Friday, April 26, 2013

BỘ TN&MT PHẢI MỞ ĐƯỜNG MÁU VỤ ĐN6&6A ASAP?


VPCP họp báo thường kỳ tháng 4/2013
5:25 PM, 26/04/2013
(Chinhphu.vn) - Chiều nay, 26/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc






















Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Người phát ngôn của Chính phủ điểm lại các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013 diễn ra hôm nay, 26/4, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, các định hướng điều hành trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Về tình hình kinh tế xã hội, cơ bản tháng 4 và 4 tháng đầu năm cũng như từ tháng 2 trở đi  chúng ta nhận định xu thế tiếp tục tốt lên, các yếu tố kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh có chiều hướng chuyển biến toàn diện, tích cực nhưng sự chuyển biến còn chậm. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng không đáng kể cho phép chúng ta có lòng tin hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay thấp hơn năm ngoái, khả thi hơn, tuy nhiên, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều. Nhớ lại năm ngoái chỉ 1-2 tháng CPI tăng cao , chúng ta đã lo lắng liệu có giữ được mục tiêu kiềm chế lạm phát hay không, CPI nếu thấp quá thì liệu có giảm phát không!
Về sản xuất kinh doanh, đối với sản xuất công nghiệp, riêng tháng 4 thấp hơn tháng 3 nhưng tính chung cả 4 tháng thì cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp thành lập mới vẫn nhiều nhưng chúng ta cảm thấy dường như chưa có xung lực mới. Bên cạnh tín hiệu đáng mừng nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Khái quát lại, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Về tình hình kinh tế xã hội, tất cả các chỉ số vĩ mô đảm bảo theo chiều hướng cải thiện nhưng còn chậm. Một số yếu tố vĩ mô tuy tốt nhưng không thể chủ quan là đã vững chắc. Đơn cử vấn đề tỷ giá, vừa qua chúng ta điều hành tốt nhưng vừa rồi chỉ có 1-2 yếu tố tác động thị trường thì yếu tố biến động đã nhiều hơn.
Nhiều giải pháp, chủ trương đã có, nhưng những giải pháp đã từng thực hiện thì chúng ta đã thực hiện tốt, ví dụ ban hành văn bản giảm, giãn, miễn thuế đã nhanh hơn nhưng với những giải pháp chưa từng triển khai thì vẫn còn chậm dù đã cố gắng. Ví dụ, chúng ta thống nhất dành 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà nhưng đến giờ phút này chưa người dân nào vay được bởi vì phải ra nhiều văn bản hướng dẫn, người nào được vay, nhà nào được coi là nhà dành cho người thu nhập thấp, bao nhiêu mét vuông…
Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục tập trung, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn này.
Đặc biệt Chính phủ quyết tâm tích cực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội mặc dù thu ngân sách khó khăn nhưng không điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu, và những công trình lớn mà toàn  dân quan tâm, ví dụ như nâng cấp quốc lộ 1 A, hay đặc biệt các vấn đề công luận rất quan tâm như việc thiếu bệnh viện. Chính phủ chỉ đạo nhất định “trong cái khó, ló cái khôn”, phải trình các cơ quan có thẩm quyền và ra các giải pháp tài chính để tới đây những công trình quan trọng như vậy nhất định được triển khai. Ví dụ về bệnh viện, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tích cực tìm ra phương thức tài chính, nguồn tài chính để trong những năm tới đây có bước đầu tư tạo chuyển biến rõ rệt.
Chính phủ đặt quyết tâm trong lúc kinh tế khó khăn, một mặt thực hiện đề án tái  cơ cấu, một mặt kiên quyết duy trì chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất định trong cái khó phải tìm giải pháp để làm được những công trình lớn, phục vụ lợi ích cho người dân. Làm sao có cơ chế tài chính để thực hiện các công trình đó, các bộ, ngành sẽ bàn, thông tin tuyên truyền để tiếp nhận trí tuệ, trách nhiệm của mọi người qua đó “gạn đục khơi trong” tìm ra giải pháp.
Các mặt quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an toàn giao thông… cơ bản vẫn được bảo đảm tốt.
Mấy hôm nay, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, thì chúng tôi được biết dư luận quan tâm một số vấn đề về điều hành của NHNN trong đó có điều hành về vàng. Do đó, các đồng chí lãnh đạo NHNN mong muốn tại họp báo thường kỳ hôm nay trả lời trước các câu hỏi của báo chí để làm rõ các vấn đề về vàng. Do đó, tôi xin mời Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời trước. Sau đó, còn có vấn đề gì, tôi và lãnh đạo các Bộ có mặt tại họp báo cung cấp thông tin cho các bạn.
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: NHNN xin phép được trả lời các câu hỏi họp báo, truyền đạt một số thông tin định hướng về quản lý thị trường vàng trong thời gian qua, phản hồi các thông tin của báo chí về thị trường vàng.
PV Thanh Thủy, Báo VnExpress: Câu chuyện chênh lệch giá vàng được nhiều người quan tâm, NHNN khi bắt đầu đấu thầu cũng đặt mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới theo yêu cầu của Quốc hội, nhưng chưa thực hiện được. Xin giải thích vì sao? Mục tiêu các phiên đấu thầu vàng vừa qua có đạt được? Mọi người cũng đặt dấu hỏi liên quan đến việc NHNN tăng cung vàng miếng phải chăng chỉ để các ngân hàng tất toán?
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Câu hỏi đã nêu có 3 nội dung, một là chệnh lệch giá vàng, hai là mục tiêu của NHNN thực hiện các phiên đấu thầu có đạt, ba là phải chăng việc tăng cung chủ yếu để cho các ngân hàng tất toán.
Thứ nhất, về chênh lệch giá vàng, chúng ta phải khẳng định Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, nhu cầu vàng miếng được thực hiện qua dùng ngoại tệ nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ. Trong 2 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô, trong khi  nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch.
Nhưng nhìn lại, từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, tuy có chênh lệch giá nhưng cơn sốt vàng, diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định, đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô.
Thứ hai, NHNN thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối. NHNN đấu thầu góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu, nếu NHNN không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì  thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá. Chúng tôi đánh giá việc NHNN đấu thầu 12 tấn vàng đã tăng cung, giảm áp lực cầu vàng. Thứ hai, thông qua hoạt động bình ổn giá tránh tình trạng bất ổn, sốt vàng. Thứ ba, góp phần ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.
Về câu hỏi thứ ba, một tín hiệu tích cực là sau khi triển khai Nghị định 24 và NHNN triển khai bình ổn thị trường vàng, là nhu cầu nắm giữ vàng đã giảm rất mạnh, tất nhiên còn có nhu cầu khác đến từ các tổ chức tín dụng. NHNN có thể bán trực tiếp vàng cho các tổ chức này, nhưng để minh bạch, công khai, NHNN đã tổ chức đấu thầu và chúng tôi cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Lượng vàng miếng mà các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng này trúng thầu một phần dùng để tất toán trạng thái, một phần để cung ra thị trường.
PV Hoài Thu, Báo Infonet: Chênh lệch giá vàng lớn thì có xảy ra vàng lậu? Theo quyết định đấu thầu, tỷ lệ đặt thầu từ 500 – 1.000 lượng vàng thì doanh nghiệp phải có số vốn lớn,  từ 20 – 40 tỷ đồng thì mới có thể tham gia. Với quy mô doanh nghiệp hiện tại, số vốn không lớn, doanh nghiệp thắng thầu chủ yếu là ngân hàng. Vậy có lợi ích nhóm ở đây hay không?
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Nhìn lại thời gian xây dựng Nghị định 24, đây là lý do mà NHNN khi báo cáo và dự thảo Nghị định trình Chính phủ, việc quy định Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và độc quyền sản xuất vàng miếng. Trước đây, nhiều doanh nghiệp được cấp phép để làm việc này, khi thị trường có chênh lệch giữa trong nước và quốc tế thì xảy ra hiện tượng nhu cầu ngoại tệ số lượng lớn để nhập khẩu vàng sản xuất vàng miếng, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá và gây áp lực lên lạm phát. Đây là yếu tố quan trọng để ban hành Nghị định 24. Quản lý chặt chẽ nhập khẩu, sản xuất vàng miếng là yếu tố quan trọng để ổn định thị trường, tỷ giá.
Theo dõi lại tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong thời gian vừa qua thì thấy hết sức bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu vốn ngoại tệ cho mục tiêu thanh toán xuất nhập khẩu và tỷ giá diễn biến bình thường trong biên độ. Đây là yếu tố đạt được từ quy định quản lý chặt chẽ hoạt động thị trường vàng.
Chúng ta có chế tài nghiêm khắc đối với kinh doanh ngoại tệ và vàng, quy định tại Nghị định 95 là hết sức chặt chẽ nên phòng tránh được những vấn đề liên quan nhập lậu vàng và kinh doanh ngoại tệ trái phép.
Điều kiện kinh doanh vàng, trong đó có quy định về đặt thầu, điều kiện về vốn, trước hết phải khẳng định vàng miếng là mặt hàng không khuyến khích mua bán, không phải mặt hàng thiết yếu, không đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cho phép mua bán nhưng phải có điều kiện kinh doanh, trong đó có điều kiện vốn.
Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo
- Ảnh VGP/Nhật Bắc
PV Chí Sơn, VTV: Thứ nhất, khoản chênh lệch giá vàng hiện giờ là từ 6-7 triệu đồng/lượng thì ai đang được hưởng lợi? Thứ hai, đến ngày 30/6 khi các ngân hàng hoàn thành trạng thái tất toán vàng có thể giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cân bằng. Vậy NHNN có thể khẳng định đến thời điểm nào giá vàng trong nước và thế giới bằng nhau?
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Khi NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua việc đấu thầu vàng thì NHNN đã công bố rất rõ đây là hoạt động bình ổn thị trường, NHNN không bình ổn giá. Thông qua việc đấu thầu NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chúng tôi chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.
Nếu trong thời gian qua, chúng ta phải thừa nhận thực tế nhu cầu vàng là có thực, mặc dù nhu cầu vàng đầu tư trong dân đã giảm. Chúng ta có thể nhận thấy rõ thời gian qua, thị trường vàng có biến động nhưng không xảy ra những cơn sốt vàng, không xảy ra những biến động hay tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Đây là thành công lớn của Nghị định 24. Còn nếu thời gian qua, chúng ta không tăng cung thì với nhu cầu rất lớn như vậy, hoạt động trên thị trường vàng sẽ bất ổn. Còn toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách NN, chuyển về NSNN.
Về câu thứ hai, việc huy động vàng của các tổ chức tín dụng dưới hình thức tiết kiệm đã chấm dứt từ ngày 25/11/2012, nhưng kỳ hạn dài nhất mà một số tổ chức muốn huy động là 30/6. Đây là trong những lý do mà các tổ chức tín dụng phải mua vàng trên thị trường để đáp ứng tất toán trạng thái huy động và cho vay. Rõ ràng nhu cầu gây áp lực lên thị trường, đến ngày 30/6 khi các tổ chức tín dụng hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng của mình sẽ giảm cầu trên thị trường. Khi mà nhu cầu trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ giảm.
PV Văn Kiên, Báo Pháp luật TPHCM:  Có băn khoăn là trong 3-4 tháng đầu năm dư nợ huy động tăng nhưng cho vay không tăng, nhiều người đặt ra nghi vấn rằng phải chăng dòng tiền đấy đang chảy từ các ngân hàng chảy vào để mua vàng chứ không cho DN vay?
Thứ hai, trong báo cáo của NH gửi Ủy ban Kính tế nói rằng đã nỗ lực để kéo giảm chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới, và coi đấy là một thành công của NHNN, hiện nay giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch rất lớn. Vậy quan điểm về thành công đấy còn được ghi nhận hay không?
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Thứ nhất, liên quan đến các tổ chức tín dụng mua vàng, tôi xin khẳng định rằng, các tổ chức tín dụng tham gia phải đáp ứng quy định của NHNN về trạng thái kinh doanh vàng và nguồn vàng sử dụng cho mục đích gì. Chúng tôi có quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ công tác này.
Thứ hai, về nguồn tiền, chúng tôi đã có quy định tại thông tư của NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để kinh doanh và mua vàng miếng.
Thứ ba, hiện nay NHNN đang triển khai thanh tra toàn bộ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia vào quá trình đấu thầu mua vàng của NHNN theo đúng quy định của pháp luật.
Về giá vàng chênh lệch, chúng tôi khẳng định khi NHNN triển khai các quy định tại Nghị định 24 cũng như việc thực hiện bình ổn thị trường vàng bằng các phiên đấu thầu chúng tôi cho rằng NHNN đã thành công, với một quy chế như vậy, NHNN đã tham gia cung ứng vàng ra thị trường để tránh biến động do cung cầu trong nước đang mất cân đối, để đảm bảo được rằng thị trường trong nước không xảy ra những cơn sốt vàng như trước đây, thị trường vàng không tác động tiêu cực đến sự ổn định của tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ. Đó là những thành công.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận vào thực tiễn, trong bối cảnh điều kiện kinh tế vĩ mô và điều kiện kinh tế chung của đất nước thì chúng ta phải lựa chọn những mục tiêu ưu tiên, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước khuyến khích cho nên, một mặt chúng ta không nhập khẩu, một mặt phải quản lý rất chặt những hoạt động kinh doanh để không gây bất ổn. Vì vậy chênh lệch giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, là do chúng ta không cho phép nhập khẩu, do nhu cầu vàng trong nước vẫn có và giá vàng quốc tế giảm rất mạnh, còn nói về tổng thể, sự tham gia của NHNN vào bình ổn thị trường vàng đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam tiếp tục trực tiếp trả lời câu hỏi của báo chí...
PV Hoàng Tuân, Báo Chất lượng Việt Nam: Bộ trưởng có nói ưu tiên xây dựng các bệnh viện, báo Chất lượng Việt Nam vừa qua có đề cập đến hai dự án là Bệnh viện nhi và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, một đề án được Thủ tướng phê duyệt, một do UBND TP. Hà Nội phê duyệt, tuy nhiên Hà Nội vẫn chưa bố trí đất cho 2 dự án này, rất mong Chính phủ chỉ đạo TP. Hà Nội sớm bố trí đất cho 2 dự án này? 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Đây là chủ trương chung, tất cả các địa phương và Trung ương kết hợp xử lý việc cấp đất đai, giải phóng mặt bằng, nhân lực, kinh phí đầu tư đặc biệt là nguồn nhân lực… để thực hiện dự án.
PV Hữu Hòe, Báo Đầu tư chứng khoán: Tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 đã thảo luận dự thảo thành lập Công ty xử lý nợ xấu, kỳ họp này Chính phủ đã thông qua đề án này chưa, kế hoạch ban hành thành lập công ty này như thế nào? 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Phiên họp thường kỳ tháng trước, Chính phủ đã thảo luận đề án này, nhưng qua ý kiến một số thành viên Chính phủ có một số vấn đề cần phải tiếp tục làm sâu hơn. Thời gian qua NHNN đã bàn với các bộ, ngành để trình lên bản sửa đổi và nếu không có gì thay đổi thì một vài ngày nữa sẽ triển khai các thủ tục để thông qua nghị định thành lập công ty này.
Nhưng như tôi đã nói, xử lý nợ xấu cần nhiều giải pháp, mà công ty này chỉ là một giải pháp… Trước đó, các bộ, ngành, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tự xử lý nợ xấu qua trích lập dự phòng rủi ro. Thứ hai, việc xử lý nợ xấu không có một mô hình nào trên thế giới mà chúng ta có thể học tập một cách toàn vẹn, khó nói mô hình nào thành công, mô hình nào không thành công, đây là một việc rất mới, cơ chế đề xuất tương đối đặc thù, do đó tinh thần của Chính phủ là một khi đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản thì sẽ cho công ty này ra đời bằng một Nghị định.
Tinh thần của Chính phủ là trong quá trình làm sẽ hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp, để tiếp tục có điều chỉnh nếu cần thiết với mục tiêu đây là thiết chế góp phần giải quyết nhanh hơn nợ xấu, không chỉ giải quyết trong khối ngân hàng mà còn tác động lan tỏa tích cực đến các doanh nghiệp.
PV Thế Dũng, Báo Người Lao động: Liên quan đến Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có hoạt động giám sát, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội, Chính phủ có trình Quốc hội xem xét không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Tôi nhớ trong một phiên họp báo gần đây thì Báo Người Lao động cũng có hỏi và khi đó, tôi có nói rất kỹ về 5 tiêu chí có tính nguyên tắc với các công trình thủy điện.
Với 2 thủy điện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và việc này phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ xem xét dựa trên báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có chủ trương, trong trường hợp Chính phủ đã thông qua, nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.
Cho đến hôm nay, Chính phủ chưa nhận được báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi nào Chính phủ nhận được sẽ xem xét các dự án thủy điện này theo 5 tiêu chí như đã nói. Tôi sẽ thông báo khi nào Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo.
PV Nguyễn Hưng, Báo VnExpress: Vừa qua Hà Nội đã có ý kiến xây cầu vượt qua Đàn Xã tắc trong khi nhiều nhà khoa học phản đối vì xâm phạm đến một di tích rất quan trọng của Thủ đô, vi phạm Luật Di sản. Ý kiến của Chính phủ về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Việc bảo vệ các di sản, truyền thống văn hóa và yêu cầu phát triển là 2 mặt của một vấn đề, không thể nói  mặt nào quan trọng hơn mặt nào, chúng ta phải xem xét toàn diện. Vấn đề này thuộc thẩm quyền trực tiếp của Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tinh thần của Chính phủ là tiếp tục thông qua các phương thức khác nhau để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học có chuyên môn về lịch sử, văn hóa, giao thông, đô thị… để có một giải pháp hài hòa, không coi trọng mặt nào hơn mặt nào.
Bạn có nói việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc là vi phạm Luật Di sản. Quan điểm của Chính phủ là không chỉ việc này mà bất kỳ việc gì đều không được vi phạm luật. Hà Nội quyết định việc đó và hôm nay bạn hỏi như vậy, Hà Nội với trách nhiệm của mình sẽ trả lời bạn là có vi phạm hay không,  nếu báo chí và công luận cho rằng có vi phạm thì các cơ quan chức năng sẽ có ý kiến chính thức.  
PV Kiều Minh, Báo Nông thôn ngày nay: Vụ xô xát giữa người dân và 1 công ty ở Tiên Lãng  (Hải Phòng) hôm qua VPCP đã có văn bản yêu cầu Tiên Lãng báo cáo vụ việc này. Tiên Lãng đã có báo cáo chưa? Quan điểm của Chính phủ về vụ việc này như thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Trước hết, Chính phủ cảm ơn báo chí luôn là kênh thông tin quan trọng để Chính phủ có những xem xét, chỉ đạo nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Đúng là chúng tôi đã có văn bản yêu cầu báo cáo về vụ việc này  và ngoài ra đã tìm hiểu đồng thời bằng các kênh khác. Khi nào có báo cáo đầy đủ sẽ thông tin kịp thời tới báo chí.
PV Bích Diệp, Báo Dân trí: Về dự định của một công ty Thái Lan đầu tư dự án lọc dầu 27 tỷ USD vào Bình Định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương đã báo cáo lên Chính phủ hay chưa? Quan điểm của Chính phủ về dự án này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Dự án này đã được báo cáo Chính phủ ở góc độ là xem xét cho các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu lập dự án. Khi hoàn tất các bước trình lên Chính phủ, Chính phủ sẽ cân nhắc trên nhiều góc độ khác nhau, từ việc đảm bảo an toàn an ninh năng lượng đến việc thu hút đầu tư.
Đồng thời, riêng đối với lọc dầu, cũng có nhiều yếu tố đặc thù cần phải xem xét, ví dụ lọc dầu đảm bảo công nghệ như thế nào. Chính phủ luôn cân nhắc kỹ các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có quy mô lớn muốn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt là lợi thế đường biển.  Chính phủ sẽ xem xét một cách khách quan, nếu thấy dự án đáp ứng yêu cầu, lợi ích chung của đất nước về tất cả các mặt thì Chính phủ sẽ ưu tiên cho nhà đầu.
Nếu dự án không đáp ứng yêu cầu thì đương nhiên chúng ta sẽ có những ý kiến ở mức độ chính sách ưu tiên khác nhau để nhà đầu tự quyết định có đầu tư không. Còn dự án phóng viên vừa nêu, ở thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu.
PV Công Thọ, Báo điện tử Khám phá: Tại Đền Hùng hiện nay có “Hòn đá lạ”, xung quanh câu chuyện này có khá nhiều báo điện tử đưa tin trong thời gian qua với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Xin cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Việc này với tư cách là Người phát ngôn của Chính phủ nói thì Chính phủ không bàn. Bạn hỏi quan điểm cá nhân của tôi thì tôi xin chia sẻ. Tôi nghĩ, thứ nhất tín ngưỡng thờ cùng tổ tiên của Việt Nam là truyền thống rất tốt đẹp, mang đậm nét văn hóa. Chúng ta thường nghe rất nhiều câu như “quang tiền thủy hậu”, tôn vinh cho đời trước làm sáng cho đời sau, truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của chúng ta càng đặc biệt hơn, đây là truyền thống tốt đẹp, tôi xin nhắc lại là đậm bản sắc văn hóa, bằng chứng là được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại  chứ không phải là một điều gì đó mê tín dị đoan.
Thứ hai, di tích Đền Hùng ngoài là nơi giỗ Tổ của cả đất nước linh thiêng thì theo quy định của pháp luật là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nên việc quản lý di  tích này phải theo quy định.
Tôi xin chia sẻ thêm, dân tộc Việt Nam ta với mấy nghìn năm lịch sử, đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức của thiên tai, địch họa, gây dựng đất nước đến ngày hôm nay, bảo vệ được chủ quyền của đất nước, chiến thắng trước rất nhiều kẻ địch mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần. Chúng ta chiến thắng trước hết là nhờ chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có lòng yêu nước, dân tộc Việt Nam tự hào là cần cù, sáng tạo, dũng cảm. Chúng ta chiến thắng thiên tai, địch họa bằng sức mạnh đó chứ không phải bằng sức mạnh nào mang tính chất bùa chú. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng như tất cả người dân Việt Nam tự hào về giỗ Tổ Hùng Vương, tự hào về phẩm chất người Việt Nam.
PV Chiến Thắng, Báo Quân đội Nhân dân: Báo Quân đội Nhân dân cùng một số tờ báo viết về một số sai phạm ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bạn đọc của báo Quân đội Nhân dân cũng quan tâm đến diễn biến vụ việc. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm Chính phủ với vụ việc này như thế nào, Chính phủ đã xem xét giải quyết vụ việc này chưa, nếu có thì đang ở giai đoạn nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Có rất nhiều kênh tiếp nhận thông tin, đương nhiên vụ việc bạn nêu Chính phủ đã biết và đã giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét, làm rõ và khi có kết luận thanh tra thì sẽ thông tin cho báo chí biết.
PV Thu Hạnh, Ban Kinh tế TTXVN: Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng có nói Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành mạnh dạn nghiên cứu các giải pháp, chính sách gỡ khó khăn mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp. Trong cuộc họp vừa rồi Chính phủ có nhận được các ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay không, có khả thi không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn rất lớn để trả lời thì rất dài. Tôi xin nói vắn tắt, nếu các bạn để ý trong Nghị quyết Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ đã gồm những chủ trương, giải pháp lớn. Với vai trò là cơ quan điều hành, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và trình lên những giải pháp lớn đó và triển khai sau khi được phê duyệt...
Điều Chính phủ nhận thấy là cần phải thực hiện quyết liệt hơn, đã có nhiều giải pháp nhưng việc triển khai cụ thể thì đây đó còn chậm.
Những giải pháp, sáng kiến mới rất cần thường xuyên liên tục. Không đâu xa, ngay trên báo thì có thể tìm ra nhiều sáng kiến liên quan đến điều hành của cả hệ thống Chính phủ, việc này các bộ, ngành vẫn tiếp tục tiếp thu, và chúng tôi luôn mong muốn thông qua báo chí, các chuyên gia, nhân dân hiến kế để tháo gỡ khó khăn. Còn những việc cụ thể mà các nơi tháo gỡ thì rất nhiều. Một trong những cái khó bây giờ là báo chí ngoài thông tin về vướng mắc thì cũng nên thông tin về kết quả những giải pháp đã làm được, cũng như những sáng kiến tốt của người dân, mọi cơ sở, mọi ngành để cùng nhau đưa ra những giải pháp tốt hơn.
Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn:
http://baodientu.chinhphu.vn/Home/VPCP-hop-bao-thuong-ky-thang-42013/20134/167389.vgp

No comments:

Post a Comment