|
Xe cộ đi trên quốc lộ 1A từ Cần Thơ ra Hà Nội phải đi qua ít nhất 21
trạm thu phí, chưa kể phí bảo trì đường bộ. Ảnh Anh Quân. |
(TBKTSG Online) - Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A đã chính thức được
khởi động và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016 nhưng điều làm cho
các nhà kinh doanh vận tải và người dân lo ngại là hiện tượng “phí chồng
phí”, làm tăng chi phí vận tải và dẫn tới những ách tắc trong khâu lưu
thông hàng hóa và hành khách.
Chiều ngày 2-4, tại cuộc họp báo thường kỳ quí 1-2013 của Bộ Giao thông
Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trên tổng số
1.700 km quốc lộ 1A, thì Nhà nước đầu tư nâng cấp 700 km, còn lại 1.000
km được giao cho các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BOT (xây
dựng-vận hành-chuyển giao). Theo quy định, doanh nghiệp sẽ được thu phí
sử dụng đoạn đường mà mình thi công để thu hồi vốn đầu tư. Đề xuất của
Chính phủ là thời gian thu phí các dự án BOT không quá 25 năm và khoảng
cách giữa các trạm thu phí không dưới 70 km. Theo tính toán của báo Lao động (tại đây), trên đường quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ có 21 trạm thu phí.
Theo thông tin mà TBKTSG Online đã phản ánh (tại đây),
Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính tăng mức phí trên quốc lộ 1A lên
mức tối thiểu bằng 75% phí đường cao tốc (mức phí tối thiểu đường cao
tốc đang áp dụng là 1.000 đồng/km) và 3 năm tăng một lần với mức tăng
khoảng 18%.
Tổng hợp những thông tin trên, có thể thấy xe cộ lưu thông trên quốc lộ
1A sẽ phải đóng những khoản phí rất cao, mà không còn cách nào khác vì
không có con đường nào khả dĩ thay thế được quốc lộ 1A trên tuyến vận
tải hành khách và hàng hóa giữa hai miền Nam-Bắc.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ để xe cộ được lưu thông trên đường, từ ngày
1-1-2013 doanh nghiệp và người dân đã phải đóng “quỹ bảo trì đường bộ”
tính theo đầu phương tiện (xem box phải).
Từ ngày 1.1.2013, bắt đầu thu phí Quỹ bảo trì đường bộ đối với các
phương tiện giao thông. Theo đó, mức thu phí người dân phải đóng thấp
nhất là 130.000 đồng/tháng (xe ôtô dưới 9 chỗ); cao nhất 1,04 triệu đồng
dành cho xe ôtô tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Các phương
tiện nộp phí theo kỳ đăng kiểm. Đối với xe gắn máy, mức thu từ 50.000 -
150.000 đồng/năm. |
Trước đó, từ năm 1994, các loại phương tiện cơ giới đã phải đóng phí sử
dụng đường bộ qua xăng dầu; nay thì phí này được thu theo đầu phương
tiện mà cơ quan nhà nước vẫn chưa thông báo hủy bỏ việc thu phí qua xăng
dầu.
Lý giải tình trạng “phí chồng phí” như vậy, ông Trường nói rằng, “Phí
bảo trì đường bộ chỉ dùng để bảo trì phần đường bị hư hỏng. Do vậy,
chúng ta vẫn chấp nhận thu qua các trạm BOT. Ở đây không có chuyện phí
chồng phí như nhiều người vẫn hiểu. Hiện nay, cả nước có 56 trạm thu
phí, trong đó có 14 trạm thu phí nộp ngân sách và một số trạm bán quyền
thu phí. Khi thu phí bảo trì đường bộ thì các trạm thu phí nộp ngân sách
sẽ bị xóa bỏ”. (tại đây)
Thực tế, từ khi bắt đầu thu quỹ bảo trì đường bộ ngày 1-1-2013, Bộ GTVT
đã đóng cửa một số trạm thu phí nộp ngân sách, nhưng với dự án mở rộng,
nâng cấp quốc lộ 1A đang triển khai, khả năng số trạm thu phí mới mọc
lên sẽ vượt xa số trạm bị đóng cửa, kể cả số lượng trạm và mức phí thu.
Mặc dù các quan chức Bộ GTVT ra sức trấn an người dân rằng, “việc thu
phí BOT không làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp
còn được lợi vì đường sá được nâng cấp, mở rộng”, song các đơn vị vận
tải mà TBKTSG Online tiếp xúc đều cho rằng, doanh nghiệp sẽ khó
khăn hơn nếu phải gánh thêm phí trong hoàn cảnh đơn hàng vận chuyển
càng giảm, lãi suất tiền vay ngân hàng cao và giá xăng dầu tăng kịch
trần.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TPHCM cho biết, “Đơn
cử như tuyến vận tải từ cảng Cát Lái (TPHCM) đi Cần Thơ, doanh nghiệp
vận tải đang phải chịu chi phí cầu đường bộ lên đến 19%/tổng giá cước
cho một chuyến hàng” Và theo ông Chung, những khoản chi phí tăng thêm
này đều sẽ được tính vào giá thành sản phẩm, làm ảnh hưởng đến việc cạnh
tranh hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước. (tại đây)
Khả năng một số doanh nghiệp vận tải sẽ phải ngừng hoạt động, buộc phải
bán xe vì không bảo đảm duy trì và tái đầu tư là có thật. Và nếu điều
đó xảy ra thì không chỉ hàng hóa tăng giá, lạm phát cao, mà lưu thông
hàng hóa ví như mạch máu trong cơ thể nền kinh tế có khả năng bị tác
động tiêu cực.
Đã có ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ nên thống nhất một loại phí giao
thông đường bộ, chẳng hạn như phí bảo trì đường bộ hiện hành, có thể ấn
định mức phí cao hơn nhưng khi đóng phí xong, người dân được tự do lưu
thông trên mọi ngả đường mà không phải chịu cảnh “phí chồng phí” như
hiện nay.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/94268/%22Phi-chong-phi%22-tren-quoc-lo-1A.html
No comments:
Post a Comment