Thursday, March 21, 2013

Lập gia đình hay sống độc thân

SCT-Thành viên SCT Tham vấn về Tuổi trẻ, Tình yêu, Hôn nhân, Lý tưởng và Hạnh phúc.



Lập gia đình hay sống độc thân để dễ tu (nuôi dưỡng thân tâm, bảo vệ môi trường, ươm mầm xanh, sống hạnh phúc và giúp đời)

Năm nay con 23 tuổi, con phát tâm tu học Phật pháp đã được 3 năm, con đang là sinh viên năm cuối của một trường Đại học ở Thành phố HCM. Từ khi ngộ đạo, con may mắn được gặp pháp môn Tịnh độ, tín nguyện trì danh niệm Phật cầu vãng sanh nơi cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Con phát nguyện một đời giữ giới, sống độc thân để hiếu dưỡng phụ mẫu và tu hành cho đến ngày tự tại ra đi. Ở nhà trọ có một anh để ý yêu con nhưng con không hề hay biết, con chỉ xem anh như một người anh trai (anh lớn hơn con hai tuổi). Khi ở bên anh con rất hồn nhiên không hề biết anh yêu mình. Con thường hay nói chuyện Phật pháp cho anh nghe, rủ anh đi chùa, rủ anh tụng kinh, niệm Phật. Chuyện gì đến rồi cũng đến, anh tỏ tình với con. Con cương quyết chối từ và nói rõ ý định của mình trên con đường tu đạo. Con đem chuyện này tâm sự cùng mẹ. mẹ không những không ủng hộ mà còn khuyên con lập gia đình để mẹ chết được yên lòng vì con gái của mẹ sẽ có người che chở, bảo vệ suốt đời. Qua lời nói của mẹ, con bắt đầu đắn đo, rồi anh tấn công quyết liệt, theo đuổi con, đưa rước con đi học. Con vẫn không nghĩ rằng người này sẽ là chồng mình, nhưng rồi tình cảm cứ len lỏi vào trái tim con từng ngày mà con không hề hay biết. Bây giờ con đã yêu anh, anh đã phát tâm ăn chay, giữ giới và tu hành theo con. Nhiều cô, cậu đồng tu thường khuyên con nên sống độc thân để tu học, lấy chồng khổ trăm bề. Gia đình anh cũng ăn chay chỉ còn anh với chị Hai anh là ăn mặn. Từ khi yêu con anh đã ăn chay theo lời con nói, tập ngồi thiền để niệm Phật, phóng sanh...nói chung, con nói gì anh cũng nghe. Con cũng không biết phải làm như thế nào mới đúng nữa, con đã chia tay 10 lần nhưng lần nào anh cũng khóc. Con không dám đương đầu với những mâu thuẫn trong lòng mình, không muốn xa anh nhưng con cũng không muốn lấy chồng...lấy chồng rồi đâu thể tự do để làm Phật sự, để có nhiều thời gian tu học. Lúc đó rồi con cái, ái ân,...cơm, áo, gạo, tiền...bao nhiêu điều vây bủa con. Một phần con lại mặc cảm với chú bác, anh chị, bạn bè đồng tu. Con phải làm sao mới đúng? Xin quý Thầy, quý Sư cô giúp con! A Di Đà Phật! 

Sư cô Chân Không trả lời:
Con nên nói với anh chàng yêu con mà con cũng yêu  là tình yêu với chuyện lập gia đình là hai chuyện gần nhưng mà khác. Khi nào tình yêu thật chín, nhân duyên hình scck.jpgđầy đủ, con có nghề nghiệp, anh ấy có nghề nghiệp thì hai con có thể lập gia đình và cùng tu học, hoặc nếu cả hai cùng muốn xuất gia thì cũng có thể cùng đi xuất gia.

Hiện giờ hai con nên biết trân quý, giữ gìn tình bạn, tình yêu nhưng CHƯA đến lúc lập gia đình. Hiện giờ ở Tây Phương có nhiều anh chị yêu nhau hai ba năm rồi nhưng chưa cưới, họ biết là phải có đời sống tâm linh nữa thì tình yêu mới bền. Do đó nhiều cặpđã tìm tới tu tập ở Làng Mai, anh tập sự tu bên quý thầy, sống đời phạm hạnh, cô tập sự tu bên các sư cô sống phạm hạnh như các sư cô. Ở Làng mỗi tuẩn hai lần: thứ Năm và Chủ nhật hai bên nam và nữ gặp nhau cùng nghe pháp thoại của Sư Ông, ăn cơm trưa chung, dự pháp đàm chung rồi sau đó  nam và quý thầy  về tu viện của quý thầy còn nữ và các sư cô thì về  tu viện các sư cô. Như vậy hai anh chị vẩn gặp nhau mỗi tuần hai lần để trao đổi tin tức, chia sẻ sự tu học và khó khăn v v... Sau một năm tập sự, hai người có thể quyết định xuất gia sống đời phạm hạnh, không lấy nhau như vợ chồng mà lại trở thành bạn đồng chí hướng, đồng phụng sự, đồng giữ phạm hạnh. Đó là trường hợp thầy Pháp Linh và sư cô Hiến Nghiêm (cả hai đều là người Anh). Cặp thứ hai là thầy Pháp Hiền và sư cô Hà Nghiêm (hai người đều là người Hoa Kỳ, cô thì đẹp như Đức mẹ ...). Sau khi tu tám năm, sư cô Hà Nghiêm bỗng có nhu yếu làm mẹ quá nên xin ra đời và  Thầy Pháp Hiền cũng xin đi theo cô luôn!!! Thế là họ quyết định ra lập gia đình vì nhu yếu làm mẹ của sư cô Hà Nghiêm và nhu yếu làm cha của thầy Pháp Hiền lớn quá. Họ lập gia đình xong cho ra đời ba cháu. Tới khi có con rồi thì hai anh chị mới rầu và than thở với sư cô hoài  là khó quá, không đơn giản như chúng con tưởng nhưng cũng OK!

Này con, con đừng từ chối không thương anh ấy, nhưng thương và làm vợ là hai chuyện khác. Trong tình  bạn con  cũng nên liên hệ rất giới hạn và không nên ngồi riêng hai người ở chỗ vắng để có thể bảo hộ cho nhau. Tập điều độ thôi, mỗi tuần chỉ nên gặp nhau một lần vì con cần dành thì giờ để học cho tới khi ra trường, có một nghề nuôi thân và nuôi gia đình (nếu chọn sống chung với anh ấy), còn bây giờ nên đầu tư thời gian để hai đứa học và tốt nghiệp xong đã.

Con nên cẩn thận. Con cũng nên thử quán chiếu như vầy: giả thử trong trường hợp chàng theo quá lâu, không được cưới mànhu yếu làm chồng lớn quá nên đi tìm cô khác và chấm dứt theo con. Chừng đâu đó xong xuôi, con chịu cho anh cưới thì anh ấy đã ăn nằm với cô khác rồi và con... sẽ rất khó tính toán sao cho đúng đạo và đời. Nhưng cũng không biết được, có  khi sự việc xảy ra như thế thì không chừng con lại đi tu dễ dàng hơn, (tưởng giếng sâu, em nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây! Ca dao Việt Nam đó con, có nghĩa là mình tưởng anh ta là người chung thủy nên chuẩn bị đàng hoàng cho anh ta  nhưng ai ngờ giếng cạn là anh ta lại theo cô khác, con không thèm tiếc chi, chỉ tiếc cái tình con dành cho anh ấy !). Nếu chuyện xảy ra như vậy thì con sẽ bình an hơn vì anh hết yêu con. Con sẽ tập buông xả hết để sống đời tu cho nhẹ nhàng... Nếu nghĩ đến đây mà con quýnh lên sợ mất chàng thì con nên đồng ý cho chàng cưới sau khi cả hai tốt nghiệp và có được sở làm !!!
Nếu biết tu tại gia mà lại được quý thầy, quý sư cô Làng Mai hướng dẫn thì có gia đình cũng không khổ lắm đâu. Cũng vui lắm. Khi có con cái thì con có thể hướng dẫn cho các cháu cùng tu. Có những đứa con khát khao tu học cùng với bố mẹ lắm. Cả gia đình cùng tu rất là hạnh phúc. Ở Làng Mai mỗi năm trong khóa tu mùa Hè, hàng tuần có cả ngàn người về để cha mẹ con cái tu chung. Nếu cả gia đình cùng tham dự khóa tu thì sự thực tập của cả nhà sau đó như được hâm nóng lại, ba mẹ sẽ dễ thương với nhau và với con hơn, con cái cũng ngoan ngoãn hơn.
Nếu chọn con đường xuất gia,  gặp đúng thầy, đúng môi trường tu tốt thì thật là hạnh phúc, như diều gặp gió, bay lên cao từng ngày, hạnh phúc từng ngày. Đời tu cũng có khó khăn nhưng cái khó của người tu sánh với người đời thì ít lắm. Còn nếu đi tu không đúng môi trường thì con sẽ khổ dài dài và sẽ tiếc sao ngày xưa mình không ưng anh ấy v..v.
Khi nào con quyết định ra sao nhớ cho sư cô biết. CÓ ĐỜI SỐNG TÂM LINH  thì quyết định sao cũng vui hết. Nếu biết tu, biết làm mới tình thương mỗi tuần, bìết tụng năm phép tu tập chánh niệm mỗi tháng, đàm luận về 5 phép chánh niệm đó để có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày... thì tình yêu sẽ bền. Tóm lại là PHẢI TU, TU CHO ĐÚNG CÁCH thì tu sẽ rất vui nhẹ nhàng. Làm cư sĩ có gia đình cũng rất vui. Làm xuất sĩ lại càng vui hơn.
Thương con lắm
Sư cô Chân Không
http://langmai.org/tham-van-duong/tinh-yeu-hon-nhan/lap-gia-dinh-hay-song-doc-than-de-de-tu 

Vượt Thắng Trần Lụy


Pháp Đăng


Sư chú Châu Linh! Con có thể ôm sư chú vào lòng được không? Đó là lời van xin của Ngọc Tiên (Angel Pearl) trong lễ giỗ tổ tiên.

Nàng là cô gái người Ru Ma Ni, đôi mắt trong xanh, mái tóc vàng óng, sóng mũi dọc dừa, nét mặt trái xoan và dáng người mảnh khảnh trông rất kiều diễm. Nàng đến Tu Viện Phương Đào trong khóa tu mùa hè vào dịp giỗ tổ tiên. Ngọc Tiên chưa từng tham dự một buổi lễ tâm linh nào mang đầy ý nghĩa vừa sâu sắc vừa thanh tịnh như thế!

- ‘‘Con cháu ở đâu thì ông bà tổ tiên ở đó. Giỗ tổ tiên là nhớ về cội nguồn của ta. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông.[1] Ta là cây có nhiều gốc rễ, nhờ gốc rễ nên ta có thể bám sâu vào lòng đất để hút dinh dưỡng mà đơm hoa kết trái cho cuộc đời.’’

Đó là lời khai thị của vị thiền sư viện chủ.

Thấy mọi người trong gia đình đang thực tập ôm nhau để biểu lộ tình thương trước bàn thờ tổ tiên. Nàng cảm thấy lòng mình se lại! Nàng xa mẹ để ra ở riêng mấy năm rồi. Bố đã bỏ mẹ con nàng ra đi từ lúc nàng còn tấm bé nên Ngọc Tiên luôn luôn cảm thấy bơ vơ, lạc loài và thiếu thốn. Bấy lâu nay nàng đã phấn đấu để có một đời sống vật chất đầy đủ. Nàng có tất cả những gì cần đến và một đời sống tự do. Nàng muốn đi đâu cũng được chẳng ai ngăn cản. Nàng muốn làm gì thì cứ làm cho thỏa thích. Hôm nay nàng cảm thấy cô đơn tê tái cả nỗi lòng. Nàng thiếu tình thương vô vàn.

Bỗng nhiên nàng thấy hình bóng sư chú Châu Linh. Sư chú đang lạy tổ tiên cùng một sư cô trẻ hơn sư chú. Hai người họ có một khuôn mặt hơi giống nhau nên họ có thể là anh em ruột và đang lạy tổ tiên cùng một lần. Sư cô ấy tên gì nàng chưa được biết nhưng sư cô rất là đẹp. Mái tóc của sư cô đã cạo sạch nhưng dáng dấp thật là mảnh mai và nét mặt thật là thanh tú. Sư cô có nụ cười thật dễ thương. Sư chú Châu Linh cũng có nụ cười dễ thương như người em gái của mình.

Thấy anh em sư chú ôm nhau trước mọi người, Ngọc Tiên cảm thấy tủi thân. Sư chú có một sức hút gì đó làm cho nàng chú ý tới. Sư chú luôn mỉm cười, miệng mỉm cười mà đôi mắt cũng mỉm cười. Nàng thích nhìn nụ cười tươi sáng của sư chú. Càng nhìn sư chú nàng càng thấy sư chú đẹp hẳn ra. Một nét đẹp thanh thanh khác với vẻ đẹp của những người bạn trai của nàng. Thỉnh thoảng sư chú nhìn nàng một cách thân thiện và cảm tình. Đó là những gì mà nàng cảm nhận về sư chú Châu Linh sau mấy lần tiếp xúc. Đang suy nghĩ vẩn vơ, nàng giật mình một cái, và nàng nghe sư chú Châu Linh cất tiếng trả lời:

- Tôi thành thật xin lỗi cô nhé. Tôi thật sự không muốn làm cho cô buồn tủi nhưng tôi không thể đáp ứng lời yêu cầu của cô được.

Sư chú nhìn thẳng vào mắt của nàng và nói tiếp:

- Thiền ôm chỉ là sự thực tập cho những người thương yêu nhau trong một gia đình. Đôi khi ngôn ngữ không thể truyền đạt được tình thương nên ôm nhau có thể biểu lộ tình thương một cách sâu sắc, bởi vì tâm thức là năng lượng, cảm thọ là năng lượng mà thân thể cũng là năng lượng. Năng lượng thương yêu có thể biểu lộ bằng cái nhìn bao dung, bàn tay che chở và cử chỉ nhẹ nhàng. Thiền ôm còn có nghĩa là ta trân quý sự sống của người thương. Ta nhớ rằng sự sống mong manh nên người thương có thể không sống với ta mãi mãi trên đời. Thiền ôm cũng có thể giải tỏa được những nội kết, khổ đau giữa hai anh em, hai vợ chồng, hai cha con... Do đó tôi xin cô thông cảm cho nhé! Tôi xin cám ơn lòng tốt của cô đối với tôi.

Bây giờ nàng mới hiểu rõ hơn ý nghĩa của thiền ôm, nhưng mà nàng vẫn có cảm tình với sư chú Châu Linh. Nàng thích nhìn vào đôi mắt trong sáng lung linh niềm vui thanh thoát của sư chú.

Từ đó về sau nàng cứ nghĩ về sư chú hoài. Nàng cố tình để ý và tìm kiếm hình bóng của sư chú khắp nơi trong tu viện. Mỗi lần sư chú xuất hiện thì nàng cảm thấy hạnh phúc tràn ngập cõi lòng. Nàng ưa nhìn lén sư chú không bao giờ biết chán, càng nhìn sư chú nàng càng cảm thấy quyến luyến và vương vấn làm sao! Nàng đã từng yêu một hai lần trước đây nhưng tình cảm lạ lùng này có một năng lượng mới mẻ và trong sáng lạ!

Ngày nào Ngọc Tiên cũng tìm cách ngồi ăn cơm gần sư chú Châu Linh. Sư chú biết như thế nhưng sư chú vẫn giữ phong cách tự nhiên, càng làm cho nàng thương quý sư chú nhiều hơn. Con người gì mà lịch sự và hiểu được tình cảm của người ta quá vậy nà! Không biết sư chú có thương mình không nhỉ? Càng suy nghĩ vẩn vơ nàng càng cảm thấy vui vui và hạnh phúc trong lòng. Tình thương này không phải là loại tình cảm đam mê, ham muốn của thời thiếu niên. Nàng biết như thế.

Cách ngồi ăn của sư chú Châu Linh rất là đẹp. Sư chú nhìn thẳng vào mắt của nàng. Ôi! Cái nhìn trừu mến và thân thương làm sao! Chưa ai nhìn nàng dễ thương như thế trừ mẹ ra nên nàng cảm thấy an ủi vô cùng. Nàng biết sư chú không say mê nàng như chính nàng đang yêu thương và quyến luyến vào sư chú. Nàng vừa ăn vừa ngẫm nghĩ về mối tình li kỳ này đối với một người tu, và nàng mỉm cười một cách thầm lặng mà sung sướng.

Sư chú thường chơi với các em thiếu nhi. Mùa hè con nít về tu viện Phương Đào rất đông. Ở đây có gì vui đâu mà con nít về đông dữ vậy nè! Sư chú chạy nhảy không thua gì bọn trẻ. Nàng đứng nhìn sư chú chơi ‘u mọi’ với bọn trẻ mà thèm. Không biết sư chú năm nay bao nhiêu tuổi rồi mà chơi đùa với bọn trẻ vui đến thế? Nàng không tìm thấy một dấu tích buồn đau, ưu tư trong ánh mắt và khuôn mặt của sư chú Châu Linh. Nàng rất thích màu da láng bóng rạm nắng của sư chú, có một nguồn sức sống và yêu đời dồi dào trong con người ấy. Bỗng nhiên nàng cất tiếng:

Ngọc Tiên có thể chơi u mọi được không?

Sư chú Châu Linh trả lời: Được chứ! Xin mời cô vào chơi cho vui. Bọn này cần một người khỏe mạnh như cô. Trò chơi hôm ấy thật là vui.

Nàng cũng chạy nhảy, cũng nô đùa, cũng la cười như tụi trẻ và sư chú Châu Linh. Tu tập gì mà vui quá đi! Từ đó nàng quen thân hơn với sư chú và tìm cách để tâm sự với sư chú.

Một hôm nàng kể cho sư chú nghe rằng:

- Em đã đi hành hương ở Ấn Độ sáu tháng trước khi qua đây. Em đi khắp tất cả các thánh địa của Bụt nên em rất có cảm tình với người tu. Từ đó em mới biết tới Ngài Viện Chủ cho nên em mới tìm đến đây để tu tập. Em có thể hỏi sư chú vài câu hỏi được không?

Sư chú Châu Linh lễ phép trả lời:

- Được chứ. Người tu cũng là người. Xin cô đừng ngần ngại gì cả.

Nàng hỏi:

- Người tu có thể yêu được không hả sư chú?

Sư chú trả lời:

- Người tu không yêu nhưng mà thương. Tình thương của người tu là tình thương tâm linh, là năng lượng muốn đem niềm vui tới cho mọi người và làm vơi bớt khổ đau của họ.

Nàng hỏi tiếp:

- Người tu có thể có vợ và gia đình được hay không?

- Không được đâu cô ạ! Sư chú Châu Linh trả lời dứt khoát.

Sợ Ngọc Tiên hiểu lầm nên sư chú nói tiếp:

- Đời sống gia đình có giá trị của nó, và người tại gia cũng có thể tu tập được. Tuy nhiên, người tại gia phải bỏ nhiều thì giờ và năng lượng để săn sóc chu đáo cho những người thương yêu như vợ con, cha mẹ, anh chị em nên họ không có thì giờ và môi trường như người xuất gia để tu tập. Người tại gia còn phải lo về cái ăn, cái mặc cho gia đình và việc học hành cho con cái nữa. Trong khi đó người xuất gia có bổn sư và tăng thân trực tiếp hướng dẫn, nâng đỡ, nuôi nấng và lại được ở trong một môi trường tốt lành có những điều kiện thuận lợi cho công phu hằng ngày. Bên cạnh ấy, người xuất gia dồn hết tinh lực vào chuyện tu tập để chuyển hóa cho được khổ đau, đạt tới tự do, hiểu biết, thương yêu thật sự. Cuối cùng người xuất gia phải lập nguyện hóa độ cho những người khác thành tựu được như mình. Nếu lập gia đình thì ta không có thì giờ và năng lượng để thực hiện những ước mơ ấy.

- Con có thể xuất gia được hay không?

- Được chứ. Ai cũng có thể xuất gia được. Cô hãy nhìn sư cô Tuệ Châu và sư cô Bảo Châu. Hai sư cô này là người Tây phương; họ tu tập thật đàng hoàng và sâu sắc, và nếu muốn cô cũng có thể tham vấn với hai sư cô để hiểu rõ hơn về cuộc sống tu tập của người xuất gia. Nếu cô cảm thấy thật sự muốn sống đời sống giải thoát và phạm hạnh thì cô có thể viết thư xin với bổn sư của chúng tôi. Chắc chắn Người sẽ hóa độ cho cô mà.

- Nhưng em muốn xuất gia với sư chú kìa!

- Không được đâu cô ơi! Sư chú Châu Linh thốt lên một cách kinh ngạc và bối rối!

Tôi chỉ mới tu được vài năm. Tôi chỉ là một chú sa di. Sự tu tập của tôi còn yếu kém lắm nên tôi chưa có khả năng tiếp nhận đệ tử được đâu. Nói tới đây sư chú Châu Linh mới biết được tình cảm của nàng. Nàng đã thương thầm sư chú nên cứ muốn tìm mọi cách gần gũi để tâm sự với sư chú. Hèn gì ngày nào nàng cũng ngồi ăn cơm ngay trước mặt của mình.

- Ngày mai em đi rồi! Không biết người tu có thể nhận quà được hay không?

- Được chứ.

Nàng móc trong cổ áo của nàng ra một xâu chuổi bằng gỗ trầm hương thơm ngát có hình tượng Bụt. Nàng trịnh trọng đeo vào cổ cho sư chú với niềm xúc động tràn dâng. Đây là lần đầu tiên nàng có cơ hội tiếp xúc gần gũi với người mà bấy lâu nay nàng nhớ nhung, quyến luyến.

Có những ngày không gặp sư chú Châu Linh, nàng cảm thấy nhớ nhung da diết bất an trong lòng. Nỗi bồn chồn, niềm nhớ nhung làm cho nàng phải đi quanh quẩn trong tu viện để tìm kiếm sư chú. Tình yêu sao mà khổ quá đi! Bây giờ sư chú đang ngồi yên trước mặt nàng. Nàng cảm thấy có một nhu yếu mãnh liệt muốn ôm sư chú bằng hai cánh tay nóng bỏng của mình nhưng sư chú ngồi yên quá, trịnh trọng quá! Hơi thở của sư chú rất là đều đặn. Nàng không thể phá hoại không khí tâm linh này được. Cuối cùng sư chú chắp tay cám ơn nàng. Nàng vừa cảm thấy hạnh phúc vừa cảm thấy đau khổ bởi vì nàng đã dồn nén nhu yếu tình cảm và ước muốn ôm sư chú vào lòng.

Sáng nay, Ngọc Tiên phải ra nhà ga trở về quê hương của nàng. Tối hôm qua nàng ngủ không được, nét mặt tươi sáng và nụ cười dễ thương của sư chú Châu Linh luôn hiện về trong tâm trí của nàng. Vì đã từng yêu nên nàng hiểu tại sao mình cứ nhớ nhớ thương thương người tu trẻ này. Sư chú có nét gì rất đặc biệt mà nàng thiếu thốn. Nỗi nhớ thương làm cho nàng thức suốt đêm. Nàng định ngày mai sẽ lặng lẽ ra đi để quên hình bóng thân yêu này nhưng sáng hôm nay, lòng nàng càng xao xuyến hơn, nhớ nhung hơn, nhu yếu muốn ôm sư chú một lần trước khi từ giã trào lên như một cơn lốc. Nàng phải tìm cách gặp sư chú Châu Linh một lần cuối cùng để nói ra lời tạm biệt.

Ngọc Tiên vừa thấy sư chú Châu Linh ở đằng xa, gần cái giếng bên cạnh tháp chuông thì nàng gọi tên sư chú rất lớn làm cho mọi người chung quanh có vẻ kinh ngạc.

- Sư chú Châu Linh! Sư chú Châu Linh!

Nàng vừa gọi tên vừa chạy đến nơi sư chú, sụt sùi vừa khóc, vừa nói:

- Em sắp về rồi. Em có thể ôm sư chú được không?

Sư chú nhìn nàng với một chút dè dặt.

- Cô đã học “phương pháp thiền ôm” chưa?

- Dạ! Em đã học với các sư cô rồi.

Nước mắt nàng tuôn ra như mưa, niềm xúc động dâng lên lúc chia tay với người mà mình chú ý suốt thời gian ở tu viện.

Sư chú Châu Linh nhìn nàng với ánh mắt xót thương và tội nghiệp. Đúng là “ái biệt ly khổ” nên sư chú động lòng xót thương cho nàng ôm với sự có mặt của một số thiền sinh.

Nàng vừa ôm vừa khóc nức nở. Em đi rồi em sẽ trở lại!

Sư chú Châu Linh cảm nhận được nhịp tim của nàng đập thình thịch, hơi thở của nàng hổn hển và người nàng nóng rang như hơi ấm mùa hạ.

Sư chú Châu Linh vẫn giữ được sự thanh thản bởi vì sư chú đã được tu tập trong mấy năm qua. Niềm vui đời sống phạm hạnh của sư chú thật là sung mãn, tình thương của bổn sư và tăng thân cho sư chú rất là cao quý nên tình thương nóng bỏng của Ngọc Tiên không thể nào làm xiêu lòng của sư chú.

Nhưng tối hôm ấy, sư chú Châu Linh không ngủ được, nét mặt, đôi mắt và những giọt nước mắt ấm áp của nàng cứ trở lại trong tâm hồn của sư chú. Sư chú Châu Linh cảm thấy xôn xao trong lòng, có một cảm giác thương thương, nhớ nhớ và tội nghiệp cho người con gái mới quen ấy. Ban đầu sư chú cố tình xua đuổi hình bóng của nàng mà ngủ cho ngon để ngày mai còn phải dậy sớm tu tập với đại chúng nhưng càng muốn xua đuổi bao nhiêu thì hình bóng nàng càng hiện rõ bấy nhiêu. Thì ra, đây cũng là kinh nghiệm của Phật trước khi Ngài thành đạo vô thượng. Ba cô ma nữ vừa xinh đẹp vừa hấp dẫn kia muốn dụ dỗ Ngài không phải là một chuyện hoang đường mà chuyện đang xảy ra cho sư chú. Sư chú thực tập ngồi thiền suốt đêm và khám phá ra rằng Ngọc Tiên chỉ thương hình ảnh đẹp của người tu chứ chẳng thương riêng gì sư chú. Biết bao nhiêu anh chàng trai khác còn bảnh bao hơn sư chú nhiều, tại sao nàng không yêu mà lại cứ đeo bám sư chú trong suốt thời gian ở lại tu viện? Sư chú thấy rằng tình yêu nóng bỏng này thật là hệ lụy mà mong manh, dựa vào ý muốn chiếm hữu để khỏa lấp những thiếu thốn tình cảm trong quá khứ. Trong khi đó tình thương tâm linh làm bằng sự tu học sâu sắc và thanh thoát hơn nhiều. Thấu hiểu điều này, những cảm giác nao núng, xôn xao và quyến luyến từ từ vơi đi giúp sư chú ngủ một giấc ngon lành.

Ngày hôm sau, sư chú không còn cảm thấy bịn rịn gì nữa về hình bóng của nàng. Xâu chuổi trầm hương thơm ngát có hình tượng Bụt là món quà duy nhất do hai bàn tay nàng đeo vào cổ, sư chú Châu Linh sẽ đem về Mỹ tặng cho mẹ. Tình yêu ấy thuộc về mẹ.

Lang

No comments:

Post a Comment