Thượng nguồn sông Đồng Nai , đoạn dự tính xây thủy điện. Ảnh: NLĐ.
Vẫn chưa phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Thủy điện Đồng Nai 6, 6A!
Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê
Kế Sơn đưa ra tại cuộc họp báo quý I/2013 do Bộ TNMT tổ chức sáng qua
(12.4).
- Hiện Bộ TNMT đã nhận được báo cáo ĐTM của hai công trình thủy điện này. Hội đồng đã họp và xem xét ĐTM này vẫn còn thiếu quá nhiều thông tin, nên chúng tôi chưa phê duyệt ĐTM của thủy điện 6 và 6A. Báo cáo cần phải đánh giá lại tác hại của dự án này với VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ nam Cát Tiên, các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của dự án nếu thực hiện với vùng này.
Báo cáo ĐTM này cũng cần phải làm rõ việc diện tích trồng rừng lại bao nhiêu, ở đâu. Những đề nghị của HĐND Đồng Nai về việc cân nhắc xem xét việc xây dựng thủy điện này là hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, chúng tôi có làm văn bản báo cáo với QH những chi tiết liên quan đến thủy điện 6 và 6A, trong đó có những thông tin trên.
Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, song tại sao báo cáo ĐTM của hai công trình này vẫn phải làm đi làm lại, thưa ông?
- Đối với các báo cáo ĐTM công trình thủy điện nói chung, phê duyệt ĐTM có hai cấp: Cấp Bộ TNMT phê duyệt các dự án lớn, cấp vừa và nhỏ - do các địa phương phê duyệt. Vì thế ở đây phải xét đến khía cạnh các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương.
Theo quy trình, với mỗi báo cáo ĐTM, Bộ TNMT đều có văn bản hướng dẫn phê duyệt ĐTM về thủy điện. Ngay trong phê duyệt ĐTM, vẫn có nhiều yêu cầu cơ bản và yêu cầu riêng có tính đặc thù. Tuy nhiên, phải thực hiện đầy đủ các điều kiện, như: Đảm bảo thu dọn lòng hồ tốt để đảm bảo việc xây hồ ở thượng nguồn, đảm bảo dòng chảy tối thiểu để không ảnh hưởng đến hạ lưu, trồng rừng bù vào diện tích đã xây dựng, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng thủy điện và đảm bảo các cam kết cho người dân tái định cư.
Báo cáo ĐTM cũng đề cập rõ đến việc điều tiết, song thực tế là việc điều tiết thường gây bất cập cho vùng hạ lưu, theo ông vì sao?
- Việc điều tiết dòng chảy được tính toán theo thiết kế, và được xem xét rất kỹ trong ĐTM. Vấn đề là ở chỗ các chủ dự án có thực hiện nghiêm túc hay không! Các chủ dự án không phải ai cũng thực hiện nghiêm, điều đó dẫn tới chuyện tích nước mùa hè, xả lũ mùa đông. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc báo cáo ĐTM; thứ hai phụ thuộc vào công tác quản lý thanh tra, kiểm tra.
Ở địa phương, chúng tôi liên tục nhắc nhở và coi đây là điểm nóng trong công tác thanh tra, kiểm tra. Ở T.Ư, trong nhiều năm nay chúng tôi liên tục có các đợt thanh, kiểm tra các dự án thủy điện do Bộ TNMT thẩm định ĐTM. Bộ có nhiều văn bản nhắc nhở gửi cho các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Công Thương. Chúng tôi thường xuyên có báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và chính Phó Thủ tướng đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương và các tỉnh điều chỉnh quy hoạch thủy điện sao cho không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất khu vực hạ lưu, tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://laodong.com.vn/Moi-truong/Van-chua-phe-duyet-danh-gia-tac-dong-moi-truong-cua-Thuy-dien-Dong-Nai-6-6A/110845.bld
SCT: Tỉnh Đồng nai, VRN, báo chí ...và chúng tôi đã nêu rõ những sai sót nghiêm trọng không thể sửa trong 2 BC ĐTM thủy điện ĐN 6 và 6A.
Về pháp lý, hai DA này đã cố tình lách NQ Quốc hội và vi phạm rất nhiều Luật, Công ước Quốc tế. Vậy Bộ TN& MT cứ cho sửa đến lần thứ "n" chắc ngon lành sẽ được thông qua và Phê duyệt cho triển khai hay sao? Nếu minh bạch thì Bộ TN& MT hãy công khai các Báo cáo ĐTM này sau khi sửa xong lần chót cho cộng đồng bị ảnh hưởng từ Dự án được biết theo quy định của Pháp luật.
No comments:
Post a Comment