Ăn mừng sự sống
21:24
Photo by Masafumi
Hoa anh đào nở
Sau hai tháng An cư tại quê nhà tôi có dịp trở lại Tokyo đúng vào dịp hoa anh đào chuẩn bị nở rộ. Anh đào nở báo hiệu mùa xuân về, mùa tựu trường bắt đầu trên đất Nhật. Đây là mùa lãng mạn nhất, đẹp nhất xứ này. Gia đình, bè bạn và khách du lịch quốc tế khắp nơi trên những gương mặt tươi cười cũng đua nhau tập trung về đây để có dịp thưởng thức. Hoa cùng với người và muôn loài chan hòa vào nhau trong rừng hoa muôn sắc hương, trong vườn hoa vạn tía nghìn hồng.
“Mùa xuân đến rồi
Hoa anh đào nở
Cùng với muôn loài
Nhạc vũ muôn nơi.”
Sau những ngày cuối cùng mưa lạnh của mùa đông thì khi cái nắng ấm của mùa xuân đến, muôn loài cùng nhau hớn hở hát ca cùng nhiều vũ điệu múa khác nhau để đón nhận những tia nắng ấm đầu xuân và ăn mừng xuân về.
Đặc sắc văn hóa
Hoa anh đào (sakura) có rất nhiều loại, nhiều màu, là quốc hoa của Nhật Bản, là biểu tượng tinh thần võ sĩ đạo, cho đức vô úy, cho sự đẹp giản dị, thanh cao và đức hạnh. Cuối tháng ba, khi những nụ hoa anh đào hé dần thì cũng là lúc người ta chuẩn bị cho Hanami. Hanami là phong tục truyền thống của Nhật để ngắm hoa, đặc biệt là hoa anh đào khi mùa xuân về. Ngắm hoa anh đào có cả một phong cách văn hóa thật đặc sắc và đặc trưng của người dân Nhật. Mọi người treo lồng đèn và chuẩn bị sẵn những việc cần thiết khác như quy hoạch những khu vực trải tấm ngồi để mọi người có thể vừa chơi vừa ngắm hoa, chuẩn bị đèn chiếu (light up) để ban đêm mọi ngời cũng có thể thưởng thức vẻ đẹp của hoa. Khi hoa anh đào bắt đầu nở, chính quyền thành phố có nghi lễ và lễ hội sẽ chính thức chấm dứt khi hoa tàn. Mọi người tụ tập ngắm hoa rất đông nhất là dịp cuối tuần đầu tháng 4 nơi các công viên, bên những bờ sông, bờ vịnh, bờ hồ và góc phố. Từng nhóm bạn, gia đình đều có vị trí của mình để trải bạt, ngồi nói chuyện, ăn uống, nghe nhạc, những nhóm nghệ sĩ nghiệp dư đem theo nhạc cụ biểu diễn cho mọi người thưởng thức, nhưng rất êm ái và không gây ồn ào. Các khán giả cũng rất lịch sự, trân trọng thưởng thức. Nhiều cửa hàng được phép phục vụ đồ ăn nhẹ nhưng không được bán đồ uống có cồn như rượu, bia. Năm nay như tại công viên lớn như Koganei và nhiều nơi khác thì lễ hội chính thức diễn ra 3 ngày, từ thứ sáu ngày 2.4 đến chủ nhật ngày 4.4.
Tôn trọng, nâng niu, bảo vệ và ăn mừng sự sống
Sống ở đất Nhật hai năm tôi có cơ hội học hỏi, chiêm nghiệm và cũng như nhiều lần cùng với câu lạc bộ gia đình đa ngôn ngữ Hippo, gia đình giáo sư Noriko Sentaro, gia đình trường Nokodai, gia đình em Shinya, gia đình cô Susan,…hòa mình cùng dòng người ngắm hoa và thưởng thức cái đẹp do mùa xuân mang đến. Tôi thật sự trân trọng, vui mừng vì ý thức tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống của người Nhật. Ý thức tôn trọng và bảo vệ của chung, ý thức hưởng thụ cộng đồng của dân Nhật rất cao. Có vậy nên dù đi đến đâu ta cũng chỉ thấy môi trường thanh bình, xanh-sạch-đẹp. Tại lễ hội, dù các cành anh đào la đà ngang mặt đẹp vô cùng nhưng không bao giờ có những hành vi như bẻ cành ngắt hoa. Các chú chim cu cứ thản nhiên chạy nhảy bên các em nhỏ đang tung tăng, các chú sóc cũng như các chú chim sâu, chim chích,… tha hồ vui đùa, ca hát. Rác sinh hoạt trong lễ hội cũng được mọi người đem đến nơi tập trung hoặc mang về nhà mình bỏ để không gây ô nhiễm môi trường chung. Ý thức và hành vi này các em được giáo dục từ thời Mầm Non.
Nhạc rộn muôn phương.
Nắng vàng rưc rỡ rải khắp nơi, chẳng những có hoa anh đào mà nhiều loài hoa khác cũng đang thi nhau khoe sắc tỏa hương mọi nơi mà rõ nhất là nơi các công viên. Bên cạnh các loài hoa thì các chú chim-sâu-ong-bướm cùng bao loài khác cũng thi nhau đùa vui ca hát. Dù ở công viên Tokyo, Uneno, Koganei, Tamarien, Fuchu hay Núi Sengen,… Đi đến đâu tôi cũng cảm nhận được tiếng cười xen tiếng hát của bao người và muôn loài trên sân khấu bao la nhiều tầng của thiên nhiên được trang điểm bằng hoa muôn sắc dưới vòm trời đầy sao và có trời trăng làm ánh sáng.
“Bản nhạc giao hưởng
Trong giây hiện tại
Một có tất cả
Quá khứ tương lai.
Nhạc người nhạc trời
Sân khấu mấy tầng
Vang rộn muôn phương
Nhà nhà hạnh phúc”
Tôi thật sự đã nhận ra đây là một lễ hội tôn vinh và ăn mừng sự sống đúng nghĩa của người dân Nhật cùng tất cả những ai may mắn khác. Đây là bước khởi đầu cho một năm phụng sự với nhiều ý nghĩa. Sự sống thật quý giá và tuyệt vời, mỗi phút là một viên ngọc, mỗi giây phút là một cơ hội thiêng liêng để nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm, để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ-giữ gìn môi trường sống, để tôn vinh và ăn mừng sự sống.
Hỡi người đau khổ
Qua thời gian lắng lòng để thưởng thức nhạc và vũ điệu tuyệt diệu ở đây tôi chợt nghĩ đến những người kém may mắn, bất hạnh và còn nhiều đau khổ khắp nơi trên thế giới này và cầu mong họ sớm nhận ra sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ từ nhiều tấm lòng và thông điệp nhắn gửi:
“Hỡi người chán mệt khổ
Bận giận và so tranh
Người khôn quán tự tại
Trong hiện tại nhiệm màu”
Loài người cứ còn mãi hụp lặn trong khổ đau và gây khổ đau cho nhau khi chưa tự biết mình là vô ngã, chưa tự biết mình là lá là hoa nên mãi chạy theo năm dục mà không biết dừng lại. Mong sao những người kém may mắn và đau khổ này bớt bận rộn lại một tí để học trở về với chính mình, hiểu mình, thương mình và nhận ra rằng trong giây phút hiện tại có biết bao điều kiện hạnh phúc mà ta đâu phải vất vả, lao nhọc kiếm tìm. Ta đâu cần phải so bì, mặc cảm hơn thua, đâu cần phải giận hờn và đố kị, ta đâu phải dính mắc vào những chuyện không đâu,… Khi ta hiểu ta rồi ta sẽ biết buông bỏ nhất là buông bỏ tư tưởng chấp trước, ta sẽ biết làm gì để ta có hạnh phúc tốt nhất và hạnh phúc này có ảnh hưởng đến tất cả người ta thương và toàn thể nhân loại.
Sống đẹp, chết đẹp.
Hoa anh đào còn tượng trưng cho lối sống vị tha, đức hạnh, sống đẹp-chết đẹp, sống là cho đâu chỉ nhận của riêng mình khi đã hiểu rõ cuộc đời vô thường và hạnh phúc mong manh như sương khói, nở tàn một cách nhanh chóng. Trong khi nhìn nhìn những cánh hoa anh đào rụng đều trở lại với mẹ đất theo những cơn gió nhìn trông như những cơn mưa hoa tuyết tuyệt đẹp hay như những đàn bướm đang trình diễn vũ điệu “sống hạnh phúc-chết bình an” làm tôi liên tưởng đến tác phẩm nổi tiếng “Âm vang của núi” (Yama no Oto, 山の音, The Sound of the Mountain) của đại văn hào Kawabata Uasunari trong cái suy nghĩ về cuộc đời, cái chết và sự tái sinh cũng như ảo ảnh về cuộc sống vốn rất thực và đẹp. Tôi nghe có tiếng hát thanh thoát vang ra từ đây: những cánh hoa đang trở về trong những thoát hình mới.
“Hỡi người đang tìm kiếm
Sống chết đi về đâu
Hãy nhìn xem em đó
Chuyển biến trong muôn hình”
Tôi chợt nhận ra vô thường (biện chứng, tương tức, vô ngã, vô tướng) là cái duy nhất mà ta có thể nắm bắt hay thực chứng được, là nền tảng của mọi sự sống nhiệm màu này. Không có cái chết thì làm sao có cái sống? Không có cái chết thì làm sao biết sống là quý giá?
Xin tặng mọi người hai bài thơ ngắn sau để cùng dừng lại, nguy ngẫm, thực tập để cùng nhau sống có hạnh phúc hơn mỗi ngày, mỗi phút giây ta đang sống.
"Nói là biết vô thường
Sao lại cứ vấn vương
Thật đã biết vô thường
Thì lòng chẳng vấn vương
An vui cùng hiện tại
Hạnh phúc mãi bên ta"
Xin tặng mọi người hai bài thơ ngắn sau để cùng dừng lại, nguy ngẫm, thực tập để cùng nhau sống có hạnh phúc hơn mỗi ngày, mỗi phút giây ta đang sống.
"Nói là biết vô thường
Sao lại cứ vấn vương
Thật đã biết vô thường
Thì lòng chẳng vấn vương
An vui cùng hiện tại
Hạnh phúc mãi bên ta"
"Bình an hơi thở (Peaceful Breath)
Tâm không mong cầu (Heart of Aimlessness)
Việc tốt không đợi (Good/Meaningful Works, Do It Now (DIN))
Sống đời thảnh thơi (Live a Happy Life)
Ngay trong hiện tại (In the Present Moment)
Giờ này ở đây (Here and Now)"
Tokyo, những ngày đầu Xuân Canh Dần.
http://greenlivingvn.blogspot.com/2010/04/mung-su-song.html
Bài viết và mấy vần Haiku hay quá, Cảm ơn Thuật đã chia sẻ !
ReplyDelete