Thursday, April 4, 2013

TẠI SAO CÓ " RỪNG LUẬT" VẪN XÀI " LUẬT RỪNG" !!?

“Nhiều quy định không phù hợp sẽ khiến dân nhờn luật”

Thời gian qua một số nghị định, thông tư được ban hành nhưng không có tính khả thi dẫn đến phải hủy bỏ hoặc tạm dừng thi hành. Liên quan đến vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII đã có cuộc trao đổi với PV báo Người đưa tin về những bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Nghị định 52/2012 quy định xử phạt đến 5 triệu đồng hành vi nghe điện thoại ở cây xăng nhưng vừa ban hành đã gặp phải hàng loạt vấn đề khó giải quyết như "bắt quả tang" thế nào, ai có thẩm quyền xử phạt, nhân viên bán xăng có được quyền giữ người vi phạm chờ công an đến xử lý không...
Hay gần đây nhất, khi Nghị định 71 vừa có hiệu lực, dư luận đã phản ứng gay gắt về chuyện phạt xe không "chính chủ".
Những quy định "trên trời"
Nghị định 71 vừa có hiệu lực thi hành thì một số quy định trong đó đã gặp phải phản ứng của dư luận. Quan điểm của GS. như thế nào về việc nhiều chính sách, văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, hoặc ban hành nhưng không được thực hiện?
Đáng tiếc là đây không phải trường hợp đầu tiên, càng không phải trường hợp hiếm gặp. Thời gian qua có khá nhiều VBQPPL của cơ quan Nhà nước không nhận được sự đồng tình của người dân. Có những VB QPPL còn ở dạng dự kiến, dự thảo đã gặp phải phản ứng mạnh của xã hội nên không ban hành được, như chủ trương thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thu phí lưu thông xe trong nội đô của ngành Giao thông vận tải, quy định "thấp bé nhẹ cân không được lái xe" của ngành Y tế...
Có những VBQPPL đã ban hành hoặc đã có hiệu lực pháp luật nhưng do dư luận không đồng tình nên cơ quan ban hành đã phải bãi bỏ hoặc dừng triển khai, như quy định "thịt tươi sống bảo quản trong nhiệt độ bình thường chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ" của ngành Nông nghiệp.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII.
Bên cạnh đó, có những quy định tuy không được lòng dân nhưng cơ quan ban hành vẫn chưa chịu thay đổi. Ví dụ, việc độc quyền kinh doanh vàng miếng dưới thương hiệu SJC vừa làm khó các doanh nghiệp "ngoài SJC", vừa làm khổ người dân mà giá vàng Việt Nam so với thế giới đã chênh đến 3 triệu đồng/lượng, khác hẳn mục đích được tuyên bố ban đầu.
Theo GS., nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng trên?
Tình trạng VBQPPL thiếu tính khả thi hoặc không được người dân đồng tình cho thấy có thể việc ban hành văn bản đã không tuân thủ đúng quy trình được pháp luật quy định.
Tôi chỉ lấy một ví dụ: Sau khi dư luận phản ứng về quy định phạt xe mua bán không chuyển quyền sở hữu trong Nghị định 71, chính ông Cục trưởng cục Kiểm tra VBQPPL bộ Tư pháp cũng cho rằng, quy định này không hợp lý. Như vậy, có thể hiểu là trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Nghị định 71 không được bộ Tư pháp - cơ quan chịu trách nhiệm về VBQPPL của Chính phủ - thẩm tra?
Có một thực tế nổi lên sau khi Nghị định 71 có hiệu lực là câu chuyện phạt ai, phạt thế nào và phạt lúc nào. Khi ra hiệu lệnh dừng xe, cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ và nhận thấy giấy đăng ký không đúng tên với người vừa điểu khiển chiếc xe. Câu chuyện này lại nảy sinh hai câu chuyện khác.
Thứ nhất là cảnh sát giao thông sẽ chứng minh xe chính chủ hay không chính chủ thế nào để tiến hành xử phạt? Thứ hai là theo quy định, việc xử phạt áp dụng với chủ phương tiện chứ không phải người sử dụng phương tiện (trong trường hợp thuê, mượn).
Đáng nói là trước đó, khi còn dự thảo, nhiều người trong cuộc đã lên tiếng cảnh báo về tính khả thi của các quy định này nhưng không thấy các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Đến khi văn bản gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì những người có trách nhiệm lại bảo: "Đã biết và đang lấy ý kiến để sửa đổi", hoặc phải đề xuất Chính phủ cho dừng, lùi... hoặc phải hướng dẫn thực hiện. Tất nhiên, quy định không áp dụng được thì phải sửa, nhưng thiệt hại thì không sao tính toán hết được.

Việc kiểm tra, xử phạt xe không chính chủ theo NĐ 71 đã bị dư luận phản ánh mạnh mẽ.
Luật một đằng, làm một nẻo!
Nhiều ý kiến cho rằng, sự đóng góp ý kiến của người dân cho dự thảo VBQPPL là một công đoạn quan trọng để đảm bảo tính khả thi sau khi văn bản được ban hành. GS. nhận định vấn đề này như thế nào?
Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì lấy ý kiến nhân dân là điều bắt buộc phải làm. Nhưng quy định này chưa phải lúc nào cũng được thực hiện nghiêm túc.
Về phía cơ quan soạn thảo hoặc ban hành VBQPPL, nhiều khi việc lấy ý kiến nhân dân còn mang tính hình thức. VBQPPL thường dài, nhiều thuật ngữ pháp lý người dân không hiểu, vả lại, không phải lúc nào người dân cũng nắm được những điểm chính yếu của văn bản đó là gì, các quy định đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào.
Thậm chí, có đại biểu Quốc hội, lúc biểu quyết thông qua Luật Giao thông đường bộ cũng không nghĩ rằng người sử dụng phương tiện giao thông sẽ phải đóng phí xây dựng Quỹ giao thông đường bộ. Bởi vậy, nếu cơ quan Nhà nước chỉ công bố dự thảo mà không thuyết trình rõ những điều cần quan tâm thì người dân sẽ rất khó đóng góp được những ý kiến xác đáng. Việc thống kê, xử lý ý kiến đóng góp của người dân cũng không được công khai, do đó, khó có thể biết số đông người dân có ý kiến thế nào và vì sao ý kiến của họ được hay không được tiếp thu.
Về phía người dân, phải nói thật là phần đông chưa quan tâm đóng góp cho các dự thảo VBQPPL. Một phần vì nhiều người chưa đoạn tuyệt được thói quen sống theo cảm tính, cứ ang áng "thấy phải thì làm", không mấy quan tâm đến quy định pháp luật.
Thói quen ấy càng phát triển khi pháp luật ít được thực thi nghiêm chỉnh, thậm chí thường né tránh người có chức có quyền hay có tiền, khiến cho tập quán "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật" khó hình thành. Nếu tình trạng trên không được khắc phục thì các dự thảo VBQPPL có công bố trên mạng cũng không mấy ai đọc, mấy ai góp ý, mặc dù internet ở nước ta rất phát triển và tỷ lệ người sử dụng internet vào loại rất cao.

Qua kiểm tra trong 6 tháng đầu năm của bộ Tư pháp, 564 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo GS., việc ban hành những VBQPPL không phù hợp với thực tế, không được sự đồng tình của người dân liệu có gây tiền lệ xấu khiến người dân "nhờn luật"?
Tác hại rõ nhất là không giải quyết được những vấn đề thực tiễn mà các VBQPPL ấy có nhiệm vụ giải quyết. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng khi ban hành các VBQPPL phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đừng đặt lợi ích quản lý của mình lên trên tất cả lợi ích khác.
Hơn nữa, khi ban hành các VBQPPL phải nhìn ra một điều là khi cuộc sống có yêu cầu thì mới làm luật. Còn nếu chưa có yêu cầu thì đừng làm luật vội, bởi làm ra mà không thực thi được thì sẽ dẫn đến nhờn luật... Mất cái uy nghiêm của pháp luật, gây khó khăn cho người dân.
Bên cạnh đó, việc ban hành những VBQPPL thiếu tính khả thi, không được người dân đồng tình và không thi hành được, dần dần sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền và sẽ dẫn đến tình trạng "nhờn luật".
"Quy định xử phạt người nghe điện thoại ở cây xăng ban hành từ năm 2005 đến giờ chắc cũng chưa được áp dụng để xử lý trường hợp nào, quy định xử phạt người đi bộ băng qua đường không đúng phần đường quy định cũng chỉ mới áp dụng cho 1 trường hợp gây tai nạn...", GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng.
Đừng ban hành văn bản pháp luật kiểu "ngẫu hứng"
Vấn đề đặt ra cho các nhà xây dựng chính sách là khi đưa ra những quy định không ăn nhập với thực tế. Nhiều quy định, do chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, thiếu tính thực tế nhưng đã vội vã ban hành. Có nói quá không khi cho rằng, những người làm luật hiện nay đang làm theo kiểu "ngẫu hứng", thưa GS.?
Trước hết, các cơ quan xây dựng, thẩm định và ban hành VBQPPL cần quan tâm đến một điều rất đơn giản nhưng cũng rất dễ quên: Chính quyền nhân dân không phải là chính quyền cai trị dân mà là chính quyền phục vụ nhân dân; mọi VBQPPL đều phải có lợi cho dân; những quy định bất lợi cho dân thì quyết không ban hành. Không bao giờ ban hành VBQPPL chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý. Càng không bao giờ ban hành những quy định phục vụ cho lợi ích cục bộ.
Thứ hai, các cơ quan xây dựng, thẩm định và ban hành VBQPPL phải thực hiện nghiêm túc việc phân tích chính sách trước khi ban hành. Phải hết sức tránh việc đề ra quyết sách trong một đêm như trường hợp đổi quy định "cấm quảng cáo sữa và sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 12 tháng" thành "cấm quảng cáo sữa và sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng" mà không đánh giá xem việc nới gấp đôi thời gian quy định cũ sẽ tác động thế nào đối với bà mẹ, trẻ em và doanh nghiệp.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, sản phụ chỉ được nghỉ 6 tháng thai sản; vậy sau 6 tháng ấy, làm sao trẻ có thể bú mẹ 100% thời gian, và nếu mẹ muốn mua sản phẩm thay thế sữa mẹ cho con thì tìm thông tin ở đâu? Như vậy, quy định ngẫu hứng này còn vi phạm yêu cầu về tính đồng bộ của các VBQPPL.

Quy định xử phạt người gọi điện thoại ở cây xăng được cho là thiếu thực tế, khó khả thi.
Hiện có nhiều VBQPPL ở ta tréo ngoe với nhau lắm. Ví dụ, việc thu "phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân" trái ngược với quy định về "phí" trong pháp lệnh về phí và lệ phí. Giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp sẽ mâu thuẫn với nghị quyết của Quốc hội về việc kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp.
Ngoài tính đồng bộ, VBQPPL còn phải đáp ứng những yêu cầu nào nữa, thưa GS.?
VBQPPL còn phải có tính khả thi. Đánh giá tính khả thi nghĩa là xem các VB QPPL đã cụ thể chưa, liệu có đủ nhân lực, tài lực và thời gian vật chất để thực hiện các quy định ấy không, năng lực, phẩm chất và sự sẵn sàng của nhân lực thế nào. Về tính khả thi, chúng ta đã nói nhiều.
Tôi lấy thêm một ví dụ: Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua quy định rất chặt về điều kiện được cư trú ở nội thành Hà Nội. Nhưng quy định ấy chỉ ảnh hưởng đến những người muốn có hộ khẩu Thủ đô. Nó không thể ngăn được người ta về làm ăn, sinh sống ở Thủ đô, do đó không hề giảm được dân số ở đây.
Trân trọng cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!
"Trình cho có là rất nguy hại"!
GS Thuyết chia sẻ thêm: "Cũng phải nói đến cơ quan pháp luật soạn thảo quá sơ sài, trình lên các cơ quan chức năng cho có thủ tục. Gần đây nhất vụ việc đập thủy điện Sông Tranh, nội dung quan trọng nhất của dự án là báo cáo đánh giá tác động môi trường thì tại sao chép nguyên của một công trình thủy điện khác để trình duyệt. Như vậy sẽ là quá nguy hại".
Cao Tuân
Nguồn:  http://www.nguoiduatin.vn/nhieu-quy-dinh-khong-phu-hop-se-khien-dan-nhon-luat-a61351.html

No comments:

Post a Comment