Bài đăng : Thứ bảy 23 Tháng Ba 2013 -
Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 23 Tháng Ba 2013
Nước ngọt, nguyên nhân gây xung đột ?
Nước, tài sản chung của nhân loại. Ảnh minh họa.
Reuters
4 tỷ người trên trái đất không có nước ngọt để dùng 24 giờ
trên 24 ; 3 tỷ không có máy nước trong nhà. Theo dự phóng của Liên Hiệp
Quốc thì đến năm 2020 nhu cầu về nước ngọt để phục vụ cho ngành công
nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại ; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130 % ; 40 % trên tổng số 9 tỷ con người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước.
Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hiệp Quốc đặt 2013 là năm của «
sự hợp tác quốc tế về nước ngọt ». Ở châu Á, để bảo đảm nhu cầu của nền
nông nghiệp, Trung Quốc không ngần ngại chèn ép các nước láng giềng
phương nam với những dự án xây đập trên dòng sông Mêkông.Tại Trung Cận
Đông, Syria và Irak cùng đang lo lắng bị Thổ Nhĩ Kỳ cướp đi nguồn nước
ngọt quý giá trước các dự án xây dựng đập thủy điện của Ankara trên
thượng nguồn hai con sông Tigre và Euphrate. Nhìn sang Bắc Mỹ, khúc sông
Rio Grande chảy qua Mêhicô bị đe dọa cạn kiệt.Với 8 dự án xây đập thủy điện trên sông Mêkông mà đến nay 4 trong số đó đã hoàn thành, Bắc Kinh thường xuyên bị các đối tác Đông Nam Á tố cáo là ích kỷ, giữ nguồn nước cho riêng mình. Năm 2010 Việt Nam, Thái Lan và Lào từng điên đảo khi thấy mực nước sông Mêkong xuống thấp đến mức kỷ lục. Theo nhiều chuyên gia, đến mùa khô hạn, Trung Quốc có thể hút đến 50 % lượng nước sông Mêkong. Khi ủy hội sông Mêkong được hình thành vào năm 1995, Bắc Kinh đã thận trọng đứng ngoài. Từ đó đến nay, ý thức được rằng thái độ làm ngơ của mình sẽ làm xấu đi hình ảnh của một đất nước Trung Quốc đang vươn lên, cho nên Bắc Kinh bắt đầu « đối thoại » với các nước có liên quan.
Nhìn chung, đối với những nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Brazil hay Ấn Độ sự đối đầu giữa dân cư thành thị và nông thôn để tranh dành nguồn nước ngọt cũng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Theo như nhận xét của ông Gérard Payen, cố vấn cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề nước, những xung đột để tranh dành nguồn nước thường xuyên xảy ra ở cấp địa phương nhiều hơn là giữa hai quốc gia sát cạnh nhau.
Hiện tại mới chỉ có 29 trên tổng số 103 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng nguồn nước ngọt, do vậy văn bản này dù đã ra đời từ năm 1997 vẫn chưa chính thức có hiệu lực. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên không phê chuẩn công ước quốc tế về nước ngọt khi biết rằng công ước Liên Hiệp Quốc về nước ngọt quy định các quốc gia ở thượng nguồn phải quản lý một cách chừng mực và phải chia sẻ với các nước ở hạ nguồn con sông tài sản thiên nhiên quý giá đó.
Tranh chấp về việc sử dụng nước của con sông Nil tại châu Phi giữa 11 quốc gia ngày càng trở thành một hồ sơ nóng bỏng. Tình hình tương đối thư giãn hơn đối với dòng sông Senegal.
40 % nhân loại bị thiếu nước ngọt
Từ cuối 2010, Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng đến năm 2015 thì sẽ có đến 95 % dân số trên địa cầu được sử dụng nước ngọt. Thực tế không hẳn là như vậy vì theo thẩm định của các chuyên gia, hiện tại hãy còn 1,1 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. Còn căn cứ vào các số liệu được Diễn Đàn Quốc Tế về Nước cung cấp vào năm ngoái : hiện còn 4 tỷ người trên trái đất không có nước ngọt để dùng 24 giờ trên 24 và có tới 3 tỷ không có máy nước trong nhà.
Theo dự phóng của Liên Hiệp Quốc thì đến năm 2020 nhu cầu về nước ngọt để phục vụ cho ngành công nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại ; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130 % ; 40 % trên tổng số 9 tỷ con người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước.
Nếu chúng ta nhìn vào 2 quốc gia đông dân nhất hành tinh là Trung Quốc và Ấn Độ thì Liên Hiệp Quốc cảnh báo : sông ngòi Trung Quốc ngày càng ô nhiễm ; hơn ¼ các cơ quan lọc nước của Trung Quốc cung cấp nước không bảo đảm chất lượng. Còn tại Ấn Độ, không một thành phố nào, hay một ngôi làng nào trên quê hương thánh Ghandi bảo đảm dịch vụ cung cấp nước sạch và an toàn cho người dân được 24 giờ trên 24 và 7 ngày trong tuần ! Trong lúc Ấn Độ khan hiếm nước như vậy thì lại có tới 70 % nguồn nước quý giá từ Hy Mã Lạp Sơn bị lãng phí chỉ vì hệ thống dẫn nước cổ lỗ !
Thế còn tại Việt Nam thống kê chính thức cho thấy hiện tại 92 % dân cư đã có nước ở trong nhà. Tỷ lệ đó chỉ là 52 % vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên theo một tổ chức phi chính phủ của Nhật thì ở thành phố 59 % các hộ gia đình đã lắp máy nước trong nhà, 41 % còn lại vẫn phải sử dụng nước giếng hoặc máy nước công cộng. Tại các làng quê Việt Nam, tỷ lệ nói trên rơi xuống còn 15 %. Điều đáng quan ngại hơn cả vẫn theo tổ chức này, thì không một nơi nào tại Việt Nam, nước ngọt được coi là bảo đảm chất lượng an toàn. Người dân ở đây phải lọc nước và đun sôi trước khi uống.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới Turn Down the Heat vừa được công bố gần đây, nếu như nhiệt độ trái đất tăng thêm 4 ° C thì sẽ có từ 43 đến 50 % nhân loại phải sống ở những vùng khô cằn. Nước bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tất và là khiến có tới 4000 trẻ em tử vong mỗi ngày. Vẫn theo báo cáo nói trên, thiệt hại kinh tế do không có được hệ thống lọc nước an toàn có thể lên tới 7 % GDP của một quốc gia.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130323-nuoc-ngot-nguyen-nhan-gay-xung-dot
No comments:
Post a Comment