Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới | ||||||
Thứ năm, 21/03/2013, 14:39 (GMT+7) | ||||||
(SGGPO).- Sáng 21-3,
tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài Nguyên - Môi trường phối hợp với UBND
thành phố Cần Thơ tổ chức lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước
thế giới 2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ,
ngành Trung ương, các tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng
đại biểu đến từ 51 quốc gia thành viên ASEM và các tổ chức khu vực, quốc
tế liên quan (Ủy hội sông Mê Kông, Ủy ban quốc tế về bảo vệ sông
Đa-nuýp, Hội đồng nước thế giới, Chương trình phát triển Liên hợp quốc,
Ngân hàng thế giới...) đến dự.
Ngày nước thế giới năm 2013 có chủ
đề “Hợp tác vì nước” và thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia
sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của
tài nguyên nước và sự cần thiết để bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, kêu
gọi sự quan tâm của toàn thể cộng đồng tăng cường hợp tác để khai thác,
hướng tới mục tiêu hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành, các
nhóm sử dụng nước trong nước cũng như giữa các quốc gia có chung nguồn
nước…
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên –
Môi trường, nước trở thành tài nguyên chiến lược thứ 2 sau tài nguyên
con người. Điều này đã được khẳng định trong rất nhiều diễn đàn quan
trọng trên thế giới. Trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, theo đó
tất cả các nhu cầu cơ bản của con người, các hoạt động phát triển kinh
tế đều gia tăng và gây nên áp lực to lớn đến nguồn tài nguyên nước. Tình
trạng khan hiếm và tranh chấp nguồn nước đã và đang diễn ra, gây nên
các “mâu thuẫn vì nước” giữa khu vực thượng lưu và hạ lưu, giữa các nhóm
dùng nước, giữa các mục đích sử dụng nước và thậm chí giữa các nền văn
hóa, chính trị khác nhau khi cùng chia sẻ chung một nguồn nước.
Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2012
về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho thấy: Vẫn còn khoảng 11%
dân số thế giới (tương đương 780 triệu người) không tiếp cận được với
nguồn nước sạch. Đáng lo ngại là những diễn biến bất thường của thiên
tai do biến đổi khí hậu với quy mô và cường độ ngày càng tăng đang
góp phần làm cho nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái và cạn
kiệt.
Việt Nam nằm ở hạ lưu của 2 con
sông quốc tế quan trọng là sông Hồng và sông Mê Kông, với 2/3 lượng
nước ở Việt Nam được sản sinh từ nước ngoài chảy vào 2 con sông
này. Việt Nam là quốc gia không giàu về nước, thậm chí đang cận kề một
tương lai thiếu nước.
Riêng vùng ĐBSCL là vựa lúa lớn
nhất cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp khoảng 90% lượng
gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Với
tốc độ phát triển kinh tế nhanh như hiện nay, nhu cầu sử dụng nước cho
sản xuất lúa, cho nuôi trồng thủy sản, du lịch... ở khu vực này ngày
càng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn
ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do
việc khai thác quá mức trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi
trồng thủy sản…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi
trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: Chủ đề “Hợp tác vì nước” của Ngày
nước thế giới năm nay đã cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác trong
khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cũng như thúc đẩy các nỗ lực quản
lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước một cách hài hòa ở các cấp địa
phương, quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. Điều đó đòi hỏi hành động
thống nhất, cùng hướng tới một mục tiêu chung là khai thác, sử dụng
nguồn nước một cách bền vững, hiệu quả và công bằng.
Có thể nói, “Hợp tác vì nước” là
nhân tố thúc đẩy hợp tác phát triển, mang lại cho cộng đồng và xã hội sự
gắn kết. “Hợp tác vì nước” giúp giải tỏa những xung đột về xã hội đồng
thời xây dựng niềm tin giữa mọi người, giữa cộng đồng, các vùng miền và
các quốc gia.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các bộ, ngành, chính quyền địa
phương hãy cùng nhau hợp tác, xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông
tin, xây dựng khung khổ pháp lý trong bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát
triển bền vững tài nguyên nước - nguồn tài nguyên quý giá trong thế kỷ
này.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đối
thoại trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài
nguyên nước một cách hợp lý; có các chính sách nhằm tăng cường
ứng dụng và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm sử dụng
nước tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư
xây dựng các công trình khai thác và sử dụng nước; nâng cao ý
thức sử dụng nước.
Mỗi cá nhân, đoàn thể, tổ chức…
trong cả nước hãy nỗ lực hành động, phát huy các sáng kiến trong khai
thác và sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu các rủi ro do hạn
hán và lũ lụt, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống xâm nhập
mặn và nước biển dâng... Qua đó góp phần tích cực vào thúc đẩy phát
triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường,
bảo vệ nguồn nước của quốc gia và góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các
quốc gia thượng lưu hãy hợp tác và chia sẻ với Việt Nam để các dòng sông
liên quốc gia này trở thành dòng sông hòa bình và mang lại sự thịnh
vượng cho tất cả các nước trong lưu vực…
Bình Đại
|
Thursday, March 21, 2013
CẦN CÁC HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ DÙ NHỎ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment