Ngân hàng Nhà nước đẩy giá vàng lên?
ÁNH HỒNG - LÊ THANH | 29/03/2013 07:30 (GMT + 7)
Đại diện các đơn vị kinh doanh vàng bỏ phiếu đấu thầu trong phiên ngày 28-3 tại Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Trần Việt
TT - Kết thúc phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên diễn ra sáng 28-3, theo công bố của Ngân hàng (NH) Nhà nước chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu là 43.810.000 đồng/lượng - bằng mức giá sàn mà NH Nhà nước đưa ra.
TT - Kết thúc phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên diễn ra sáng 28-3, theo công bố của Ngân hàng (NH) Nhà nước chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu là 43.810.000 đồng/lượng - bằng mức giá sàn mà NH Nhà nước đưa ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng phiên đấu thầu đầu tiên chẳng
những không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong
nước và thế giới mà còn góp phần kích giá vàng trong nước lên cao hơn,
khi giá vàng NH Nhà nước bán ra cao hơn giá trong nước tới 100.000
đồng/lượng.
“Ế” 24.000 lượng vàng
Theo công bố của NH Nhà nước, trong tổng số 21 NH và
doanh nghiệp đăng ký, chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu
sáng nay. Trong đó 15 đơn vị đã bỏ phiếu trắng. Chỉ có NH ACB và Công ty
vàng Phú Quý đăng ký mua và đều trúng thầu tại giá sàn, mỗi đơn vị
trúng thầu 1.000 lượng.
Tính ra, số vàng bị “ế” trong phiên đấu giá này lên tới
24.000 lượng. “Ngay ban đầu khi biết mức giá mà NH Nhà nước đưa ra,
chúng tôi thấy khá lo ngại vì quá cao, sẽ có rủi ro khi mua vào lúc này.
Thực tế, thị trường vàng trong khoảng từ sau tết, nhất là 10 ngày trở
lại đây khá trầm” - một doanh nghiệp tham gia đấu thầu lo lắng.
Vàng trong nước tăng giá
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau khi có
thông tin về mức giá sàn đấu thầu của NH Nhà nước vào ngày 28-3, giá
vàng trên thị trường đã tăng vọt. Giá vàng SJC từ chỗ giảm 80.000
đồng/lượng, bán ra còn 43,37 triệu đồng/lượng đã tăng từng phút để đuổi
kịp mức giá mà NH Nhà nước đưa ra. Trong vòng một giờ, từ 8g40-9g40, mỗi
lượng vàng SJC bán ra đã tăng 430.000 đồng, sau đó giá vàng có giảm trở
lại nhưng không đáng kể. Đến cuối ngày giá vàng miếng SJC bán ra ở mức
43,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn 100.000 đồng/lượng so với mức giá sàn
đấu thầu của NH Nhà nước.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ ngạc nhiên
khi cho rằng “chẳng hiểu cơ chế đấu thầu vàng phiên đầu tiên là gì”, do
giá vàng được NH Nhà nước bán ra cao hơn giá thế giới đến 3 triệu
đồng/lượng và cao hơn giá trong nước khoảng 100.000 đồng/lượng.
“NH Nhà nước đưa giá sàn cao như vậy là muốn gì, đóng
vai trò gì ở thị trường vàng? Việc đặt giá cao như vậy phải chăng là
tuyên bố giá vàng trong nước cao hơn so với giá thế giới tới 3 triệu
đồng/lượng là mong muốn của cơ quan quản lý? Thật là khó hiểu” - ông Ánh
đặt câu hỏi.
Một vị nguyên là lãnh đạo một vụ của NH Nhà nước cho
rằng qua phiên đấu thầu này, NH Nhà nước cần rút kinh nghiệm, phải xem
mục tiêu đấu thầu để làm gì. Nếu tăng cung bằng cách đưa ra số lượng
vàng có giá cao hơn giá thị trường và cao hơn giá thế giới đến 3 triệu
đồng/lượng thì hoàn toàn không ổn. Theo vị này, chỉ khi thị trường hoạt
động một cách bình thường thì mới nên đặt giá sàn để NH Nhà nước không
bị lỗ, còn các đơn vị tham gia đấu thầu trả giá bao nhiêu là tùy họ
nhưng không được thấp hơn giá sàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về phản ứng của dư luận, đại diện
NH Nhà nước cho biết mức giá sàn mà NH Nhà nước đưa ra trong phiên đấu
thầu được tính toán từ thực tế của thị trường và có cái nhìn dài hạn.
Bằng chứng là dù đánh giá mức giá khá cao nhưng vẫn có người mua.
Theo đại diện NH Nhà nước, mức giá vàng trên thị trường
sáng 28-3 không phải là mức giá thực tế mà mang yếu tố tâm lý và đầu
cơ. Mặt khác, nếu NH Nhà nước tung vàng ra bán với mức giá thấp ai hưởng
lợi? Sẽ có nhiều đơn vị chờ mua vàng với mức giá thấp, không chỉ 26.000
lượng mà 260.000 lượng cũng có thể tiêu thụ hết, nhưng sau đó họ lại
găm hàng để đầu cơ làm giá hoặc dùng vào mục đích khác. Như vậy, mục
tiêu can thiệp của NH Nhà nước không đạt được.
Khó kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới
Trong thông báo phát đi chiều 28-3, NH Nhà nước nói
ngắn gọn rằng quy trình đấu thầu được thực hiện thông suốt và đúng quy
định. Thông qua việc đấu thầu bán vàng miếng, NH Nhà nước đã thực hiện
tăng cung vàng miếng trên thị trường và tham gia thị trường với tư cách
người mua bán cuối cùng. Tuy nhiên, NH Nhà nước không hề nhắc gì đến mục
tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới như từng đề cập
trước đó. Trao đổi với chúng tôi, vị đại diện NH Nhà nước cho rằng việc
đưa ra mức giá sàn đấu thầu sáng 28-3 có thể khiến các đơn vị kỳ vọng
mua được vàng rẻ trước đó thấy hụt hẫng.
Tuy nhiên không nên nhìn ngắn hạn vì can thiệp thị
trường phải có quá trình, một phiên không thể đánh giá hết được. NH Nhà
nước sẽ làm nhiều bước để đi đến mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám
sát giá vàng thế giới. “Trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối của NH Nhà
nước, nguyên tắc an toàn phải được đặt lên đầu tiên. Trong việc sử dụng
vàng dự trữ để can thiệp thị trường vàng, NH Nhà nước sẽ thận trọng một
cách hợp lý” - vị này nói.
Trong khi đó, theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, điều băn
khoăn nhất sau phiên đấu giá vàng đầu tiên là mục tiêu kéo giá vàng
trong nước bám sát giá vàng thế giới đã không thành công. Đại diện một
doanh nghiệp tham dự buổi đấu thầu cho biết khá thất vọng về mức giá mà
NH Nhà nước chào bán, vì trước đó doanh nghiệp kỳ vọng mức giá đưa ra sẽ
mềm hơn để kéo giá vàng trên thị trường đi xuống. Tuy nhiên diễn biến
lại trái hẳn với dự đoán của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khác cho
biết đã phải chịu lỗ nặng vì lỡ bán vàng ra sau khi nghe tin đấu thầu.
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP.HCM
nói dù không nói ra nhưng các đơn vị kinh doanh đều nhìn theo mức giá mà
NH Nhà nước đưa ra để định hướng thị trường. Do vậy, có thể nói chính
việc đấu thầu của NH Nhà nước chẳng những không can thiệp mà trái lại
còn tạo sóng cho thị trường. Giới kinh doanh đã mượn chính sóng này để
đưa giá lên cao nhằm thu lợi nhuận. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong
nước và thế giới đã lên đến 3,27 triệu đồng/lượng, tăng thêm 100.000
đồng/lượng so với thời điểm NH Nhà nước chưa can thiệp.
No comments:
Post a Comment