Friday, March 29, 2013

BÍ THƯ THỦ ĐÔ MÀ CÒN BÍ BÁCH VẬY SAO !??

Bí thư Hà Nội bức xúc vì 'phí bôi trơn'

"Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu 

cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn còn Hà Nội 

bôi cũng không trơn", Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị phát 

biểu ngày 28/3. 
 

>Hà Nội rớt 15 bậc về năng lực cạnh tranh

Tại cuộc giao ban của lãnh đạo Hà Nội với các quận huyện về cải cách hành chính, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh thừa nhận, tinh thần trách nhiệm, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực thi công vụ chưa cao, nhất là người trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân. Một bộ phận công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cá biệt có người vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy, tại các sở Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, các chỉ số như tính quyết liệt giải quyết công việc chỉ đạt 28%; mức độ hài lòng đối với đội ngũ công chức tại các sở này đạt 26%.
Bí thư Phạm Quang Nghị. Ảnh: Đ.L.
Ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch quận Long Biên cho rằng việc phối hợp giữa các quận huyện và sở ngành chưa tốt. Như quận này khảo sát giải tỏa gầm cầu vượt song lại vướng văn bản cho phép tồn tại của Sở Giao thông Vận tải. "Nhiều việc không nhất thiết phải đi theo quy trình mà có thể trình bày qua điện thoại để tiết kiệm thời gian, còn nếu đi đủ một vòng thì phải mất tháng rưỡi tới hai tháng", ông Hải nói.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải phân trần, lãnh đạo Sở đã mổ xẻ những vấn đề người dân và doanh nghiệp phản ánh sau khi chỉ số PCI của Hà Nội đạt thấp. Doanh nghiệp kêu công tác quy hoạch chậm, nhưng thực tế là đồ án quy hoạch chung mới làm xong cuối năm 2012 nên nhiều hồ sơ dự án không triển khai được. Doanh nghiệp phải chờ đợi rà soát để khớp nối với quy hoạch.
Ngoài ra, do biến động thị trường nên các doanh nghiệp bất động sản muốn điều chỉnh quy hoạch từ chức năng văn phòng sang nhà ở hoặc cắt nhỏ căn hộ... "Chúng tôi thấy cái nào khả thi mới xem, còn không thì không xem xét. Đây là việc khiến họ không hài lòng. Chia nhỏ căn hộ ra bán cho dễ song lại tăng gấp đôi số dân. Doanh nghiệp chạy đi chỗ này chỗ kia tác động làm khó khăn cho chúng tôi rất nhiều", ông Nguyễn Văn Hải giải thích.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị có các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính hiệu quả, như rà soát đội ngũ công chức, đào tạo lại để đáp ứng nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục rà soát các thủ tục để giảm phiền hà, giải quyết nhanh hơn công việc. Đặc biệt, các sở ngành không được đùn đẩy cho quận huyện nếu công việc thuộc thẩm quyền.
"Nguyên nhân chủ quan vẫn là thủ tục hành chính do chúng ta thực hiện chứ không đổ lỗi cho dân hay ông trời. Có nơi người dân cho rằng không có chính quyền, đây là nguyên nhân dẫn tới chỉ số môi trường kinh doanh giảm rất mạnh năm 2012", ông Nguyễn Thế Thảo nhận định.
Đề cập về chỉ số PCI của Hà Nội giảm từ bậc 36 xuống 51, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, ở đây có 2 mặt của vấn đề là doanh nghiệp bao giờ cũng đặt lợi nhuận trên hết còn nhà nước thì phải quản lý chặt chẽ đất đai. Trong tình hình hiện nay quản lý nhà nước cần tăng cường, nhưng kết quả không làm hài lòng các doanh nghiệp.
Chốt lại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thẳng thắn chỉ ra lực cản nằm ở cơ chế chính sách chồng chéo giữa các ngành, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao, còn né tránh đùn đẩy và mắc chứng quan liêu giấy tờ. Số liệu điều tra của Ban Tuyên giáo Thành ủy về tinh thần trách nhiệm của công chức, tính quyết liệt giải quyết công việc hay mức độ hài lòng của người dân cũng sát với đánh giá của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam.
Ông dẫn ví dụ: "Tôi nhận được thư chúc mừng của lãnh đạo thành phố Viêng Chăn (Lào) về dịp kỷ niệm, sau đó thư trả lời cảm ơn của Sở Ngoại vụ tới nước bạn trình lên tôi thiếu một ngày nữa là tròn một tháng. Tôi rất khó chịu về việc này. Hỏi ra thì là Văn phòng UBND chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày".
Theo Bí thư Thành ủy, năm trước Hà Nội đề ra mục tiêu tăng chỉ số PCI là 10 bậc song thực tế không giữ được mà lại tụt 15 bậc. Trong đó, doanh nghiệp đánh giá thấp về các chi phí không chính thức, tính minh bạch thông tin, năng lực của lãnh đạo thành phố... "Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn còn Hà Nội bôi cũng không trơn", ông Nghị phát biểu.
Bí thư Hà Nội cho rằng, chỉ số PCI đạt thấp là lời báo động để Hà Nội chấn chỉnh kỷ cương hành chính, tập trung nhiều hơn vào giám sát, phân cấp quản lý; tiếp tục sửa đổi các thủ tục nhằm tinh gọn, giải quyết công việc nhanh chóng. "Tôi rất chia sẻ với đội ngũ công chức vì khối lượng công việc quá tải, không thể hài lòng hết mọi người, việc này làm tốt thì việc kia phải gác lại. Nhân viên bộ phận một cửa chỉ nhận lương 3 triệu một tháng mà phải cười nói hàng ngày và phải chịu tác động của cơ chế thị trường", ông Nghị nói.
Đoàn Loan

SCT: Ghi lại chuyện 8 tại ca-fe đen sớm mai đầu tiên sau khi tăng giá xăng kiểu đánh úp:
 Nhân dân, Doanh nghiệp, Bệnh nhân, dân xe ôm tụi tui.. luôn gặp khó vì: " Khó sẽ phải ló tiền ra"-Đó là phương châm hành xử của số không nhỏ các công chức Nhà nước được nuôi bằng thuế dân. Hỏi sao lương "bèo" mà chạy đua vào chân công chức quèn cũng tốn kém, trầy trụa... vậy?  Tầm cao quá không thấy hạ giới còn ngây thơ hỏi "Ngòai đường có gì mà ai cũng xin ra đứng vậy?". 
Chuyện 5C ( con cháu các cụ cả) nên tất yếu 5Đ ( đếch điều đi đâu được). Ráng chịu thôi, kêu ai? Hơn nữa, nói như cụ bà Lê Hiền Đức thì " quan nào mặt cũng nhọ", sao còn dám nói ai, xử ai. Đụng đến đám " con trời" nó "mét lại" coi chừng bay ghế về "vui thú điền viên" sớm.
Ai cũng biết, ai cũng thấy, ai cũng bị ló tiền ra rồi. Giá mà có lệnh trừ diệt lũ sâu mọt ban hành cái rụp như tăng giá xăng buổi tối, sáng sớm ra là thấy sạch quang!
" Đã ngu dốt lại lưu manh
Mua ghế, có chức phá banh nước nhà
Thế lực thù địch tạo ra
Một lũ không nhỏ thiệt là nguy cơ...
Bí thư hãy phất cao cờ!

No comments:

Post a Comment