Thursday, March 21, 2013

Minh bạch- Quan chức làm sao sống với lương?

Phi minh bạch, bất thượng sách!
Thứ Ba, 12/03/2013 19:25 (GMT+7)
Vừa qua, kết quả nghiên cứu của Chương trình hợp tác về Ngân sách quốc tế (IBP) cho thấy Việt Nam nằm trong số 36 nước có thứ hạng thấp nhất về chỉ số công khai ngân sách (Open Budget Index - OBI) khi chỉ xếp thứ 19/100 nước được xếp hạng.
Thực tế cho thấy, không chỉ vấn đề ngân sách mà tất cả các vấn đề liên quan đến việc hoạch định chính sách quốc gia nhất thiết phải minh bạch, rõ ràng nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.Thứ nhất, thông tin thiếu minh bạch dẫn đến hiện tượng "bất đối xứng thông tin", nghĩa là có nhiều luồng thông tin không chính thức xuất phát từ các nhóm lợi ích, tạo nên sự thiếu khách quan cho thông tin.
Điều này khiến việc tiếp cận, xây dựng chính sách trở nên vô cùng khó khăn. Khi Nhà nước không có kênh thông tin chính thức, rõ ràng và chịu trách nhiệm về thông tin ấy thì việc "thông tin méo mó” sẽ khiến không ít cá nhân, tổ chức liên quan "chịu thiệt". Điển hình là bài toán mua bán, xuất khẩu gạo tại Việt Nam.
Hầu hết thông tin về tình hình cung - cầu, giá cả lên xuống của thị trường trong nước, và đặc biệt của thị trường thế giới dường như không đến được nông dân. Thế nên, trong vụ hè thu 2010, hầu hết nông dân đồng bằng sông Cửu Long "tiếc đứt ruột" khi vội vã "bán tháo" gạo lúc rộ mùa, đến khi giá gạo tăng gấp đôi ngay sau đó thì tiếc vì "hết lúa".
Còn mới đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long "tung chiêu" mua gạo theo kiểu "3 loại gạo, 1 loại giá”, trong khi thực tế các loại gạo này có giá chênh lệch khá cao, từ 100 - 300 đồng/kg.
Giải thích cho "hiện tượng" này, tới nay vẫn chưa có thông tin cụ thể, và cũng chưa có sự can thiệp của Nhà nước khi Việt Nam đang theo đuổi mô hình liên kết "4 nhà”.
Nhận định về việc thiếu minh bạch thông tin xuất khẩu gạo, giáo sư C. Peter Timmer (Trung tâm Phát triển toàn cầu) nói: "Một lượng lớn gạo mua bán trên thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam, được giữ bí mật về giá. Nông dân không thể đoán biết thị trường gạo tương lai nếu cung cầu và giá gạo không được minh bạch. Và họ thường bị thiệt ngay cả khi giá thế giới tốt".
Thứ hai, Giáo sư C. Peter Timmer cũng khẳng định: "Thông tin thiếu minh bạch thường đi liền với tệ nạn tham nhũng". Thông tin thiếu minh bạch khiến việc tổ chức, kiểm soát các sự việc, hiện tượng trở nên khó khăn, tạo ra các khe hở và các khoảng trống được lấp đầy bởi các hành vi tiêu cực, trục lợi bất chính.
Điển hình nhất là hiện tượng "Nhà nước ban hành chính sách một đằng, người thi hành làm ra một nẻo", hoặc hiện tượng "phù phép" hợp thức hóa các hiện tượng trái luật.
Trong một nghiên cứu năm 2011 về tham nhũng trong quản lý đất đai của Ngân hàng Thế giới (WB), nguyên nhân cơ bản gây ra tham nhũng tại Việt Nam chính là hiện tượng thiếu minh bạch thông tin.
Theo ông Soren Davidsen (chuyên gia quản lý nhà nước thuộc WB), việc thông tin thiếu sự minh bạch về cơ chế, thủ tục cấp sổ đỏ, quy trình kéo dài tạo điều kiện cho nhiều cán bộ "gây khó dễ” và người dân chấp nhận "lót tay" cho xong việc.
Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra "các tỉnh có tính minh bạch cao về thông tin sẽ có tỷ lệ tham nhũng thấp hơn các tỉnh có thông tin kém minh bạch".
Thứ ba, thông tin thiếu minh bạch khiến việc phát hiện, chỉnh sửa hay thay đổi chính sách, khắc phục hậu quả trở nên rất khó khăn do thiếu cơ sở dữ liệu hoặc cơ sở thông tin không chính xác. Điển hình là trong việc điều chỉnh chính sách, chiến lược kinh tế vĩ mô.
Thực tế, nợ xấu hiện đã và đang tồn tại như một thách thức trong nền kinh tế Việt Nam, làm "đóng băng" nhiều ngân hàng, gây thiệt hại đến nhiều lĩnh vực khác, đồng thời làm tổn thương mạnh nền kinh tế.
Tuy nhiên, tính đến nay Nhà nước vẫn chưa có các chính sách hiệu quả, đặc trị cho thực trạng này. Một trong những nguyên nhân dễ thấy là nợ xấu vẫn còn "chưa rõ ràng". Ngoài Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số được đánh giá là tương đối chính xác thì hiện nay nợ xấu gần như là một "ẩn số” rất lớn.
ĐỖ THIỆN

No comments:

Post a Comment