Tiếng ốc từ thuở... Hoàng Sa vọng về
SGTT.VN - Cứ mỗi lần diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng
Sa ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hầu như tất cả các vị khách thập phương
đều thấy một cụ già nâng một con ốc lên ngang miệng và thổi lên từng hồi
trầm hùng. Thế nhưng, có mấy ai biết đó là phương tiện liên lạc thông
tin giữa các con thuyền của các binh phu Hoàng Sa năm xưa khi họ lênh
đênh trên biển. Còn trên đất đảo Lý Sơn ngày nay, mỗi lần cất lên tiếng
u…u…u từng hồi dài ngắn, cư dân trên đảo sẽ biết có cướp biển xâm phạm,
hoặc có bắt trộm cắp.
Ông Võ Chú thổi con ốc u đã theo mình mấy mươi năm.
|
Đến bây giờ, tiếng “u…u…u” ấy vẫn mãi vang vọng vào lễ
Khao lề thế lính Hoàng Sa, cất lên giữa đêm khi các đội dân quân nơi này
tuần tra bảo vệ mùa màng cho người dân trên đảo. Ấy là tiếng thổi độc
đáo từ con ốc u chỉ có trên đảo Lý Sơn…
Từ tiếng ốc u năm xưa…
“Ốc u đã thổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng
Sa”, trưởng ban khánh tiết lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, cụ Nguyễn Cậu
(hay Câu), 84 tuổi chậm rãi đọc hai câu hát ru, giải thích: Ngày xưa,
làm lễ tiễn đưa đội binh phu Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ, khi tiếng ốc u
thổi lên dồn dập, giục giã là lúc đoàn binh phu phải xuống thuyền dong
thẳng ra khơi. Lúc bấy giờ, năm con thuyền ra giữa biển mênh mông, sóng
gió muôn trùng, chiếc kèn hay tù và gióng lên luôn bị tiếng sóng gió làm
loãng, các thuyền binh không thể nghe thấy. Cho nên, “chỉ có tiếng con
ốc u thổi lên là không lẫn vào đâu được. Nó cất lên tiếng trầm hùng, rõ
mồn một giữa tiếng sóng gió ì ầm”, cụ Nguyễn Cậu nói.
Theo lời kể của cụ Cậu, hồi ấy, khi thuyền binh phu ra
biển, thì thuyền của chánh đội to nhất đi giữa, còn bốn thuyền nhỏ của
binh phu, hai chiếc đi trước, hai chiếc đi sau. Tất cả đều răm rắp nghe
theo lệnh của thuyền chánh đội. Mỗi lần nghe ốc u từ thuyền chỉ huy thổi
lên ba tiếng, các thuyền đáp lại cũng bằng ba tiếng, nghĩa là thuyền cứ
tiếp tục tiến. Nếu thuyền chỉ huy thổi lên sáu tiếng ốc u, bốn thuyền
cử thuyền trưởng chèo thuyền nan về thuyền chính để họp bàn. “Còn thuyền
chỉ huy thổi chín tiếng là báo hiệu có địch, các thuyền chuẩn bị nghênh
chiến”, cụ Cậu nói. Rồi khi có ai đó yểu mệnh, chiếc chiếu, thẻ bài, đã
quấn vào thi thể binh phu, tiếng ốc u lại thổi lên thê lương ba hồi
tiễn biệt giữa biển muôn trùng. Với binh phu, dù vui hay buồn, thì tiếng
con ốc u cũng gắn với họ suốt chặng đường hồ hải…
Say mê kể chuyện ốc u, cụ Cậu bảo: Để kiếm được con ốc u
đủ lớn chừng 3 – 4kg để thổi không phải dễ. Ốc ngần ấy ký, thường là
sống bốn năm. Hơn nữa, loài ốc này sống trong hang đá dưới đáy biển gần
đảo Lý Sơn và ở ngoài các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nó ra khỏi hang
đi săn mồi khi trời mát, sau đó lại vào hang ngay. Vì vậy, muốn bắt được
ốc u, phải là tay thợ lặn giỏi, hơi dài và kiên nhẫn nữa. “Thổi được ốc
u thành tiếng thì dễ, nhưng thổi theo điệu ngắn dài, giục giã, vang
ngân xa từ 200 – 300m, thậm chí gần cả ngàn mét thì không phải ai cũng
thổi được. Đất đảo Lý Sơn bây giờ, chỉ có mấy người làm được”, cụ Cậu
cho biết.
Do khó thổi, nên vào đầu năm, khi các ruộng tỏi thành
củ, thanh niên ở đây thổi phồng cả cổ, rát cả họng, nhưng có mấy ai thổi
được hay và được làng đưa vào đội quân tuần tra bảo vệ đảo vào ban đêm.
“Cháu muốn biết, nên đến tìm ông Võ Chú hỏi chuyện, ổng kể chuyện ốc u
cho nghe…”, cụ Cậu giới thiệu.
… Đến tiếng ốc u bây giờ
Ông Võ Chú, 78 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo
Lý Sơn là một trong những người hiếm hoi thổi ốc u hay nhất trên đảo Lý
Sơn bây giờ. Cho nên, dù tuổi đã cao, sức đã mòn, ông Chú vẫn tiếp tục
đảm nhận công việc thổi ốc u trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (diễn ra
ngày 27 và 28.4 tại đình làng An Vĩnh). “Hồi còn trai tráng, tui được
ông già truyền cho kỹ thuật thổi ốc u. Sau đó, làng xã đưa tui làm
trưởng nhóm tuần sương (tuần tra) bảo vệ đảo vào ban đêm”, ông Chú kể
chuyện xưa.
Theo ông Chú, thổi ốc u khó nhất là lúc làm lễ Khao lề
thế lính Hoàng Sa. Bởi lẽ, trong lễ phải chịu sự cho phép của thầy pháp
sư: cho thổi dài, ngắn, thúc giục hai ba hồi một. Do đó, sau khi làm
xong lễ, cái bụng muốn go cứng lại, vì phải nén hơi dài, liên tục. Còn
khi phòng cướp biển tàu ô vào cướp đảo, từng hồi ốc u vang lên khẩn cấp.
Thế là bà con sống trên đảo tập trung trai tráng đến chống lại. Đến lúc
đánh lui cướp biển, ốc u lại ngân lên từng hồi êm ái, báo hiệu cho cư
dân trên đảo an lòng.
Cũng theo ông Chú, từ thời khai sinh đất đảo đến giờ,
người dân đảo Lý Sơn sống chủ yếu bằng nghề trồng hành, tỏi và nghề
biển. Đến khi tỏi, hành đến mùa thu hoạch, cứ đêm đêm về, kẻ trộm lại
đột nhập vào rẫy để đào trộm. Thế là các đội tuần tra được thành lập,
nghĩa là, từ khi đảo có người ở, thì có các đội tuần tra này và con ốc u
luôn ở “sát sườn” không rời các thành viên của đội tuần tra. Thành viên
của các đội tuần tra này, ngoài là người có tính thiệt thà, khoẻ mạnh,
thì ai cũng phải biết thổi ốc u và ai cũng phải nhận biết được tiếng
thổi của nhau trong đội. Cứ giữa đêm, nghe tiếng ốc u rúc lên ba hồi nhẹ
nhàng trong đêm, bà con trên đảo có thể yên tâm là có đội tuần tra bảo
vệ. Khi nghe thấy ba hồi “u…u…u” rồi kết thúc một hồi dài, là lúc đội
tuần tra bắt được kẻ trộm. Còn thổi ba hồi dài là lúc thay gác, đổi
quân.
“Ban đêm tui đi kiểm tra việc canh gác, đi tuần, không
thấy anh nào là tui thổi ba tiếng u…u…u, nếu không thấy trả lời, xem như
mấy cha ở nhà ngủ với vợ…”, ông Chú kể. Trong đội tuần tra, có anh ở
nhà với vợ, nhưng giả như có đi tuần, cũng thổi ốc u lên, nhưng ông Chú
biết liền. Hoặc mấy ông trộm tỏi cũng biết thổi ốc u, có khi họ đào trộm
ở phía đông, nhưng lại xoay hướng ốc u qua phía tây, thế nhưng, ông Chú
nghe qua là biết và ông sẽ bố trí cho anh em đội tuần tra đi bắt trộm
ngay lập tức. “Vì các thành viên trong đội, ai thổi ra sao, tui cũng
nhận ra. Hơn nữa, đêm nào cũng thay đổi “mật khẩu” thổi ốc u: đêm nay ba
tiếng, thì đêm sau hai tiếng chẳng hạn. Điều này thì kẻ trộm không biết
được, nên chúng rất dễ rơi vào tròng”, ông Chú cho biết.
bài và ảnh: Phạm Anh
Nghe tiếng ốc u riết… nghiện!
Theo ông Trần Bút, chủ tịch UBND xã An
Vĩnh, hiện nay trên đảo Lý Sơn có bốn trung đội dân quân, đêm nào cũng
đi tuần bảo vệ an ninh trật tự trên đảo. Cứ mỗi trung đội, có 2 – 3
người biết thổi ốc u, khi họ liên lạc với nhau trong đêm, họ cũng thổi
ốc u. “Bà con dân đảo, cứ nghe tiếng ốc u của dân quân, lòng ai cũng
thấy an tâm hơn. Dần dần, dân đảo như quen tiếng ốc u trong đêm. Đêm nào
không nghe ốc u thổi, đảo như thấy thiếu một điều gì đó…”, ông Bút nói.
No comments:
Post a Comment