Friday, March 29, 2013

Vậy là nhanh và tốt lắm rồi !?

Nhiều sở của Hà Nội có “điều tiếng”

XUÂN LONG | 29/03/2013 05:38 (GMT + 7) 
 
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Xuân Long
TT - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn chứng một việc điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm với công việc, đó là chuyện thảo một lá thư cảm ơn nước bạn nhưng hai cơ quan là Văn phòng UBND TP và Sở Ngoại vụ phải làm suốt... 29 ngày mới xong!

Ông Phạm Quang Nghị đã cho biết như trên tại hội nghị giao ban với lãnh đạo các sở ngành, quận huyện sáng 28-3 về công tác cải cách hành chính và mổ xẻ chuyện Hà Nội tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) do thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức.
“Bôi mà cũng không trơn”
Lý giải việc Hà Nội “tụt” 15 bậc về PCI, ông Ngô Văn Quý, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội, thừa nhận năng lực tham mưu, đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vẫn là khâu yếu nhất, trong đó việc tham mưu này thuộc về chức năng của Sở Kế hoạch - đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, thừa nhận từ kết quả lấy phiếu điều tra, vẫn còn nhiều nhận định của doanh nghiệp và các cơ quan bên ngoài về những “điều tiếng” ở Sở Quy hoạch - kiến trúc. “Khi có nhận định như thế, lãnh đạo sở đã họp, đã mổ xẻ xem “điều tiếng” đó ở đâu để rút kinh nghiệm, qua đó cũng rõ ra được một vài nguyên nhân” - ông Hải nói.
"Doanh nghiệp họ nói rất châm biếm rằng những nơi khác “bôi thì trơn”, còn ở chúng ta “cũng bôi mà không trơn”"
Bí thư Thành ủy Hà Nội
Phạm Quang Nghị
Theo ông Hải, sau khi Hà Nội được phê duyệt quy hoạch chung thủ đô, việc triển khai các đồ án quy hoạch và quy hoạch phân khu mới được thực hiện, do vậy nhiều hồ sơ, nhiều dự án không triển khai được, phải chờ đợi rà soát khiến các doanh nghiệp kêu nhiều. “Xung quanh chuyện PCI “tụt” 15 bậc, chúng tôi cũng xin nhận lỗi về những phần mình chưa làm hết trách nhiệm để tháo gỡ, nhận lỗi vì vẫn còn một bộ phận trong sở chưa tận tình tháo gỡ, để tới đây sẽ tiếp tục chấn chỉnh” - ông Hải phân trần.
Mổ xẻ việc nhũng nhiễu trong công việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng doanh nghiệp nêu vấn đề chi phí không chính thức chẳng qua là nói giảm, thực chất đấy là chi phí tiêu cực. “Doanh nghiệp họ nói làm dự án ở đâu cũng có chi phí này, chỉ có điều là nhiều hay ít. Nhưng họ cũng nói rất châm biếm rằng những nơi khác khi “bôi thì trơn”, còn ở chúng ta “cũng bôi mà không trơn”” - ông Nghị nói.
Thư cảm ơn, làm tới 29 ngày mới xong
Đề cập về thứ hạng PCI của Hà Nội “tụt” 15 bậc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết kết quả này là sự thật rất đáng buồn. “Giảm tới 15 bậc là mức sụt giảm quá mạnh, trong đó có hai tiêu chí rất thấp, tính năng động sáng tạo đối với lãnh đạo chỉ xếp thứ 61/63, còn khả năng tiếp cận đất đai xếp chót 63/63. Nhiều vấn đề qua việc xếp thứ hạng rất đáng suy ngẫm, tại sao cùng bối cảnh, cùng cách đánh giá nhưng các tỉnh, TP khác không sụt giảm mạnh như mình. Hiện nay Thành ủy đang chỉ đạo làm rõ, cần thiết tới đây phát phiếu lấy ý kiến cả 90.000 doanh nghiệp để rõ các cơ chế cần hỗ trợ” - ông Thảo nói.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Nghị dẫn chứng những câu chuyện rất điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm của một số đơn vị của TP. Ông Nghị kể: “Kỷ niệm Quốc khánh và là năm chẵn về mối quan hệ với nước bạn Lào, thủ đô Vientiane gửi cho tôi một bức thư. Mình cũng phải gửi thư lại cảm ơn, nhưng việc chuẩn bị thư cảm ơn đến tay tôi chỉ kém một ngày nữa là tròn một tháng. Việc tham mưu không chủ động cảm ơn người ta trước đã là lỗi, làm sau mà chỉ mỗi lá thư thôi nhưng cấp Sở Ngoại vụ làm chậm tám ngày, sang Văn phòng UBND TP làm chậm thêm 22 ngày, thế thì còn cảm ơn gì nữa”.
Chưa hết, ông Nghị kể tiếp: “Khi đoàn của Hà Nội tới làm việc ở Bình Dương, ông chủ một công viên có nói khi ông đề nghị xây núi tạo điểm nhấn trong công viên, lúc làm thủ tục cấp phép không ai dám duyệt vì không có bộ tiêu chí nào về xây núi. Tuy nhiên, với ý thức giúp đỡ doanh nghiệp, địa phương đã sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ xây nhà dáng núi để có cơ sở phê duyệt. Phải vào cuộc như vậy, phải chia sẻ với mong muốn của nhà đầu tư thì công việc mới chạy. Còn với cách làm như của chúng ta thì công viên Bình Dương không bao giờ có núi” - ông Nghị trăn trở.
Theo ông Nghị, việc đánh giá, xếp hạng của Phòng Thương mại và công nghiệp VN về chỉ số PCI của Hà Nội là hoàn toàn khách quan. Ông Nghị cho rằng đáng buồn là TP Hà Nội có hẳn một đề án về PCI, trong đó xác định không tăng được nhiều thì cũng tăng 10 bậc, giờ không những không tăng được còn giảm thêm 15 bậc nữa.
“Khi Thành ủy điều tra tại thời điểm tháng 6-2012 cho thấy 93% cán bộ công chức của TP nắm vững quy trình nghiệp vụ, tức là trình độ và nhận thức rất tốt, nhưng kết quả đánh giá về tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết công việc chỉ đạt 52,3%, tức là hiểu việc nhưng không tận tình. Mới đây tiếp tục đánh giá ở năm sở gồm Tài chính, Tài nguyên - môi trường, Kế hoạch - đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch - kiến trúc về tính quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính ở các sở này. Kết quả cho thấy sở có kết quả cao nhất về tính quyết liệt chỉ đạt 28%, còn mức độ hài lòng của cán bộ công chức các phòng chuyên môn ở các quận, huyện và doanh nghiệp đối với thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở các sở này nơi cao nhất chỉ đạt 26,2%. Kết quả này rất phù hợp với đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp VN về PCI của TP” - ông Nghị phân tích.
Ông Nghị khẳng định việc Hà Nội “tụt” 15 bậc về PCI là đáng báo động, nhắc nhở phải nghiêm túc chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. “Riêng về vấn đề PCI hiện Ban cán sự Đảng TP đang chỉ đạo làm rõ, tới đây Thường trực Thành ủy cũng sẽ bàn. Đương nhiên trong điều hành sẽ phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nhưng quan trọng nhất là phải thấm nhuần câu nói: “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh” - ông Nghị nhấn mạnh.

SCT: Chuyện các Công chức Nhà nước, chuyên viên giúp việc lãnh đạo bê bối như vậy đã thành "ung nhọt di căn" không chỉ ở VP UBND và Sở Ngọai vụ của Thủ đô Hà Nội.
 Chỉ một cái thư cảm ơn quá thông thuờng còn như vậy thì hỏi sao sọan thảo những Văn bản quản lý, điều hành... có tính pháp lý chặt chẽ, có khả năng triển khai thực tiễn phù hợp, thuận lòng dân, có uy tín với Quốc tế. Chưa kể các Công chức này còn " ngâm cứu" đưa ra các " sáng kiến" ngớ ngẩn, hành dân...chưa kịp ban hành đã vội hủy vì nặng mùi quá.
Vấn đề làm sao để giải quyết tận gốc đám công chức ăn tàn phá hại đó? 
Hãy thẳng thắn hỏi nhân dân!

No comments:

Post a Comment