Saturday, April 6, 2013

Kẻ đi rình tệ hơn thằng đi chơi ! Chuyện ruồi bu!

“Sửa lưng” công chức

Tình trạng công bộc của dân ăn lương nhà nước, nhưng "sáng cắp ô đi, tối cắp về", làm việc riêng trong giờ hành chính, thiếu văn minh khi tiếp công dân…, không phải vấn đề mới. Điều đáng nói chính là, các loại “thuốc” được kê vẫn chưa đủ liều để có thể điều trị căn bệnh này.

Rất nhiều quy định cấm liên quan đến cán bộ, công chức đã được ban hành và luôn nhận được sự ủng hộ của dư luận. Từ cấm công chức đi lễ chùa (Hà Nội), hay cấm công chức dự tiệc cưới trong giờ làm việc (Bạc Liêu) đến cấm công chức gợi ý để được mời đi nước ngoài (Đồng Tháp)… tất thảy đều nhắm mục tiêu “sửa lưng” công chức hư, nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc của đội ngũ.
Nhưng có điều rằng, điểm lại các quy định này sẽ thấy, dường như còn thiếu điều gì đó khiến các chỉ thị, nghị quyết chưa thực sự hiệu quả trong thực tế. Tháng 1.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc quản lý và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc tại công sở. Trong đó quy định: "Cán bộ, công chức không uống rượu bia trước và trong giờ làm, kể cả trong bữa ăn giữa hai ca và trong ngày trực...". Xa hơn nữa, từ tháng 6.1996, Hội đồng Bộ trưởng khi đó cũng đã từng ban hành chỉ thị tương tự, cấm cán bộ, công chức uống bia rượu trong giờ làm việc. Song đến nay cũng mới chỉ có lác đác vài tỉnh thực hiện, với kết quả khiêm tốn.
Thực ra, quy định hành vi cho công chức là cần thiết nhưng mới chỉ là bề nổi và nó hoàn toàn có thể được thi hành nghiêm với hoạt động thanh tra công vụ thường xuyên, chế tài nặng. Nhưng sẽ không thể có một nền hành chính tốt nếu như một bí thư tỉnh ủy phải đến từng quán cà phê để bắt quả tang công chức “ăn cắp” giờ, hoặc một ông giám đốc sở phải hằng ngày “phục kích” ở cổng để quả tang công chức đi làm trễ.
Việc “sửa lưng” công chức chỉ hiệu quả khi chúng ta xây dựng được hệ thống đánh giá kết quả công tác của cán bộ, công chức, bởi lẽ, đánh giá kết quả bao giờ cũng triệt để hơn đánh giá hành vi. Một người có thể đến cơ quan làm việc đúng 8 giờ mỗi ngày, không vi phạm các quy định cấm nhưng chỉ chơi game, liệu có tốt hơn một người đến trễ mươi phút, nhưng làm việc thực sự hiệu quả?
“Nhàn cư vi bất thiện”, với một bộ máy hành chính cồng kềnh “có thể giảm 30% số lượng nhân sự mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ cơ quan” thì “bệnh” la cà quán xá của những người đến công sở nhưng không có việc làm hoặc không đủ năng lực giải quyết công việc cũng là điều dễ hiểu.
An Nguyên
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (24)
TUDO - TPHCM
Em rất thích đọc bài trong chuyên mục này, hôm nay em xin "sửa lưng" nhà báo là từ nay trở đi nếu có nói về tiền lương phải rõ ràng: ăn lương từ tiền thuế của dân! Chứ cứ gọi nhà nước nó chung chung lắm và cha chung thì không ai khóc!
phan lac đông quân - Seattle,W.A,USA
Như Bác Hồ đã daỵ: "Công chức, cán bộ là đày tớ cuả nhân dân!'. Họ được ăn luơng, tiền thưởng v...v từ sự đóng thuế cuả nhân dân; vì vậy, chúng ta nên đánh giá công chức theo tiêu chí: kết quả và hiệu quả cuối cùng cuả công việc mà họ được giao phó. Trong nền hành chính hiện đại, chúng ta có những phương tiện hiện đại để giúp người công chức làm tới nơi, tới chốn chứ không "lề mề" , kéo dài công việc, cản trở người dân tới những công việc khác. Giải quyết công việc một cách khoa học, nhanh, và hiệu quả.
Trần Dân, Đăklăk
MỘT SỐ BIỆN PHÁP "SỬA LƯNG" CC.
Giải quyết vấn đề vi phạm giờ hành chính của CB,CC không khó, chỉ cần thực hiện đúng các văn bản quy định là đủ. Song hiện nay CB,CC "chuyên nghiệp" rất ít được đào tạo bài bản, tuyển dụng tràn lan nào là con "anh Bảy" cháu "chị Ba" và nạn phong bì chạy chọt, nên số lượng dư thừa không biết bố trí vào đâu, lương không đảm bào cuộc sông nên việc "ăn cắp" gìơ hành chính, "ăn cắp" của công (của dân) không thể tránh khỏi! Để giải quyết vấn đề này không thể có những biện pháp riêng lẻ như một số tỉnh đã làm mà cần phải có biện pháp cải cách triệt để từ việc đào tạo, tuyển dụng CB,CC đến bố trí các phòng làm việc để có thể kiểm soát lẫn nhau trong giờ làm việc, đánh giá hiệu quả công việc thưởng phạt một cách công minh thì sẽ có chuyển biến nhất định và dần dần nâng cao tính tự giác "vì nhân dân phục vụ" của CB,CC.
Nguyễn Văn Trực
"... hoặc một ông giám đốc sở phải hằng ngày “phục kích” ở cổng để quả tang công chức đi làm trễ." nếu được vậy cũng tốt chỉ sợ ngay cả giám đốc sở cũng như vậy thì nói ai nghe và trị được ai ? Không phải đợi đến bây giờ tỉnh này tỉnh nọ thi nhau ra văn bản chỉ thị mà thực ra ngay chính tại từng cơ quan, ban ngành đoàn thể kể cả cơ quan dân chính đảng cũng có nội quy, quy trình trong đó ít nhiều cũng có đề cập đến ngày giờ công mà cụ thể là 8g làm việc thế nhưng những quy định như vậy sao không ai chấp hành mà phải các vị đầu tỉnh phải làm thay trưởng các đầu ngành trực thuộc, hãy kỷ luật các Giám đốc sở, trưởng đầu ngành trước đã.
Quang Tàu
Bây giờ ở đâu cũng vậy, hiện tượng cài cắm con cháu vào biên chế công chức là chuyện bình thường. Ngay cả cơ quan tôi đã đủ nhân sự để quản lý cơ quan còn bị cấp trên gửi con cháu vào ngồi không ăn lương thấy mà uổng tiền của Nhà nước thật. Công việc của đơn vị một tháng thì chỉ cần ngồi lại xử lý trong vòng 3 ngày là xong, ấy vậy mà một số anh chị còn than là làm nhiều, mệt - nực cười!
Nhổ Tóc Bạc - 377 Bà Hạt, Q10
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi nhưng tình hình là "nguyễn y vân" vì ai cũng vậy. Cán bộ công chức phải chính danh, gương mẫu. Thuốc kê nhiều nhưng không có thuốc đặc trị, giờ nếu làm sai bắt uống "thuốc độc" ví dụ như hạ 1 bậc lương nếu 1 tháng trễ giờ quá 3 lần, hạ 3 bậc nếu trễ quá 5 lần/2 tháng liên tiếp..., phạt trễ giờ cứ 100 ngàn/phút trễ giờ thì ai đi trễ cũng phải "cân nhắc". Siết năng suất lao động trong từng cơ quan là "cải thiện" ngay. Vấn đề là có muốn thực hiện từ Trên xuống Dưới hay không mà thôi!
vinh
Có cái NĐ 23/2013 NĐ-CP áp dụng 1 tuần rồi mà có nhiều quận trong TP.HCM vẫn chưa thông. Hôm nay 6/4/2013 rồi mà vẫn còn chi cục thuế chưa giải quyết hồ sơ cho xe từ tỉnh về (chờ hướng dẫn). - Quận B.thanh, H.Môn (hình như). Thế thì ngoài lười biếng, à ơi, còn có cả yếu năng lực nữa....
thuanle, Bà Rịa-Vũng Tàu
Công chức cũng có gia đình chứ đúng không các bạn, lương ít quá thì chúng tôi cũng phải kiếm thêm việc mà làm để có thêm thu nhâp chứ, không làm lấy gì nuôi gia đình đây. Như vậy nên kính thưa các bác! Bản thân tôi làm việc tại một thị trấn các bác có biết là công việc của tôi rất nhiều không, thậm chí có lúc đi tiểu còn không có thời gian chứ nói như bạn Đỗ Quan Đán là không đúng đấu nhé. Tôi nghĩ bạn nên đổi tên lại là QUƠ CẢ ĐÁM sẽ tốt hơn đó bạn ạ. Ăn cấp giờ để kiếm thêm thu nhập bạn ơi chứ lương chúng tôi nhiều rồi thì ăn cắp giờ làm gì. Bạn không biết gì thì đứng phát biểu linh tinh nhé.
Pháp Sư @
Tui từng là công chức (hưu non) nên xin phép nói cho nhanh: Đố ai sửa được cái lưng công chức. Mấy đời Thủ tướng đã than vãn về tệ công chức . . . rồi có giải quyết được gì đâu. Heiz ! Nói ra buồn thêm. Pó tay !
GIAO CHUC
GIẢM AI; AI GIẢM; BÂY GIỜ GIẢM AI ?
Trong một nền hành chính mà cách tuyển người vào cơ quan hành chính nói chung (Tuyển công chức) «có vấn đề» (Đã phản ánh trong nhiều bài báo. Có nơi số «quan chức» lên đến hàng trăm) bên cạnh đó đồng lương không hợp lý thì hiện tượng «nhàn cư vi bất thiện» là điều hiển nhiên. Nhưng nếu bây giờ có một cuộc tinh giảm biên chế thật sự thì tôi xin hỏi một câu như đề bài đặt ra là «GIẢM AI ; AI GIẢM ; BÂY GIỜ GIẢM AI ?». Hay là những người đáng giảm thì không bị giảm (do những vấn đề « tế nhị »nào đó) còn những người làm việc tốt thì bị giảm (vì « không có quan hệ cần thiết ») và sau đó lại tuyển vào những người không đáng tuyển.
Ôi, Bao giờ cho đến tháng Mười?
Thanh Minh
Thực trạng này vẫn còn phổ biến nhiều nhưng có ai đó đừng có quơ đũa cả nắm như thế thì không đúng hết đâu. Cán bộ công chức ở tỉnh nào.... còn như vậy thì chưa thống kê hết được, nhưng CBCC tại TP.HCM thì làm ngày làm đêm vẫn không làm hết việc được, thậm chí cả ngày thứ 7 và chủ nhật, ngày lễ cũng tranh thủ làm thêm theo chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan để giải quyết hết hồ sơ công việc trong tháng đã đề ra. Điều đó đã chứng minh rằng số lượng công việc, hồ sơ giải quyết cho nhân dân tại cấp quận như quận Gò Vấp chẳng hạn bằng cả một tỉnh Bình Phước; thu thuế cũng bằng cả một tỉnh Bình Phước thu trong một năm... thì các bạn thử nghĩ xem một CBCC tại TPHCM phải làm việc vất vả như thế nào trong khi mức lương lại được chi trả cào bằng chung cả nước. Vài lời tâm sự để các bạn suy ngẫm thêm.
vinhco, daklak
Làm như thế mãi thì lượng chất xám sẽ chảy ra nước ngoài hết thôi. Toàn con ông cháu cha ......
nga dien
Có quy định nào cụ thể về số phòng, ban trong một trường đại học không. Thực tế ở một số trường đại học là cứ một đời hiệu trưởng là có thêm một phòng ban mới được thiết lập. Lại thêm trưởng phó, phòng, nhân viên.. còn công việc thì vẫn thế. Không biết có nơi nào như ở Việt nam không? Trong nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt là các trường Đại học và Cao đẳng, trưởng các bộ phận như phòng tổ chức cán bộ, công đoàn, thư viện …….. là các Giáo sư và phó giáo sư, tiến sỹ. Những vị trí đó có cần phải giao cho những người đó hay không. Những người trong cuộc đều hiểu đó một đặc ân. Thật là một sự lãng phí chất xám. Thuế của dân không được sử dụng đúng mục đích.
khangpham
Người xưa có câu :"Nhà dột từ nóc". Khi người công chức không làm tròn nhiệm vụ thì trách nhiệm chính là ở lãnh đạo. Người chỉ huy là tấm gương cho người dưới noi theo. Xếp mà bê bối thì trách nhân viên sao được.
Đỗ xuân Vinh, 124 Minh khai HN
nếu giảm 30 đến 50% số lượng công chức thì lúc đó bộ máy công quyền sẽ làm việc có hiệu quả.
Ngọc Đông, HCMC
Đơn giản vì họ là công bộc của dân nhưng hưởng lương của nhà nước. Vì vậy người dân đâu phải là đối tượng để cho thành phần "sáng cắp ô đi, chiều cắp về" phục vụ nhân dân đâu.
Út Trực
Lương Cán bộ Công chức nhà nước có trả cao ngất ngưỡng đi nữa mà trong đầu óc rỗng tếch cái tâm, cái tầm thì cũng mãi mãi là con số không .
NGUYỄN VĂN TRỰC
Cần lắm một nền Thanh tra Công vụ nhưng ông là ai, ở đâu, điện thoại đường dây nóng của ông ... thì chẳng người dân nào được biết để phản ánh "CBCC chây lỳ" , trong khi cái cơ quan mà người dân không cần và rất sợ như sợ cọp không gọi, không mời nhưng ông tới rất nhanh đó là ông Thanh tra xây dựng, vậy sao không thành lập Lực lượng Thanh tra công vụ và đi vào "hoạt động hiệu quả" như ông Thanh tra xây dựng?
hoàng dung, Tp. HCM
Trước hết phải sửa lưng các lãnh đạo các cơ quan công quyền từ trên xuống dưới thì mới sửa lưng công chức được. Nói phải đi với làm, đơn giản nội quy hay luật pháp phải áp cho mọi đối tượng có liên quan.
Hai Búa - HN
Tại sao các gia đình khi xây dựng nhà, mua sắm đồ đạc, xe cộ không bị thất thoát tiền, mặc dù đâu có chuyên môn. Ấy thế thì Nhà nước hãy học tập cách quản lý như từng gia đình đang làm thôi đừng đẻ ra nhiều tầng lớp quản lý, kiểm tra, thẩm tra, thanh tra làm gì chỉ tổ thêm lãng phí thất thoát tiền Nhà nước, hậu quả chất lượng hiệu quả đầu tư kém, không ai, cơ quan nào chịu tội. Một xã phường mà có tới hàng trăm công chức nhưng việc không chạy là vậy. Lỗi hệ thống quá đúng.
thuanle - Bà Rịa-Vũng Tàu
Thế các bác nghĩ là công chức chúng tôi tiếp những công dân thiếu văn minh thì như thế nào không? mà những công dân thiếu văn minh đó thường là những người có học thức không đấy nhé, là những người có chức quyền, hoặc con ông cháu cha không đấy nhé. Họ làm khó chúng tôi đủ điều đấy các bạn ơi !, bạn biết không tôi làm việc ở hệ thống một cửa dân vào phải lấy số thứ tự nhưng mà những người đó người ta không thích đâu bạn ạ, họ chỉ thích chen ngang, ngồi mắc chân lên ghế hoặc bắt chúng tôi phải làm theo ý của họ. Chúng tôi thường bị lãnh đạo trách mắng là do những người trí thức đó đấy các bạn. Khi mình nhắc nhở những người dân như vậy thì họ sẽ nói xấu mình đủ điều trước lãnh đạo như là "cái mặt của thắng đó, con đó tiếp dân mà cái mặt nhìn thấy ghét, không lịch sự với dân" mà lãnh đạo nghe nói như vậy thì chì biết đè ra mà chửi thôi chứ đâu có tìm hiểu ngọn nguồn.
Lê Nổ, Quảng Nam
Bạn Ky Mai, QN là ai mà sao dám nổ vậy? Bạn là thánh nhân hay sao mà có thể giải quyết tốt vậy? Bạn có thể gửi ý tưởng của mình đến Chính phủ để xem có thể sử dụng không phẩy mấy phần trăm. Tôi tên Nổ mà không dám như bạn.
Đỗ Quang Đán
Sửa ai, ai sửa, khi 1/3 trong số 2,8 triệu công chức của đất nước này còn cái quyền được à ơi, không làm cũng không sao, không làm vẫn lĩnh lương đều, vẫn chả ai động đến "lông chân" mình. Trách ai? Nó là thực tế tuyển dụng công chức " chạy đua" bằng cấp, trọng bằng cấp, trọng quen thân, chứ không trọng người làm việc. Đó là tình trạng cài cắm cháu con, là gửi gắm nhau, bỏ qua tiêu chí tuyển dụng công chức giờ gánh hậu quả.Đó còn là kỷ cương không nghiêm của các cơ quan công quyền. Đó còn là người đứng đầu buông lỏng trong việc "quản quân" Đi về đâu, hất đi đâu gần một triệu công chức còn đang à ơi trong các công sở kia? Càng thấy thương cho cả triệu các cô gái, chàng trai cầm bằng cử nhân đang xếp hàng dài mà đâu có xin được việc !
Ky Mai, QN
Cái cơ bản là Nhà nước (cụ thể là người đứng đầu cơ quan) không bố trí được việc làm cho công chức, nên họ mới lơ đễnh như vây. Thử xây dựng vị trí, chức danh công chức, mô tả công việc cụ thể, hàng tháng có đánh giá xếp loại, thì sao hỏng được. Việc làm đã không có cho công chức, trong khi đó cứ bảo vệ chỉ tiêu trên trời để được tuyển và cấp kinh phí thường xuyên, cuối năm may chi dư ra ít đồng rồi gọi là "thu nhập tăng thêm". Cứ như vậy thì đất nước sẽ nghèo. Hãy rà soát và cắt giảm chỉ tiêu biên chế, không tuyển vào tràn lan. Loại ngay những công chức không đủ chuẩn, đạo đức kém; tạo điều kiện để công chức có động lực làm việc. Hãy cho tôi làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ trưởng phải thông qua Quốc hội sợ không được) tôi sẽ dẹp được Quốc nạn này trong vòng vài năm.

No comments:

Post a Comment