến nay.
Từ năm 2011, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã vào
cuộc, trực tiếp khảo sát về tình trạng sông Ba sau đập An Khê, qua đó
kết luận: “Mùa lũ, chuyện xả lũ trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân vùng
hạ lưu. Mùa khô, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt lại là nỗi
lo thường trực của các địa phương”.
Đầu năm 2012, HĐND tỉnh Gia Lai tiếp tục vào cuộc, gửi
kiến nghị đến Thủ tướng và bộ ngành yêu cầu giải quyết tình trạng căng
thẳng nguồn nước sông Ba sau đập An Khê. HĐND tỉnh Gia Lai còn nhấn mạnh
vào mùa nắng nóng, thủy điện An Khê - Ka Nak chuyển dòng nước sông Ba
về Bình Định (đổ vào sông Kôn) để phát điện nên lưu lượng dòng chảy tối
thiểu của sông Ba vốn đã bị khô kiệt lại càng khô kiệt.
Lật lại hồ sơ của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai trong
hai năm qua cho thấy thủy điện An Khê - Ka Nak đã từng “chơi” không sòng
phẳng với người dân, cộng đồng khu vực hạ lưu sông Ba sau đập An Khê.
Theo quy định, thủy điện này phải nhả nước sau đập An Khê là 4 m3/giây
để duy trì dòng chảy mức thấp nhất cho sông Ba, nhưng giám sát của Đoàn
đại biểu Quốc hội tỉnh và các đo đạc của cơ quan chuyên môn xác định
nhiều lần thủy điện không xả đủ nước, mức xả thấp hơn rất nhiều so với
quy định.
Khi phát hiện tình trạng “chơi” không sòng phẳng của
thủy điện An Khê - Ka Nak, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã đo đạc
và vẽ vạch sơn lên hòn đá để đánh dấu mực nước xả đủ 4m3/giây
sau đập An Khê. Với cách làm này, mọi người có thể quan sát bằng mắt
thường và biết được thủy điện có xả đủ lượng nước tối thiểu hay không.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai, kể từ khi thực hiện cách
giám sát này, lượng nước tối thiểu được xả đúng như quy định. Tuy nhiên,
HĐND tỉnh Gia Lai khẳng định dù có xả nước để đạt dòng chảy tối thiểu
4m3/giây như phê duyệt thì mức này cũng không đủ duy trì môi
trường sinh thái sông Ba, cần đảm bảo lưu lượng dòng chảy tối thiểu trên
sông Ba trong mùa nắng nóng là 20m3/giây.
HĐND tỉnh đưa ra bằng chứng số liệu đo đạc của Trạm
thủy văn An Khê (Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên), cho thấy
lưu lượng bình quân nước sông Ba trong sáu tháng mùa nắng (từ tháng 4
đến tháng 9) suốt từ năm 2005-2009 (trước khi thủy điện tích nước) là
19,8m3/giây, còn lưu lượng bình quân trong 12 tháng của giai đoạn này là 42,48m3/giây.
Rõ ràng với quy định nhả nước cho sông Ba sau đập An Khê ở mức tối
thiểu chỉ 4m3/giây là quá cách biệt so với những gì vốn có của dòng
sông.
Không đồng ý chuyển nước sông Ba về sông Kôn
Chiều 1-4, ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch thường trực
UBND tỉnh Phú Yên - nói: “Ngay từ năm 2006, khi biết chủ đầu tư thủy
điện An Khê - Ka Nak chuyển nước từ sông Ba về sông Kôn, UBND tỉnh Phú
Yên đã không đồng ý”. Theo ông Trúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên lúc
đó là bà Trần Thị Hà đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
nêu rõ tỉnh không thống nhất việc lấy nước sông Ba để đưa về sông Kôn,
trong khi cửa xả lũ lại đưa ra sông Ba.
UBND tỉnh Phú Yên cũng cho rằng trong quá trình triển
khai thực hiện dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, EVN chưa có biện pháp
đảm bảo lưu lượng nước tối thiểu cần cung cấp cho sông Ba, làm ảnh hưởng
đến môi trường sinh thái và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giữa năm 2011, trước tình hình khô hạn nghiêm trọng, UBND tỉnh này lại
phải có văn bản kiến nghị Bộ Công thương và EVN yêu cầu thủy điện An Khê
- Ka Nak trả nước để đảm bảo cho môi trường ở hạ du. Ông Trúc nói: “Họ
hứa là trả đủ nước cho hạ du như đã báo cáo trong đánh giá tác động môi
trường là 4m3/giây, thế nhưng giám sát việc này không dễ. Một
thực tế thấy rõ là giờ đây hạ du sông Ba đang đứng trước nguy cơ khô
hạn rất lớn trong mùa hè 2013”.
Theo ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Phú Yên, sau đợt giám sát tình hình các thủy điện trên địa
bàn vào đầu năm 2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhận thấy
nguồn nước trên lưu vực sông Ba đoạn từ sau thủy điện An Khê - Ka Nak
trở xuống hạ du bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. “Chúng tôi
kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ đạo đánh giá cụ thể nhưng đến
nay chưa thấy thực hiện gì” - ông Học nói. Ông Học cho biết Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét, thay
đổi phương án khác thay vì chuyển nước sông Ba về sông Kôn.
“Bộ Công thương trả lời rằng dự án đã được Thủ tướng
cho phép đầu tư từ năm 2005 nên việc thay đổi phương án là không thực
tế. Bộ Công thương cho biết thời gian qua thủy điện An Khê - Ka Nak xả
về hạ lưu sông Ba với lưu lượng 4m3/giây, mức xả như vậy là
chấp nhận được. Có thể mức xả đó là đúng theo đánh giá tác động môi
trường, nhưng thực tế hạ du sông Ba từ khi có thủy điện thì thường xuyên
xảy ra khô hạn nặng” - ông Học nói.
Phải ưu tiên xả nước cho sinh hoạt, nông nghiệp
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về hiện tượng
thủy điện Đắk Mi 4 không xả nước về Đà Nẵng gây hạn hán nặng, ông Đặng
Huy Cường - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương - cho rằng
theo nguyên tắc điều tiết hồ chứa, nước thủy điện phải đảm bảo hài hòa
giữa phát điện, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Nhưng khi
tình huống hạn hán xuất hiện thì vẫn phải ưu tiên nước cho sinh hoạt,
nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng đã chỉ đạo như vậy nên
phải theo nguyên tắc này. Tình hình cụ thể thủy điện Đắk Mi 4, ông Cường
cho biết sẽ cập nhật kết quả cuộc làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và phát
triển nông thôn, UBND TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp thủy điện. “Sau khi
có kết quả sẽ chỉ đạo EVN cân đối phát điện, xả nước hồ Đắk Mi 4 để ưu
tiên nước sinh hoạt, nông nghiệp của Đà Nẵng” - ông Cường cam kết.
C.V.KÌNH
No comments:
Post a Comment