Monday, March 25, 2013

Dòng sông ô nhiễm, chung tay hành động cứu các dòng sông


Ô nhiễm sông Sêrêpốk 

Sông Sêrêpốk đoạn chảy qua TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – giáp ranh với huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các nhà máy ven sông xả thải.
Người dân ra sông Sêrêpốk vớt cá chết do bị “ngộ độc” nước thải.
Người dân ra sông Sêrêpốk vớt cá chết do bị “ngộ độc” nước thải.
Có mặt tại thôn 1, xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, Đắk Nông) vào thời điểm sáng sớm và đầu giờ chiều thời gian gần đây dễ dàng nhận thấy mùi hôi thối nồng nặc.
Hai đường dẫn nước thải chảy từ Khu công nghiệp Tâm Thắng qua thôn 1 và thôn 11 dẫn ra sông Sêrêpốk chảy ra sông với lưu lượng khá lớn, tại điểm tiếp giáp với sông màu nước vàng đục sủi bọt và bốc mùi hôi tanh, không có một loài tôm cá nào có thể sống được ở khu vực này.
Chị Nguyễn Thị Hằng – một người dân sống cạnh đường dẫn nước thải tại thôn 1- cho biết mỗi ngày các nhà máy từ Khu công nghiệp Tâm Thắng xả thải hai đến ba lần, chủ yếu vào thời điểm rạng sáng và chiều tối. Vào những lúc này, người dân phải đóng kín cửa, bịt khẩu trang. Người dân ở các khu vực cách xa 5-8km như thị trấn Ea Tling, xã Tâm Thắng… cũng thường phải chịu đựng cảnh ô nhiễm.
“Nhà tôi cách các nhà máy nhiều cây số nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi thối. Mỗi lần khu công nghiệp xả thải là người dân lại khổ sở” – ông Vũ Sinh Quyết, phó chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, nói.
Ông Nguyễn Dưỡng – phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, theo quy hoạch, Khu công nghiệp Tâm Thắng không có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các nhà máy khi đi vào hoạt động đều cam kết xây dựng hệ thống thu gom nước thải khép kín hoặc thuê đơn vị khác thu gom xử lý chất thải, việc một số nhà máy xả ra sông Sêrêpốk là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Ngọc Phòng – giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng cho biết trước việc nguồn chất thải ngày càng nhiều, công ty đã xin chủ trương đầu tư hệ thống thu gom nước thải tập trung, hiện dự án đang trong giai đoạn triển khai. “Nước thải chảy ra gây ô nhiễm sông chủ yếu là từ Công ty cổ phần Mía đường Đắk Nông và Nhà máy sản xuất cồn Đại Việt. Hai đơn vị này đã từng vi phạm về quy trình xả thải và bị xử phạt” – ông Phòng nói.
Cũng theo ông Phòng, Công ty cổ phần Mía đường Đắk Nông đã có biện pháp khắc phục việc xả thải ô nhiễm. Ngày 1/3 ngành môi trường tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định xử phạt Nhà máy cồn Đại Việt vì xả chất thải vượt tiêu chuẩn từ 0,8-4,9 lần (thời điểm lấy mẫu nước xả thải trực tiếp của Đại Việt ngày 28/1). Mới đây UBND tỉnh Đắk Nông cũng có văn bản yêu cầu đơn vị này ngưng việc xả thải và nhanh chóng có biện pháp xử lý để tránh ô nhiễm ra sông Sêrêpốk.
Theo Thái Bá Dũng/Tuổi Trẻ, 12/03/2013

No comments:

Post a Comment