Thursday, March 28, 2013

Chi phí các Bộ làm đề án bằng tiền của ai vậy?

Mã số công dân

Hai bộ, hai đề án và chỉ gặp nhau ở một điểm!
SGTT.VN - Tại hội thảo về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quản lý dân cư chiều 26.3 do bộ Tư pháp tổ chức, đại tá Vũ Xuân Dung, cục trưởng cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân (C72), cho rằng nếu thực hiện theo đề án bộ Tư pháp đang lấy ý kiến thì đến năm 2014 – 2015 mới bắt đầu cấp mã số công dân, dẫn đến có thể phải tới năm 2030 mới hoàn thành.
Công an: đề nghị bỏ đề án của bộ Tư pháp!
Thống nhất một mã số để quản lý công dân. Ảnh: TPO
“Đề án của chúng tôi sắp hoàn thành, đang xin ý kiến của các bộ. Từ việc cấp chứng minh thư mới, các bộ ngành sẽ dựa vào đó để cải cách thủ tục hành chính cho người dân là xong đâu cần phải thực hiện thêm đề án của bộ Tư pháp”, ông Dung nói và cho biết thêm, bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ bãi bỏ đề án do bộ Tư pháp xây dựng. Thay vào đó, bộ Tư pháp và bộ Công an sẽ xây dựng cơ chế phối hợp để bộ Công an quản lý kho số và ghi số định danh công dân lên giấy khai sinh do bộ Tư pháp cấp. “Bộ Công an xác định đề án cấp chứng minh thư mới với 12 số chính là đầu ra của vấn đề. Quan trọng nhất là phải làm sao giúp Chính phủ “đánh số” gần 90 triệu dân. Việc này bộ Công an đã tính toán và đang thực hiện rồi, sắp tới sẽ tiến hành thí điểm trên toàn Hải Phòng”, ông Dung nói.
Đại diện bộ Thông tin và truyền thông cũng cho rằng, đề án của bộ Tư pháp chưa làm rõ việc cập nhật thông tin về số định danh cá nhân từ thời điểm nào, từ khi mỗi trẻ em sinh ra hay tới năm 14 tuổi làm chứng minh nhân dân. “Khi mà bộ Công an đã xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư rồi thì có cần thiết phải có thêm cơ sở dữ liệu hộ tịch của bộ Tư pháp hay không? Việc xuất hiện hai bộ cơ sở dữ liệu cùng lúc mà chưa rõ về cơ chế phối hợp như thế có nên không, rồi cơ chế phối hợp thế nào, nguồn số định danh được phân bổ ra sao vẫn chưa được nêu rõ”, vị này nói.
Tư pháp: công an cẩn thận kẻo làm khó dân!
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, cục trưởng cục Kiểm soát thủ tục hành chính (bộ Tư pháp), trên cơ sở thông tin góp ý của bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, dự thảo đề án Tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư đã xác định: số định danh cá nhân cấp cho mỗi công dân chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại ba quận, huyện ở Hà Nội (Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm). Số định danh phải được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) và theo công dân đến chết (đăng ký khai tử) nên việc quy định số định danh cá nhân tại luật Hộ tịch đang được xây dựng là hoàn toàn phù hợp.
Từ đó, ông Phan cũng đặt ra giả thiết có thể bộ Công an sẽ cấp số định danh cá nhân đối với người từ 14 trở lên khi đi làm chứng minh thư hay khi làm hộ khẩu, còn bộ Tư pháp cấp từ khi sinh để đẩy nhanh tiến độ trước mắt, sao cho đến năm 2020 mỗi người có một mã số định danh. Từ đó, bộ Tư pháp không đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu mới tập trung thông tin cơ bản về công dân cho các ngành khai thác, sử dụng mà đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do bộ Công an quản lý theo hướng tập trung thông tin cơ bản nhất của công dân; hạn chế sự trùng lặp hoặc sai lệch thông tin giữa các cơ quan quản lý dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư và là cơ sở để giảm giấy tờ công dân phải xuất trình/nộp, đặt nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, theo ông Phan, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại thông tư của bộ Công an nên xét về mặt pháp lý, cần quy định về số định danh cá nhân tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Thứ trưởng bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn thì lưu ý, bộ Công an phải tính toán làm sao để hạn chế những vấn đề vừa qua dư luận lên tiếng phản ánh. Đó là chuyện chứng minh thư chín số đã in hằn vào rất nhiều giao dịch, lên cả sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nên nếu không có hướng dẫn chỉ đạo thì dễ khiến họ vướng vào những rắc rối pháp lý trong giao dịch dân sự không cần thiết.
Chí Hiếu
Hai bộ gặp nhau ở một điểm!
Ông Nguyễn Công Khanh, vụ trưởng vụ Hành chính – tư pháp (bộ Tư pháp) cho biết đề án của bộ Công an và bộ Tư pháp đều gặp nhau ở việc cấp mã số công dân ngay từ điểm gốc là giấy khai sinh – căn nguyên của mỗi con người. Vậy thì ngay từ bây giờ khi xây dựng luật Hộ tịch, cơ quan soạn thảo phải tính toán, đưa ra lộ trình về việc cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục cho công dân như thế nào cho hợp lý. Theo dự kiến thì ngay từ thời điểm luật Hộ tịch có hiệu lực (dự kiến năm 2015), cán bộ hộ tịch xã/phường sẽ tiến hành ghi tất cả thông tin của một công dân vào một cuốn sổ để theo dõi, không chia ra nhiều cuốn sổ như hiện nay nữa. Đồng thời không cấp các loại giấy tờ như khai sinh, kết hôn, hộ khẩu... như hiện nay nữa. Để làm được việc đó phải có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chuẩn hoá hộ tịch viên xã/phường vừa giỏi chuyên môn vừa thông thạo vi tính để cập nhật thông tin lên hệ thống.
Các ý kiến (1)
Thùy Trang
Buồn cho quản lý nhà nước! Hành dân là chính. Các bộ lại tranh nhau vì cái này có thu phí. Giống như tranh nhau làm phôi sổ đỏ, sổ hồng lọan cắc ké kỳ đà... Nước ngoài làm hà rầm và quản chi tiết tới tình trạng sức khỏe, khám chữa bệnh ở đâu, thuốc gì; rồi sở thích ăn uống, đi lại... Sao Nhà nước không học rồi vận dụng phù hợp. Các chi tiết sản phẩm chỉ cần p/n gồm một dãy chữ + số là đủ tất cả thông tin tính năng, kích cỡ, chất liệu, kiểu ren... Hãng Western Union chuyển tiền nhanh khắp thế giới mà mã số mỗi phiếu giao dịch (MTCN) chỉ gồm 10 con số. Việt nam suốt ngày đổi số điện thọai, biển số xe... gây lãng phí khủng khiếp mà quả lý có tốt đâu. Xin các quan đừng vì lợi ích cục bộ cá nhân mà hành dân nữa!

No comments:

Post a Comment