Saturday, April 13, 2013

CĂN BỆNH ĐÃ DI CĂN

Thứ Năm, 11/04/2013 - 09:16

Câu kết giữa quan chức và doanh nghiệp: Một thực tế “bệnh hoạn”!

(Dân trí) - “Những khảo sát về tình trạng câu kết giữa quan chức và doanh nghiệp để trục lợi thể hiện thực tế về “bệnh hoạn” của công tác quản lý. Nhưng tôi quan sát và cảm nhận, thực tế còn nghiêm trọng hơn” – nguyên Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng nói.
 >> Cảnh báo nạn “quan bà”

UB Kiểm tra TƯ vừa công bố để lấy ý kiến góp ý hoàn hiện đề án “nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp để trục lợi”. Được biết, việc nhận định về loại hình tham nhũng qua “nhóm thân hữu” đã được UB Kiểm tra TƯ đặt ra trước đây. Ông đánh giá gì về động thái này trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) đang đứng trước nhiều thách thức, áp lực?
Thực ra tôi chưa được tiếp cận tài liệu, nội dung cụ thể nghiên cứu của UB Kiểm tra TƯ. Qua thông tin trên báo chí, tôi biết UB đang tiến hành một đề tài như vậy.
Trong lúc này, mọi việc làm, dù lớn dù nhỏ, của tổ chức, cá nhân góp phần vào việc chống tham nhũng đều đáng trân trọng huống hồ đây lại là một đề tài nghiên cứu của UB Kiểm tra TƯ – cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, để góp phần vào công cuộc PCTN là việc làm rất đáng mừng. Cơ quan có vị trí đặc biệt ấy không thể tê liệt trong bối cảnh này.
UB Kiểm tra đặt vấn đề xem xét nội dung này trong một chuỗi những vấn đề gây ra sự suy thoái trong Đảng hiện nay mà Hội nghị TƯ 4 chỉ ra, là sự minh họa cho nhận định của Hội nghị.
Còn thực sự, tham nhũng trong “nhóm thân hữu” hay nhóm lợi ích, lợi ích nhóm… không phải vấn đề mới mẻ mà đã bộc lộ không ít từ khi công cuộc đổi mới bắt đầu, khi chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường. Vấn đề đúng là rất nghiêm trọng, nếu không được giải quyết, ngăn chặn, loại tham nhũng này sẽ làm yếu rồi tê liệt bộ máy quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lãnh đạo của Đảng.
Nguyên Phó trưởng ban thường trực UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng (Ảnh: Quang Phong).
Nguyên Phó trưởng ban thường trực UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng (Ảnh: Quang Phong).
Nghiên cứu này đưa ra nhận định về xu hướng doanh nghiệp chạy đua đầu tư xây dựng mối quan hệ với các quan chức trong hệ thống chính trị như một lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên thương trường. Mối quan hệ này nhuốm màu “lợi ích”. Cá nhân ông “định lượng”, đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của vấn đề?
Trong bối cảnh bộ máy quản lý các cấp không lành mạnh, doanh nghiệp muốn duy trì, phát triển được không chỉ cần tập trung đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng… để cạnh tranh mà buộc phải nghĩ đến việc làm cách nào để “bôi trơn”, để qua được những “cánh cửa đầy cản trở”. Những doanh nghiệp muốn làm ăn đúng pháp luật quá khổ sở bởi bộ máy ở chỗ này chỗ khác, cấp này cấp khác nhiễu nhương, làm việc không tận tình, không trách nhiệm, không công bằng, công khai bởi những người đứng đầu cấp ngành đó vụ lợi. Đó chính là hành vi tham nhũng.
Vấn đề thực sự rất nghiêm trọng vì đã tồn tại từ lâu, nhiều biến thể phức tạp, nếu không giải quyết sẽ băng hoại, làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế, làm mất lành mạnh đời sống kinh tế xã hội.
Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong năm 2012 có 24,7% cán bộ, công chức được hỏi thừa nhận có hiện tượng quan chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà; 20,3% thừa nhận có chuyện DN mời các quan chức đi du lịch, vui chơi, ăn uống để vụ lợi. 50% DN được hỏi nói rằng nhóm các DN có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn trong hoạch định chính sách; 40% DN cũng thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi trong một cuộc khảo sát khác TTCP phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện năm qua. Ông nhận định gì về kết quả này?
Những khảo sát này, theo tôi là thực tế, thậm chí còn dưới thực tế. Tôi quan sát và cảm nhận, thực tế còn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, đó cũng là một cách để chỉ ra những “bệnh hoạn” trong công tác quản lý.
Việc suy thoái của nhóm cán bộ “ăn dơ” với doanh nghiệp có phải chỉ dừng lại ở việc họ “bị mua chuộc”, “bị cài bẫy”?
Đừng nói ai bẫy ai, ai mua chuộc ai ở đây. Những việc như mua chuộc, đặt bẫy, lợi dụng… đúng là đều có cả nhưng phải hỏi tại sao người ta lại giăng ra những cái bẫy như thế.
Mối quan hệ ở đây có 2 chiều, lợi dụng lẫn nhau. Có những quan chức khi mới bước vào quan trường là người tốt nhưng trước việc quyến rũ bởi tiền bạc, mua chuộc đã dần dần thành hư hỏng. Và cũng có những quan chức lại do chính các doanh nghiệp “chống lưng”, dựng lên, tham gia vào việc giúp chạy chức chạy quyền. Những quan chức ấy đã mang bản chất tham lam, vụ lợi rồi thì lại lợi dụng, dựa vào doanh nghiệp để tiến thân. Loại ấy chỉ làm khổ, hành hạ, sách nhiễu doanh nhiệp để họ buộc phải cung phụng mình chứ không phải là bị mua chuộc hay bẫy đặt gì.
Và dù tình huống nào cũng phải khẳng định, người đáng trách là những người lãnh đạo, đứng đầu tại không ít cơ quan quản lý nhà nước đã tự… “bán” mình.
Nhóm nghiên cứu của UB Kiểm tra TƯ đề xuất giải pháp để “chặn” những biến thể không bình thường của mối quan hệ quan chức – doanh nghiệp bằng lấy phiếu tín nhiệm quan chức, minh bạch công tác tổ chức cán bộ, thi tuyển công chức, tăng cường kiểm tra giám sát… Nhưng trước nay, các biện pháp này không phải không được thực hiện mà tình trạng vẫn không kiểm soát được. Dường như hướng tháo gỡ vẫn đang “tắc”?
Qua những thông tin phản ánh ngắn gọn này, tôi thấy các giải pháp ở đây là những cách thức để phòng chống tham nhũng, đặt trong tổng thể, đều cần thiết cả. Làm được những việc đó cũng tốt nhưng chưa đủ. Tất cả các giải pháp đó đều đã có nhưng chưa được làm mạnh, kiên quyết.
Để việc phòng chống tham nhũng hiệu quả, phải có quyết tâm chính trị cao và đồng bộ và phải tiến hành bằng những mũi tiến công, những giải pháp đột phá. Tôi chưa thấy những điểm đột phá nổi lên ở đây.
Ví dụ vấn đề kê khai tài sản, quy định kê khai tài sản ban đầu và tài sản biến động hàng năm, cấp càng cao phải công khai càng rộng và bất luận ai cũng phải kiểm tra, xác minh việc đó... đã có chủ trương, có Nghị định quy định cụ thể rồi nhưng thử nhìn lại xem hiệu quả được đến đâu.
Việc một cán bộ Sở tự kê khai tài sản tăng thêm hàng chục tỷ đồng/năm vừa qua, tôi đọc được thông tin cấp trên quản lý khi được hỏi đã trả lời báo chí là chưa yêu cầu cán bộ giải trình cụ thể, bên Nội vụ cũng bảo “chưa thấy báo cáo”. Như vậy có phải là quản lý trên mây trên gió? Kê khai tài sản thì sau đó phải có bộ phận kiểm tra xác minh, rồi phải có kết luận chứ.
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của đề xuất tăng nặng hình phạt với quan chức tham nhũng cũng như DN mua chuộc khi phát hiện hay biện pháp kiểm tra đối với quan chức chủ trì các cấp trước khi kết thúc nhiệm kỳ để chống “tư duy nhiệm kỳ” hay “hiệu ứng 59” (tuổi sắp về hưu)?
Chủ trương chống tư duy nhiệm kỳ, hiệu ứng 59 hay cách thức hạ cánh an toàn… nghị quyết của Đảng đều đã nói. Những giải pháp này cần thiết và khả thi nhưng vẫn chưa đủ.
Điểm tôi chưa thấy nói đến nhiều là việc củng cố, xây dựng đội ngũ nắm giữ sứ mệnh kiểm tra, chỉnh đốn Đảng như thế nào. Những người làm công tác kiểm tra, giám sát có đủ tâm, đủ tầm để làm việc này không.
Là  người từng nhiều năm là thành viên của UB Kiểm tra TƯ, ông đã bao giờ đối mặt trực tiếp với những “nhóm thân hữu” như này? Những rào cản lớn nhất trong việc xử lý, bóc gỡ loại hình tham nhũng tinh vi, phức tạp này?
Tôi nhớ sự việc tại một địa phương mấy khóa trước. Sau khi tách tỉnh, có một doanh nghiệp do tỉnh quản lý đã thâu tóm, chi phối nhiều cán bộ dẫn đến một số thành viên trong tỉnh ủy chia rẽ, đối đầu nhau. Sau khi vào cuộc, kiểm tra, chúng tôi phải áp dụng giải pháp buộc những thành viên này “ly hôn”. Nhưng việc vẫn chưa xong, nhiều vấn đề khác lại nảy sinh do ngay cả giám đốc Công an tỉnh cũng bị… mua. Qua nhiều cuộc đấu tranh, ông này sau đó cũng bị cách chức nhưng để đi được đến bước đó cũng mất… 1 nhiệm kỳ.
Không phải là không có áp lực. Thực tế có những cú điện thoại, những thư tay nhờ vả, can thiệp… nhưng phải biết đương đầu. Và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, giữa UB Kiểm tra với cơ quan thanh tra, Ban Nội chính, Ban Kinh tế TƯ…
Như vậy, phải quay lại yêu cầu củng cố UB Kiểm tra TƯ và các cơ quan chức năng liên quan. Những người làm kiểm tra là phải trong sáng, quyết liệt, đeo bám đến cùng, có bản lĩnh để không bị mua chuộc và có “tầm” để xác minh những đúng – sai, lắt léo.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)

No comments:

Post a Comment