Friday, April 12, 2013

Công nhận-Rất khó. Giữ và phát triển-Quá khó!

WWF chung tay cùng Việt Nam bảo tồn hệ sinh thái ĐBSCL

(15:58:08 PM 12/04/2013)
(Tinmoitruong.vn) - Diễn đàn thường niên “Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển Bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm thảo luận về giá trị và tầm quan trọng của việc duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tại Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây là lần thứ 5 Diễn đàn được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Cà Mau và WWF đồng tổ chức.
  Ngày 12/04/2013, hơn 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách đến từ các Bộ, ngành Trung Ương và 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đã cùng gặp gỡ tại Diễn đàn thường niên “Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển Bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

 
Sông Mê Công (khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Cửu Long) là một trong những con sông rộng lớn nhất thế giới và có mức đa dạng sinh học cao.

Các hệ sinh thái tự nhiên với các dịch vụ của chúng là món quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho ĐBSCL. Trong nhiều năm qua, tầm quan trọng kinh tế của ĐBSCL luôn liên quan mật thiết tới các dịch vụ hệ sinh thái (HST) này. Để có thể duy trì được các dịch vụ HST và những lợi ích mà chúng đem lại cho người dân chúng ta cần phải hiểu rõ về các HST và chu trình tự nhiên của ĐBSCL. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch và kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ các HST và duy trì dịch vụ hệ sinh thái còn tương đối mới đối với nhiều địa phương. Chính vì vậy, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học và WWF  đưa ra chủ đề duy trì dịch vụ hệ sinh thái tại diễn đàn lần này để các tỉnh ĐBSCL có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi kiến thức và kinh nghiệm lẫn nhau và từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng như thảo luận về các giải pháp và định hướng trong tương lai.

Trước những ảnh hưởng rõ rệt của Biến đổi khí hậu đối với khu vực, việc bảo vệ, phục hồi và duy trì sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái càng quan trọng và mang tính chiến lược. Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, thuộc Tổng Cục Môi trường, với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF, và các tổ chức, cá nhân khác đang trong quá trình soạn thảo Quy hoạch tổng thể đầu tiên về Bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trong đó tầm quan trọng của bảo tồn và duy trì hệ sinh thái được nhấn mạnh. Qua Diễn đàn này, chúng tôi hy vọng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này, để khi Quy hoạch chính thức được Chính phủ phê duyệt, các tỉnh đã có những chuẩn bị tốt trong việc xây dựng và thực thi Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học ở từng địa phương” Bà Huỳnh Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ.

Theo các chuyên gia của WWF, việc phục hồi và duy trì các HST cũng như dịch vụ HST mà chúng mang lại đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của các địa phương, đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, những người sống phụ thuộc vào thiên nhiên như trồng lúa, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng đặc biệt quan trọng để giảm thiểu những hoạt động có tác động tiêu cực đến sự khỏe mạnh của các HST và suy giảm dịch vụ HST. Các cơ chế và công cụ phục vụ cho công tác chi trả cho dịch vụ HST cũng cần được hoàn thiện, chia sẻ và áp dụng rộng rãi, nhằm hoàn trả một phần những gì mà chúng ta nhận được từ thiên nhiên cũng như những người đang bảo vệ chúng.

 
Duy trì HST để bảo vệ sinh kế cho người dân

Mặc dù việc duy trì sự toàn vẹn và khỏe mạnh của các HST và các dịch vụ HST còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng vừa qua một tin vui với ĐBSCL đó là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, với sự hỗ trợ của Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học và WWF, đã chính thức được Ban thư ký Công ước RAMSAR công nhận là Khu RAMSAR, vùng đất ngập nước mang tầm quan trọng quốc tế, thứ 5 tại Việt Nam.
BTV

No comments:

Post a Comment