06/04/2013 02:00 GMT+7
Đất... đen, sổ đỏ và 'lỗi cậu đánh máy'
Một tuần thôi, mà biết bao chuyện dồn nén. Có nỗi bi phẫn, có niềm bi thương, có chuyện bi hài... Bỗng ước mong, tuần này chỉ là tuần Cá tháng Tư?Đất vỡ hoangvà cuốn sổ đỏ
Liên quan đến đất...đen, những ngày này, xã hội không khỏi sững sờ trước cái tin ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng mang 11 sổ đỏ Di sản Thế giới- Vườn Quốc gia (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), với diện tích 122. 864 hecta, đi cầm cố cho Công ty TNHH phát triển Lâm nghiệp Việt Nam có chi nhánh tại Quảng Bình. Mục đích để "chạy" dự án bảo vệ rừng, với giá 25 triệu đồng/ hecta.
Tấc đất - tấc vàng không chỉ thử thách sự một nắng hai sương, sự tỉnh táo hay cùng quẫn của con người. Mà còn thử thách cả máu liều, bất chấp pháp luật của con người, thậm chí là danh dự quốc gia.
Mặc dù, theo luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội), và thẩm phán Ngô Tự Học (TAND t/p HN), về bản chất, sổ đỏ mang tên cá nhân hay pháp nhân đều có thể sử dụng cầm cố hay thế chấp.
Có điều, trong trường hợp này, hành vi của ông Giám đốc Vườn QG Phong Nha - Kẻ Bàng, là liều lĩnh. Bởi cách đây hai năm, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quy định, nghiêm cấm các tổ chức cơ quan, doanh nghiệp có đất rừng đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đi "cầm cố" cho các tổ chức, cá nhân để xin dự án.
Liều lĩnh, bởi ông không hề có sự bàn bạc với tập thể ban lãnh đạo Vườn QG theo quy định pháp luật, mà lại âm thầm...đi đêm.
Liều lĩnh, bởi ông "cầm cố" sổ đỏ Vườn QG cho một người không hề có tư cách pháp nhân. Đó là bà Trần Thị Trường, đại diện chi nhánh Công ty TNHH phát triển lâm nghiệp VN. Cho đến nay, Vườn QG cũng chưa nhận được bất cứ đồng tiền nào từ phía đối tác.
Chưa kể, về nguyên tắc, "sổ đỏ" Vườn QG không phải do ông Lưu Minh Thành quản lý và cất giữ.
Chưa kể, theo thông tin của VietNamNet, giấy giao nhận "sổ đỏ" rất sơ sài, không có ghi chức vụ, lẫn dấu của cơ quan hai phía.
Thông thường trong đời sống, việc cầm cố sổ đỏ của một gia đình đã là một việc rất phải suy nghĩ, cân nhắc lắm. Vậy mà sổ đỏ Di sản Thế giới - Vườn QG, ở đây được mang đi "cầm cố" nhẹ nhàng như...bóng đêm. Hay vì đó cũng là kiểu cha chung, không ai khóc? Còn gì nữa của quốc gia, để con người ta có thể... cầm cố nữa đây?
Vườn QG Phong Nha- Kẻ Bàng
|
Ví như, bà là người "có mối quan hệ" nên chỉ môi giới, chứ không phải là người của công ty hay tổ chức nào hết.
Ví như, nếu vốn về, bên hưởng lợi (Vườn QG) chỉ nhận được 20 triệu, còn 5 triệu chia cho những người chạy dự án. Nhân với con số diện tích của Vườn QG, số hưởng lợi của cá nhân những người chạy dự án là hơn 600 triệu đồng. Nhưng đâu phải chỉ có Vườn QG Phong Nha - Kẻ Bàng, mà còn Bù Đăng (Bình Dương), Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)...
Ví như, còn rất nhiều những thông tin quan trọng khác, mà theo bà, nhạy cảm nên không thể nói nhiều! Hoặc, toàn hồ sơ của lãnh đạo các tỉnh nhờ chạy. Thậm chí, vị thế một cán bộ cao cấp của Nhà nước cũng được bà điểm trong đường dây của mình, dễ như "đếm cua bỏ rọ"?
Đây là sự thật kiểu đàn bà dễ có mấy tay? Hay chỉ là thói "ba hoa", "chém gió" của một người đàn bà có nhiều mánh mung làm ăn? Nhưng nó cũng cho thấy, có quá nhiều những con đường dịu dàng...hơi đồng (mượn ý bài thơ của Trần Anh), đang chạy như mắc cửi.
Người dân còn nhớ chuyện "công chức 100 triệu" của Hà Nội cách đây không lâu. Liệu lần này, chuyện "cầm cố" sổ đỏ Di sản Thế giới- Vườn QG, và những con đường dịu dàng...hơi đồng, có địa chỉ hẳn hoi, có thể tìm ra, hay lại tiếp tục chìm xuồng? Và cũng nhân chuyện này, liệu có nên kiểm kê, bao nhiêu sổ đỏ của các Di sản được khóa kỹ trong tủ hoặc đã đi cửa sau, chịu thân phận "cầm cố" không nhỉ?
11 sổ đỏ Di sản Thế giới- Vườn Quốc gia bị đem đi cầm cố. Ảnh: Dân trí
|
Đất - muôn đời, là niềm yêu và niềm đau của con người.
Hơn nửa thế kỷ trước, nhà văn Nga M. Sôlôkhôp đã làm điên đảo thế giới những người yêu văn chương bằng tác phẩm nổi tiếng Đất vỡ hoang. Ông viết bằng mồ hôi lao động, bằng cảm xúc say mê sáng tạo, và nhiệt thành trước niềm kỳ vọng vào cái mới, "tập thể hóa nền sản xuất nông nghiệp" của nước Nga.
Hơn nửa thế kỷ sau, có một người nông dân ở Tiên Lãng - Hải Phòng, cũng có một "tác phẩm" Đất vỡ hoang được viết bằng mồ hôi lao động, có cả nỗi đau riêng máu thịt và nước mắt của mình, và "viết" bằng niềm hy vọng về thành quả khai khẩn đất đai.
Nhưng văn chương và đời thực luôn có những khác biệt.
Đất vỡ hoang của M. Sôlôkhôp là bước đi tìm tòi, đau khổ, đầy dằn vặt và mâu thuẫn của con người trước cái mới của sản xuất tập thể. Sự thật trong trang sách nhiều lúc tàn nhẫn, trần trụi không che giấu, của con người từ cá thể, sang con người tập thế, với chủ trương "nông trang hóa".
Ngược lại, Đất vỡ hoang của người nông dân vùng Tiên Lãng, cũng là bước đi tìm tòi, đầy dằn vặt của đời sống, lại từ con người tập thể, hợp tác xã sang con người cá thể với quyền được thuê đất, giao đất, quyền sử dụng đất, đầy gian khổ, đau khổ, thậm chí bi kịch đã xảy ra. Từ một người nông dân tần tảo, một nắng hai sương để rồi, Đoàn Văn Vươn sa sẩy thành kẻ... "phạm tội".
Đọc trang đời, thấy thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt. Nước mắt chảy xuôi, nước mắt chảy ngược của những người trong cuộc.
Liệu đó có phải là hai mặt của đời sống- chính kịch và bi kịch đều luôn song hành- trong một thế giới nói chung, một xã hội nói riêng, mà từ thể chế quản lý, nền tư pháp, các chính sách đất đai, đều đang đòi hỏi nhanh chóng có những đổi thay để phát triển, rất đáng suy ngẫm?
Một vụ án, mà cả xã hội, từ chính quyền cơ sở, trong mối quan hệ với dân, kẻ "phạm tội", người xét xử, các nhà làm chính sách, quản lý xã hội đều có thể nghiệm cho mình những bài học đắt giá.
Lỗi "cậu đánh máy" và lỗi "cô tài chính"?
Không phải lúc nào, đời sống cũng chỉ có nỗi buồn đau nhức nhối. Cũng vẫn có Những người thích đùa (*) khiến xã hội biết chuyện, ai cũng phải bật cười.
Như mới đây, tỉnh Kon Tum có một công văn đóng dấu KHẨN hẳn hoi, huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp các quận, huyện và thành phố đi cổ vũ bóng đá Cúp Tôn Hoa Sen. Công văn KHẨN còn chia ra hai nhóm A và B ở hai sân vận động tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum, với ngày giờ cụ thể. Hơn nữa, toàn tỉnh phải đi xem ngay trong giờ làm việc.
Khi công văn có dấu KHẨN to tướng, đỏ chót đưa lên báo, có lẽ cố nhà văn Nguyễn Công Hoan dưới suối vàng cũng phải tủm tỉm, sung sướng. Tác phẩm Tinh thần thể dục của ông, được viết năm 1939, không ngờ gần 75 năm sau còn "ngấm" sâu sắc vào đời sống, được tái tạo, phục sinh với tên gọi mới Tinh thần thể dục ...Kon Tum. Chỉ không biết, nó có cái kết như trong truyện ngắn của nhà văn không, khi mà "Ông lý trưởng nghiến răng: ...- Mẹ bố chúng nó, cho đi xem bóng đá chứ có ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc?"
Huy động khẩn điều người đi xem đá bóng của UBND tỉnh Kon Tum. Ảnh: L.Đ.Dũng/ BLĐ
|
Nó liệu có liên quan gì, đến câu chuyện mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây ít lâu, nhức nhối về năng lực cán bộ công chức các cơ quan không? Khi mà có tới khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ, công chức phải cầm tay, chỉ việc và hơn 30% còn lại là cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm?
Nó liệu có liên quan gì tới câu chuyện mà Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị nêu ra trong một cuộc họp, về sự quan liêu và lề mề giấy tờ đến mức khó tin: Chậm 30 ngày cho một lá thư cảm ơn của ông- Bí thư Thành ủy HN- với nước bạn Lào. Trong đó, Văn phòng UBND chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm tám ngày (?). Với công việc của người lãnh đạo cao cấp nhất TP còn như thế, công việc của người dân chạy có nhanh hơn cụ Rùa Hồ Gươm không?
"Lỗi cậu đánh máy" có thể đang tìm. Còn "lỗi cô tài chính" ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) mới đây không biết có xác định được không?
Đó là chuyện cắt xén tiền thu hút ưu đãi của giáo viên, lập danh sách khống để trình báo lên Sở chủ quản, của phòng Tài chính Cẩm Thủy (Thanh Hóa), do bà Mai Thị Hà làm Trưởng phòng.
Theo đó, danh sách của Trường THCS Cẩm Giang có 18 giáo viên. Trong đó 44,4% người được hưởng hệ số 1,0; 16,7% được hưởng hệ số 0,7 và hệ số 0,5 là 38,9% , thực tế đều là con số ảo. Gần một nửa số giáo viên Trường THCS Cẩm Giang đã được "phù phép" để đạt thâm niên trên 15 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (hệ số 1,0). Nhưng trên thực tế, nhà trường chỉ có một giáo viên đạt hệ số 0,7.
Có điều, đưa ra danh sách của phòng Tài chính huyện, thì giáo viên ngơ ngác. Vì họ chưa đủ tiêu chí thâm niên trong thực tế, và họ cũng không hề được cầm số tiền thâm niên "ma" này. Được biết, năm 2011 và 2012, Sở Tài chính Thanh Hóa đã cấp kinh phí theo Nghị định 116 (quy định về phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm với cán bộ, công chức, viên chức vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn) cho huyện Cẩm Thủy hơn 9.240 tỷ đồng.
30% công chức cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm. Ảnh minh họa
|
Mặc dù được xã hội tôn vinh với nhiều mỹ từ, và dù được Nhà nước ưu ái bằng những chính sách đãi ngộ, trợ cấp..., nhưng phải nói thân phận giáo viên, nhất là ở xã, huyện, vùng khó khăn, còn thua thiệt nhiều lắm. Và tiếng nói của họ ở cơ sở lại càng...nhỏ, nhỏ đến mức có khi không ai nghe thấu.
Sự việc ở phòng Tài chính huyện Cẩm Thủy là cá biệt hay không, thì không ai dám trả lời. Nhưng ngay các trường đại học vào loại danh tiếng mới đây tại HN, cứ kiểm tra là có sai phạm. Đụng trường nào là trường ấy sai. Đến nỗi giận thì càng giận, mà thương thì chẳng đáng thương. Thì chuyện phòng Tài chính nọ, với "lỗi cô tài chính" nọ hẳn không phải thiếu cơ sở?
Một tuần thôi, mà biết bao chuyện dồn nén. Có nỗi bi phẫn, có niềm bi thương, có chuyện bi hài...
Bỗng ước mong, tuần này chỉ là tuần Cá tháng Tư?
Kỳ Duyên
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/115975/dat----den--so-do-va--loi-cau-danh-may-.html
No comments:
Post a Comment