02/03/2013
Viết tiếp về dự án Bauxite Tây Nguyên
Lê Trung Thành
Bài 3: VINACOMIN SAO CỨ
“LOANH QUANH” CHO ĐỜI MỎI MỆT???
Dự án bauxite Tây Nguyên từ lúc ra đời đến nay được khoảng 5 năm nhưng đã xác lập được nhiều “kỷ lục nhất” Việt Nam!
Nào
là dự án gây nhiều tranh cãi kéo dài nhất trong dư luận xã hội, dự án
có số bài báo kiến nghị hội thảo… đề nghị “dừng” nhiều nhất, dự án được
Nhà nước ưu ái nhất, nên phải tìm đường đi, nên phải “ứng” tiền làm
đường, sửa cầu – đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong ngành giao thông
vận tải, chưa có dự án kinh tế nào được chăm bẵm đến thế… Nhưng, dự án
bauxite “thí điểm” Tân Rai và Nhân Cơ lại chiếm kỷ lục về hiệu quả kinh
tế “mù mờ” nhất, dự án lệ thuộc vào “toàn cầu hóa” nhiều nhất và xa vời
nhất nên ông chủ đầu tư… loanh quanh nhất!
Mọi
người đã biết rõ chuyện Vinacomin được vay tiền sửa chữa 18 km đường
725 từ cửa nhà máy Tân Rai ra ngã ba Lộc Sơn tiếp giáp quốc lộ 20 và hơn
30 km đường tỉnh 769 của Đồng Nai từ Dầu Giây về Long Thành. Số tiền
gần 500 tỷ đồng này, Vinacomin phải chuyển cho Sở GTVT Lâm Đồng và Đồng
Nai, tiền có sớm thì tiến độ thi công mới nhanh để có đường cho xe chạy.
Riêng với tổ hợp bauxite Nhân Cơ, hướng đi đã có nhưng đường chưa “động
đậy”. Trước kia, người ta định “dùng tạm” 13 km đường QL14 từ Nhân Cơ
lên thị xã Gia Nghĩa rồi rẽ phải vào quốc lộ 28 tới thị trấn Quảng Khê
huyện DakGlong rồi từ đó, theo QL 28 vào đường công vụ của Nhà máy thủy
điện Đồng Nai 4 về Lộc Bắc - huyện Bảo Lâm ra QL20. Tuy nhiên UBND tỉnh
ĐăkNông không chấp nhận phương án cho xe của Nhân Cơ băng qua thị xã nên
đề nghị Bộ GTVT và Vinacomin làm đường mới từ Nhân Cơ tới Đạo Nghĩa đi
Quảng Khê, dài hơn 40 km với kinh phí dự tính 600 tỷ đồng. Đường được
thiết kế cho xe 40 tấn vận hành, mặt rộng 7,5 m. Dự án được phê duyệt từ
tháng 10/2010 nhưng chưa có tiền nên vẫn “án binh bất động”.
Tại
khu vực Tân Rai, con đường 725 đang sửa chữa nguyên là đường “dân sinh”
thuần túy, nối các xã vùng sâu, xa của huyện Bảo Lâm với thành phố Bảo
Lộc. Nếu lượng xe của nhà máy Tân Rai tăng nhanh sẽ gây nhiều hậu quả
khôn lường, vì vậy, UBND tỉnh và Sở GTVT Lâm Đồng đề nghị mở đường mới
phía Tây Bảo Lộc, xe của nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ sẽ đi vào đó ra gặp
QL20. Đoạn đường mới dài 30 km có mặt rộng 9 m, xây thêm 6 cây cầu ngắn
với dự toán 1000 tỷ đồng. Ông Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho thực hiện
cũng từ năm 2010, nhưng… (lại nhưng), Vinacomin không có vốn, con đường
phía Tây rất quan trọng này chưa biết khi nào sẽ khởi công. Cách đây ít
tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp vốn giúp
Vinacomin sớm làm hai con đường trên, có đông đủ các bộ, các ngành và
ĐăkNông, Lâm Đồng tham dự. Theo đó, Vinacomin sẽ “đóng góp 30%” vốn, còn
lại là vốn ngân sách và có sự hỗ trợ của địa phương. Phương án đang đợi
ý kiến của Chính phủ.
Đường tỉnh 769 hư hỏng nặng
Khu quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai sửa chữa đường tỉnh 769
Thế
là sắp tới, khoảng 80 triệu USD nữa phải tung ra để mở đường cho Nhân
Cơ và Tân Rai “chạy” trong bối cảnh người ta đã biết dự án không mang
lại hiệu quả kinh tế như mong muốn hay gọi cho đúng tên là “càng làm,
càng lỗ lớn”!
Lộ trình “cấp cứu” cho Tân Rai và
Nhân Cơ đã được lựa chọn là từ QL20 xuôi về Dầu Giây rồi vào đường 769
ra QL51 chạy về cảng Gò Dầu B. Nơi ấy, Công ty cổ phần cảng Đồng Nai
hiện có hai cầu tàu thường xuyên bốc xếp cho loại tàu biển trọng tải đến
15.000 DWT (viết tắt của cụm từ tiếng Anh deadweight tonnage, là
đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu thủy tính bằng tấn). Từ
tháng 4/2011, đã bắt đầu thử nghiệm bốc xếp than cho nhà máy Tân Rai. Từ
đầu năm 2013, khối lượng bắt đầu tăng, riêng tháng 1 đã bốc xếp 36.000
tấn. Để bảo đảm cho lượng hàng thông qua cảng tăng thêm 30- 40% so với
các năm trước, Công ty CP Cảng Đồng Nai đã lập phương án xây dựng cầu
tàu bốc xếp loại tàu trọng tải 30.000 DWT và đề nghị Cục Hàng hải Việt
Nam phối hợp tổ chức phương án nạo vét luồng Thị Vải - Phú Mỹ cho tàu
30.000 DWT ra vào an toàn. Ước toán các công trình này chi phí khoảng 25
- 30 triệu USD nhưng sẽ đáp ứng nhu cầu bốc xếp 3 triệu tấn nguyên vật
liệu và alumin của hai tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ.
Việc
chuẩn bị tích cực và chủ động của Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai phù hợp
với lợi ích của Vinacomin sau khi chính thức từ bỏ dự án xây dựng cảng
Kê Gà ở Bình Thuận, tiết kiệm cho Vinacomin một lượng vốn khá lớn giữa
lúc họ đang gặp quá nhiều khó khăn và nhiều rủi ro trong quá trình vận
hành, khai thác dự án bauxite Tây Nguyên.
Vậy
mà, Vinacomin vẫn “tơ tưởng” đến phương án cảng Vĩnh Tân mãi tận huyện
Tuy Phong phía bắc Bình Thuận, với đoạn đường chạy trên QL1 dài 90 km
nữa so với lộ trình lý thuyết từ Tân Rai về cảng Kê Gà.
Vì sao đến bây giờ, Vinacomin mới quan tâm đến địa danh Vĩnh Tân?
Theo
Tổng sơ đồ VI thuộc Quy hoạch phát triển điện năng Việt Nam (2006-2015)
có xét đến năm 2025, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân thuộc xã Vĩnh Tân,
huyện Tuy Phong sẽ xây dựng 3 nhà máy điện chạy than, có tổng công suất
4400 MW, mỗi năm sản xuất 28,6 tỷ KWh. Ngày 6/3/2012, Bộ Công thương vừa
bổ sung thêm nhà máy điện Vĩnh Tân 4.
Ngày
8/8/2010, Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư
có công suất 1.244 MW, được khởi công xây dựng. Tập đoàn điện khí Thượng
Hải (SEC) làm Tổng thầu EPC. Nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD (23.477 tỷ
đồng) bao gồm 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi của Ngân hàng xuất nhập
khẩu Trung Quốc và vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc, còn lại 15% là vốn
đối ứng của Việt Nam.
Mỗi năm, nhà máy tiêu thụ 3 triệu tấn than antraxit Quảng Ninh.
Một
cảng nhập than được xây dựng trên diện tích 196 ha, vốn đầu tư giai
đoạn 1 là 4.087 tỷ tương đương 228 triệu USD để xây dựng hai đê chắn
sóng và cầu tàu có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT, cùng với 1
cảng dùng chung cho toàn trung tâm tiếp nhận tàu chở dầu 3.000 DWT. Hiện
nay, hai đê chắn sóng đã được đổ lõi và theo kế hoạch sẽ hoành thành
trong năm 2014 để phục vụ cho nhà máy điện Vĩnh Tân 2 phát điện cuối năm
nay.
Mặc dù chỉ là cảng chuyên dùng các nhà đầu
tư đều có hướng cải tạo để biến một phần thành cảng tổng hợp và ý đồ
vận chuyển alumin từ Nhân Cơ, Tân Rai ra Vĩnh Tân được nhắc tới khi
ngừng triển khai dự án xây dựng cảng Kê Gà.
Dùng
chung cảng Vĩnh Tân bốc xếp theo nhu cầu của hai tổ hợp bauxite ở
ĐăkNông và Lâm Đồng là hợp lý nếu đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn phương án
đã chọn là đưa về cảng Gò Dầu. Tuy nhiên, Vinacomin cần phải tính đến
chuyện tuyến đường từ Quốc lộ 20 - Bảo Lộc chạy qua những vùng đồi núi
cao, hiểm trở dễ sạt lở ở tỉnh lộ 714 từ Thôn Ba về La Dạ và từ La Dạ
đến điểm giao với QL28 đến đường tỉnh 711 chạy nối vào QL1 ở km 1678 +
605.
Vinacomin tổ chức lễ khởi công gói thầu san lấp mặt bằng Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân rộng 1.500 ha trị giá 1.436 tỷ đồng
Nếu
quyết tâm thực hiện phương án này, Vinacomin phải dốc túi gần 150 triệu
USD nữa để cải tạo và nâng cấp đoạn đường núi nhỏ hẹp thành đường rộng,
chịu được loại xe 38 – 40 tấn chạy suốt đêm ngày. Trong lúc làm ăn thất
bát, nợ nần chất chồng, liệu Vinacomin có kham nổi các khoản đầu tư lớn
và dồn dập như vậy? Mặt khác, nếu cộng chi phí xây dựng đường vào giá
thành thì mỗi tấn alumin cộng thêm vài chục đô la nữa. Mà không tính vào
chi phí sản xuất, Tập đoàn mẹ lấy tiền ở đâu để bù vào?
Trước
những bức xúc của dư luận xã hội thể hiện bằng một loạt các bài báo
đăng liên tục mấy tuần nay, Vinacomin đã có lời giải trình nhưng sức
thuyết phục thật yếu ớt.
Vừa đổ lỗi cho cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới làm giá alumin xuống thấp làm giảm hiệu quả
kinh tế của dự án bauxite Tây Nguyên, Vinacomin cố vớt vát đến “hiệu
quả kinh tế xã hội lan tỏa cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc
phòng của Dự án đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên”. Thật là
khó hiểu khi đọc những câu chữ này bởi nó sẽ “lan tỏa” cái gì ra xã hội
ngoài khói, bụi, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và sẽ có những
tai nạn giao thông và sự xuống cấp hệ thống cầu đường do việc khai thác
bauxite và chế biến, vận chuyển hàng triệu tấn trên suốt chặng đường
hai, ba trăm cây số?
Vinacomin cũng tự hào “sẽ thu hút khoảng 1500 lao động địa phương” và “có
đóng góp cho ngân sách trung ương và địa phương, tạo điều kiện phát
triển công nghiệp hỗ trợ như hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội cho địa
phương và khu vực”.
Về số lượng 1500 lao
động địa phương là con số không chính xác. Tổ hợp bauxite Nhân Cơ hay
Tân Rai dầu có nhu cầu tuyển dụng hơn 1000 nhân viên kỹ thuật phần lớn
phải tốt nghiệp đại học và cao đẳng, thấp nhất phải đạt trình độ trung
cấp. Số nhân viên này ở xung quanh vùng dự án không có mấy. Trên thực
tế, tại Bảo Lộc, Bảo Lâm kề cận dự án Tân Rai nhưng số người địa phương
đã và đang làm việc rất ít, phần lớn phải tuyển dụng từ nơi khác tới.
Và phần “hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội cho địa phương”
thì mờ mịt quá! Dân cư sinh sống ở các xã Lộc Ngãi, Lộc Thắng, Lộc Sơn…
chịu cảnh ồn ào, bụi bậm của những đoàn xe ra vào công trường mấy năm
nay, nhà cửa lúc nào cũng đóng kín, phố xá đìu hiu khắc hẳn những lời
hứa hẹn lúc dự án bắt đầu triển khai… Hy vọng về tương lai sán lạn mà
Vinacomin sẽ mang lại cho họ đã tan từ lâu rồi…
Mấy
hôm nay, Vinacomin đưa tin Chính phủ sẽ có cơ chế đặc thù để tạo thuận
lợi cho dự án bauxite Tân Rai “có hiệu quả”. Cơ chế đó ra sao chắc còn
chờ vài tuần nữa nhưng có thể tạm suy luận là, Chính phủ sẽ giảm thuế
xuất khẩu alumin, sẽ tạm ngưng việc thu nộp ngân sách, tạm không phải
đóng các loại thuế, phí để giá thành một tấn alumin giảm vài chục đô la.
Nếu đúng là như vậy, thì Vinacomin được hưởng lợi nhưng đất nước và
nhân dân ở địa phương phải chịu hy sinh cho sự tồn tại của dự án và chờ
đợi bao giờ cho đến… lúc giá nhôm thế giới tăng lên???
Vinacomin ơi,
Tại
sao “ông” không dũng cảm đánh giá thực chất của dự án để có những giải
pháp căn cơ, bền vững, khắc phục những khó khăn, yếu kém để giải tỏa
thắc mắc, nghi ngại của dư luận xã hội?
Ông cứ “loanh quanh” mãi làm chi, cho cuộc đời thêm mỏi mệt?
L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn:
No comments:
Post a Comment