Sunday, April 7, 2013

Rừng Khóc!


Rừng Yok Đôn đang nghèo đi

ThienNhien.Net – Cạn kiệt những cây gỗ cổ thụ, lâm tặc chuyển sang khai thác theo kiểu “tận diệt” rừng đặc dụng Yok Đôn. Không kể cây gỗ non, cây thân nhỏ, cứ tiêu thụ được ngoài thị trường là lâm tặc ra tay triệt hạ. Những gì diễn ra cho thấy vườn quốc gia Yok Đôn đang biến thành… vườn nhà của lâm tặc!
Vườn quốc gia hay… vườn nhà lâm tặc?
Những ngày tháng 3 này đang là cao điểm mùa khô Tây Nguyên, Vườn quốc gia Yok Đôn cũng đang nóng lên tình trạng lâm tặc khai thác trái phép gỗ quý. Tuy nhiên, ở Yok Đôn bây giờ, những cây gỗ hương, căm xe, cà te cổ thụ có đường kính gốc trên dưới 1 m không còn nữa, vì thế lâm tặc chuyển sang tận thu những cây gỗ non, khiến nhiều tiểu khu trong vườn quốc gia này trở lên xơ xác.
Tính đến thời điểm này, có thể nói Vườn quốc gia Yok Đôn cơ bản không còn những cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm I, nhóm II như trắc, cẩm lai, cà te, và không lâu nữa sẽ đến hương, căm xe, cà chít, chiu liu bị tận diệt. Vườn sẽ chỉ còn sót lại những cây gỗ tạp và từ một khu rừng có trữ lượng bậc nhất Việt Nam, nơi đây sẽ thành rừng nghèo kiệt.
Dù đã nhiều lần lội rừng Yok Đôn, nhưng lần nào chúng tôi cũng phải thuê “thổ công” dẫn đường, bởi khu rừng rộng hàng trăm nghìn ha này nhằng nhịt đường ngang, lối dọc. Nào là đường tuần tra rừng, nào là đường lâm tặc tự mở để khai thác và vận chuyển gỗ lậu, nếu không thông thạo sẽ rất dễ bị lạc.
Lần này cũng vậy, tiểu khu 448 nằm khá gần Tỉnh lộ 1, nhưng chúng tôi vẫn phải nhờ sự dẫn lối của một người bản địa mới tìm vào được điểm nóng khai thác gỗ trái phép. Sau gần một giờ đồng hồ len lỏi trong rừng để tác nghiệp, chúng tôi chứng kiến cả chục cây căm xe, chiu liu có đường kính gốc từ 30 đến 60 cm vừa bị lâm tặc đốn hạ, xẻ hộp ngay trong rừng. Thậm chí, có những cây gỗ hương còn non, đường kính gốc mới 20cm cũng bị triệt hạ không thương tiếc. Những cánh rừng chúng tôi đi qua, hầu như không còn gỗ quý. Rừng trở lên xơ xác. Cũng với tình trạng ấy, từ đầu năm đến nay, tại tiểu khu 507, kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn phát hiện có hơn chục cây hương bị lâm tặc khai thác trộm!
Vấn đề đáng bàn ở đây là cứ sau mỗi lần Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức sắp xếp, thuyên chuyển cán bộ, kiểm lâm, kể cả những cương vị chủ chốt như thành viên Ban giám đốc thì lâm tặc vẫn ngang nhiên lộng hành và tình trạng phá rừng càng ngày càng nóng. Ngay cả những cánh rừng nằm trong khu vực vành đai biên giới, được các lực lượng phối hợp bảo vệ hết sức nghiêm ngặt cũng bị lâm tặc tấn công!
Dư luận đặt ra vấn đề, tại sao Vườn quốc gia Yok Đôn có lực lượng kiểm lâm hùng hậu, tới 221 người, các trạm kiểm lâm rải khắp vườn và nằm ngay trong rừng. Ngoài ra, còn có lực lượng kiểm lâm cơ động, kiểm lâm liên ngành túc trực 24/24 giờ trong ngày trên tuyến Tỉnh lộ 1 và trên cả đường sông Sêrêpốk. Vậy thì bằng cách nào lâm tặc có thể ra, vào rừng lấy gỗ như ở chốn không người, thậm chí chúng ngang nhiên dùng cưa máy, xe cày, và cả ô tô để đưa khỏi rừng hàng nghìn m3 gỗ quý?
Các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh nhiều và thực tế cũng cho thấy một bộ phận không nhỏ kiểm lâm của chính vườn quốc gia có hành vi tiếp tay cho lâm tặc, tự biến mình thành lâm tặc. Không ít trường hợp bị phát hiện, xử lý, nhưng còn bao nhiêu cán bộ, kiểm lâm ở vườn này là lâm tặc mà chưa bị lộ diện, thanh trừ!?
Gỗ lậu tràn lan
Trong lần trao đổi với báo chí gần đây, ông Trần Văn Thành, Quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn đã tự tin khẳng định: “Tình trạng phá rừng ở vườn đã giảm được 80% so với trước!”. Thế nhưng, thực tế những gì đang diễn ra trong vườn lại không đúng như vị quyền giám đốc này nhận định. Bởi gỗ quý vẫn bị tuồn ra khỏi rừng. Và hàng ngày, tại 16 trạm, đội kiểm lâm vẫn liên tục phát hiện, kiểm đếm và “đánh số” những cây gỗ lâm tặc mới khai thác.
Theo con số thống kê của kiểm lâm vườn quốc gia Yok Đôn, bình quân mỗi tháng có hàng trăm cây gỗ quý bị lâm tặc triệt hạ và vận chuyển ra khỏi rừng. Báo cáo tổng hợp năm 2011, Vườn phát hiện, xử lý 510 vụ vi phạm lâm luật; đến năm 2012, con số này tăng lên 592 vụ trong đó chủ yếu là khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, với tổng khối lượng gỗ tịch thu trong năm 2012 là 500m3. Điều này cho thấy, lâm tặc ngày càng lộng hành, và tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép không hề thuyên giảm như lời của người đứng đầu Vườn quốc gia Yok Đôn!
Không chỉ bị lâm tặc tàn sát, rừng Yok Đôn còn bị nhiều đối tượng lợi dụng việc thi công công trình trong vườn quốc gia để khai thác trái phép. Mới chỉ cách đây vài ngày, tại khoảnh 2, tiểu khu 245, chúng tôi chứng kiến bãi tập kết gỗ không có dấu búa kiểm lâm, với tổng cộng 191 lóng (148,5m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VI). Vị trí tập kết gỗ gần Quốc lộ 14C, và đoạn đường này đã thi công xong từ cuối năm 2012, vì vậy, đây rõ ràng không phải là gỗ tận thu.
Được biết, việc tận thu gỗ thi công Quốc lộ 14C đã chấm dứt từ tháng 12/2012, theo Quyết định số 1241/SNN-CCLN, ngày 21/9/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắk.
Biên bản kiểm tra hiện trường của Đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: “Toàn bộ số gỗ trên chưa rõ nguồn gốc, cần lập biên bản tạm giữ và tổ chức bảo vệ hiện trường, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Ông Trần Văn Thành không lý giải được nguồn gốc của bãi gỗ trên. Còn theo nhận định của chúng tôi tại hiện trường cho thấy, rất có thể đây là… bãi gỗ lậu do lâm tặc lợi dụng việc tận thu gỗ thi công Quốc lộ 14C để khai thác trái phép!
Sự yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như lâu nay đã khiến tài nguyên rừng nơi đây dần cạn kiệt; nhiều loài động, thực vật quý hiếm đã và đang đứng trước nguy cơ mất môi trường sống; nhiều tiểu khu rừng giàu với nhiều cây gỗ quý hiếm nay cũng tan hoang và thành rừng nghèo kiệt.
Bãi tập kết 191 lóng gỗ không có dấu búa kiểm lâm tại tiểu khu 227, phát hiện 18-3-2013
Bãi tập kết 191 lóng gỗ không có dấu búa kiểm lâm tại tiểu khu 227, bị phát hiện vào ngày 18/3/2013 
290313_CMT_YokDon2
290313_CMT_YokDon5
Những cây căm xe có đường kính gốc 40-60cm mới bị lân tặc triệt hạ tại tiểu khu 448
290313_CMT_YokDon3
290313_CMT_YokDon4
290313_CMT_YokDon7
290313_CMT_YokDon8
Lâm tặc dùng cưa máy “cưa, xẻ” lấy đi những hộp gỗ vuông vức, bỏ lại hiện trường những phách bìa và cành ngọn
290313_CMT_YokDon9
Cây căm xe bị bọng nên sau khi cắt hạ, lâm tặc không lấy gỗ
Link bài tại http://www.thiennhien.net/2013/04/02/rung-yok-don-dang-ngheo-di/ 

No comments:

Post a Comment