Sunday, March 31, 2013

Họ đã nhận ra nhau từ ngày chưa gặp gỡ !

Ngô Thảo nhớ về Trịnh Công Sơn-Văn Cao
03.4.2011-06:00

Trịnh Công Sơn - Văn Cao

NGÔ THẢO

NVTPHCM-  “Cứ nhìn những con người tài năng ấy, mình thấy không có gì phải băn khoăn cho thân phận mình. Có đất nước nào mà những kẻ sĩ chân chính, có khí phách lại không cơ hàn? Nó như thứ trang sức, hơn thế là cái giá, cái vòng nguyệt quế quàng lên đầu lên cổ loại người đó”.

Ngày 04.11.1983
Đêm cuối tháng mười trên sân thượng nhà Nguyễn Thuỵ Kha có cuộc gặp mặt: vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường để chờ Trịnh Công Sơn. Tới muộn có thêm nhạc sĩ Hồng Đăng và Phương Thanh.
Nói tới chuyện thi Quốc ca. Một cuộc thi không có kết quả. Biết bao sự bịa đặt xung quanh một bài Quốc ca. Sáu mươi tuổi, tóc bạc phơ, hom hem hơn cả ông già 80 (kỷ niệm sinh nhật 30.9 vừa rồi), ông Văn Cao nói những chuyện về đời ông. Đối với ông, mấy chục năm qua, là tác giả Quốc ca, ông bị nhốt trong một cái lồng quá chặt. Không thể làm một điều gì sai trái vì mình đã là tác giả Quốc ca. Mặc dầu thế, ông muốn đi qua cuộc đời không để lại gì:Con tàu đi qua để lại bóng. Tôi đi qua để lại… chính tôi. Được vào Chủ tịch Đoàn Đại hội Nhạc sĩ, Đại hội bầu vào Ban chấp hành, đó thật sự là thước đo sự tín nhiệm của giới nhạc sĩ đối với ông. Uống rượu nhiều. Mê say nhiều. Nhưng sống vô vị. Không chút bận lòng về những được mất ở đời.
Cứ nhìn những con người tài năng ấy, mình thấy không có gì phải băn khoăn cho thân phận mình. Có đất nước nào mà những kẻ sĩ chân chính, có khí phách lại không cơ hàn? Nó như thứ trang sức, hơn thế là cái giá, cái vòng nguyệt quế quàng lên đầu lên cổ loại người đó.
Trịnh Công Sơn tới. Sau vài câu chào hỏi xã giao, mọi người yêu cầu Sơn hát. Bắt đầu là một bài hát mới gửi người đi di tản: Em ra đi, nơi này vẫn thế… Một bài hát nhiều lời mà mờ mịt, da diết. Chất Trịnh Công Sơn. Tiếng nấc thật của một thời kỳ bi đát: Chia ly, nghi ngờ, chết chóc, thù hận vì những lý do khó cắt nghĩa rành mạch. Với mỗi người, cuộc đời chỉ còn là quán trọ (Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ/ Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du… Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội/ Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi… Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội…). Đêm đêm nghe tiếng ru đại bác. Đàn bò vào thành phố. Đêm mơ thấy ta là thác đổ. Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về…/ Nửa bóng xuân qua ngập ngừng/ Nghe trời gió lộng mà thương…
Trịnh Công Sơn hát những bài hát cũ. Nghe vẫn lôi cuốn nhưng không còn xúc động như những ngày xưa. Về âm nhạc, Trịnh Công Sơn không có gì đáng nói. Nét riêng rất rõ nhưng nghèo nàn, đơn điệu, phảng phất như dân ca. Nhưng kết hợp với lời ca giàu sắc điệu, bởi một ngôn từ giàu chất thơ, một thời loạn ly bom đạn và chia xa nên chắc chắn sẽ còn được hát mãi.
Người gầy, hom hem không khác ông Văn là mấy, gọng kính trắng làm cho gương mặt buồn ngời sáng. Ôm chiếc guitar rất ít sử dụng, Sơn hát say sưa theo yêu cầu mọi người. Xem ra Phương Thanh, dẫu là diễn viên kịch còn thuộc lời bài hát hơn chính tác giả. Cô diễn viên thông minh và ham vui, hát chen lời những bài hát buồn. Gương mặt đẹp không giấu được nét buồn một người đang cô đơn.

Ngày 19.11.1983
Hội Nhạc sĩ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Nhạc sĩ Văn Cao tại trụ sở Hội tầng hai nhà 51 Trần Hưng Đạo. Người tới dự đông đứng chật cả hành lang. Nhiều mái đầu bạc trong giới ngoài giới, bạn vong niên thuộc nhiều ngành nghề: Nguyễn Xuân Khoát, Võ An Ninh… nhạc sĩ Trọng Bằng nói mấy lời giới thiệu. Cụ Văn Cao phát biểu. Trông ông già mới 60 - từ hôm 30.9- mà như ngoài 80! Nghệ sĩ Kim Ngọc, con hoạ mi thuở nào hát Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ. Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn hát bài chào mừng. Dương Minh Đức hát Trường ca Sông Lô, Ngày mùa.
Nhìn lại một đời nhạc sĩ buồn vì những gì mình làm được quả là ít ỏi. Tuổi tôi, qua chỗ gấp thứ hai, liệu còn làm nên điều gì mới mẻ? Chỉ khi ông già ngồi vào piano đánh mấy giai điệu bài Sông Lô cả bằng cùi chỏ tay mới thấy bão táp đang chứa giữ trong lòng người nghệ sĩ lớn mà cuộc đời đa đoan chìm nổi ấy.
(Trích Chuyện đời - Chuyện văn một thuở )
Nguồn: 

No comments:

Post a Comment